top of page

Những ý tưởng mang tính khái quát về phong cách hội họa trừu tượng - Phan Đan


Navigator trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ - Nhà nghiên cứu Phan Đan về chủ đề phong cách hội hoạ trừu tượng.


Để nói về hội hoạ trừu tượng (abstract painting), có thể bắt đầu từ Paul Klee và những thứ “không trừu tượng” - ngày nay được gọi chung là nghệ thuật trình hiện (representational art) hay hội hoạ trình hiện (representational painting). Người ta không còn dùng những từ như nghệ thuật hiện thực, nghệ thuật tả thực (realist art, realistic art), vì theo quan điểm triết học và vật lý học hiện đại, không tồn tại cái gọi là thực tại khách quan (objective reality) mà mọi thứ ta quan sát và lĩnh hội được là tùy theo hệ quy chiếu của người quan sát.


Định nghĩa một cách đơn giản nghệ thuật trình hiện và nghệ thuật trừu tượng như sau: Hội họa, điêu khắc và nhiều loại hình nghệ thuật khác có thể được xếp vào các phạm trù: nghệ thuật trình hiện (đôi khi còn được gọi là nghệ thuật biểu hình, mặc dù nó không phải lúc nào cũng chứa các hình tượng), nghệ thuật trừu tượng và nghệ thuật phi trình hiện (hoặc phi vật thể). Nghệ thuật trình hiện nói đến những tác phẩm nghệ thuật - đặc biệt là hội hoạ và điêu khắc - có nguồn gốc rõ ràng từ các vật thể thực và do đó, theo định nghĩa, đại diện cho những gì quy chiếu thị giác mạnh mẽ đến thế giới thực. Hầu hết, nhưng không phải tất cả, nghệ thuật trừu tượng đều dựa trên hình ảnh từ thế giới thực. Hình thức nghệ thuật trừu tượng “cực đoan” nhất không kết nối với thế giới hữu hình và được gọi là phi trình hiện. [Painting, sculpture, and other art forms can be divided into the categories of representational (sometimes also called figurative art, although it doesn't always contain figures), abstract, and nonrepresentational (or non-objective) art. Representational art describes artworks - particularly paintings and sculptures - that are clearly derived from real object sources, and therefore are by definition representing something with strong visual references to the real world. Most, but not all, abstract art is based on imagery from the real world. The most "extreme" form of abstract art is not connected to the visible world and is known as nonrepresentational.] (Representational, Abstract, and Nonrepresentational Art).

Paul Klee (1879-1940) là một họa sĩ có tinh thần sáng tạo mạnh mẽ. Hội hoạ Paul Klee không thuộc về một trường phái nào, bởi các tác phẩm của ông không hoàn toàn trừu tượng cũng không hoàn toàn trình hiện. Xem tranh Paul Klee, chúng ta có thể thấy cả giai điệu và tiết tấu âm nhạc. Ngoài ra, ông còn là một nhà lý luận nghệ thuật xuất sắc. Trong tác phẩm “Die Ausstellung des Modernen Bundes im Kunsthaus Zürich”, 1912, ông viết về hội hoạ trừu tượng và những con đường dẫn đến trừu tượng như sau:


“Với các hoạ sĩ lập thể, nếu cuối cùng bức tranh trình bày một hình ảnh là những tinh thể hay những tảng đá cắt ghép, thì đó không phải là một trò đùa mà là hệ quả tự nhiên của tư duy lập thể: chủ yếu là gia giảm mọi tỷ lệ và dẫn đến những hình kỷ hà nguyên thuỷ như hình tam giác, hình chữ nhật và hình tròn.


Nếu đối tượng vẽ là cảnh quan thuần tuý, trên thực tế chúng ta có thể chấp nhận nhiều hơn - và cũng ít hơn - phương thức làm biến đổi sự vật bằng cách thay đổi các tỉ lệ trong võng mạc theo cách đơn giản hóa: trước tiên là cái nhìn cảm tính, sau đó là sự suy luận kiến tạo, kết quả vẫn là một cảnh quan.


