top of page

Nhìn lại cơn khủng hoảng của siêu du thuyền năm 2020 trên thế giới [Kỳ 2]


Ferretti 920


Phần 2SIÊU DU THUYỀN “VỪA ĐỦ DÙNG” LÊN NGÔI


Nếu bạn muốn nổi tiếng nhanh chóng về độ thành công, hãy mua siêu xe, siêu xe càng độc bạn càng nhanh nổi tiếng. Như Manny Khosbin - doanh nhân bất động sản gốc Iran đến từ Mỹ. Manny có tài sản khoàng 90 triệu $ và 1/3 số đó đổ vào siêu xe. Bộ sưu tập của Manny cực kì khủng với các siêu phẩm siêu siêu xe “1 on 1” của Hermes, giúp Manny rực sáng trên bầu trời Youtube và cũng góp phần lớn trong thành công về kinh doanh của ông. Câu chuyện của Manny là điển hình của thành công trong giới siêu xe, khi mà ông sử dụng đam mê của mình để biến nó thành một công cụ marketing cực kì hiệu quả cho bản thân và cho công việc của mình. Nhưng đó là công thức của siêu xe, và công thức này khó áp dụng được cho giới siêu du thuyền bởi hai lý do sau.


- Đầu tiên: siêu xe dễ PR hơn siêu du thuyền bởi sự phổ cập và nhiều thông tin, và người ta dễ bắt gặp hơn. Bạn thử google chữ “Bugatti Chiron Hermes Edition”, sẽ cho ra vài mươi trang kết quả, chục cái clip, trăm bài mô tả. Từ con đường đó, người ta sẽ nhanh chóng tiếp tục google tới Pagani Huyara Hermes Edtion và cuối cùng là tới Manny. Tương tự, bạn Google “Excellence yacht”, sẽ chỉ ra số kết quả bằng 1/10 so với chiếc Chiron, cũng rất ít thông tin về chủ nhân của nó được chia sẻ và người đọc sẽ lạc lối khi không có nhiều thông tin, hơn nữa chiếc siêu du thuyền quá lớn để một người không chuyên sâu có thể tìm hiểu.


- Thứ hai: những người sở hữu nhiều siêu du thuyền thường không có nhu cầu PR rộng rãi, họ có nhiều công cụ khác, và nếu sở hữu một series siêu du thuyền rồi thì đôi khi việc kiếm tiền không còn là vấn đề lớn. Quay lại chủ nhân của chiếc “EXECELLENCE”, tỷ phú Herb Chamber sỡ hữu tài sản gấp 20 lần Manny, số lượng du thuyền ông đã và đang sở hữu là 7 chiếc. Tất cả đều được đặt một cái tên duy nhất “EXCELLENCE”. Lúc cao điểm ông có đến 4 chiếc du thuyền một lúc, mỗi chiếc đặt một nơi và tát cả đều trên 50m. Nhưng hiện tại, ông chỉ còn một chiếc EXECLLENCE mới đóng để tại Châu Âu và một chiếc Mangusta 35m để tại Mỹ. Và ví dụ của Herb cũng là điển hình cho concept “vừa đủ dùng”.

SA 120 Sport - Acardia A105 - Azimut Grande Trideck


Quay lại câu chuyện ở phần 1, khi tôi bảo rằng người ta bắt đầu bỏ chạy khỏi thế giới siêu du thuyền vì đó không còn là cuộc đua về độ to, độ dài nữa. Họ bắt đầu chú trọng đến hình dáng, công năng, và quan trọng nhất là về chi phí. Một chiếc du thuyền 50m sẽ cần thuỷ thủ đoàn khoảng 10 -15 người, chi phí tiền lương cho thuỷ thủ đoàn này ngót nghét tầm 1 - 1,5 triệu $/ năm. Chi phí bảo dưỡng, nhiên liệu, chi phí bến bãi, đăng kí, thủ tục và hàng tá các chi phí khác. Ngoài ra, sẽ phải trả thêm cho một công ty quản lý để vận hành chiếc du thuyền của mình. Cứ như thế, mỗi năm chủ thuyền tốn tầm 3 - 4 triệu $. Nếu không cho thuê, thì chi phí này coi như mất. Và cứ mỗi 10m thuyền thì lại cộng thêm chừng 1 triệu $ vào con số trên. Hay nếu quy ra đơn vị tính là siêu xe, thì mỗi năm chủ thuyền 50m sẽ mất một chiếc Bugatti Chiron Hermes Edition. Ở thời hoàng kim của du thuyền, con số này chẳng đáng là bao, nhưng sau vài cuộc khủng hoảng kinh tế, người ta bắt đầu nghĩ đến việc tại sao phải bỏ tiền ra một cách kinh khủng như vậy, vì ngày xưa thị trường cho thuê du thuyền chưa phát triển mạnh như bây giờ. Còn hiện tại, du thuyền 50 - 100m cho thuê rất nhiều với chi phí từ 1 - 3 triệu $/ tuần, trong khi mỗi năm, một tỷ phú rảnh lắm cũng chỉ có tầm 1 tháng để đi chơi trên du thuyền. Hơn nữa việc đi thuê giúp họ có nhiều trải nghiệm với những du thuyền khác nhau tại nhiều điểm khác nhau mà không phải sắp lịch cho chiếc du thuyền của mình di chuyển, lại đỡ tốn thêm một khoản tiền.


