top of page

Thị trường du thuyền Việt: buổi bình minh đầy năng lượng

Việt Nam đang nổi lên trên bản đồ du thuyền thế giới như một quốc gia đầy tiềm năng cho ngành du thuyền, một điểm đến chưa được khám phá cho các siêu du thuyền. Và buổi bình minh cho ngành du thuyền của chúng ta đang được bắt đầu tràn đầy năng lượng.


Trong bài viết này, tôi, một trong những người đã “lăn lộn” với ngành du thuyền từ những ngày đầu, xin gửi đến bạn đọc Navigator góc nhìn riêng về những bước phát triển của thị trường du thuyền Việt non trẻ.


Những cột mốc nổi bật


Cách đây khoảng 6 - 7 năm, cụm từ “du thuyền cá nhân” vẫn còn khá xa lạ với đại đa số người Việt, khi ấy những thông tin về du thuyền xuất hiện rất hiếm hoi trên các kênh truyền thông đại chúng, và “du thuyền” là từ chúng ta hay dùng để chỉ những con tàu to lớn dài hàng trăm mét hay cập vào cảng Nhà Rồng hay cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.


Thông tin về du thuyền cá nhân rất ít ỏi, bởi lẽ vào thời điểm lúc bấy giờ, đấy vẫn là một khái niệm rất xa lạ. Khi ấy, nếu hỏi về du thuyền, chắc người ta chỉ biết đến ECLIPSE – siêu du thuyền của tỷ phú Abramovich, người sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea, đơn giản vì truyền thông chỉ đưa mỗi tin về chiếc siêu du thuyền này.

Siêu du thuyền Eclipse


Ở thời điểm đó, tại Việt Nam đã xuất hiện những người chơi du thuyền đầu tiên, những thương hiệu du thuyền quốc tế đầu tiên muốn xâm nhập thị trường. Thậm chí một cuốn tạp chí du thuyền đầu tiên do người Việt viết cũng ra đời vào năm 2011. Lúc ấy, dường như xu hướng thị trường, cơ sở hạ tầng và văn hóa du thuyền chưa hình thành, nên những bước đi đầu tiên của những người tiên phong là hơi sớm.


Từ năm 2016, buổi bình minh của thị trường du thuyền Việt mới chính thức bắt đầu. Năm 2016 đánh dấu cột mốc hãng du thuyền lớn đầu tiên của thế giới - Azimut Yachts - đặt chân vào thị trường Việt thông qua một nhà phân phối từ Nga. Đây cũng là công ty nước ngoài đầu tiên về du thuyền có những bước đi thăm dò thị trường.

Siêu du thuyền AVIVA cập bến Việt Nam năm 2019


Đến năm 2017, một loạt các công ty du thuyền của người Việt chính thức ra đời, với hai cái tên nổi bật là Tam Sơn Yachting - nhà phân phối các thương hiệu của tập đoàn Beneteau Group, và công ty Vietyacht phân phối các nhãn hiệu Jeanneau, Prestige Yacht. Trong năm này, thông tin về dự án Ana Marina - bến du thuyền chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam cũng được biết đến rộng rãi. Công ty đầu tư bến du thuyền Ana Marina còn là đơn vị phân phối thương hiệụ Princess Yachts đến từ Anh. Có thể nói 2017 mới là năm khởi đầu chính thức của thị trường du thuyền Việt Nam.


Đến năm 2019, thị trường bắt đầu sôi động hơn khi có sự xuất hiện của các tập đoàn quốc tế như Asiamarine, Fraser Yachts. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn như Ferretti Group hay Azimut Yachts cũng tìm được đơn vị phân phối tại Việt Nam. Năm 2019 còn đánh dấu một sự kiện quan trọng khác của ngành du thuyền: Việt Nam đã có tên trên bản đồ siêu du thuyền thế giới, khi AVIVA - siêu du thuyền dài 99m có chuyến thăm Việt Nam kéo dài 2 tháng.


Vào tháng 12.2019, siêu du thuyền “A” dài 128m cũng dừng chân ngắn ngày tại Vũng Tàu. Bên cạnh đó là sự có mặt của SEAL Superyachts – đơn vị chuyên thực hiện các dịch vụ cho siêu du thuyền cũng có mặt tại Việt Nam. Có thể nói, 2019 là một năm tăng tốc mạnh mẽ của thị trường du thuyền Việt về mặt chất cũng như mặt lượng.


