"Ngay cả khi không mấy hiểu những gì mình xem, ta vẫn cảm động. Đấy là nghệ thuật!"
Điều gì tạo nên thành công của nghệ sĩ đa năng Takashi Murakami?
"Chúng ta luôn muốn ngắm nhìn những điều mới lạ nhất. Đó là bởi vì chúng ta muốn nhìn thấy tương lai, dù chỉ trong giây lát. Ngay cả khi không hoàn toàn hiểu những gì mình đã chứng kiến, chúng ta vẫn cảm động về nó. Đấy là nghệ thuật!"—Takashi Murakami
Takashi Murakami
Murakami là một nghệ sĩ đương đại - sinh năm 1962, ông là nghệ sĩ đa năng trong lĩnh vực hội họa điêu khắc, phương tiện truyền thông mỹ thuật, kỹ thuật số và thương mại. Ông hợp tác với Louis Vuitton trong nhiều chiếc dịch của hãng. OVAL BUDDHA là bức tượng có giá kỷ lục thế giới, được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất của thế kỷ 21, làm theo đơn đặt hàng của Bảo tàng MoCA (The Museum of Contemporary Art) Los Angeles - USA, cho triển lãm cá nhân của Murakami năm 2007 tại LA.
Lấy cảm hứng từ văn hóa đại chúng Nhật Bản và thế giới truyện tranh, các tác phẩm nghệ thuật ngoạn mục của Murakami đã mang lại cho ông danh tiếng toàn cầu và đã được trưng bày tại các địa điểm uy tín như MOMA của New York, Tate Modern ở London và Château de Versailles. Takashi Murakami cũng là người tiên phong trong việc hợp tác thời trang mang tính biểu tượng của mình, ngày nay ông vẫn tiếp tục khám phá cách tiếp cận này bằng cách đồng sản xuất các cuộc triển lãm với nhà thiết kế Virgil Abloh.
Tại triển lãm mang tên “AMERICAN TOO” vào năm 2018 của cả hai, Murakami và Abloh có sự hợp tác nghệ thuật, truyền thông và sản xuất trong các bức tranh đa chiều, tác phẩm điêu khắc quy mô lớn và hợp nhất các nhãn hiệu và tên thương hiệu của họ. Họ chống lại các ranh giới về thời trang, nghệ thuật và văn hóa đại chúng, làm mờ ranh giới giữa họ một cách khiêu khích.
Cùng với họa sĩ chấm bi, Yayoi Kusama đáng kính, Takashi Murakami chắc chắn là nghệ sĩ nổi tiếng nhất Nhật Bản còn sống. Từ giữa những năm 90, ông đã đặt câu hỏi về sự giao thoa giữa văn hóa Nhật Bản và phương Tây, nghiên cứu xu hướng phổ biến của cả hai thông qua việc chuyển thể hội họa, phim hoạt hình, truyện tranh Nhật Bản, mơ tưởng tình dục và bình luận xã hội.
Mặc dù bây giờ đã 59 tuổi và ông đã gây dựng được một sự nghiệp đồ sộ, Murakami vẫn không ngừng khám phá những cách thức mới để truyền bá thông điệp “Superflat” của mình, đặc biệt là cộng tác với bên làm về thời trang và âm nhạc như Issey Miyake, Marc Jacobs tại Louis Vuitton, Pharrell, và cả Kanye West. “Superflat” được Murakami sử dụng để chỉ các dạng phẳng khác nhau trong nghệ thuật đồ họa, hoạt hình, văn hóa đại chúng và mỹ thuật Nhật Bản, cũng như "sự trống rỗng trong văn hóa tiêu dùng Nhật Bản."
Nghệ thuật qua góc nhìn của Takashi Murakami
Chia sẻ về phong cách và hành trình nghệ thuật của mình, Murakami có nói: “Trước Thế chiến thứ hai, trung tâm của nghệ thuật là Paris, và các nghệ sĩ hàng đầu trong thế giới nghệ thuật đều đặt trụ sở ở đó. Sau chiến tranh, Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism) ra đời. Pop Art được hậu thuẫn bởi sự phồn vinh của nền kinh tế Mỹ sau chiến thắng trong chiến tranh. Điều này cho phép Pop Art phát triển trong những năm 60 và 70! Ở Nhật Bản, sau khi thua trận, chúng tôi thực sự hướng tới và ghen tị với Pop Art. Ngay cả khi nền kinh tế bong bóng đến và có sự tăng trưởng vượt bậc, nó vẫn sụp đổ và trở nên phẳng lặng. Xem xét điều đó một cách nghiêm túc là cách tôi đưa ra khái niệm “Superflat”. Điều đó liên quan đến việc làm phẳng văn hóa.
