Leonardo da Vinci: Họa sĩ vĩ đại có niềm đam mê nghiên cứu khoa học
Cùng với Michelangelo và Raphael, Leonardo được công nhận là một trong những trụ cột dựng nên sự vĩ đại của thời kì Phục Hưng Ý.
Sinh ra vào năm 1452 và bước chân vào thế giới nghệ thuật từ khi thời kì Phục Hưng vừa mới chớm nở, Leonardo vẫn giữ vững phong độ xuyên suốt sự nghiệp của mình và không hề tỏ ra thua kém so với những hậu bối. Với những tác phẩm tranh vẽ kinh điển như Mona Lisa, Vitruvian Man... Leonardo da Vinci không chỉ là một họa sĩ vĩ đại mà còn là một nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, kĩ sư và nhà toán học tài năng nhất trong lịch sử nhân loại. Nhiều nghiên cứu khoa học và giả thuyết của ông sau này được các chuyên gia thừa nhận đi trước thời đại, còn các tác phẩm nghệ thuật của ông trở thành những tượng đài trong thế giới nghệ thuật.
Vậy chúng ta đã biết được gì về đời sống của bộ não thiên tài này? Niềm đam mê không ngừng với kiến thức đã đưa trí óc sáng tạo của ông đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau đây là 10 sự thật thú vị về ‘Renaissance Man’ Leonardo da Vinci.
1. Không có phần họ trong tên
Người ta hay nghĩ trong phần họ và tên đầy đủ của ông thì phần họ là “da Vinci”, nhưng sự thật lại không phải như thế. Da Vinci dịch sát nghĩa là “thuộc về Vinci,” chính là quê hương của ông. Cách đặt tên này rất phổ biến vào thời đó. Vào giai đoạn mà Leonardo sinh sống, tên họ theo gia đình chỉ phổ biến ở giới thượng lưu và không được phổ thông hóa cho đến giữa thế kỉ thứ XVI. Đó là lí do mà nhiều bảo tàng và sách học thuật chỉ gọi ông là Leonardo.
2. Là một người con ngoài giá thú
Ông là con riêng của Ser Piero, một công chứng viên giàu có xứ Florentine với một nữ nông dân nghèo tên Caterina. Mẹ Leonardo sau này cưới một nghệ sĩ khác không lâu sau khi hạ sinh ông.
Leonardo được đối đãi như một đứa con 'ngoài luồng' của Ser Piero và lớn lên trong một biệt viện gia đình của cha đẻ. Ông có 12 anh chị em cùng cha khác mẹ, tất cả đều nhỏ tuổi hơn ông và cũng không có mối quan hệ quá thân thiết với nhau.
3. Không nhận được nền giáo dục hoàn chỉnh
Mặc dù là một thiên tài, nhưng Leonardo không học được nhiều thứ ở các trường lớp chính thống. Ông chỉ tiếp thu những kiến thức cơ bản để đọc, viết và làm toán, nhưng đa số các kiến thức chuyên sâu sau này là do ông tự mày mò.
Ví dụ như Latin, loại ngôn ngữ học thuật thời đó, chủ yếu là do ông tự học. Và đến những năm 30 tuổi, ông mới dành thời gian để học toán nâng cao, chủ đề mà sau này trở thành đam mê trong suốt cuộc đời của Leonardo.
4. Không dành nhiều thời gian cho việc vẽ
Mặc dù Leonardo được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất lịch sử, nhưng ông có khá ít tranh vẽ. Trên thực tế chỉ còn 17 tác phẩm tồn tại đến ngày nay do chính ông sáng tác. Một phần là vì ông luôn bận rộn với những nghiên cứu khoa học và các vấn đề liên quan đến kiến trúc, nên ông thường không nhận vẽ theo yêu cầu hay tự mình sáng tạo.
Một số tác phẩm nổi tiếng của ông, như bức The Battle of Anghiari and Leda chỉ được biết đến thông qua những bản sao chép hay phác thảo của những họa sĩ khác, khi mà bản gốc đã bị thất lạc, phá hủy hay bị thời gian tàn phá. Mặc dù chỉ còn một số bức được giữ nguyên vẹn đến bây giờ nhưng không thể phủ nhận những ảnh hưởng to lớn của ông đến thế giới nghệ thuật ngày hôm nay và cả những thế hệ sau này.
5. Bắt đầu học việc từ tuổi 15
Là một điều phổ biển thời đó, Leonardo bắt đầu học nghề nghệ thuật từ thời thiếu niên. Nhờ vào danh tiếng của bố, ông đã may mắn có được cơ hội học tại studio của một trong những nghệ sĩ được trọng vọng nhất thời bấy giờ, Andrea del Verrocchio.
Chính tại đây, ông không chỉ được học những khái niệm cơ bản trong tranh vẽ và điêu khắc, mà còn có cả những kiến thức về kiến trúc và kĩ thuật vẽ. Trong đó bao gồm hóa chất, vẽ phác thảo, luyện kim và gia công kim loại. Cũng vào thời điểm đó, ông cũng chính thức làm việc tại workshop của Antonio Pollaiuolo ở gần studio.
Đến năm 20 tuổi, ông được nhận vào hội họa sĩ của Florence nhưng vẫn dành ra 5 năm học hỏi Verrocchio trước khi tự tìm ra lối đi riêng của mình.
6. Bị cuốn hút bởi giải phẫu học
Niềm đam mê kiến thức của Leonardo đã đưa ông đến với việc tìm hiểu về cơ thể con người. Không muốn dừng lại ở những gì đã được biết đến từ trước, ông luôn cố tìm hiểu những kiến thức chuyên sâu hơn bằng cách thực hiện hơn 30 cuộc giải phẫu cơ thể người tại các bệnh viện ở Milan, Florence và Rome.