Thị hiếu khách hàng


Khách hàng Việt có nét tương đồng với các quốc gia Đông Nam Á khác trong những ngày đầu tiên của ngành du thuyền, với hai phân khúc rõ rệt: phân khúc cano (motorboat) bao gồm các loại cano có kích thước từ 5 – 10m phục vụ nhu cầu giải trí nhẹ nhàng, câu cá hay các tour du lịch ngắn và phân khúc du thuyền với các du thuyền từ 12 – 17m nhập về theo dạng đã qua sử dụng trong tầm giá trên dưới 1 triệu USD chiếm đa số.


Đến cuối 2019 đầu 2020, các du thuyền mới ở phân khúc 15m bắt đầu được nhập về Việt Nam nhiều hơn. Đa số là du thuyền châu Âu với mức giá từ 1 – 2 triệu USD trước thuế. Nhìn qua những du thuyền được nhập về trong giai đoạn này, ta có thể thấy thị hiếu của khách hàng Việt tập trung vào kích thước tầm trung nhiều hơn du thuyền cỡ nhỏ, do ảnh hưởng từ nhu cầu của những người chơi du thuyền ở thế hệ đầu tiên.


Tuy nhiên, sự có mặt của các hãng du thuyền quốc tế đi cùng các nhà phân phối Việt đã phần nào đem tới định hướng đúng về từng bước phát triển cho khách hàng, khi mà thay vì sở hữu chiếc du thuyền 20m trong lần đầu tiên mua, khách hàng nay đã có những bước tiếp cận hợp lý hơn bằng những dòng thuyền 12 – 15m để dễ dàng nâng cấp. Đây cũng là logic phù hợp với một thị trường du thuyền mới phát triển, bởi sau khoảng 3 đến 4 năm sử dụng, khách hàng sẽ biết được có nên nâng cấp hay không, và ngược lại, sẽ có một lượng thuyền cũ chất lượng tốt trong nước cho các khách hàng tiếp theo.

Brabus Shadow 800


Cũng có một số “siêu phẩm” về du thuyền được nhập về nước trong thời gian 2018 - 2019 như siêu cano Brabus Shadow 800 bản giới hạn 1/20 toàn cầu, du thuyền hai thân cỡ lớn Lagoon 630 MY đầu tiên của châu Á... Điều này chứng tỏ thị hiếu của khách hàng đại gia Việt Nam đâu đó vẫn có sự linh hoạt nhất định để hướng tới việc sở hữu các siêu phẩm “độc lạ” dù rất đắt đỏ cho riêng mình.


Những rào cản tồn tại


Trong suốt quá trình tìm hiểu về du thuyền, gặp gỡ khách hàng, đối tác, câu hỏi mà người viết nhận được nhiều nhất về việc sở hữu du thuyền ở Việt Nam xoay quanh 2 vấn đề: bến bãi & dịch vụ.


Bến bãi là bài toán khó đầu tiên khi ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, các bến du thuyền đủ tiêu chuẩn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một bến đậu đúng chuẩn bao gồm chỗ neo đậu, hệ thống điện nước phục vụ thuyền cùng một số tiện ích đi kèm như clubhouse, nhà hàng cafe… Hiện nay chúng ta còn bị hạn chế ở bến bãi, nhưng không có nghĩa hạn chế đó sẽ tồn tại lâu dài.


Tam Sơn Yachting, một trong các công ty phân phối du thuyền lớn ở Việt Nam đang vận hành 2 bến du thuyền tiêu chuẩn tại TPHCM. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản đang phát triển cũng đi kèm với các bến du thuyền đủ chuẩn - tín hiệu đáng mừng khi trước kia bến du thuyền chỉ dùng để “làm đẹp” cho dự án cao cấp, thì nay các nhà đầu tư đã nhìn ra được nhu cầu rất lớn của thị trường du thuyền và đầu tư bài bản.


