Nina nồng nàn (Kỳ 1) Thánh nữ da màu của Jazz
Trong âm nhạc của Nina luôn đượm một phần hồn nước Mỹ, những tửu quán um khói thuốc, những phản lưng mồ hôi rạng rỡ trong điệu swing quên ngày tháng. Âm nhạc của Nina như hội họa, một thứ hội họa tưởng đẫm màu Jazz nhưng lại hóa Soul, một thứ hội họa trong cơn mê đắm tận cùng lại chẳng biết theo trường phái gì.
Như hội họa, không phải bất cứ màu vàng run rẩy nào cũng là trường phái Van Gogh. Nina Simone là một họa sĩ, với cây cọ được tết từ chiếc thanh quản vàng, bà đã quệt cho nước Mỹ cả một di sản.
Khi mà vương quốc Jazz đã tôn vinh hai chữ “thiên tài” cho Ray Charles hay Louis Amstrong thì dường như đó là cực hạn của mọi phấn đấu khác, và đặc biệt “thiên tài” là mỹ danh không dành cho phái nữ. Sự mặc định đó kéo dài đến năm 1977, tại Cannes trong một đêm nhạc nhễ nhại mồ hôi.
Trên sân khấu là một quý bà mun đen đang nhìn xuống đám đông cuồng loạn. “Tôi không phải là con rối mua vui cho các người, tôi không vẽ nụ cười trên mặt mình như Louis Amstrong. Tôi là tôi, là một thiên tài, Chúa đã tặng tôi điều ấy. Tôi đến đây không phải để giải trí cho các người. Hãy nhớ lấy điều đó”, đám đông lại càng gào thét tợn hơn, đúng lúc ấy nhạc vào và giọng nói kia bỗng lên tông, chuyển giọng, khản đặc với I put a spell on you. Phía dưới đám đông bỗng im bặt. Nhà văn Nadine Cohodas, người viết tiểu sử Nina Simone, cho rằng đó là thời điểm đỉnh cao của Nina và thuật ngữ “thiên tài” kể từ lúc này đã bị bẻ khóa.
Âm nhạc của Nina Simone có một lực hút vô tận, trong mọi thời điểm. Tầm vóc “thiên tài” của bà là hoán chuyển màu da trong giọng hát, kể cả da thính giả màu ngà trắng hay mun đen đều bị bà chinh phục. Sự chinh phục đến từ làn hơi gợi cảm, thanh quản phát ra tiếng trầm nội lực, ma mị như thể bóc tách những uẩn khúc trong lòng rọi nhẹ dưới ánh dương. Giọng hát ấy không ca ngợi cuộc đời, không làm đẹp tai với những lời có cánh, điều này tách Nina Simone ra khỏi những cánh chim đầu đàn, những cỗ máy in tiền khổng lồ của Jazz mà đại diện là những Ella Fitzgerald hay Billie Holiday…
Nhưng, cũng như họ, Nina là thế hệ tài năng nhất của Jazz, là người đã đặt cho Jazz một nền móng vững chãi, là thánh nữ khiến tiếng hát của người da màu được định vị độc tôn trong thế giới phân biệt chủng tộc nặng nề. Nina không hát ngợi ca cuộc đời nhưng cuộc đời ngợi ca bà bởi giọng hát ấy đem con người xích lại gần nhau, giọng hát ấy kể cho cuộc đời nghe những sự thật đau đớn, những triết lý hiện sinh kéo lại những mất mát mà đúng ra con người đã có thể làm sớm hơn.
Nhưng nếu sớm hơn, cuộc đời chưa chắc đã được chạm vào được tiếng hát Nina Simone.
Bài: Kha Anh - Art Columnist
Xem tiếp Kỳ 2 - Lời ca man dại thách thức cuộc đời
댓글