Niềm đam mê với giải phẫu học của ông phát triển đến mức nó trở thành một lĩnh vực riêng mà Leonardo theo đuổi, tách biệt hoàn toàn với thế giới nghệ thuật. Từ đó, ông không chỉ có hứng thú với cấu trúc giải phẫu học, mà còn nghiên cứu thêm về sinh lý học. Bức vẽ miêu tả cách bộ não, trái tim và lá phổi hoạt động như là cốt lõi cơ thể con người cho đến nay vẫn là một trong những thành tựu lớn nhất của giới khoa học. Chính những bức tranh vẽ đề tài giải phẫu học của ông là nền tảng cho các hình minh họa khoa học thời hiện đại.
7. Được Bill Gates mua sổ ghi chép
Với niềm đam mê lớn lao với kiến thức như vậy, không quá bất ngờ khi ông sở hữu một kho tàng ghi chép quý giá. Nhiều bản viết của Leonardo được sở hữu bởi những tổ chức chuyên nghiệp như Thư viện Anh hay Bảo tàng Victoria & Albert. Riêng quyển Leonardo’s Codex Hammer, hay còn gọi là Codex Leicester, được nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates mua vào năm 1994 với giá 30.8 triệu USD.
Quyển sổ ghi chép dày 72 trang được soạn thảo từ năm 1506 đến 1510. Trong đó là những bài viết khoa học về tất cả mọi thứ trên đời: Lý do vì sao bầu trời lại có màu xanh, độ sáng của mặt trăng, cách mà nước di chuyển và cách mà hóa thạch được tạo ra.
8. Không thể hoàn thành tác phẩm vĩ đại nhất vì chiến tranh
Leonardo nổi tiếng nhất với những bản vẽ kinh điển như Mona Lisa hay The Last Supper, nhưng thật không may, tác phẩm vĩ đại nhất của ông chưa bao giờ được thực hiện.
Năm 1482, Leonardo rời Florence để tới Milan với mục tiêu thiết kế bức tượng người cưỡi ngựa khổng lồ để tri ân Frances Sforza. Nếu hoàn thành, nó sẽ lớn hơn cả hai bức tượng cưỡi ngựa đương thời của Donatello và thầy của Leonardo, Verrocchio.
Được đặt mua bởi con của Sforza, công tước Milan, nó sẽ có chiều cao hơn 16ft và được đặt tên là Gran Cavallo (Ngựa Vĩ đại). Leonardo đã dự định dành hơn 17 năm nghiên cứu cho dự án này. Sau 12 năm đầu thiết kế, đến năm 1943, một mô hình bằng đất sét của tác phẩm điêu khắc đã ra đời. Ngay sau đó, Leonardo tiếp tục suy nghĩ kế hoạch chi tiết để tạo ra bức tượng bằng đồng.
Tuy nhiên, lượng kim loại lẽ ra được dùng cho tác phẩm của ông lại bị sử dụng để tạo ra những khẩu pháo nhằm đối phó với mối lo sợ xâm lược từ nước Pháp. Vị công tước Milan bị tước ngôi vào năm 1499, còn mô hình đất sét thì bị quân Pháp phá hủy sau khi chiếm được thành phố. Một tác phẩm đáng lẽ sẽ trở thành một trong những kì quan vĩ đại nhất thời kì Phục Hưng.
9. Từng đóng vai trò là một kiến trúc sư và kỹ sư quân sự
Một vài năm sau khi kết thúc dự án tượng người cưỡi ngựa dang dở, Leonardo đồng ý hợp tác với Cesare Borgia, con trai của Giáo hoàng Alexander VI, chỉ huy của lực lượng quân sự papal và được biết đến với cách cai trị tàn độc mà ông áp đặt lên một số thành phố tại Ý nhằm thống trị nó.
Leonardo dành 10 tháng với chức vụ “Trưởng kiến trúc sư quân sự” và “Tổng công trình sư”. Từ đó, ông đến nhiều thành phố dưới sự cai trị của Borgia để khảo sát chúng. Ông đã tạo ra nhiều bản quy hoạch thành phố và bản đồ địa hình, mở ra nền tảng cho lĩnh vực bản đồ học đương đại.
10. Dành khoảng thời gian cuối đời tại Pháp
Khi Leonardo 60 tuổi, ông bị ép rời khỏi Milan do những biến động về chính trị. Sự kiện này đã đưa ông tới Rome, nơi ông được tiếp đón bởi Giuliano de’Medici, em trai của Giáo hoàng. Mặc dù Leonardo mong muốn tìm công việc tại Rome, ông chỉ được trao tiền trợ cấp trong khi những nghệ sĩ khác như Raphael và Michelangelo thì tiếp tục được Giáo hoàng trọng dụng và giao công việc.
Điều này làm Leonardo rất không hài lòng, và 5 năm sau đó, ông chấp nhận thỏa thuận làm việc cho vua nước Pháp. Vào năm 1516, ông rời Ý ở tuổi 65 và chưa bao giờ quay lại. Mặc dù không vẽ quá nhiều ở Pháp, nhưng ông dành phần lớn thời gian để tiếp tục các nghiên cứu khoa học của mình. Ông mất sau một vài năm ở tại Pháp và được chôn cất tại Nhà thờ Kinh sĩ đoàn Saint Florentin tại Château d’Amboise. Tuy nhiên, nhà thờ đã bị hư hỏng sau khi Cách mạng Pháp nổ ra và cuối cùng bị phá hủy vào năm 1802.
Bài: PD từ fashionnet.vn
Commenti