Spazio hội nhập với thế giới thông qua gìn giữ và lan tỏa giá trị nghệ thuật thuần Việt
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc gìn giữ và lan tỏa giá trị nghệ thuật thuần Việt là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên thế giới. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội. Trên hành trình tìm hiểu nghệ thuật, Navigator có dịp trao đổi với giám tuyển Lê Phạm Ngọc Minh - đại diện artspace Spazio trực thuộc Dream Holdings cùng họa sĩ Lê Huy Tiếp.
Chào bà Lê Phạm Ngọc Minh và ông Lê Huy Tiếp, ông/bà có thể giới thiệu đôi chút về bản thân mình không?
Giám tuyển Lê Phạm Ngọc Minh (Minh Liên). Ảnh: Spazio cung cấp
Tôi tên là Lê Phạm Ngọc Minh, thường được biết đến với nghệ danh Minh Liên, là một nhà quản lý không gian nghệ thuật, điều phối triển lãm và giám tuyển. Tôi từng học khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình Mỹ thuật tại Trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam. Các nghiên cứu và thực hành của tôi xoay quanh lịch sử mỹ thuật và văn hóa Việt Nam.
Với vai trò mới là giám tuyển của Spazio, tôi muốn mở rộng phạm vi nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, tôn vinh những giá trị mỹ học truyền thống cũng như sự đổi mới đa dạng của thế hệ nghệ sĩ đương đại, đưa nghệ thuật thành chất xúc tác để kết nối, diễn giải và bộc lộ tính đa dạng của đời sống.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó chủ nhiệm Khoa Đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Spazio cung cấp
Còn tôi là Lê Huy Tiếp, là một họa sĩ. Trước đây, tôi từng học hệ Trung cấp khoa Đồ họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; tốt nghiệp ngành Thiết kế Đồ họa và thực tập sinh ngành Hội họa Hoành tráng Tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Stroganov, Matxcơva, Liên bang Nga. Tôi từng có khoảng thời gian dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội từ năm 1975-2001.
Xin được hỏi bà Minh, qua góc nhìn của một người làm nghệ thuật, bà có nhận xét gì về bản sắc văn hóa Việt trong nghệ thuật? Theo bà, những yếu tố nào tạo nên đặc trưng cho nghệ thuật Việt Nam đương đại?
Lịch sử Việt Nam đầy những biến động và văn hóa là một trong những nguyên tố chính bị thương tổn sâu sắc nhất. Chiến tranh, tôn giáo, di dân, cảnh sắc cứ trôi đi, nếu không có sự phản tư bởi con người hiện tại, văn hóa sẽ hoặc lãng quên, hoặc tiêu hủy bởi thời gian.
Nhìn lại lịch sử, ta thấy người nghệ sĩ từ trước đến nay luôn nhận thức vai trò của mình trong việc diễn giải và tôn vinh bản sắc văn hóa. Người nghệ nhân tạo nên những tuyệt phẩm trong kiến trúc đình chùa, cung đình phong kiến vương giả xuyên suốt hàng ngàn năm. Ước vọng tạo dựng nghệ thuật hiện đại từ chất liệu truyền thống mặc cho những biến động thăng trầm; ý niệm thời Đông Dương về lý tưởng phục hưng, giàu tính nhân văn ấy vẫn giữ nguyên đến tận ngày nay. Khi văn hóa tưởng chừng như sụp đổ, người nghệ sĩ truy vấn, giải nghĩa những ẩn ức, phản tư những đứt gãy và đổ vỡ trong khung cảnh hậu chiến. Nhìn nhận lại quá khứ là động lực để thế hệ hiện tại gắng sức gây dựng di sản của chính họ.
