top of page

Hành trình từ thần đồng tới biểu tượng và thiên tài của Picasso (Kỳ 4)


Con đường của Picasso từ một đứa trẻ thiên tài tới một di sản là câu chuyện của cuộc tìm kiếm chinh phục tới mức tột cùng.


Tài năng, được nuôi dưỡng, cơ hội, cá tính: Picasso có tất cả. Ông rất may mắn. Người nghệ sĩ xuất hiện khi nhiếp ảnh đã thay đổi sự chú ý vào chủ nghĩa hiện thực truyền thống trong tranh. Thế giới nghệ thuật đã chín muồi cho những sự phá vỡ nguyên tắc và thay đổi, András Szántó, nhà xã hội học nghệ thuật ở New York City nói, và truyền thông tung hô nó. Picasso, hiểu rõ vị thế, đã là bậc thầy trong việc tạo dựng hình ảnh cho mình. “Ông ấy hiểu rõ về tài năng của mình,” anh trai của Diana và là cháu của Picasso, Olivier Widmaier Picasso, nói. “Ông ấy hiểu rằng mình sẽ quan trọng trong tương lai.”

Thời kỳ "màu xanh"


Từ sớm, người nghệ sĩ đã bỏ tên cha mình, Ruiz, và lấy tên của mẹ là Picasso cho dễ nhớ. Ông bắt đầu đánh dấu ngày vẽ lên tranh để có thể sắp xếp chúng theo thứ tự. Ông mời nhiếp ảnh gia đến chụp hình ông bên giá vẽ, nhảy với người tình, và chơi với các con trên bãi biển. Năm 1939 Picasso đã lên bìa tạp chí Time , với tiêu đề “Art’s Acrobat” – Nghệ sĩ nhào lộn trong nghệ thuật. Năm 1968, 5 năm trước khi ông mất, tạp chí Life đã dành số đôi 134 trang để viết về ông. Ông có thể sắp xếp tiểu sử của mình, Szántó nói. “Ông ấy chơi trò này rất cừ.”

Hồ chứa nước, Horta de Ebro, 1910.


Di sản của thiên tài là địa vị cao trọng và sự tung hô, thường gắn chặt với sự khổ não cá nhân. Những tính cách thúc đẩy sự sáng tạo của Picasso - từ sự mê đắm công việc tới phá hủy nguyên tắc - đã dẫn tới việc ông được ca ngợi và thậm chí là tôn thờ như giáo phái. Cho tới khi bức “Salvator Mundi” của Leonardo da Vinci được bán hơn 450 triệu USD năm ngoái, bức “Les Femmes d’Alger” giá 179,4 triệu USD của Picasso là bức đắt giá nhất từng được đấu giá. Các triển lãm của Picasso tiếp tục đạt những kỷ lục, như triển lãm ở Blockbuster, London “Picasso 1932—Love, Fame, Tragedy”.

Wang Zhongjun tại bảo tàng Song của mình, bên cạnh bức tranh của Picasso ông mua với giá 29,9 triệu USD


Các tác phẩm của ông gợi cảm hứng cho mọi người, từ nghệ sĩ Allison Zuckerman, người xuất hiện lần đầu tại Art Basel ở Miami Beach tháng 12.2017 tới Wang Zhongjun, trùm truyền thông Trung Quốc thi thoảng vẽ với điều xì gà gắn chặt vào môi và bức tranh Picasso ông mua năm 2015, “Femme au Chignon dans un Fauteuil”, đặt gần đó. Bức tranh được Wang mua với giá 29,9 triệu USD năm 2015. Năm 2017, ông đã mở bảo tàng Nghệ thuật Song ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi ông vẽ và thi thoảng dùng nghệ thuật của Picasso làm nguồn cảm hứng.

Cô gái Pháp Fernande Olivier - người tình, nàng thơ đầu tiên


Nhưng cũng chính chất lượng như vậy đã phá hủy nhiều mối quan hệ của ông. Sợ hãi bệnh tật và cái chết, ông có rất nhiều cuộc tình với phụ nữ, nhiều người trẻ hơn ông vài thập niên, có lẽ để chống lại thực tế mình đang già. Ông khao khát phụ nữ, và tính cách của ông hấp dẫn họ. Picasso có “ngọn lửa bùng cháy, bên trong,” Fernande Olivier, người sống với ông từ 1905 đến 1912 ở Paris nói, “và tôi không thể cưỡng lại thỏi nam châm đó.”

