top of page

Doanh nhân Đặng Hiếu Minh: "Không dám làm gì, ta sẽ chẳng được gì!"

Đấy là lời khẳng định chắc nịch của doanh nhân Đặng Hiếu Minh, một trong những cổ đông chủ chốt nắm giữ quyền điều hành Ana Marina Nha Trang – bến du thuyền quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.


Vị doanh nhân trẻ sở hữu phong thái chững chạc hơn lứa tuổi của mình, điềm đạm vượt qua các câu hỏi một cách mạch lạc, giản dị, dứt khoát.


Xin chào anh! Tôi rất tò mò về dự án xây dựng một bến du thuyền lớn nhất Đông Nam Á. Ý tưởng này đã được thai nghén như thế nào?


12 năm trước, bố tôi - ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch công ty Focus Vietnam Holdings hiện nay - có mua một khu đất xây biệt thự gần biển, chủ đầu tư hứa hẹn cơ sở vật chất sẽ có bến du thuyền, tuy nhiên họ không thực hiện cam kết. Do quá đam mê, bố tôi muốn tự đầu tư làm một bến du thuyền cá nhân, nhưng sau đó ông quyết định sẽ xây hẳn một bến lớn luôn, không chỉ chơi mà còn kinh doanh, vì khi ấy bố tôi sở hữu công ty Focus Travel chuyên về lữ hành. Dự án sinh ra phục vụ du lịch là chính, tuy nhiên quy mô của nó đã trở nên quá to rộng so với dự định của bố tôi ban đầu.

Tại sao phải mất tới 12 năm, Ana Marina mới trở thành hiện thực?


Chủ yếu do vấn đề về giấy phép, vì bến chiếm diện tích vài chục hec-ta mặt biển, liên quan đến tài nguyên môi trường, tài nguyên biển, nên khâu khó khăn nhất là việc xin giấy phép đầu tư, phải mất một thời gian dài xét duyệt, chúng tôi mới được sự thông qua của các ban bộ có thẩm quyền. Nguyên nhân thứ hai là do khi ấy công ty đang có khá nhiều dự án ở Nha Trang, trong đó có 2 khách sạn lớn, nên số vốn đầu tư bị dàn trải, sau đó chúng tôi đã thu xếp chuyển hết vốn về đầu tư cho bến. Thực ra giai đoạn xây dựng lâu nhất không phải trên bờ mà là dưới biển, quá trình đổ đất cải tạo đáy biển, tạo đê chắn sóng, kè bêtông, chống xói mòn..., đúng nghĩa “đổ tiền xuống biển”, tốn hàng triệu USD. Chính thức khởi công từ 2014, nhưng mấy năm trước đó mọi thứ đã phải được chuẩn bị. Ngoài ra, khi mới lên kế hoạch, chúng tôi từng mời một số kỹ sư về marina ở Thổ Nhĩ Kỳ qua. Tuy nhiên họ chỉ là cá nhân, không đủ quy mô và sự chuyên nghiệp như những công ty lớn, nên bị đình trệ trong giai đoạn thiết kế, coi như tiết kiệm chi phí nhưng lại không hiệu quả, đánh đổi khá lớn về thời gian - tiền bạc - cơ hội, đấy quả là một một bài học kinh nghiệm lớn.


“Đổ tiền xuống biển”, hay “Vất tiền qua cửa sổ”? Khi mà bấy giờ, ai cũng cho là công ty anh quá liều trong một dự án thoạt nghe có vẻ vượt ngoài khả năng! Có khi nào các anh mệt mỏi chùn tay, muốn dừng lại hay nhượng lại cho bên khác?


Khi ấy, thu được bao nhiêu từ hoạt động kinh doanh du lịch về khách sạn, lữ hành…, chúng tôi đều dồn hết vào bến, phóng lao phải theo lao, đầu tư quá nhiều rồi, tiếp đó là vì niềm đam mê, sau nữa là muốn làm một điều gì đấy thật ý nghĩa cho du lịch Việt nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Nhờ vậy mà chúng tôi luôn giữ quyết tâm, không hề chùn tay, chỉ nhiều khi phải tạm ngưng trệ do khó khăn về tài chính. Sau khi đã xác định bến du thuyền là hạng mục đầu tư trọng điểm, chúng tôi dồn hết tâm sức cho dự án.


Có những bên muốn mua lại trong thời điểm khó khăn ấy, nhưng chúng tôi nhất quyết không chịu, mà chấp nhận đánh đổi bằng cách bán hết cổ phần các dự án khác. Phải đắn đo suy nghĩ nhiều khi quyết định đánh đổi, vì các dự án đầu tư đều là những đứa con tinh thần quý giá mà chúng tôi “thai nghén” từ bước đầu, khi còn trong ý tưởng, lên bản vẽ đến lúc thành hình, đã phải lăn lộn vất vả ngoài công trường... Nhưng phải đặt lên bàn cân, cái nào mình muốn đầu tư lâu dài, marina rõ ràng là sự khác biệt về loại hình, quy mô, và những gì mà nó mang lại sau này về đường dài. Có những lúc lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính, chúng tôi đã mời một đối tác đầu tư cùng, họ là cổ đông khách sạn từ trước, và đã hỗ trợ chúng tôi nhiều.


