top of page
Ảnh của tác giảLoan Loan

Hành trình từ thần đồng tới biểu tượng và thiên tài của Picasso (Kỳ 3)


Nghệ thuật của Picasso chưa bao giờ chỉ để làm hài lòng người khác. Ông tránh vẽ theo đơn đặt hàng, thay vào đó chỉ vẽ cái mà mình muốn và hi vọng mọi người quan tâm.

Horta de sant Joan 1909


Thế vì sao chúng ta lại thấy các bức tranh ông vẽ hấp dẫn? Khoa học có lý giải. Trong lĩnh vực nghiên cứu về nghệ thuật, thần kinh và sự sáng tạo (neuroaesthetics), các nhà nghiên cứu sử dụng hình ảnh não bộ để hiểu hơn về phản ứng của con người với nghệ thuật - mọi thứ từ bức hoa sung của Claude Monet tới các hình chữ nhật của Mark Rothko.

Picador et Taureau (Picador and Bull), 1959


Trong một nghiên cứu, Edward Vessel, nhà khoa học thần kinh tại Viện thẩm mỹ Max Planck ở Frankfurt, đã chụp các bộ não người, khi họ phản ứng trước hơn 100 hình ảnh nghệ thuật với mức độ từ 1 đến 4, với mức độ 4 là cảm thấy rất xúc động. Không ngạc nhiên lắm, hệ thống thị giác của người tham gia luôn tỏ ra rất chú tâm mỗi khi họ nhìn thấy một bức tranh. Nhưng chỉ những tác phẩm khiến họ xúc động nhất, những bức được xem là đặc biệt đẹp, hay ấn tượng sâu sắc, cuốn hút - mới khởi động mạng chế độ mặc định (default mode network) của não, cho phép chúng ta tập trung sâu hơn, và tiếp cận được những suy nghĩ và cảm giác riêng tư nhất.


Phản ứng đó không phải là bất thường, Vessel nói. “Đó là một tình trạng độc đáo của não.” Trải nghiệm tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa người xem và tác phẩm, khiến cho các tác phẩm trở nên sống động. Nhà khoa học thần kinh và đoạt giải Nobel Eric Kandel, nhà sưu tập nghệ thuật sở hữu 2 bản khắc Vollard Suite của Picasso, cho hay rằng các hình ảnh có tính thách thức, như tác phẩm của Picasso, đưa người xem vào một hành trình sáng tạo với nghệ sĩ. Não người có khả năng tập hợp những chi tiết chưa hoàn chỉnh và tái tạo những hình ảnh tương đối mạch lạc.

Bức Khỏa thân - Những chiếc lá xanh và bầu ngực


Nhưng bằng cách nào? Trong nghiên cứu đang thực hiện, Kandel, đồng giám đốc Viện Zuckerman tại ĐH Columbia , đã chụp não của những người tham gia khi họ hoàn thành một loạt bài tập với các bức tranh hình ảnh và trừu tượng của Rothko, Piet Mondrian, và các nghệ sĩ khác. Cộng sự của Kandel, Daphna Shohamy, nói họ muốn thấy liệu nghệ thuật trừu tượng có tăng hoạt động trong hồi hải mã, tức kho chứa các trí nhớ của não không. Điều này cho thấy ở mức độ sinh học, về mặt trực giác, con người vẽ trên trải nghiệm của họ khi xem và dung nạp nghệ thuật phức tạp.


Từ lâu trước khi môn khoa học này xuất hiện, Picasso dường như đã hiểu cơ chế này. “Bức tranh này chỉ sống qua người đang xem nó,” ông từng nói như vậy. Hành trình đến vĩ đại chưa bao giờ là một sự theo đuổi cô đơn. Picasso đã tìm thấy những bậc thầy sáng tạo của mình tại quán cafe Quatre Gats ở Barcelona, nơi ông kết giao với những nghệ sĩ Tây Ban Nha kinh nghiệm hơn, mỗi người đều đóng góp vào quá trình tiếp nhiên liệu cho những giai đoạn phát triển nhảy vọt như tên lửa đầu tiên của Picasso,” người viết tiểu sử của Picasso và là bạn lâu năm của ông, John Richardson nói. Tại Paris, nơi ông đến vào tuổi 22, Picasso đã đắm chìm trong nhóm trí thức cởi mở, từ nhà văn Guillaume Apollinaire và Gertrude Stein và các nghệ sĩ Henri Matisse, André Derain, và Georges Braque, người sau đó trở thành bạn đồng hành của Picasso trong trường phái lập thể. Băng đảng Picasso đã thúc đẩy sự sáng tạo và nỗ lực cạnh tranh của người nghệ sĩ.


Nhưng những cách ứng xử và cá tính của Picasso vẫn nổi bật. Ông bị ám ảnh và dâng hiến mãnh liệt cho nghệ thuật, mê đắm để trở thành bậc thầy và không bao giờ lùi bước. “Điều đó gần như cài đặt trong não, buộc ông lúc nào cũng phải tích cực,” Diana Widmaier Picasso, nhà lịch sử nghệ thuật và cháu gái của Picasso và Marie-Thérèse Walter, một trong những nàng thơ của Picasso, và ông từng có cuộc tình bí mật, nói. Người nghệ sĩ tìm thấy đam mê ở mọi thứ, khắc con cú, hay con dê vào hòn đá lấy từ biển. Ông tạo gương mặt của khỉ đầu chó sử dụng xe hơi đồ chơi của con, và tạo nên tác phẩm “Cái đầu bò” - “Bull’s Head” nổi tiếng từ chiếc ghế xe đạp và chiếc ghi đông gỉ sét lấy từ đống phế thải. Picasso sản xuất liên tục - từ tranh, gốm, thậm chí cả trang sức. “Ông ấy có khả năng tái tạo bản thân liên tục,” Diana nói. Picasso nói ông không biết vì sao sự sáng tạo từ ông tuôn ra ào ào như thác lũ, nhưng chúng nhảy múa qua đầu ông, những phần rời rạc trở nên hoàn chỉnh qua bàn tay và những nét cọ.


Trí nhớ sắc sảo và khổng lồ của người nghệ sĩ chính là nhà kho của những niềm cảm hứng. “Ông ấy như miếng bọt biển,” Emilie Bouvard, giám tuyển tại Musée Picasso Paris nói. Trong văn phòng của bà, tôi hỏi Bouvard chọn ra tác phẩm thể hiện rõ nhất năng lực khác thường của Picasso. “Tôi cho rằng đó là sự tập hợp,” bà nói, khả năng của người nghệ sĩ chắt lọc qua các tầng lớp trí nhớ - cuộc trò chuyện với một nhà thơ, một cảm xúc đầy ám ảnh trong một bức tranh El Greco, bản nhạc nhục cảm từ Málaga, một lọ sơn trong studio của ông. Khi bà hồi tưởng, Bouvard đưa ra một cụm từ tiếng Pháp faire feu de tout bois (đốt cháy hết mọi thứ). “Đó là sự kỳ tài của Picasso,” bà nói.


Xem lại:


Đón xem: Kỳ 4


Bài: Loan Loan - Culture Columnist

Theo Claudia Kalb (National Geographic)

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg