top of page

Cái nhìn khái quát về nền mỹ thuật và văn học châu Âu thời Trung Cổ (P.2)

Nghệ thuật Trung Cổ Châu Âu, với bề dày lịch cùng kho tàng tác đồ sộ của mình, đã luôn là một đối tượng nghiên cứu quan trọng đối với các nhà phê bình nghệ thuật, nghệ sĩ và giới sưu tầm. Và bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các giai đoạn và phong cách nghệ thuật điển hình trong thời kỳ này.


Xem phần 1 tại đây.

Sơ kỳ Nghệ thuật Trung Cổ

Tranh bích họa thể hiện quang cảnh một bữa tiệc Agape đặc trưng của Cơ Đốc giáo. Không rõ tác giả. Ảnh: André Held/Wikimedia Commons

Khái niệm Sơ kỳ Nghệ thuật Trung Cổ khá phức tạp, khi nó bao gồm các tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ thứ 5 cho đến năm 1000 SCN. Chúng thể hiện ảnh hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp các đặc trưng cổ điển của văn minh Hy Lạp và La Mã với chủ đề Cơ đốc giáo và cả những thiết kế trang trí từ nền văn hóa Ngoại giáo phương Bắc.


Vào thời điểm xuất hiện của Nghệ thuật thời Trung Cổ, nhà thờ Công giáo và những người bảo trợ giàu có khác bắt đầu thực hiện các dự án cho các nghi thức tôn giáo và hoạt động cộng đồng cụ thể. Các nghệ sĩ thời Trung cổ được yêu cầu tạo ra tác phẩm mô tả những câu chuyện trong Kinh thánh và các chủ đề cổ điển cho các nhà thờ, trong khi không gian bên trong được trang hoàn với tranh khảm La Mã - các bức tranh tinh xảo được khảm bằng đá cẩm thạch.


Nhiều phong cách nghệ thuật tồn tại trước khi thời kỳ Trung Cổ tiếp tục được gợi lại để lấy cảm hứng. Một loại hình nghệ thuật phổ biến trong thời kỳ đầu là tượng điêu khắc. Những tác phẩm này có sức ảnh hưởng lớn vì chúng nổi bật so với nền để tạo ra hiệu ứng ba chiều. Các nghệ sĩ thời Trung Cổ sử dụng ngà voi làm chất liệu chính và thể hiện tác phẩm của mình trên bìa sách, quan tài, bảng, cửa ra vào và các vật dụng thờ cúng.


Một loại hình nghệ thuật khác mà các nghệ sĩ tiếp tục bảo tồn là tranh bích họa và tranh khảm, được sử dụng để trang trí nhà thờ và cung điện. Cả hai phương thức này đều sở hữu nhiều kỹ thuật phức tạp và thường được sử dụng để khắc họa các vị thánh và câu chuyện của Cơ đốc giáo, chẳng hạn như Đức Mẹ đồng trinh Maria và sự thăng thiên của Chúa Giêsu. Sự thiếu vắng chủ nghĩa hiện thực đi kèm với những sáng tạo này, bên cạnh đó còn có những bức tranh bích họa có phong cách đặc biệt phẳng lặng với những chủ đề vô cùng u ám.


Duomo di Siena (Nhà thờ Siena), một nhà thờ thời trung cổ ở Siena, Ý. Ảnh: Chenspec/Wikimedia Commons

Các nhà thờ và cung điện thường phối hợp nhiều tượng điêu khắc, tranh bích họa và tranh khảm để trang trí nội thất. Điều đó đã trở thành một cảnh tượng phổ biến trong thế giới Nghệ thuật Trung Cổ thời kỳ đầu. Trong khi thiết kế của những tòa nhà này chủ yếu vẫn mang phong cách La Mã, phong cách nghệ thuật lại mang ảnh hưởng Cơ đốc giáo một cách rõ nét.


Các giai đoạn chính của Nghệ thuật Trung Cổ

Thời kỳ Nghệ thuật Trung Cổ kéo dài mười thế kỷ và bao trùm một phạm vi thời gian và không gian rộng lớn, điều đó có nghĩa là nhiều phong cách và hình thức nghệ thuật khác nhau đã được thử nghiệm và đưa vào. Vì tôn giáo và đức tin được coi là lối sống chuẩn mực trong thời Trung Cổ, các tác phẩm nghệ thuật thường được tạo ra tái hiện những sự kiện xã hội, chính trị và lịch sử khác nhau thông qua việc xây dựng nhà thờ ở hầu hết các thị trấn ở châu Âu.


