top of page

Cảm nhận nỗi bi quan về số phận con người được thể hiện trong bức họa "The Scream"

Nhiều năm trước, tại một cuộc triển lãm tổ chức ở Paris, tôi được xem một số tác phẩm của Edvard Munch: The scream, Madonna, một số tranh chân dung và chân dung tự họa, tranh khắc gỗ, phác thảo. Sự quyến rũ diễn ra ngay lập tức và thuộc loại đặc biệt mà tôi chỉ có thể gọi là mê hoặc: giống như ta nhìn xuống vực thẳm. Kể từ đó, tranh của Munch không ngừng hấp dẫn tôi. Sự mặc khải đích thực đã đến với tôi sau đó.


Vào mùa hè năm 1985, vợ chồng tôi đã dành một thời gian ngắn ở Oslo và một trong những nơi đầu tiên chúng tôi đến thăm là Bảo tàng Edvard Munch. Chúng tôi đã quay lại nhiều lần: nó không chỉ là một trong những bộ sưu tập đẹp nhất thế giới trong số những bộ sưu tập dành riêng cho một nghệ sĩ và tác phẩm của họ, mà còn là một tập hợp đáng kinh ngạc những bức chân dung của trường phái tượng trưng. Những bức tranh ở đây không kể cho chúng ta về một cuộc đời mà bộc lộ một tâm hồn.


Ấn tượng của chúng tôi còn sâu sắc hơn khi tham quan các phòng trưng bày trong khí hậu mùa hè Bắc Âu. Đối với chúng tôi, niềm đam mê xuyên suốt các bức tranh của Munch dường như là sự hồi đáp với cường độ ánh sáng và màu sắc. Sự sống bùng nổ: cây cối, hoa lá, động vật, con người, mọi thứ trở nên sinh động bởi một sức sống vừa hồn nhiên vừa mãnh liệt. Cửa sổ phòng chúng tôi nhìn ra một công viên và mỗi đêm - không thể ngủ được - chúng tôi thấy bóng ma của từng bầy yêu tinh lướt đi giữa những tán cây.

Có những nghệ sĩ phát triển theo nhiều hướng, như cây mọc ra nhiều cành; có những người lại luôn đi theo một con đường, như được dẫn dắt bởi một tiếng nói nội tâm. Munch thuộc nhóm thứ hai. Mặc dù ông đã vẽ trong sáu mươi năm và tác phẩm của ông rất phong phú nhưng nó không đa dạng. Trong quá trình sáng tạo của ông, chúng ta có thể nhận ra những ngập ngừng, những tìm kiếm và những lối rẽ, chứ không phải những biến hoá và những đứt gãy khiến chúng ta ngạc nhiên như ở Picasso và ở nhiều nghệ sĩ hiện đại khác.


Sự đơn giản tương đối về phong cách tương phản với sự phức tạp về tâm lý của ông. Nhưng khi nói đến “sự đơn giản về phong cách”, tôi e rằng mình đã mắc một sai lầm; lẽ ra nên nói rằng: những tác phẩm vẽ năm 1885 đã định hình những gì ông sẽ vẽ trong suốt cuộc đời. Sự thống nhất này không phải là sự thiếu sót về kỹ thuật; Munch sử dụng nhiều phương tiện khác nhau, từ sơn dầu đến khắc gỗ, và ông đều thể hiện sự thành thạo. Ông là một nhà cách tân trong lĩnh vực khắc gỗ và đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm đáng nhớ, trong nét khắc có cả sự điêu luyện lẫn cảm xúc. Ông cũng là một bậc thầy về màu sắc, không những vì sự cân bằng và tinh tế của bảng màu mà còn vì sự sống động và năng lượng của bút pháp.


Tóm lại, sự thống nhất trong phong cách của ông là kết quả của định mệnh cá nhân: không phải sự lựa chọn thẩm mỹ mà là định mệnh. Nhưng là một định mệnh tự do. Sau một thời gian ngắn theo chủ nghĩa tự nhiên, ông đã áp dụng những kỹ thuật của trường phái ấn tượng. Chỉ một thời gian ngắn, bởi vì rất nhanh chóng, ông đã tìm ra con đường riêng và không hề nhầm lẫn: một hoạ sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện.


Munch là nhà tiên phong của chủ nghĩa biểu hiện nhưng không hoàn toàn thuộc trường phái này; không khó để nhận ra trong tranh của ông có một dòng chảy đối kháng: chủ nghĩa tượng trưng. Đó là cuộc hôn phối lạ lùng giữa chủ nghĩa hiện thực sâu sắc nhất với chủ nghĩa xuyên thực (transrealism). Munch là người kế tục Van Gogh và Gauguin, sau đó ông lại chú ý đến khuynh hướng dã thú (fauvism). Nhưng sự “dữ dội” của trường phái dã thú nằm ở vẻ ngoài nhiều hơn chứ không có chiều sâu tâm lý mơ hồ và khổ nạn của Munch.