Vị trí khởi đầu của tôi, trước khi bước chân vào thị trường nghệ thuật đương đại Hoa Kỳ, rất khó khăn. Trong những năm 90, nghệ thuật đương đại của Mỹ phát triển rất mạnh mẽ và tôi cảm thấy mình là một phần của phong trào các nghệ sĩ thế giới thứ ba, như Rirkrit Tiravanija từ Thái Lan hay Felix Gonzalez Torres từ Cuba, cũng như các nghệ sĩ từ Trung Quốc đại lục. Chúng tôi đến từ các quốc gia nhỏ, nhưng đó là một làn sóng, và tôi là một phần của làn sóng đó. Đó là khoảng thời gian tôi học cách hiểu hệ thống này và nó sẽ phù hợp với vị trí nào trong lịch sử nghệ thuật. Khi tôi đến New York, được tài trợ bởi Hội đồng Văn hóa Châu Á, tôi đã xem một buổi biểu diễn của Bob Flanagan tại Bảo tàng Mới (New Museum). Vào thời điểm đó, ông khoảng 36 hoặc 37 tuổi và đã làm việc rất nhiều với những ý tưởng về thuyết bạo dâm. Buổi biểu diễn đó có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi, vì trước đây tôi nghĩ rằng thế giới nghệ thuật chỉ là hội họa và điêu khắc. Những tác phẩm sắp đặt của ông đã gây sốc - có những chiếc dương vật, và thậm chí là tự làm hại bản thân, và trong suốt buổi biểu diễn, ông ngồi trên giường trong một căn phòng của phòng trưng bày và nói chuyện với khán giả. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới đối với tôi, khi xem video của một nghệ sĩ và vợ của anh ấy đều mặc trang phục nô lệ - đó là một thế giới khác. Nó đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ của mình. Trước đây tôi nghĩ mình phải đi theo một con đường nhất định trong lịch sử nghệ thuật, nhưng những nghệ sĩ như Bob đều hướng đến sự độc đáo tuyệt đối. Tôi nhìn lại chính mình và hỏi, "Có gì là nguyên bản về tôi?" Đó là cách tôi tìm thấy phong cách của mình.
Tuy vậy, phong cách nghệ thuật của Murakami lại không được đón nhận tại Nhật Bản, ông chia sẻ: “Tâm lý của người Nhật đối với sự sáng tạo là rất phức tạp, và sau khi thua trong Thế chiến thứ hai, luôn có vấn đề về lòng kiêu hãnh và sự ghen tị. Đó là lý do tại sao, khi tôi thành công ở New York, đã có một phản ứng dữ dội. Mọi người buộc tội tôi ăn cắp văn hóa Nhật Bản. Nhưng Warhol cũng giống như vậy. Đó là lý do tại sao, khi Warhol còn sống, người dân Mỹ ghét ông. Khi tôi nhận được phản ứng tiêu cực ở Nhật Bản, điều đó khiến tôi rất chán nản. Tôi đã có 25 năm chịu áp lực này.
Trong bối cảnh nền kinh tế bong bóng vào cuối những năm 80, một số người kiếm được rất nhiều tiền, nhưng khi nó sụp đổ thì họ mất tất cả. Đã có nhiều vụ tự tử. Hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ hai có nghĩa là đất nước không bao giờ có thể xây dựng được của cải đáng kể cho thế hệ tiếp theo cho đến gần đây. Những người giàu đã trốn sang New Zealand, Singapore và Canada. Vì vậy, đối với Takashi Murakami, trong môi trường văn hóa đó, bưu thiếp và đồ lưu niệm là nghệ thuật.