Azimut Grande S10 - Benetti OASIS 140 - Cantiere Delle Marche Explorer 41m


Thay vào việc sở hữu những chiếc du thuyền trên 50m, các triệu phú, tỷ phú lại có xu hướng muốn mua những mẫu nhỏ hơn từ 30 - 40m nhưng vẫn trang bị đầy đủ những gì họ cần. Những chiếc du thuyền cỡ nhỏ này được đặt “trước nhà” - tức gần nơi họ sinh sống để phục vụ các nhu cầu giải trí cuối tun. Người ta không cần một chiếc du thuyền 5 tầng, thay vào đó chỉ 3 tầng là đủ. Vẫn rộng rãi, 5 cabin thay vì 10 như trước. Vẫn có phòng gym, bể sục jacuzzi, quầy bar, bếp với đầy đủ dụng cụ, cabin vẫn nằm ở boong chính đón ánh mặt trời, vẫn có jetski, tender, seabob và dĩ nhiên là một quầy bar sang trọng trên boong flybridge cho những buổi tiệc. Họ cũng không cần phải đi quá xa xôi, chỉ cần chiếc du thuyền có bình nhiên liệu đủ cho tầm 500 - 700 hải lý thay vì 5000 - 7000 như trước kia. Chiếc du thuyền “nhỏ” này giúp họ tự “cách ly” mỗi khi cần, hay đơn giản là cuối tuần lên đó thư giãn 2 ngày rồi quay trở lại công việc. Còn khi nào có thời gian và muốn đi xa hơn thì họ sẽ thuê. Việc sở hữu những chiếc thuyền 30 - 40m cũng giúp họ cắt giảm rất nhiều chi phí, ít nhất là 50% so với việc sở hữu du thuyền trên 50m. Chi phí mua cũng rẻ hơn, chỉ tầm 15 triệu Euro, thời gian chờ cũng chỉ tầm 12 tháng thay vì 24 - 30 tháng như du thuyền cỡ lớn.


Và đó là lúc concept du thuyền “vừa đủ dùng” lên ngôi!


Mangusta Gransport 33 - Pershing 140 - Sanlorenzo SL102 Asymmetric


Nói là “vừa đủ dùng”, nhưng không phải là giới siêu giàu tuỳ tiện có gì mua nấy. Họ vẫn đòi hỏi thuyền phải đẹp, công năng phải nhiều, không gian phải đủ lớn và quan trọng vẫn phải mang dáng dấp của siêu du thuyền. Tuy anh chi ít nhưng muốn anh mua cũng phải chơi lớn! Size 30 - 40m không phải là điểm mạnh của các “ông lớn” như Lurssen, Feadship, Oceanco hay Aberking &Ramussen…, để các “ông” này đóng thì phải 60m trở lên. Nên đây là lúc các hãng đóng theo series sẽ lên ngôi, cụ thể là 4 cái tên: Azimut – Benetti, Sanlorenzo, Ferretti Group và cuối cùng là Sunseeker. 3 anh đến từ Ý, 1 anh đến từ UK. Azimut có Grande series - từ 25m - 35m đóng bằng vỏ GRP (sợi thuỷ tinh), ưu điểm là chạy nhanh hơn vỏ nhôm. Nội thất được chăm chút hơn vì được những nhà thiết kế hàng đầu của Ý tạo nên. Nếu không thích Grande và rủng rỉnh hơn, khách sẽ chọn các dòng mới ra củaBenetti như Oasis, Fast hay Veloce . Sanlorenzo có dòng SD và SL vỏ nhôm khá thành công (đã đề cập ở phần 1) với thiết kế cổ điển, ít bị để ý. Hay gần đây họ có dòng Alloy 44 cũng được khách hàng quan tâm.Ferretti có Custom Line chuyên cho thuyền từ 30m đổ lên khá đồ sộ, hoành tráng. Thời trang và đẹp hơn thì có Riva hay Pershing. Đặc biệt Pershing dạo gần đây thiết kế đẹp “thôi rồi”. Còn Sunseeker chỉ có 116 và 131, mới đây có thêm Ocean Club. Doanh số của 116 & 131 khá cao, giúp Sunseeker đứng thứ 10 trong các hãng đóng siêu du thuyền toàn cầu.


Điểm chung của các hãng trên là họ bắt đầu thay đổi hoàn toàn các thiết kế và series của mình kể từ năm 2015 trở về đây, họ nắm bắt nhanh hơn nhu cầu của khách hàng, liên tục ra model mới mỗi năm và liên tục cải tiến phân khúc trên 30m. Điều này kéo theo sự thay đổi cho các series nhỏ hơn của các hãng khi được thừa hưởng những cải tiến của các series lớn. Những dòng du thuyền 20 – 30m trong 3 năm trở lại của các hãng trên cũng cực kì ấn tượng, điển hình như dòng SX của Sanlorenzo hay Predator và Sport Yacht của Sunseeker đều được thừa hưởng những cải tiến vốn chỉ có trên các dòng từ 30m. Và người được lợi chính là khách hàng.