Bến du thuyền đáng kể nhất Việt Nam hiện tại phải kể đến Ana Marina - bến du thuyền lớn nhất Việt Nam đặt tại Nha Trang. Ana Marina đã hoàn thiện giai đoạn 1, dự kiến đưa vào khai thác trong thời gian sắp tới với 120 chỗ đậu cho thuyền từ 25m trở xuống và chỗ đậu cho siêu du thuyền 50m, song hành với các dịch vụ chuẩn quốc tế: tiếp liệu, sửa chữa du thuyền, nhà hàng, resort 5 sao…


Nếu hoàn thành giai đoạn 2 của dự án, Ana Marina sẽ là bến du thuyền lớn nhất Đông Nam Á. Sự ra đời của Ana Marina đã mở ra một chương mới cho ngành du thuyền Việt, các công ty du thuyền trên thế giới bắt đầu nhìn vào Việt Nam một cách nghiêm túc. Thậm chí đại diện của SEAL Superyacht còn khẳng định có thể đưa từ 5 - 8 siêu du thuyền sang Việt Nam mỗi năm nếu có bến du thuyền đủ tiêu chuẩn.

Dự án Ana Marina


Ana Marina ra đời cũng góp phần định hướng đúng tiêu chí thị trường du thuyền. Khách hàng sống ở TPHCM hay Hà Nội hoàn toàn có thể giữ thuyền ở Nha Trang và sử dụng khi có nhu cầu. Đây chính là mô hình phát triển du thuyền chuẩn của các quốc gia trên thế giới. Dịch vụ hậu mãi là rào cản thứ hai cho người mua du thuyền, tuy nhiên so với bến bãi thì rào cản này có vẻ dễ giải quyết hơn.


Đầu tiên, các công ty du thuyền ở Việt Nam hiện đều có đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo chuyên nghiệp từ các hãng, đảm bảo việc sửa chữa, bảo hành du thuyền đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, hầu như 80% các hãng cung cấp thiết bị du thuyền đều có đại lý chính hãng tại Việt Nam, đặc biệt là các hãng động cơ du thuyền, nên việc bảo dưỡng sẽ không gặp quá nhiều khó khăn nếu thực hiện đúng theo lịch bảo trì của hãng. Đó là với du thuyền mới chính hãng, còn các du thuyền đã qua sử dụng thì sao, khi mà 70% số lượng du thuyền tại Việt Nam hiện nay thuộc dạng đã qua sử dụng?!


Vấn đề này sẽ khó hơn, nhưng không phải không có lời giải vì hiện nay, đã bắt đầu hình thành sự liên kết giữa các công ty về dịch vụ du thuyền nội địa với các đối tác nước ngoài, điển hình như Dream Yacht Vietnam, một công ty chuyên về dịch vụ du thuyền đã bắt tay cùng đối tác là hãng Asia SuperYacht Development tại Singapore, sẽ hỗ trợ các khách hàng mua du thuyền đã qua sử dụng những vấn đề về dịch vụ, sửa chữa, thay thế các bộ phận liên quan, bên cạnh dịch vụ kiểm định du thuyền trước khi tiến hành hợp đồng - một công đoạn cực kỳ cần thiết cho các vị khách mua du thuyền lần đầu.


Một thị trường tiềm năng


Trước khi Covid ập đến, năm 2020 được dự báo sẽ rất tiềm năng với thị trường du thuyền Việt, khi có nhiều hơn 2 công ty quốc tế đã lên kế hoạch thâm nhập, cùng các dự án bến du thuyền được công bố trong 2019. Trên diện rộng hơn, xứ Việt bắt đầu trở thành điểm đến hấp dẫn cho các siêu du thuyền, khi có ít nhất 2 chiếc trên 80m đã lên lịch đến Việt Nam, cũng như đối với giới yêu du thuyền khắp thế giới.


Tuy nhiên, mọi kế hoạch đều phải tạm ngừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng không phải chỉ toàn tín hiệu xấu, 1 năm chững lại sẽ giúp ngành công nghiệp du thuyền có sức bật mạnh mẽ hơn trong năm tới, khi mà thị trường có thêm thời gian chuẩn bị cho những cú nhảy xa hơn trong 2021.


Bài: Ben Trần - Yachts Columnist

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page