Ông chia sẻ thêm: “ Khi tôi đến Mỹ và châu Âu, tôi đã rất ngạc nhiên về cách những người siêu giàu trốn đóng thuế. Điều này thật khó hiểu đối với tôi. Một bước ngoặt đối với tôi là cuộc đấu giá Sotheby ở New York, một trong những tác phẩm điêu khắc của tôi được bán với giá 16 triệu USD. Tôi không thể hiểu được. Khi tôi tự mình bán tác phẩm điêu khắc, tôi nhận được 20.000 USD. Và doanh thu bán lại là 16 triệu đô la! Tất nhiên, tôi không nhận được số tiền đó, nhưng ở Nhật Bản, đó là tin tức rầm rộ. Mọi người đã chỉ trích tôi. Anh ta có tiền! Anh ta đang lừa người phương Tây! Anh ấy đang sử dụng văn hóa tình dục và anime kỳ lạ của Nhật Bản! Đây là lý do tại sao đối với tôi áp phích và áo phông lưu niệm và những thứ tương tự trở thành một phương tiện hoàn toàn bình thường để truyền đạt sự sáng tạo của tôi”
Sự giao thoa giữa nghệ thuật và thời trang
Lần đầu tiên Takashi Murakami bén duyên với thời trang là với Issey Miyake vào năm 2000. Ông đã thiết kế cho họ một số hoạ tiết như hình nhãn cầu và một số ký tự. Lúc đó ông chưa thiết kế hoạ tiết hoa. Họ làm áo mưa, túi xách và giày thể thao cho nam giới. Jeff Koons đã từng chia sẻ với Murakami rằng bản thân đã ấn tượng với tay nghề thủ công của Louis Vuitton như thế nào, và Koons có thể cảm nhận cảm xúc trong kỹ thuật thủ công của Louis Vuitton như cảm nhận tác phẩm điêu khắc hoặc tác phẩm nghệ thuật khác của mình.
Tuy nhiên, Murakami chia sẻ: “Trước khi hợp tác với Louis Vuitton, tôi chưa bao giờ nghe nói về hãng này. Nhưng các trợ lý của tôi nói, “Louis Vuitton là một trong những niềm mơ ước của phụ nữ Nhật Bản. Họ yêu thích nó! ” Nhưng tôi không thể hiểu những chiếc túi màu nâu này có ý nghĩa gì. Vào thời điểm đó, Marc Jacobs đã ở đó được ba năm và tôi không thể hiểu được thương hiệu này. Nhưng tôi đã nghĩ rằng trải nghiệm của tôi với họ diễn ra tốt đẹp. Điều thú vị là Jeff Koons đã nói về việc chế tạo, nhưng một điều khác về Louis Vuitton và LVMH là chất lượng truyền thông của họ rất cao. Tôi nhớ khi tôi nói chuyện với Yves Carcelle, ông chia sẻ rằng bản thân thức dậy lúc 6 giờ sáng để làm việc về truyền thông quốc tế, sau đó từ 9 giờ sáng ông bắt đầu các cuộc họp ở Paris, sau đó ông ấy sẽ làm việc thâu đêm cho các sự kiện. Tôi hỏi ông, "Vậy khi nào anh ngủ?", Và ông trả lời, "Trên máy bay!" Có lẽ đây là lý do tại sao ông qua đời khi còn quá trẻ, vì lối sống đó. Và có rất nhiều người làm việc theo cách đó trong công ty, và điều đó tạo ra một mức độ khác nhau về chất lượng giao tiếp và xây dựng. Tôi đã học được rất nhiều về cách tạo dựng thương hiệu từ ông và từ họ. Thương hiệu không chỉ là bán hàng, mà còn là về nghệ sĩ và thương hiệu cá nhân của họ”.
Takashi Murakami đã nhiều lần hợp tác với Louis Vuitton kể từ năm 2002 cùng Marc Jacobs, đây có thể coi là sự hợp tác lâu nhất giữa một hãng thời trang Pháp với nghệ sĩ đương đại Nhật Bản
Sau Marc Jacobs, Murakami còn tiếp tục hợp tác với người kế nhiệm của Jacobs, Virgil Abloh, ông chia sẻ về sự hợp tác của mình: “Chúng tôi đã thực hiện buổi biểu diễn đầu tiên ở London và vì sự thành công của nó, chúng tôi quyết định thực hiện một buổi biểu diễn thứ hai ở Paris. Việc Virgil nhận công việc tại Louis Vuitton vào thời điểm đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng tôi muốn tạo ra các tác phẩm đèn LED và đèn neon cho buổi trình diễn thứ ba. Virgil đến studio của tôi lần đầu tiên cách đây hơn 15 năm cùng với Kanye West. Năm 2017, chúng tôi đã gặp nhau lần thứ hai tại MCA Chicago. Lúc đó tôi vẫn không biết gì về Virgil hay việc cậu ấy là ai. Lần tiếp theo chúng tôi gặp nhau là tại một buổi nói chuyện ở ComplexCon vào tháng 11 năm ngoái, khi Virgil đang nói về giáo dục, và thực tế là khi cậu ấy lớn lên, những đứa trẻ ở Chicago không có cơ hội tiếp xúc với nhiều phòng trưng bày và cửa hàng sáng tạo khác.
