top of page
Ảnh của tác giảDexter Dinh

Chất liệu - nền tảng quyết định của mọi loại trang phục (Kỳ 2)

Tiếp nối phần 1, ở phần này tôi sẽ tập trung nói về các dòng vải len lông cừu và những loại len được dệt từ sợi merino, cashmere, mohair, camel hair, vicuna. Đó là những chất liệu tuyệt vời với những ưu/nhược điểm riêng biệt.

Sợi lông cừu (wool)


Đây là loại chất liệu tự nhiên đầu tiên mà tôi muốn giới thiệu, bởi nó là một trong những chất liệu phổ biến nhất trên thế giới và cũng là loại vải cơ bản, xuyên suốt chiều dài lịch sử của ăn mặc cổ điển. Vải len được làm từ lông cừu với sản lượng hơn 2 triệu tấn mỗi năm trên thế giới. Nó có vô vàn biến thể về khối lượng, cách xử lí, hiệu ứng bề mặt, giá thành cũng như những ứng dụng trong ngành may mặc, chứ không gói gọn trong những chiếc khăn/mũ/áo len thường thấy vào mùa đông. Và wool cũng được sử dụng để làm hầu như tất tật mọi thứ, từ quần, jacket, cho tới tất và cà vạt…. Tính ứng dụng cao của vải wool là không thể phủ nhận.


Len lông cừu có độ mảnh của sợi là khoảng 13-40μm (micrometer) và độ dài sợi vào khoảng 65-130mm. Wool giữ dáng và chống nhăn tốt, hút ẩm và thông thoáng, ngoài ra các loại heavy-weight wool còn có khả năng giữ nhiệt rất tốt về mùa đông. Tùy từng loại lông cừu, cách chải, cách dệt, mà ta có những hiệu ứng bề mặt khác nhau.

Suit từ vải wool


Vải wool rất thích hợp để làm các trang phục có độ formal trung bình/cao; trang phục vào mùa lạnh, còn về mùa nóng thì nên cân nhắc kĩ hơn; mặc dù wool thoáng mát và dễ chịu hơn nhiều so với polyester và có những biến thể phục vụ cho mùa hè như tropical wool/fresco/hopsack etc, nhưng đó là mùa hè ở những nước ôn đới. Với thời tiết mùa hè ở Việt Nam thì không ai chịu nổi wool. Nhược điểm của wool là không thể giặt nước/giặt máy. Đối với vải pha wool/polyester, wool vẫn nên chiếm tỉ lệ lớn trong chất liệu, nếu bạn không muốn bê các nhược điểm của polyester vào món đồ của mình.

Merino


Là một loại chất liệu tự nhiên, len merino được tạo thành từ lông của cừu merino – một giống cừu được chăn nuôi chủ yếu tại châu Âu và châu Úc. Trong đó, châu Úc có sản lượng vượt trội với hơn 100 triệu con. Tương tự như vải wool thường, merino wool có ứng dụng phổ biến trong trang phục, đặc biệt là đồ dệt kim và Âu phục, nhưng chúng vượt trội hơn các loại wool thường bởi mỗi sợi len đều mỏng hơn, nhẹ như tơ, đàn hồi tốt để ôm sát cơ thể nhưng vẫn đủ khả năng hút ẩm để tránh cho người mặc cảm giác khó chịu. Cuối cùng là khả năng giữ dáng tuyệt vời dù là sau khi giặt hay sử dụng lâu năm (tuổi thọ của merino wool thường cao hơn so với các loại wool thông thường khác). Độ mảnh của sợi là khoảng 11.5-25μm (wool bình thường là từ 13-40μm); độ dài sợi vào khoảng 65-100mm.

Cardigan từ vải merino wool

Cashmere


Sợi cashmere một loại len tự nhiên, tạo ra từ lông dê cashmere – một loài dê sống trên dãy Hymalaya ở độ cao 500m so với mực nước biển, tuy nhiên hiện nay, vì mục đích kinh tế và tiến bộ khoa học người ta đã chăn nuôi giống dê này để lấy lông ở nhiều nơi khác trên thế giới, qua đó phần nào giảm được giá thành đắt đỏ của loại vải này. Để chống lại những cơn gió buốt giá của mùa đông trên đình Hymalaya kia, dê cashmere có bộ lông rất đặc biệt, để từ đó người ta thu hoạch và làm ra loại vải len ấm gấp 8 lần lông cừu thường, những vẫn không kém phần mềm mại, thoải mái. Cashmere wool thường được dùng cho những sản phẩm dệt kim chất lượng cao, trang phục mùa đông và Âu phục cao cấp.