Nhìn chung, Nghệ thuật Trung Cổ có thể được phân chia theo các phong cách riêng biệt, xuất hiện ở các vùng đất khác nhau và vào các thời điểm khác nhau. Những thời kỳ nghệ thuật riêng biệt này mang tên gọi quy ước lần lượt là: Sơ kỳ Cơ đốc giáo, thời kỳ Byzantine, thời kỳ Romanesque và thời kỳ Gothic.


Sơ kỳ Cơ đốc giáo

Khi nền nghệ thuật thời Trung Cổ bắt đầu phát triển, tôn giáo và Cơ đốc giáo đã chiếm địa vị thống trị trong các câu chuyện được thể hiện bởi người nghệ nhân. Phần lớn các tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những thông điệp hướng đến sự thánh thiện và tâm linh, và có xu hướng khắc họa những cảnh được đề cập trong Kinh thánh. Ở một mức độ nào đó, các quốc gia giáp khu vực Đông Địa Trung Hải đã bảo trợ phong cách sáng tác này trong giai đoạn đầu phát triển. Tuy nhiên, khu vực chính mà phong cách này nổi lên là miền trung nước Ý.


"Golden Madonna of Essen", tượng gỗ dát vàng, có niên đại khoảng năm 990 sau CN. Ảnh: Martin Engelbrecht/Wikimedia Commons

Các loại hình nghệ thuật trong thời Sơ kỳ Cơ đốc giáo được phát triển sau khi Đế chế La Mã chính thức chấp nhận Cơ đốc giáo như một tôn giáo chính thống của đế quốc. Vào khoảng thế kỷ thứ 4, nghệ thuật Kitô giáo ngày càng phổ biến khi các bức tranh về Chúa Kitô xuất hiện ngày một nhiều hơn. Mối quan tâm xoay quanh việc tạo ra các hình ảnh của vị thánh bắt đầu gia tăng, với nhiều nghệ sĩ thời Trung cổ bắt đầu tạo ra những cảnh mô tả Chúa Giê-su và các nhân vật tôn giáo khác.


Đáng buồn thay, với vai trò là khởi đầu cho kỷ nguyên Nghệ thuật Trung Cổ, rất ít tác phẩm nghệ thuật trong ba thế kỷ đầu tiên này còn tồn tại đến ngày nay. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật Cơ đốc giáo sơ khai còn tồn tại đến ngày nay, chẳng hạn như những bức tranh mang tính biểu tượng, đều đến từ hầm mộ. Mặc dù vậy, một số ví dụ về kiến trúc Kitô giáo sơ khai vẫn còn tồn tại, vì rất nhiều nhà thờ đã được xây dựng trong giai đoạn này.


Thời kỳ Byzantine

Phát triển ở Constantinople, thủ đô của Đế chế Đông La Mã vào thời điểm đó, là phong cách nghệ thuật Byzantine. Các tác phẩm nghệ thuật thuộc phong cách này thường được đánh giá là đẹp nhất được tạo ra trong thời Trung Cổ do tay nghề hoàn hảo và chất lượng của vật liệu được sử dụng.


"Cambrai Madonna", tranh vẽ bằng tempera trên ván gỗ tuyết tùng, không rõ tác giả. Ảnh: Wikimedia Commons

Nghệ thuật Byzantine, được tạo thành từ sự kết hợp giữa nghệ thuật La Mã và phương Đông, trở nên đặc trưng bởi sự xa rời hiện thực của nó. Các nghệ sĩ không cố gắng làm cho bức tranh của họ chân thực hơn, thay vào đó họ lại tập trung vào tính biểu tượng. Do đó, những bức tranh được tạo ra cực kỳ phẳng, không có đổ bóng, với chủ đề có vẻ rất nghiêm túc.