Quá trình thực hiện bến rất gian truân, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên nhẫn, bên cạnh sự trường vốn và năng lực. Khi thấy được nét thành hình, hoàn thiện từng ngày, ta cảm nhận được niềm hạnh phúc, phấn khích, tự hào, có thêm động lực để tiếp tục “chiến đấu”. Còn "liều" ư? Tôi không thấy sự liều trong việc xác định xây dựng dự án, mà quả là có chút liều khi quyết định đổ hết tiền vào bến, tuy nhiên mọi cuộc đầu tư đều có % mạo hiểm, biến số, nếu vì sợ mà không dám làm thì sẽ chẳng có được gì.


Người bố của tôi luôn theo đuổi một triết lý: “From Zero to One”. Từ 1 đến N thì ai cũng làm được, còn từ số 0 đến việc có được một nền tảng gì đó, lại là một câu chuyện khác.


Ông Đặng Bảo Hiếu gần như là một huyền thoại trong ngành du lịch ở Khánh Hòa, anh đã kế thừa gì từ người bố của mình?


Tôi rất ngưỡng mộ bố! Xuất thân là thầy giáo dạy tiếng Nga, ông dựng nên cơ đồ từ hai bàn tay trắng. Khi tôi mới 1 tuổi, năm 1988, vì nghề dạy không đủ tiền mua sữa cho con nên bố tôi đi làm hướng dẫn viên du lịch. Trải qua rất nhiều công ty và khách sạn, đến năm 2000, ông tách ra riêng, thành lập công ty với số vốn không bao nhiêu, không nhiều kinh nghiệm thương trường, và cũng đã trải qua lắm thất bại mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Tôi đề cao cách giáo dục con cái của bố, không phải nhà có điều kiện thì muốn làm gì cũng được, mà phải lăn lộn, học hỏi, vượt khó, vươn lên theo thời gian. Tôi rất biết ơn bố đã cho tôi cơ hội để rèn luyện, trau dồi bản thân.


Với Ana Marina, mọi thứ vẫn đang ở bước khởi đầu, anh có thể chia sẻ về những thách thức trong vận hành, quảng bá và kinh doanh bến?


Chúng tôi chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý Marina. Nhận thức của người Việt đối với mô hình khá mới mẻ này còn rất mơ hồ, khái niệm du thuyền vẫn còn khá xa lạ và xa xỉ, cần được truyền thông, phổ cập nhiều hơn để họ hiểu không cần phải có nhiều tiền mới được trải nghiệm, thụ hưởng cơ sở vật chất của marina và du thuyền. Ngoài ra, do khái niệm bến & du thuyền còn quá mới, nên về chính sách chung vẫn còn nhiều điều chưa hẳn phù hợp, cần được cập nhật, thay đổi thêm.


Điều thuận lợi là thị trường du thuyền quốc tế đánh giá rất cao về Ana Marina. 3 năm trước đây, cuộc đua thuyền buồm quốc tế Hong Kong 2017 đã chọn Ana làm điểm đến cuối và tổ chức Lễ trao giải - Gala Dinner, dù khi đó cơ sở vật chất còn chưa hoàn thiện như bây giờ. Dự tính trong tương lai, Ana sẽ là điểm dừng thường xuyên của các giải đua thuyền quốc tế.


Theo tôi biết, dù có diện tích rất lớn, bến Ana Marina vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nếu nhiều du thuyền quốc tế ghé đến?


Bến có 100 chỗ đậu thuyền trong giai đoạn 1 - chiếm 30% tổng quy mô, sẽ mở rộng thêm tùy theo nhu cầu thị trường và tình hình thực tế. Khi mở rộng, tiến độ chắc chắn sẽ nhanh hơn trước vì chúng tôi đã có kinh nghiệm sau quá nhiều “đau thương”. Tôi muốn chia sẻ thêm, trong quá trình xây bến, chúng tôi phải nạo vét, cải tạo lòng biển cho phù hợp, nên việc môi trường biển ở đó bị ảnh hưởng phần nào là khó tránh khỏi. Tuy nhiên sau khi bến đã thành hình, đi vào ổn định, chúng tôi quyết tâm phục hồi hệ sinh thái biển bằng cách cấy lại & chăm sóc các rạn san hô. Hiện tại lòng biển đang khôi phục & phát triển tốt, các đàn cá tôm cua lại trở về, tôi thực sự vui mừng về điều này.


Xin cảm ơn anh và chúc Ana Marina sẽ sớm trở thành bến du thuyền hàng đầu châu Á!


Bài: Navigator Media

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page