Trong một tiểu luận, André Breton đã phác thảo phả hệ tâm linh thực sự của Munch: "Munch đã biết cách sử dụng bài học của Gauguin theo một ý nghĩa rất khác với trường phái dã thú... Trung thành với những thao thức về số phận con người trong các tác phẩm của Gauguin và Van Gogh, Munch đã dẫn chúng ta vào những cảnh đời điên cuồng và tàn huỷ". Sự can thiệp của những sức mạnh tăm tối - giấc mơ, sự cám dỗ, nỗi thống khổ, cái chết - đã hợp nhất Munch, từ phía bên kia cây cầu của Gauguin, với truyền thống hội họa có tầm nhìn viễn tượng. Và như thế, ông đã theo đuổi một cách gián tiếp con đường siêu thực.


Thời kỳ sáng tạo dồi dào bắt đầu ở nước Đức vào năm 1892, khi ông quen biết Strindberg và quan tâm đến tư tưởng của Nietzsche. Trước đó, trong những năm ở Paris, ông gặp gỡ Mallarmé và đọc nhiều tác phẩm của Dostoevsky cũng như Kierkegaard và Ibsen. Những ảnh hưởng văn chương và triết học này có chức năng soi sáng con người nội tâm của ông, và một niềm đam mê sôi sục được Munch đổ vào hội hoạ.


Trong các bức tranh của Munch, một số chủ đề xuất hiện lặp đi lặp lại đầy ám ảnh. Munch gọi những sự lặp lại này là những tiết lộ về định mệnh bí ẩn của con người, lạc lõng giữa thiên nhiên hoặc ngay trong chính mình. Đối với Munch, con người chỉ là một món đồ chơi giữa những chiếc răng thép của bánh xe vũ trụ sẽ nghiền nát nó. Trong cái nhìn đen tối về số phận con người có ảnh hưởng từ thuyết quyết định luận sinh học của thời đại cộng với tuổi thơ bất hạnh - cái chết sớm của mẹ và em gái ông – triết lý bi quan của Strindberg, di sản của Dostoevsky, tâm trạng cuồng nhiệt và sự kinh hoàng đối với nền văn minh hung bạo.


Munch đối mặt với nỗi bi quan của mình bằng cách giao phó sứ mệnh biến đổi nó cho hội họa. Người nghệ sĩ không phải là anh hùng đơn độc của chủ nghĩa lãng mạn mà là nhân chứng, theo nghĩa cổ xưa của từ này, làm chứng cho cuộc sống đau khổ và nỗ lực cứu chuộc của con người. Nghệ thuật là sự hy sinh và tác phẩm là những biến thể của sự hy sinh đó.


Một trong những trục của thế giới hội hoạ Munch là sự cô độc của con người trước thiên nhiên hoặc trong đám đông. Số phận con người không bao giờ hết mê hoặc ông, nhưng trong sự mê hoặc là sự phán xét hơn là sự chiêm nghiệm, và hơn cả sự phán xét, là một cuộc mổ xẻ bản thân.

Munch có lẽ là nghệ sĩ đầu tiên vẽ lên hình tượng con người lạc lối trong các thành phố hiện đại. Bức tranh nổi tiếng nhất của ông, "The scream" (Tiếng thét), dường như là hình ảnh tiên tri của ngày tận thế. Không tác phẩm nào của các họa sĩ đương thời có được sự hoang tàn và đau khổ như "The scream". Chúng ta nghe tiếng kêu không phải bằng tai mà bằng mắt và bằng trái tim. Và chúng ta nghe thấy gì? Sự im lặng vĩnh cửu. Không phải sự im lặng của thinh không mà là sự im lặng của con người. Một sự im lặng chói tai giống như tiếng ồn ào vô cảm trong đám đông xa lạ. Tiếng thét là âm thanh nghịch đảo của âm nhạc vũ trụ.


Thứ âm nhạc ấy không thể nghe bằng giác quan mà bằng tâm thức. Dù có thể không nghe thấy nhưng nó vẫn mang lại cho con người sự tin tưởng rằng mình đang sống trong một vũ trụ hài hòa. Mặt trái của thứ âm nhạc ấy là tiếng thét của Munch, tiếng nói không lời, là sự câm lặng của kẻ cô đơn lang thang trong những thành phố vô hồn và trước một bầu trời trống rỗng.


Nguồn: Octavio Paz - “Edvard Munch - La dama y el esqueleto” - ABC Cultural, số 94, kỷ niệm bức tranh “Tiếng thét” 100 tuổi, ngày 20/8/1993.

Dịch giả: Phan Đan

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page