Một con dê cashmere chỉ cho 150–200g lông một năm (bằng khoảng 1/10 tới 1/20 lượng lông mà các giống cừu cho ra mỗi năm, đủ đề bạn thấy sự quý hiếm, chất lượng cũng như sự đắt đỏ xứng đáng của loại vải này). Sản lượng toàn thế giới vào khoảng 15.000 tấn/năm, trong đó Trung Quốc vẫn là quốc gia có sản lượng cao nhất. Độ mảnh của sợi là khoảng 13-16.5μm (trong khi wool thường đường kính có thể lên tới 40μm, bởi vậy nên cùng một kích thước vải như nhau, thì vải cashmere có mật độ sợi lớn hơn nên sẽ giữ nhiệt tốt hơn); độ dài sợi vào khoảng 28-45mm.

Cashmere jacket (Instagram Permanentstylelondon)

Mohair


Chúng ta tiếp tục đến với một giống dê khác, lần này là angora – giống dê xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng như cashmere, angora ngày nay đã được chăn nuôi ở nhiều nước trên thế giới, mục đích cũng là để tăng sản lượng và giảm giá thành đi được khá nhiều. Angora được chú ý đến bởi bộ lông dài màu trắng. Mỗi năm chúng thay lông 2 lần, vào mùa xuân và mùa thu, đây chính là nguyên liệu để tạo ra vải len mohair. Mohair wool cũng là một chất liệu được sử dụng rất nhiều trong Âu phục, chủ yếu là để tạo những trang phục/phụ kiện cho thời tiết ấm áp. Điểm đặc biệt của loại vải này, là đường kính lông sẽ tăng dần theo độ tuổi của dê, bởi vậy lông dê non rất thích hợp để may suit/ sportcoat/các loại jacket khác, còn lông dê già được ưu tiên để may các món đồ cần sợi lớn hơn như overcoat/greatcoat.


Mỗi con dê có thể cung cấp khoảng 5kg lông/năm (gấp 25 lần dê cashmere), và tổng sản lượng thế giới khoảng chừng 20.000 tấn, nhiều nhất từ Nam Phi. Độ mảnh của sợi là khoảng 24μm (dê non) – 36μm (dê trưởng thành); độ dài sợi vào khoảng 70-90mm.

Mohair wool suit (Instagram Bntailor)

Lông lạc đà (camel hair wool)


Lạc đà có lẽ là loài động vật đặc trưng nhất cho vùng sa mạc, nơi luôn gợi cho ta hình ảnh nóng nực tới kinh người. Nhưng chính những con lạc đà, cụ thể là lạc đà 2 bướu, lại cho chúng ta những sợi len từ phần lông cổ để tạo nên một chất liệu rất tuyệt vời cho việc giữ ấm vào mùa đông - camel hair wool. Lông cổ lạc đà được chia ra 2 phần, phần lông bên trên (gần đầu), thường thô hơn và phần lông bên dưới (gần thân), thanh mảnh hơn. Sau khi thu hoạch, phần lông này sẽ được xử lý để tạo nên loại vải wool chất lượng cao, thường được dùng làm áo khoác cao cấp. Camel hair giữ ấm tốt, nhưng vẫn đảm bảo sự thoải mái, thông thoáng cần có cho mùa đông.


Mỗi con lạc đà đem lại khoảng 5kg lông/năm, một năm trên thế giới sản xuất 140 tấn camel hair với sản lượng chủ yếu từ 2 nước Kazakhstan và Mông Cổ. Độ mảnh của sợi là khoảng 16-18μm (chỉ nhỉnh hơn một chút so với cashmere và vicuna mà tôi sắp đề cập, còn lại hoàn toàn mảnh hơn các loại sợi len khác); độ dài sợi vào khoảng 25-130mm.

Camel hair wool coat (ivy-style.com)

Vicuna


Chất liệu này không phải là phổ biến, nếu không muốn nói là vô cùng quý hiếm, nhưng tôi vẫn đề cập tới để bạn đọc tham khảo cũng như biết thêm được về giới hạn nào cho độ mảnh của những sợi vải wool.


Vicuna là loài lạc đà không bướu sống ở Nam Mỹ, khu vực trung tâm dãy Andes, độ cao 3.500-3.800m so với mực nước biển. Vì những đặc điểm thích nghi cần có để phù hợp với điều kiện khắc nghiệt riêng biệt này, nên loại lạc đà này gần như không thể được nuôi ở những vùng khác. Chỉ có khoảng 150.000 cá thể vicuna trên toàn thế giới, với quần thể lớn nhất (50%) đang sinh sống ở khu bảo tồn quốc gia Campas Galeras, quốc gia Peru. Lông vicuna đặc biệt quý hiếm, chỉ được dùng cho trang phục/phụ kiện cao cấp và có lẽ việc được sở hữu bất kỳ món đồ nào, dù là nhỏ nhất, bằng loại len tuyệt phẩm này, là cũng là mơ ước của các anh em đang đi theo classic menswear. Độ mảnh của sợi là khoảng 10-13μm (mảnh nhất trong tất cả các loại sợi len); độ dài sợi vào khoảng 20-25mm.

Vicuna wool scarf được bán với mức giá 1.790$ và đôi khi những chiếc jacket có giá lên tới 21.000$ (Alpacacollections.com)

Xem Kỳ 1


Bài: Dexter Dinh - Style Columnist

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page