Giám tuyển Lê Phạm Ngọc Minh trò chuyện với họa sĩ trong buổi Art Talk thuộc triển lãm "Ngôn ngữ của Nước". Ảnh: Westa
Đặc trưng của xã hội hiện nay là các quá trình tiếp biến văn hóa tạo nên ý niệm “mỗi tác phẩm đều có một đời sống riêng”, nghĩa là không chỉ tác giả mà khán giả cũng góp phần tạo nên đời sống cho tác phẩm. Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy không chỉ nghệ sĩ mà chính khán giả cũng rất coi trọng các yếu tố văn hóa trong nghệ thuật đương đại, vì trong tâm tưởng người Việt nhận thức rõ những mất mát của di sản còn lại nên luôn mưu cầu nhìn lại một quá khứ đã rời xa. Chính những tác nhân đó giúp đời sống tác phẩm tiếp biến và hòa nhập vào dòng chảy văn hóa đương đại.
Trong quá trình làm việc tại Spazio, bà có nhận thấy sự thay đổi nào trong cách các nghệ sĩ trẻ diễn đạt bản sắc văn hóa Việt trong tác phẩm của họ không? Những xu hướng mới gần đây là gì?
Họa sĩ, giám tuyển, không gian nghệ thuật và khán giả dường như trở nên gắn kết hơn nhờ các hình thức tương tác trực tuyến và trực tiếp từ thời kỳ đại dịch. Nhờ vào các giải pháp công nghệ, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã được số hoá, tương tác trực tuyến với triển lãm cũng được đẩy mạnh, giúp một lượng khán giả lớn tiếp cận với văn hoá nghệ thuật Việt Nam, từ đó làm mới những định kiến xưa cũ về văn hoá Việt Nam.
Nếu như ngày trước, nghệ sĩ sẽ tự định danh mình thông qua làm triển lãm ở bảo tàng hay ở một phòng tranh nào đó, thì ngày nay họ độc lập làm việc với các giám tuyển, với sự bảo trợ của những đối tác phi nghệ thuật, lồng ghép nhiều khía cạnh văn hóa, tạo nên những chủ đề độc đáo, cách mạng hóa chất liệu, mở rộng cách đọc và hiểu một tác phẩm nghệ thuật nhằm đưa câu chuyện của họ dễ lan tỏa và chạm đến khán giả.
Giám tuyển Lê Phạm Ngọc Minh và họa sĩ Lê Huy Tiếp trong triển lãm "Tụng Ca Vô Thường" của họa sĩ Hoài Phương. Ảnh: Spazio cung cấp
Hiện nay, nghệ thuật thị giác có nhiều những giám tuyển thử sức ở các lĩnh vực mới. Không chỉ dừng lại ở hội hoạ, thị trường bắt đầu có chỗ đứng riêng ở những lĩnh vực chuyên sâu khác như kiến trúc thực địa, nhiếp ảnh độc bản, phim độc lập, trình diễn đương đại, sân khấu sắp đặt, văn học ngoại biên... điều mà từ trước đến nay chưa có.
Theo tôi được biết, ông Lê Huy Tiếp là họa sĩ tiên phong sáng tác theo khuynh hướng hiện đại – hậu hiện đại, vậy ông nhìn nhận như thế nào về khuynh hướng này và hãy chia sẻ về những đóng góp của khuynh hướng hiện đại – hậu hiện đại cho hội họa Việt Nam.
Tôi không nghĩ mình là một nghệ sĩ tiên phong mà chỉ là một trong những đại diện cho thời kỳ Đổi Mới từ năm 1975-1995. Thời kỳ Đổi Mới trong Văn hóa – Nghệ thuật thực chất đã bắt đầu từ năm 1975, trước khi Nghị quyết V Trung Ương 1985 ban hành.
Có thể nói, từ 1975 đến 1995 là một bước ngoặt về văn hóa và nghệ thuật, khi không chỉ riêng người nghệ sĩ mà từng người trong xã hội được nhìn nhận và nói ra cảm xúc cá nhân. Trước đó, chúng ta ít khi nói đến, hoặc thậm chí không được nói đến cái đau khổ và mất mát của chiến tranh mà nặng nề miêu tả nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Sau năm 1975, nhu cầu biểu đạt cái tôi nhiều hơn, người họa sĩ được tôn trọng quyền tự do sáng tác cá nhân, nhiều văn nghệ sĩ trong những năm 1960, 1970 được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh như một sự vinh danh cho những đóng góp về của họ.