Pablo Picasso và diễn viên ballet Olga Khokhlova - người vợ đầu, 1919


Nhưng ông cũng thuộc loại ghen tuông và ghét phụ nữ, thể hiện những thái độ khiến giờ đây có những cuộc thảo luận công khai về chuyện liệu những hành xử của người nghệ sĩ có nên ảnh hưởng tới cái nhìn về nghệ thuật của họ không. “Suốt cuộc đời ông ấy, phụ nữ bị hi sinh để ông ấy có cảm hứng nghệ thuật,” cây bút tiểu sử Richardson từng nói. Françoise Gilot, họa sĩ và mẹ của Claude và chị gái ông, Paloma, đã gặp Picasso ở quán café Paris năm 1943 khi bà 21 và ông 61. Trong hồi ký, bà nhớ lại Picasso đã gí điếu thuốc vào ngực bà và dọa sẽ ném bà qua cầu Pont Neuf xuống sông Seine. Tình yêu lâu dài nhất của ông là nghệ thuật của mình. Các bi kịch chất chồng sau cái chết của ông, từ những vụ tự sát của người vợ góa Jacqueline và người tình Marie-Thérèse, và cháu trai Pablito.

The Dream 1932 (trái) mô tả người tình 24 tuổi của Picasso là

Marie-Thérèse Walter (phải)


Những đứa con và cháu còn sống của ông có những cảm xúc phức tạp về ông. Marina Picasso, cháu gái (con của Paulo), nhìn nhận ác nghiệt nhất. “Tài năng tuyệt vời của ông đòi hỏi sự hi sinh của con người,” bà viết trong cuốn hồi ký năm 2001. “Ông khiến bất kỳ ai ở gần đều trở nên vô vọng và rồi ông nhấn chìm họ.”

"Tình nhân đau khổ" Dora Maar - nhân tình nổi tiếng bậc nhất của Picasso


Nhưng những người khác, trong đó có anh trai cùng cha khác mẹ của Marina, Bernard, 14 tuổi khi Picasso qua đời, và anh chị em họ trẻ tuổi hơn là Olivier và Diana, những người chưa bao giờ biết Picasso, lại nhìn nhận khác. Trong khi thừa nhận những bi kịch, họ cũng thể hiện sự biết ơn với tác phẩm và khối tài sản ông để lại, những thứ không chỉ ảnh hưởng sâu sắc tới đường hướng cuộc đời họ, mà còn giúp họ không phải lo lắng gì về tài chính.

Năm 63 tuổi, Picasso yêu Francoise Gilot - sinh viên chuyên ngành nghệ thuật.


Olivier đã đồng sản xuất hai bộ phim tài liệu và viết hai cuốn sách về ông. Diana thì với hoàn tất một cuốn catalog đầy đủ về các tác phẩm điêu khắc của Picasso. Và bên cạnh việc quản lý Museo Picasso Málaga, Bernard và vợ, Almine Rech-Picasso, xây dựng quỹ nghệ thuật xung quanh khối tác phẩm của ông mình. “Cuộc đời đầy kịch tính. Chúng tôi không phải là những người duy nhất như vậy,” Bernard nói. “Tôi vô cùng biết ơn về những gì Picasso đã đem lại cho tôi.”

Jacqueline Roque - công nhân xưởng gốm. Hai người duy trì mối quan hệ suốt phần đời còn lại của Picasso


Cuối cùng, hành trình của Picasso từ một đứa trẻ thiên tài tới một di sản là câu chuyện của cuộc tìm kiếm chinh phục tối đa. “Ông ấy hầu như động đến và lật đổ mọi thứ,” Claude nói, khi ông ngồi giữa những bức tranh của cha và mẹ ở nhà mình, vào một ngày đầy nắng. Nhưng khi tôi hỏi ông giải thích về khả năng thiên tài của cha mình, ông trả lời rất đơn giản: “Làm sao tôi giải thích được? Tôi không giải thích. Tôi chỉ hiểu nó thôi. Điều đó rõ ràng với tôi ngay từ khi còn bé xíu.”

Bảo tàng Musée Picasso Paris - nơi trưng bày nhiều tác phẩm của Picasso.


Xem lại:


Bài: Loan Loan - Culture Columnist

Theo Claudia Kalb (National Geographic)


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page