Nhưng nếu đối tượng vẽ là cơ thể sinh vật, chúng ta sẽ khó khăn hơn để chấp nhận những cải biến. Con người hay động vật mà chức năng tồn tại là sống, sẽ mất đi chức năng đó nếu ta thay đổi các tỷ lệ cơ thể, cho dù những hình ảnh của chúng nằm trong cấu trúc phức tạp của bức tranh, hoặc - như Picasso đã làm - cắt thành các họa tiết riêng lẻ sau đó bố cục lại theo nhu cầu của ý tưởng.


Phải chăng phá hủy sự vật là phương cách kiến tạo?

Delaunay, một trong những nghệ sĩ khéo léo nhất, đã khắc phục mâu thuẫn này một cách đơn giản đáng kinh ngạc bằng những tác phẩm tự trị, không khai thác các motif từ tự nhiên mà là tạo ra những thực thể tạo hình hoàn toàn trừu tượng. Mỗi bức tranh là một cấu trúc sống động, không phải như một tấm thảm dệt mà như một bản fugue của J.S. Bach.


Tôi đã đề cập tới phái lập thể bởi vì chính ở đó việc phá huỷ sự vật có vẻ hợp lý nhất, mặc dù trong một trường hợp khác của chủ nghĩa biểu hiện phi lập thể, con đường dẫn đến trừu tượng xuất hiện còn sớm hơn. Không có sự gần gũi đặc biệt với các cấu trúc hình thái của thế giới này, cũng không có sự thôi thúc của lý trí và nỗi thất vọng được dự đoán như Delaunay, Kandinsky đã đạt đến cùng một kết quả với bản năng mạnh mẽ và khát vọng tự do cuồng nhiệt.”


Những ý tưởng của Paul Klee, chúng ta có thể trình bày lại một cách đơn giản hoá:

Thứ nhất, một hoạ sĩ vẽ theo cung cách mô phỏng hiện thực (mimesis) sẽ luôn tuân thủ các tỷ lệ tự nhiên của sự vật và nhất là cách các sự vật ấy tồn tại trong võng mạc của mắt nhìn, còn một hoạ sĩ chống lại cung cách mô phỏng hiện thực (anti-mimesis)* sẽ làm biến đổi các tỷ lệ tự nhiên của sự vật và nhất là làm biến đổi cách nhìn các sự vật ấy. Biến đổi đơn giản nhất là lùi thật xa hoặc tiến thật gần khiến cho hình ảnh của sự vật in trên võng mạc trở nên khác lạ. Giống như khi ta nhìn quang cảnh thành phố hay đồi núi sông ngòi từ trên máy bay, trông chúng giống như một tấm bản đồ hay tấm thảm sặc sỡ với những hình kỷ hà và các mảng màu được sắp xếp theo một cấu trúc phức tạp. Ví dụ, với lối vẽ của hoạ sĩ người Áo Friedensreich Hundertwasser (1928-2000), nhiều tác phẩm của ông giống như những bản vẽ quy hoạch kiến trúc cùng các hệ sinh thái tự nhiên.


*Anti-mimesis là một quan điểm triết học đối lập trực tiếp với nguyên tắc mô phỏng hiện thực (mimesis) của Aristotle. Oscar Wilde, trong tiểu luận “The decay of lying” năm 1889 đã viết, "Cuộc sống bắt chước nghệ thuật nhiều hơn là nghệ thuật bắt chước cuộc sống." (Anti-mimesis is a philosophical position that holds the direct opposite of Aristotelian mimesis. Oscar Wilde, who opined in his 1889 essay “The decay of lying that”, "Life imitates art far more than art imitates life"). Cũng trong tiểu luận này, Oscar Wilde viết về tương quan giữa thế giới trình hiện và nghệ thuật như sau: Những gì được tìm thấy trong cuộc sống và thiên nhiên không phải là những gì thực sự ở đó, mà là những gì các nghệ sĩ đã khiến cho người ta tìm thấy ở đó, thông qua nghệ thuật. Như trong một ví dụ do Wilde đưa ra, mặc dù đã có sương mù ở London trong nhiều thế kỷ, nhưng người ta nhận thấy vẻ đẹp và sự kỳ diệu của sương mù bởi vì “các thi sĩ và họa sĩ đã chỉ ra sự thơ mộng của những hiệu ứng như vậy... Chúng không tồn tại cho đến khi nghệ thuật phát minh ra chúng”. “What is found in life and nature is not what is really there, but what artists have taught people to find there, through art. As in an example posited by Wilde, although there has been fog in London for centuries, one notices the beauty and wonder of the fog because "poets and painters have taught the loveliness of such effects... They did not exist till Art had invented them.”

