top of page
Ảnh của tác giảDexter Dinh

Chất liệu - nền tảng quyết định của mọi loại trang phục (Kỳ cuối)

Nếu bạn đã đọc qua hai phần trước trong series này, hẳn bạn sẽ thấy được vai trò to lớn của chất liệu trong ăn mặc hàng ngày nói chung - và ăn mặc cổ điển nói riêng, cũng như sự đa dạng về nguồn gốc, đặc điểm của chúng. Điều chúng ta quan tâm nhiều nhất ở chất liệu, chính là chất lượng cũng như đặc tính, bởi đây là yếu tố chính quyết định đến tính chất của trang phục thành phẩm.


Bạn không thể dựng business suit từ vải linen được, vì linen có những đặc điểm hoàn toàn không phù hợp với bộ suit bạn đang cần – tuy mát mẻ nhưng khá dễ nhăn và khó giữ dáng, thay vào đó ta sẽ cần dùng tới pure/ blend wool.


Đối với những người đã tiếp xúc với Âu phục, thì vải wool là một chất liệu chiếm tỉ lệ khá lớn trong tủ đồ - có thể nói là không thể thiếu được trong ăn mặc, được dùng để làm suit, jacket, quần, khăn quàng cổ, mũ,… Chúng ta thường thấy, với mỗi loại wool có chất lượng tốt, thì sẽ có một thông số super đằng sau, ví như 120s, 150s, etc. Trong phạm vi bài viết hôm nay, tôi sẽ giải thích cặn kẽ hơn về những con số này.

Ảnh minh họa của Ariston Napoli

Từ “super” có nghĩa là superfine/superthin- siêu mảnh, trải dài từ 80s - thấp nhất, cho tới 300s. Và trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu tới các bạn 2 hệ thống phổ biến để đánh giá chỉ số “super” ngày nay.

  • Hệ thống Bradford (English worsted yarn count system)


Được công nhận và áp dụng từ đầu thế kỷ 20, sợi được đánh giá trên tiêu chí là độ dài có thể xe được. Cụ thể là sau khi được thu hoạch từ trên mình những giống cừu, dê,... sợi len sẽ được trải qua các công đoạn xử lý như combing, washing, carding. Tiếp đó, sợi được mang đến Bradford - một thành phố phía Bắc nước Anh. Tại đây chúng sẽ được các chuyên gia đánh giá. Họ sẽ dùng tay chạm và thông qua cảm giác, sẽ ước lượng xem 1 pound (445g) sợi sẽ dệt được bao nhiêu hank (512m). Ở đây con số “super” sẽ đại diện cho số hank dệt được từ 1 pound sợi. Càng mảnh thì vải dệt được từ 1 pound sợi càng lớn và chỉ số “super” cũng sẽ cao theo. Chẳng hạn, với wool 100s, từ 1 pound sợi sẽ xe ra được 100 hank (51.2km).

Hình minh họa của Textiles School

  • Hệ thống Mycron của Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA)


Người Mĩ thích sự đo đếm chính xác, và với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật, thì từ năm 1968 họ đã đưa ra hệ thống USDA này, và nhanh chóng phổ biến với các nhà vải khắp nơi trên thế giới, vì có thể đánh giá chất lượng sợi nhanh chóng, thuận tiện, khách quan, vì hoàn toàn dựa vào máy móc. Cụ thể là với sợ có đường kính càng nhỏ, thì chỉ số “super” càng cao.


Ví dụ như:

  • Superwool 100s có đường kính sợi khoảng 18.5 micromet

  • Superwool 130s có đường kính sợi khoảng 17 micromet

  • Superwool 150s có đường kính sợi khoảng 16 micromet


Một sợi tóc thường có đường kính dao động từ 17 tới 181μm (micromet), tùy thể trạng từng người, nhưng con số ước lượng chung thường là 75μm. Và với đường kính của superwool 150s, thì nó mảnh chỉ bằng 1/5 tóc người. Một con số thực sự ấn tượng.


Chỉ số superfine/superthin này có liên quan rất lớn tới độ mảnh của sợi, và qua đó ảnh hưởng tới chất lượng của vải. Tuy nhiên, không như khá nhiều người nhầm tưởng rằng cứ vải có “super” càng cao thì càng thích hợp cho trang phục, mà không cần quan tâm đến những chi tiết cả vải. Trên thực tế, thông số này không hoàn toàn đại diện cho độ mỏng của vải, cảm giác mặc trên người cũng như chất lượng của vải. Dĩ nhiên tùy từng hoàn cảnh mà chúng ta lựa chọn vải có chỉ số “super” cho phù hợp.


Vì thực tế, vải có superfine càng cao thì càng khó bảo quản, đồng thời trang phục làm từ những loại vải này không thích hợp để mặc trong thời gian dài, đi xa, du lịch hay đi gấp trong xe/văn phòng như là một bộ suit dự phòng. Đây là nhưng hoàn cảnh có thể nói là thử thách lớn với các loại wool có superfine cao, và bởi vậy chúng ta không nên mạo hiểm vì đôi khi sẽ phải trả giá bằng cả bộ trang phục. Thay vào đó hãy dùng các loại vải có chỉ số “super” thấp hơn, nhưng phù hợp và bền bỉ hơn.

Ảnh minh họa của Vitale Barberis Canonico

Với bài viết trên đây, mong rằng tôi đã giúp các bạn hiểu rõ hơn về wool, thông qua chỉ số ”super” đi kèm nó. Hi vọng các bạn sẽ vận dụng chỉ số này để lựa chọn được chất liệu phù hợp với những điều kiện, hoàn cảnh yêu cầu và qua đó phát huy được tối đa những tính năng tốt của loại chất liệu quan trọng này, mang lại cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời nhất với classic menswear.


Xem Kỳ 1 Xem Kỳ 2


Bài: Dexter Dinh - Style Columnist

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page