top of page
Ảnh của tác giảThiên Ca

Thái Thanh - Người khiến tiếng Việt trở nên lộng lẫy (Kỳ 2)


Danh ca Thái Thanh sinh ra tại làng Bạch Mai, Hà Nội với cái tên mang nhiều kỳ vọng từ một gia đình trí thức Bắc Hà: Phạm Thị Băng Thanh. Băng Thanh là một phần trong cụm từ “Băng Thanh Ngọc Khiết”, chỉ về phẩm hạnh cao quý, trong sáng.

Giọng ca danh gia vọng tộc của làng văn nghệ Việt


Có cả trăm điều đáng nói khi nhắc đến Thái Thanh của nền tân nhạc Việt, nhưng chắc chắn không thể lãng quên hai tên tuổi: Phạm Đình Chương và Phạm Duy. Đây là hai người thân có ảnh hưởng lớn đến con đường âm nhạc của bà. Cả hai người đàn ông này đều được coi là những đại nhạc sỹ có ảnh hưởng lớn đến văn hóa, tinh thần người Việt lúc bấy giờ, một người là anh trai ruột (Phạm Đình Chương), một người vừa là anh rể, vừa là người dìu dắt và chắp cánh giọng ca bà trở thành huyền thoại (Phạm Duy).

Với người anh trai ruột Phạm Đình Chương, bà đã gắn bó mật thiết với ông cả trên con đường âm nhạc khi đều là thành viên của nhóm nhạc gia đình: Ban Hợp Ca Thăng Long. Các thành viên gồm: Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm, anh cùng cha khác mẹ của nhạc sỹ Phạm Đình Chương), Thái Hằng (tức Phạm Thị Quang Thái, chị ruột Phạm Đình Chương, vợ nhạc sỹ Phạm Duy, là mẹ của: Thái Hiền, Duy Quang, Thái Thảo sau này), Hoài Bắc (tức nhạc sỹ Phạm Đình Chương), Khánh Ngọc (vợ cũ của ông Phạm Đình Chương), Thái Thanh (em gái út của gia đình, mẹ của ca sỹ Ý Lan). Ban hợp ca Thăng Long được thành lập năm 1949 tại Hà Nội, sau này hoạt động tại miền Nam hàng đêm tại phòng trà Đêm Màu Hồng.


Tranh của họa sỹ Đinh Trường Chinh vẽ Thái Thanh


Có thể coi gia đình Thái Thanh và sau này có thêm nhạc sỹ Phạm Duy làm con rể, chính là một danh gia vọng tộc tầm vóc nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam trong mảng tân nhạc.

Khá nhiều người trẻ sau này biết đến Thái Thanh qua ca từ của nhạc sỹ Anh Bằng trong tác phẩm Giọt buồn không tên: “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly”. Tuy nhiên, nhắc đến Thái Thanh, không thể tách rời dòng nhạc Phạm Duy, dù bà đã ca thành công với hầu hết các thể loại từ dân ca, nhạc kháng chiến miền Bắc trước 1954 (tiêu biểu là Quê em miền trung du trở thành hiện tượng trên đài phát thanh Pháp Á), nhạc tiền chiến, nhạc tình, nhạc đạo… Và chắc chắn không ai cần phân định xem giọng Thái Thanh là sang hay sến, bởi một ca khúc tưởng bình dân đại chúng nhất qua tiếng hát của bà cũng trở nên đẹp và lộng lẫy khó tin.

Không ai ca nhạc Phạm Duy hay hơn Thái Thanh. Chính bởi dòng nhạc Phạm Duy mà Thái Thanh được báo chí, giới chuyên môn thời bấy giờ mệnh danh là “Đệ nhất danh ca”. Với những ai là Phật tử, chắc hẳn đều không xa lạ gì với tuyển tập 10 bài Đạo Ca mà Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư qua tiếng hát Thái Thanh. Với ai yêu nhạc tình, sẽ không thể quên Nghìn trùng xa cách, Trả lại em yêu, Đường chiều lá rụng… Những ai yêu hùng ca sử Việt, quê hương sẽ đắm chìm trong Tình Ca, Kỷ niệm, trường ca Con đường cái quan, trường ca Mẹ Việt Nam… Những tác phẩm vang danh nhất của cây đại thụ Phạm Duy qua giọng hát bà đều tỏa sáng rực rỡ.


Ngoài ra, bà còn ca rất thành công tác phẩm của nhiều nhạc sỹ vang danh thời bấy giờ như Văn Cao, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Phạm Trọng Cầu…

Với những khán giả lần đầu muốn tìm hiểu tiếng ca Thái Thanh, người viết xin giới thiệu đến bạn băng nhạc Tơ Vàng 4: Thái Thanh - Tiếng hát vượt thời gian. Đây là một băng nhạc kinh điển, dễ nghe nhất và mang nhiều giá trị nghệ thuật khi nhắc đến tiếng hát Thái Thanh.

Xin khép lại bài viết này bằng câu hát của nhạc sỹ Phạm Duy trong tác phẩm Tình Ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi…”. Qua tiếng hát Thái Thanh, tiếng nước tôi càng trở nên đẹp đẽ lạ thường. Một giọng ca sang cả, tao nhã mà vẫn đậm đà tình quê hương.

Xin tri ân tiếng hát ngàn năm có một của Thái Thanh, bay bổng suốt hơn nửa thế kỷ và theo gió mây về cõi trời cao. Tiếng hát Thái Thanh sẽ còn vang vọng rất lâu, chừng nào người Việt Nam còn nghe nhạc Phạm Duy.


Bài: Thiên Ca - Art Columnist


Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page