Sau đó, Virgil đã chia sẻ sự hợp tác của Louis Vuitton và tôi đã mở ra cho cậu ấy một cái gì đó hoàn toàn mới. Và chưa ai từng nói điều đó với tôi trước đây. Khi tôi thực hiện sự hợp tác đó, thế giới nghệ thuật rất lạnh nhạt, họ thấy nó quá thương mại. Nhưng một trong những biên tập viên của Artforum, Scott Rothkopf, hiện là giám đốc tại Whitney, đã viết về sự hợp tác của tôi. Nó đã lên trang nhất, và tôi cảm giác bản thân như là một phần của lịch sử nghệ thuật. Mặc dù bản thân dự án vẫn không được coi là quan trọng trong thế giới nghệ thuật, nhưng cả Scott và Virgil đều nghĩ nó quan trọng, và tôi rất cảm động. Vì vậy, tôi đã đề nghị hợp tác cùng Virgil, và cậu ấy nói "Vâng, điều này thật tuyệt."
Triển lãm "TECHNICOLOR2", sự hợp tác giữa Takashi Murakami và Virgil Abloh. Hai nghệ sĩ phản ánh sâu sắc các dấu hiệu của thời đại chúng ta đang sống qua tác phẩm của họ, đồng thời làm việc để phá vỡ các phân tầng của nền sản xuất văn hóa.
Tác phẩm tượng Phật oval (OVAL BUDDHA) khổng lồ, cao 5m, bằng thép và nhôm, phủ lá bạch kim, phản ánh cơ thể, tâm trí và tinh thần phát triển - cũng như những khám phá về hiện thực văn hóa, quốc gia, tôn giáo và nghệ thuật của ông, "được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất của thế kỷ 21". OVAL BUDDHA làm theo đơn đặt hàng của Bảo tàng MoCA (The Museum of Contemporary Art) Los Angeles - USA, cho triển lãm cá nhân của Murakami năm 2007, sau đó tác phẩm đã được đưa đến trung tâm Manhattan trưng bày. Phiên bản dát bằng vàng lá, cùng nhiều tác phẩm được trưng bày trong 15 phòng chính tại cung điện Versailles - Pháp, cho triển lãm cá nhân về sự nghiệp Murakami năm 2010. Phiên bản bằng bạc cao 78cm hiện đặt tại bảo tàng nghệ thuật New York.
Câu chuyện về người cha và truyền thống lao động hăng say của Nhật Bản
Takashi Murakami sở hữu cảm quan nghệ thuật độc đáo và đột phá, nhưng ngạc nhiên thay, ông hoàn toàn không phải là “con nhà nòi”. Mẹ ông là một người nội trợ, còn cha ông là một tài xế. Mới đây, khi cha ông qua đời, Murakami mới chia sẻ câu chuyện về cha, người đã nỗ lực hy sinh rất nhiều cho gia đình nhỏ của mình.
Takashi Murakami chia sẻ, bố tôi đã hỗ trợ gia đình hết khả năng với tư cách là một người tài xế. Vào những năm 1960, gia đình chúng tôi sống trong cảnh nghèo đói. Bố tôi không phải là một người thông minh, vì vậy tất cả những gì bố có thể làm là làm việc không ngừng, thậm chí không có thời gian để ngủ. Em trai tôi và tôi chứng kiến bố làm việc như vậy từ bé, và có được sự nghiệp như bây giờ là nhờ ông. Chúng tôi là bản sao của bố; không quá sáng sủa, tất cả những gì chúng tôi biết là làm việc miệt mài, hy sinh giấc ngủ.
