top of page

Kinh tế thế giới biến động trước hạn đàm phán trần nợ của Hoa Kỳ

Vừa qua, chứng khoán châu Á và Phố Wall gặp khó khăn khi các cuộc đàm phán trần nợ của Hoa Kỳ tiến gần đến thời điểm khủng hoảng sau khi bị đình trệ vào tuần trước. Cùng đó, “nỗi ám ảnh” sự sụp đổ ngân hàng kéo dài và những lo lắng về địa chính trị mới cũng ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới.


Nguy cơ vỡ nợ của Hoa Kỳ tác động đến cổ phiếu thế giới

Ảnh minh họa (Nguồn: VOV)


Tổng thống Hoa Kỳ – Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện – Kevin McCarthy sẽ gặp nhau để thảo luận về trần nợ vào thứ Hai (22/5), chưa đầy hai tuần trước thời hạn ngày 01/6. Thất bại trong việc nâng trần nợ sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ, có khả năng dẫn đến hỗn loạn trên thị trường tài chính và lãi suất tăng đột biến.


Hợp đồng tương lai của S&P 500 mất 0,1% trong khi hợp đồng tương lai Nasdaq đi ngang. Chỉ số MSCI về cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản (.MIAPJ0000PUS) dao động và cuối cùng tăng 0,1% trong ngày. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản (.N225) hầu như không thay đổi, trong khi cổ phiếu ngành tài nguyên của Úc (.AXJO) giảm 0,3%.


Chỉ số KOSPI (KS11) của Hàn Quốc vượt qua tình trạng trì trệ, tăng 0,8%. Cả nhóm cổ phiếu bluechip của Trung Quốc (.CSI300) và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đều tăng 0,4%.


Kế hoạch hoàn hảo giảm rủi ro trước nguy cơ Hoa Kỳ vỡ nợ

Ảnh minh họa (Nguồn: vtv.vn)


Báo cáo vài ngày trước về sự bế tắc của các cuộc đàm phán về trần nợ đã khiến thị trường chao đảo ngay cả khi Jerome Powell – Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang cho biết lãi suất của Hoa Kỳ có thể không cần tăng nhiều do các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn từ cuộc khủng hoảng ngân hàng.


Các hợp đồng tương lai đang định giá khoảng 90% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 6 và tổng cộng gần 50 điểm cơ bản (bps) sẽ được cắt giảm vào cuối năm nay.


Điều này đã khiến đồng đô la mất giá sau hai tháng nằm đỉnh so với rổ các đồng tiền chính, sau đó đạt mức 103,05 vào thứ Hai và không đổi trong ngày.


Trong khi đó, cổ phiếu các ngân hàng khu vực của Hoa Kỳ tiếp tục giảm vào thứ Sáu tuần trước, khi Janet Yellen – Bộ trưởng Tài chính cảnh báo rằng có thể cần nhiều vụ sáp nhập hơn sau vụ khủng hoảng của hàng loạt ngân hàng.


Jonathan Pingle – chuyên gia kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ tại UBS đánh giá đồng yên Nhật và vàng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc Hoa Kỳ vỡ nợ. Do đó, kế hoạch tốt nhất để phòng ngừa rủi ro là mua đồng yên Nhật (JPY) và vàng thay vì mua đô la Úc (AUD) hay đô la Canada.


Lo ngại về trần nợ gây biến dạng đường cong lợi suất

Ảnh minh họa (Nguồn: VTV.vn)


Tại châu Á, Trung Quốc giữ nguyên mức lãi suất cho vay chính dù nền kinh tế phục hồi chậm chạp.


Cuối tuần này, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 5 diễn ra thứ Tư tới. Dữ liệu lạm phát chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Hoa Kỳ sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Trên thị trường trái phiếu kho bạc, những lo ngại về trần nợ đã tạo ra những biến dạng lớn trong thời gian ngắn hạn của đường cong lợi suất. Nguyên nhân là nhà đầu tư tránh các hóa đơn đến hạn khi kho bạc có nguy cơ hết tiền. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 1 tháng tăng 15 điểm cơ bản lên 5,6677%.


Lợi suất hai năm thấp hơn 5 điểm cơ bản, xuống mức 4,2340%, cách xa mức cao nhất trong hai tháng gần đây. Cùng đó, lợi suất 10 năm cũng giảm 4 điểm cơ bản xuống 3,6516%.


Giá dầu đảo ngược so với mức tăng trước đó. Dầu thô kỳ hạn của Mỹ giảm 0,7% xuống còn 71,03 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent kỳ hạn giảm 0,6% còn 75,12 USD/thùng.

Giá vàng phần lớn không thay đổi ở mức 1.976,89 USD/ounce.


Bài: Giang Nguyễn (Theo Reuters)

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page