top of page

Có thể ai trong chúng ta cũng đều đang nghiện (Kỳ 1)

"Nghiện" thường bị dán nhãn tới chất kích thích. Nhưng thực tế, con người không nghiện chất kích thích, cái họ nghiện là cảm xúc, giác quan mà nó đem lại. Vì “cảm xúc" có thể gây nghiện, nên những hoạt động đem lại cảm xúc khác nhau, cũng gây nghiện.


Lướt mạng xã hội mỗi ngày, đọc tin tức chấn động,... bạn cảm thấy sự thôi thúc, thoải mái bên trong không?

Đó là do một loại chất dẫn truyền thần kinh gây ra: dopamine.


Được nhiều người xem như chất hạnh phúc (pleasure molecule), nhưng thật chất dopamine làm ta cảm thấy khao khát, hưng phấn; từ đó kích thích não bộ hoạt động những việc tương tự để tiết ra thêm pleasure molecule.


Khi cơ thể hoạt động, não bộ sẽ giải phóng dopamine khiến ta có động cơ lặp đi lặp lại hoạt động đó. Những hành vi giải phóng nhiều dopamine là những hoạt động mà não bộ đoán trước sẽ có "phần thưởng ngay sau đó (immediate potential rewards). Ví dụ sự thỏa mãn khi buôn chuyện; sự thỏa mãn tình dục trong những lần tình một đêm; ăn fast food, junk food; hoặc sử dụng chất kích thích. Mọi người đều biết những điều này là xấu; nhưng cái cảm giác, khao khát và những “giải thưởng sau đó" thì khá là tốt.

Vì những hoạt động không có immediate potential rewards thì não bộ không giải phóng dopamine; nên việc lập một kế hoạch lành mạnh - cân bằng hay sống tích cực khá khó khăn với nhiều người (bởi “phần thưởng" của nó không đến ngay lập tức mà là khá lâu sau đó).

Hầu hết mọi hành động (uống nước khi đang khát, đi dạo sau giờ làm...) đều sản sinh dopamine, nhiều hay ít dựa vào tính chất của hoạt động đó.

Đạt được “phần thưởng ngay lập tức - một cách ngẫu nhiên” được xem là cách giải phóng lượng dopamine cao nhất, chẳng hạn như chơi casino, trò chơi may rủi; dù bạn biết sẽ mất tiền, nhưng nó luôn khiến bạn khao khát thắng một bàn lớn. Và rõ ràng, những chất kích thích (rượu bia, thuốc lá, cocaine, heroin,...) cũng giúp con người có được lượng lớn dopamine không tự nhiên. Bởi cơ thể người có một sự cân bằng nội môi (homeostasis), để cân bằng tính vật lý bên trong và những điều kiện hóa học, nó giúp cơ thể thích nghi với những yếu tố bên ngoài.

Ví dụ khi trời nóng, cơ thể đổ mồ hôi; khi trời lạnh, nhiệt độ cơ thể tăng để giữ mức 37 độ; và việc uống nhiều rượu bia thường xuyên để giúp cơ thể ít nhạy cảm hơn với tác động của cồn cũng là tính chất của “homeostasis”.

Cơ thể người duy trì sự cân bằng nội môi, nên khi não bộ làm quen với mức độ cao dopamine được sản sinh; mức độ cao đó sẽ trở thành “trạng thái bình thường mới". Nên ta dễ thấy những người nghiện chất kích thích có xu hướng sử dụng nặng hơn và khó cai nghiện. Vì hoạt động bình thường không giải phóng đủ lượng dopamine cho họ cảm giác thỏa mãn.


Vấn đề nằm ở chỗ, xã hội đã dán nhãn nghiện là phải đi cùng chất kích thích quá nhiều, khiến ta quên đi gốc rễ của nó, là cảm xúc.


Hiện nay con người tiếp nhận với lượng lớn dopamine không tự nhiên mỗi ngày. Vấn đề nghiện nằm ở “cảm xúc" chứ không phải chất kích thích. Lướt mạng xã hội, xem tin giật gân, video games, nội dung khiêu dâm; những hoạt động đánh bật cảm xúc (hit emotion) luôn khiến ta khao khát trong vô thức.

Những hoạt động não bộ đoán được sẽ nhận “phần thưởng ngay sau đó" (như được like hình, nhận thông báo, hoặc những video hài hước...) sẽ dễ gây nghiện hơn là những hoạt động đơn thuần: đi dạo, đọc sách, thiền, làm việc nhà,...


Không những thế, việc nghiện cảm xúc (hit emotion) cũng được thể hiện trên những phương diện: cảm thấy bản thân đau khổ, hoặc thường trong trạng thái giận dữ, khó chịu, buồn chán,... dẫn đến một lối sống độc hại kinh niên - Nghiện Cảm Xúc. Đón xem:

Kỳ 2: Nghiện Cảm xúc Kỳ 3: Cách Khắc Phục

Bài: Khánh Duy - Art of Life Columnist Theo: Harvard Health Publishing và healthline

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page