Tác phẩm sơn dầu Cô gái và con chó trắng được họa sĩ Lê Huy Tiếp vẽ vào năm 1975. Ảnh: Spazio cung cấp
Hội họa là một trong những loại hình luôn đi đầu trong các trào lưu đổi mới. Trong thời kỳ này, nghệ thuật tạo hình đa dạng về nội dung cũng như hình thức, tôi có những tác phẩm hơi khác biệt do tôi sống và học tập tại Nga trong sáu năm. Bằng kỹ thuật vẽ sơn dầu phương Tây, tôi sử dụng hình ảnh hiện thực bằng lối vẽ rất chi tiết, kết hợp các yếu tố của phân tâm học và chủ nghĩa tượng trưng trong cách xử lý hình ảnh, cố gắng làm sao tác động những yếu tố thẩm mỹ thị giác vào người xem khi đang hưởng thụ tác phẩm.
Khác với kỹ thuật, triết lý nghệ thuật của tôi đặt nặng vào tư duy của văn hóa phương đông, sự luân hồi trong đạo Phật, nên các tác phẩm của tôi thấy sự sống – trưởng thành – lão hóa – chết. Đó là vòng tròn của cuộc đời, là biểu hiện sự cô đơn tự nhiên trong mỗi chúng ta, giống như trong tranh phương Đông, không gian diễn tả thường rộng lớn và con người bé nhỏ trong đó. Nhưng cho dù đề cập đến cái chết và sự tàn lụi, tranh của tôi vẫn trong sáng, lạc quan.
Theo như định hướng ban đầu, Spazio ra đời với sứ mệnh đưa Việt Nam vươn ra thế giới và đưa thế giới về Việt Nam thông qua nghệ thuật. Vậy đâu là những thách thức và cơ hội mà bà Minh gặp phải trong việc lan tỏa hội họa và chất liệu truyền thống Việt ra thế giới?
Giám tuyển Lê Phạm Ngọc Minh giới thiệu tác phẩm trong buổi Workshop triển lãm "Ngôn ngữ của Nước". Ảnh: Spazio cung cấp
Cùng với sự phát triển vượt bậc trong thị trường nội địa, nghệ thuật Việt Nam hòa nhập với thị trường quốc tế nhanh chóng hơn bao giờ hết. Nhiều nghệ sĩ và giám tuyển Việt Nam tham gia các hoạt động, triển lãm, hội chợ, lưu trú nghệ thuật quốc tế.
Bản thân Spazio chủ động liên lạc và tổ chức triển lãm của những họa sĩ quốc tế thành danh tại Việt Nam. Trong những triển lãm này, chúng tôi kêu gọi hợp tác và đồng tổ chức với các hiệp hội mỹ thuật quốc tế khác nhằm nâng tầm và tạo giá trị cho chủ đề của triển lãm. Ngoài ra, khi trao đổi với họa sĩ, tôi đặc biệt chú ý khéo léo lồng ghép các yếu tố văn hoá bản địa để tạo ra nét riêng biệt, nhưng vẫn giữ được quy chuẩn quốc tế của họ.
Tất nhiên, gói gọn tất cả các giá trị đa tầng của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam là điều không thể, chúng tôi chỉ cố gắng tạo một điểm chạm vừa đủ để qua đó người xem có thêm cảm hứng khám phá và trải nghiệm tự thân.
Vậy, theo ý kiến của ông Tiếp, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nghệ sĩ đương đại có cơ hội và thách thức gì so với các thế hệ họa sĩ đi trước? Ông nghĩ sao về việc các nghệ sĩ hiện nay sử dụng chất liệu văn hóa vào trong sáng tác nhằm lan tỏa hội họa Việt ra thế giới?