Về khái niệm “mimesis”, trong tác phẩm kinh điển “Mimésis” của Erich Auerbach viết năm 1946 (Nxb Tri thức, Hà Nội, 2014), được định nghĩa là “sự mô tả thực tại” (Mimesis, dargestellte Wirklichkeit). Trong triết học cổ Hy Lạp, từ Plato và Aristotle, nó có nghĩa là “bắt chước”, là “việc sản xuất ra tác phẩm nghệ thuật giống như thực”, là quá trình mà qua đó nghệ thuật được cho là “nắm giữ tấm gương phản ánh tự nhiên”. Cuốn sách của Auerbach dịch sang tiếng Anh năm 1953 (Mimesis, the Representation of Reality) và tiếng Pháp năm 1977 (Mimésis, la représentation de la réalité) đã dùng từ representation với nghĩa trình hiện (Mimesis, sự trình hiện thực tại).

Theo chiều ngược lại, thay vì nhìn sự vật qua kính viễn vọng, nếu chúng ta rút ngắn tiêu cự để nhìn sự vật ở khoảng cách vi mô, như khi thấy các khoáng vật ở cấp độ tinh thể hay các sinh vật ở cấp độ tế bào qua kính hiển vi, thì lúc ấy, hình ảnh sự vật sẽ khác với cách nhìn quen thuộc mà trở nên phi biểu hình (non-figurative). Tuy nhiên ở đây, Paul Klee cảnh báo: "Mỗi bức tranh là một cấu trúc sống động, không phải như một tấm thảm dệt mà như một bản fugue của J.S. Bach”. Fugue là một bản nhạc nhiều phân khúc nhưng cùng một chủ đề và có cấu trúc logic chặt chẽ - điều này có nghĩa là ý tưởng của hoạ sĩ cần “nhất khí quán hạ” với một chủ đề xuyên suốt mọi biểu đạt trong tác phẩm. Để có thể thấy sự vật dù ở khoảng cách vĩ mô hay vi mô nhưng hiện hữu một cách trừu tượng với cấu trúc nội tại hợp lý, nhiều tài năng hội hoạ đã tìm tòi và nỗ lực thể hiện mục tiêu này như các nghệ sĩ thuộc trường phái tối thượng (suprematism), trường phái kiến tạo (constructivism), trường phái Orpheus (orphism), trường phái biểu hiện trừu tượng (abstract expressionism), trường phái tân tạo hình (neo-plasticism)... Các tác phẩm trừu tượng của họ vô cùng phong phú cả về nội dung và bút pháp.


Thứ hai, có nhiều con đường dẫn đến hội hoạ trừu tượng. Một con đường mang màu sắc lý trí, “do sự cần thiết hợp logic và do quy phạm”, như Robert Delaunay và các hoạ sĩ theo trường phái lập thể (cubism), sau khi đã tìm cách lược bỏ những chi tiết “không cần thiết” và làm biến đổi tỷ lệ của sự vật trong cái nhìn. Một con đường khác mang màu sắc cảm tính, “nhờ sự thúc đẩy của đam mê và bản năng tự do”, như Wassily Kandinsky và các hoạ sĩ theo trường phái ấn tượng (impressionism) hoặc biểu hiện (expressionism). Cả hai con đường đều dẫn đến hội hoạ trừu tượng. Và còn những con đường khác nữa, tuỳ thuộc vào tính khí của từng cá nhân hoạ sĩ và truyền thống nghệ thuật thị giác của mỗi cộng đồng.

Ngay cả một nhà tiên phong của hội hoạ trừu tượng là Kandinsky cũng khởi đi từ hội hoạ trình hiện. Những tác phẩm thời kỳ đầu của ông có liên hệ sâu xa với các hoạ sĩ hậu ấn tượng như Paul Gauguin hay Vincent van Gogh, và tới cách nhìn sự vật qua bảng màu rực rỡ của trường phái dã thú (fauvism). Hoạ sĩ Willem de Kooning (1904-1997) viết: “Để đi đến trừu tượng hay trạng thái ‘không gì cả’, hoạ sĩ phải cần đến rất nhiều thứ. Những thứ này luôn là các sự vật trong đời sống - một con ngựa, một bông hoa, một cô gái, những cái bàn, cái ghế, ánh sáng rọi qua một ô kính ..v..v... Không phải lúc nào họa sĩ cũng hoàn toàn tự do để biểu đạt. Các sự vật không phải lúc nào cũng là lựa chọn chủ động của hoạ sĩ, song cũng chính vì thế, anh ta lại có thể nảy sinh những ý tưởng mới.” Nhiều hoạ sĩ nổi tiếng chọn lối đi “trung dung” giữa trừu tượng và trình hiện, đôi khi được gọi là bán biểu hình (semi-figurative).