Fukujuro Murakami, bố tôi, chỉ nghỉ hưu khi ở tuổi 75. Ông đã lái xe quanh Tokyo vào lúc nửa đêm trong 37 năm với tư cách là tài xế taxi tư nhân, một loại giấy phép độc quyền được cấp cho những người đã làm việc cho một công ty taxi trong 10 năm. mà không có bất kỳ tai nạn hoặc vi phạm nào. Mỗi sáng sớm về nhà, ông đều kể cho mẹ tôi nghe về những lần ông đón các diễn viên nổi tiếng, hoặc về cách một số khách hàng đối xử tệ hại với ông vài lần một tuần. Nghe tất cả những điều này, tôi lo lắng cho tương lai của chính mình, rằng những khó khăn như vậy có thể đang chờ đợi tôi. Dù thế nào đi nữa, đó hẳn là một công việc rất khó khăn, nhưng cha tôi luôn miêu tả nó một cách hài hước, hấp dẫn.
Sau khi nghỉ hưu, ông dành cả ngày trong một căn phòng nhỏ ở nhà để cắt bìa cứng, sơn nó bằng sơn mài, và gắn nam châm vào mặt sau của những đồ vật này, sau đó ông dán vào cửa kim loại. Các mô hình trong những sáng tạo của ông là cá mập, chim bìm bịp, bướm, cú và máy bay ném bom B52, cùng những họa tiết khác. Ông cứ tích lũy dần dần, đến nỗi mẹ tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu, nhưng tôi thấy chúng thật thú vị. Và vì vậy chúng tôi quyết định trưng bày chúng trong một cuộc triển lãm.
Mẹ tôi vẫn nhíu mày và lo lắng rằng chồng bà sẽ tự làm mình xấu hổ, trong khi Fukujuro hăng hái tạo ra nhiều tác phẩm hơn nữa. Cuộc triển lãm đã tiếp tục diễn ra và với sự ủng hộ của mọi người, nó đã khép lại thành công. Trên thực tế, chúng tôi thậm chí đã sắp xếp được lịch cho cuộc triển lãm tiếp theo.
Vài tháng sau, khi bố mẹ tôi đang mua vé ở ga xe lửa gần đó, một phụ nữ trẻ chạy đến và nói: “Ồ! Fukujuro! Tôi đã đến buổi triển lãm của ông! Và nhìn xem, tôi đã mua tác phẩm của ông!”. Fukujuro, tất nhiên rất vui mừng, cười toe toét và rất hãnh diện.
Khi bệnh Alzheimer của Fukujuro ngày càng trở nên tồi tệ hơn, tôi đã biên soạn tất cả các tác phẩm của bố tôi thành một cuốn sách. Thế hệ của chúng tôi, thế hệ được gọi là otaku, đã hiểu rõ thất bại của Nhật Bản trong Chiến tranh Thái Bình Dương thông qua lời nói và hành động của cha mẹ chúng tôi. Do đó, gốc rễ của những tác phẩm chúng tôi tạo ra là cảm giác thất bại to lớn mà cha mẹ chúng tôi đã trải qua và những nghi ngờ mơ hồ và tuyệt vọng mà chúng tôi, con cái của họ, đã giữ về đất nước Nhật Bản. Theo nghĩa đó, tôi nghĩ rằng nếu có ai đó nghiên cứu công việc của tôi trong tương lai, những câu chuyện của cha và mẹ tôi sẽ cung cấp thêm một góc nhìn mới để suy nghĩ về những khoảng thời gian này, vì vậy tôi đã thực hiện cuốn sách này một cách nghiêm túc, cũng như là một lời tiễn biệt với cha.
Vậy điều gì đã tạo nên thành công của Murakami kể cả khi ông không được tiếp xúc với nghệ thuật từ tấm bé và có một xuất phát điểm khiêm tốn? Ngoài tư duy nghệ thuật độc đáo, tính chủ động và khả năng không ngại thử nghiệm dù ở bất cứ lứa tuổi nào, có lẽ phần lớn thành công của Murakami đến từ tinh thần yêu lao động và cống hiến hết mình với công việc từ người cha.
Cha của Takashi Murakami đã dành gần như cả cuộc đời của mình để lao động, kể cả sau khi nghỉ hưu, ông vẫn sáng tạo. Ông là hình mẫu tiêu biểu cho văn hoá chăm chỉ của người dân Nhật Bản. Họ không dựa vào yếu tố may mắn, hay bám vào luận điệu rằng cần có sự thông minh mới có thể có thành công. Họ chỉ miệt mài và bền bỉ lao động, và tinh thần đó chính là tài sản lớn nhất họ có thể dành cho thế hệ tiếp nối.
Bài: Theo fashionnet.vn
Comentários