Sunseeker 131 Superyacht - Dynamiq GTT 115 - Porsche - Tecnomar Lavie 120 Ice White


Một điểm quan trọng nữa quyết định đến việc thay đổi mạnh mẽ của các hãng đóng series bên cạnh việc giới siêu giàu quan tâm đến thuyền nhỏ hơn, đó là tệp khách hàng của du thuyền bắt đầu mở rộng, cụ thể ở đây là Châu Á. Triệu phú châu Á ngày một nhiều lên, Ả Rập, Trung Quốc, Hồng Kong, Nhật, Singapore & Thái Lan trở thành những vùng đất màu mỡ cho các hãng siêu du thuyền cỡ nhỏ. Nhu cầu tăng cao, tệp khách hàng mở rộng và đòi hỏi thì ngày một cao đã làm cho cuộc đua ở tốp này bỗng dưng sôi động từ năm 2015 tới nay. Và trận chiến này cũng bắt đầu xuất hiện các “tay đua” mới như Numarine, Tecnorma hay gần đây là Dynamiq yacht - những hãng có các dòng du thuyền 30m khá ấn tượng. Đắt hơn và độc hơn một chút trong phân khúc này có Palmer Johnson, ISA, Cantiere Delle Marche hay Mangusta. Cùng với một vài hãng độc lập nhỏ nữa như Acardia hay Dreamline, cuộc đua ở phân khúc này chưa bao giờ hấp dẫn như vậy. Đấy, ví dụ trên là cực kì rõ ràng cho việc phân khúc “vừa đủ dùng” đã lên ngôi như thế nào


Sự thay đổi của các hãng du thuyền hướng về châu Á còn chứa đựng một yếu tố nữa ở tầm cao hơn: đó là việc thay đổi chủ sởhữu của các hãng du thuyền. Sunseeker được mua lại bởi Dilian Wanda của Trung Quốc, Ferreti Group cũng được mua 75% cổ phần bởi Shandong Heavy Industry của Trung Quốc, hay ở phương diện lớn hơn, Oceanco được một tỷ phú Oman mua lại năm 2010. Và dĩ nhiên, những thương vụ trên tạo ra một loạt các thay đổi tích cực cho thị trường du thuyền như đã nói ở trên, nhưng nó cũng tạo ra những mặt kém tích cực đến từ châu Âu, tôi đã từng nghe một người Ý nói về việc này với quan điểm khá tiêu cực, nhưng trong khuôn khổ bài viết này tôi sẽ không bàn tới, vì điều tôi quan tâm và muốn truyền tải là sự tích cực mà những thương vụ trên mang lại cho thị trường.

Dreamline 34


Khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường du thuyền từ 40 - 60m bắt đầu đón nhận một làn gió mới đến từ chính các hãng trên. Nhiều bộ sưu tập cho phân khúc này bắt đầu rục rịch ra mắt như B-Now của Benetti, dòng Explorer của Sanlorenzo hay gần nhất là Ocean Club của Sunseeker. Những dòng sản phẩm này đã tạo sự dịch chuyển dành cho chính đối tượng khách hàng 30 - 40m trước đây. Khi họ muốn nâng cấp, phải có người đem sản phẩm đến cho họ. Hay các hãng đóng siêu du thuyền cũng bắt đầu quan tâm lại phân khúc này như Hessen, hay mới nhất vừa rồi là chiếc “SOARING” 60m được Aberking & Rasmussen hạ thuỷ & bàn giao cho chủ. “SOARING” cũng là siêu du thuyền duy nhất được hạ thuỷ và bàn giao trong mùa dịch Covid năm 2020.


Khi ngành siêu du thuyền thế giới đang bắt đầu phát triển trở lại thì Covid nó đã tấn công quá nhanh. Nếu cứ tiếp tục đà này,cơn khủng hoảng siêu du thuyền lần 2 sẽ nhanh chóng trở nặng, kéo dài qua 2021 – 2022, và ngành siêu du thuyền sẽ tiếp tục mất vài năm để quay trở lại như lần trước.


Tạm kết phần 2: Lẽ ra trong năm 2020 sẽ có nhiều dự án du thuyền lớn hạ thuỷ và nhiều mẫu mới ra mắt. Nhưng dịch bệnh đã khiến mọi thứ đổ bể, mùa du thuyền ở châu Âu thường bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài hết tháng 12.2020 cũng “coi như xong”. Nói chung 2020 là một năm buồn cho tất cả mọi người chứ không riêng gì ngành nào. Trong Phần 3, tôi sẽ viết về thị trường du thuyền dưới 30m - một chủ đề hấp dẫn khi mà phân khúc cỡ nhỏ sẽ có nhiều thứ để đọc hơn.


Hình: Các siêu du thuyền cỡ 30 - 40m mà người viết đánh giá là đẹp nhất hiện nay.


Bài: Ben Trần - Yachts Columnist


Commenti


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page