Tất nhiên, cũng có những hoạ sĩ vẽ trừu tượng ngay từ tác phẩm đầu tiên, trường hợp này đúng nghĩa là “một bản năng tự do” như Paul Klee nói. Nhưng nếu phân biệt thái quá những yếu tố biểu hình và phi biểu hình trong một bức tranh sẽ khiến chúng ta đi xa khỏi bản chất của nghệ thuật nói chung và của chính hội hoạ.


Nữ hoạ sĩ Georgia O’Keefe (1887-1986) bày tỏ: “Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người tách bạch cái mang tính vật thể với cái trừu tượng. Một tác phẩm hội họa vật thể sẽ không phải là một bức tranh đẹp chừng nào nó không mang một phẩm chất trừu tượng. Một ngọn đồi hay một cái cây chưa thể tạo nên một bức tranh đẹp khi nó chỉ là một ngọn đồi, một cái cây. Chính là màu sắc, đường nét gắn kết với nhau để nói lên một điều gì đó. Với tôi, đó đích thực là nền tảng của hội họa.” (“cái mang tính vật thể” ở đây là tính trình hiện - representational). Ngay cả Pablo Picasso, tên tuổi lẫy lừng của hội hoạ trình hiện, cũng phản đối chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật, mặc dù chính tài năng lớn lao của ông trong hình hoạ lại cản trở con đường dẫn ông đến với nghệ thuật trừu tượng, ngay cả khi ông là một kiện tướng của trường phái lập thể: “Tự nhiên và nghệ thuật là hai thứ khác nhau, không thể là cùng một thứ. Thông qua nghệ thuật, chúng ta diễn đạt cảm nhận của mình về những gì không phải là tự nhiên.” (Nature et art, étant deux choses différentes, ne peuvent pas être la même chose. A travers l'art, nous exprimons notre conception de ce que la nature n'est pas. - Déclaration à Marius Zayas, 1923).

Ở đây, có thể viện đến một trích dẫn từ Paul Klee trong tác phẩm Creative Credo (Schöpferische Konfession) viết năm 1920: “Nghệ thuật không tái tạo những gì chúng ta nhìn thấy mà khiến cho sự vật được nhìn thấy. Bản chất của hình họa dẫn chúng ta tới trừu tượng, một cách tự nhiên và hợp lý.... Hình họa càng thuần khiết, nghĩa là càng nhấn mạnh vào các yếu tố hình thức cơ bản, nó càng ít phù hợp với sự trình hiện thực tế của những sự vật nhìn thấy.” (Art does not reproduce the visible, rather, it makes visible. The very nature of graphic art lures us to abstraction, readily and with reason... The purer the graphic work, that is, the more emphasis it puts on the basic formal elements, the less well-suited it will be to the realistic representation of visible things).


Nhiều tác phẩm trừu tượng vẫn giữ lại một sợi dây Ariadne dẫn đến thế giới trình hiện, ít nhất là qua cái tên. Ví dụ, một bức tranh Paul Klee vẽ năm 1936 chỉ toàn những nét vạch mơ hồ như những ký tự trên tường hầm mộ kim tự tháp Ai Cập được đặt tên là “Nach der Überschwemmung” (Sau trận lụt), hay một bức tranh Piet Mondrian vẽ năm 1942 trông chẳng khác chiếc khăn trải bàn được đặt tên là “Broadway boogie-woogie”. Nhưng liệu chúng ta có nhìn thấy cảnh lụt lội khi ngắm tác phẩm của Klee hay nhận ra điệu nhảy boogie-woogie ở khu Broadway, New York, khi đứng trước bức tranh của Mondrian?


Bài: Nhà thơ - Nhà nghiên cứu Phan Đan

(Ảnh: Wikipedia)

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page