Kiến trúc trong thời kỳ Byzantine thường hoành tráng và rực rỡ, vì các tòa nhà thể hiện sự giàu có của chủ nhân và trí tuệ của các nhà thiết kế, nghệ nhân và thợ xây. Đây là lý do tại sao các nhà thờ được xây dựng trong thời kỳ Byzantine lại rất tráng lệ, vì chúng đại diện cho tôn giáo thống trị là Cơ đốc giáo bên cạnh những yếu tố kể trên. Thật không may, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong thời kỳ này đã bị phá hủy, cùng với những bức tranh khảm và bích họa tinh xảo trang trí cho các nhà thờ.


Thời kỳ Romanesque

Mở đầu với một giai đoạn được gọi là thời kỳ nghệ thuật tiền Romanesque, thời kỳ Romanesque phát triển vào khoảng năm 1000 SCN và chịu ảnh hưởng của cả nghệ thuật La Mã và Byzantine. Phong cách nghệ thuật trong giai đoạn này vẫn tập trung vào tôn giáo và Cơ đốc giáo. Tác phẩm nghệ thuật theo phong cách Romanesque điển hình bao gồm tranh kính màu, tranh khắc tường, những bức tranh vẽ khổng lồ trên tường và trần nhà hình vòm, hình minh họa trong sách và các tác phẩm điêu khắc.


Cảnh 32 trên "Bayeux Tapestry" - bức tranh thảm mô tả sự hình thành của nước Anh thời Trung đại, có niên đại khoảng những năm 1070. Ảnh: Myrabella/Wikimedia Commons

Các tòa nhà theo phong cách Romanesque có vẻ ngoài to lớn, nhưng được đặc trưng bởi những đồ trang trí bề mặt đơn giản phản ánh phong cách của các nghệ nhân. Các loại hình kiến trúc trong thời kỳ này dựa trên những diễn giải cơ bản của các nghệ sĩ về kiến trúc La Mã thời cổ đại. Ảnh hưởng của văn minh La Mã lên nghệ thuật thời đại này chính cũng là nguồn gốc cho cái tên "Romanesque".


Romaneques đã được phát triển ở Pháp trước khi chúng lan sang các khu vực khác ở Tây Âu như Tây Ban Nha, Đức và Ý. Nó tồn tại như một phong cách nghệ thuật hàng đầu, hiện hữu khắp mọi nơi ở châu Âu, biểu trưng cho sự thịnh vượng ngày càng tăng của các thành phố và uy quyền của nhà thờ. Phong cách Romanesque cuối cùng đã lan đến Anh, nơi nó được gọi là nghệ thuật Norman và tiếp tục phát triển cho đến khi xuất hiện phong cách Gothic.


Thời kỳ Gothic

Thời kỳ cuối cùng của Nghệ thuật Trung Cổ là thời kỳ nghệ thuật Gothic, bắt đầu phát triển vào thế kỷ 12. Với nền tảng từ thời kỳ Romanesque, phong cách Gothic nổi lên khi Tu viện Saint-Denis ở Pháp đang được cải tạo. Phong cách này bắt đầu trở nên phổ biến và lan rộng khắp châu Âu, cuối cùng thay thế hoàn toàn phong cách Romanesque trước đó.


Bức "Thánh Aegidíu và người Hindu" được vẽ bởi Meister des Heiligen Ägidius trong khoảng năm 1500. Ảnh: National Gallery/Wikimedia Commons

Các nghệ sĩ bắt đầu sử dụng nhiều hiệu ứng thể hiện sắc độ hơn trong tác phẩm nghệ thuật của họ và thử nghiệm các chủ đề phong phú hơn. Tôn giáo đã đánh mất vị thế chủ đạo trong chủ đề sáng tác, thay vào đó là các tác phẩm về động vật và thần thoại. Tác phẩm được tạo ra trong thời kỳ Gothic thường sử dụng chủ nghĩa hiện thực, điều đó đồng nghĩa với việc các bức tranh giờ đây đã trở nên sống động hơn.


Khi các thành phố bắt đầu mở rộng, sự nở rộ các trường đại học và hoạt động thương mại đã dẫn đến sự hình thành một tầng lớp hoàn toàn mới, những người đột nhiên có thể đủ khả năng chi tiêu cho nghệ thuật. Điều này cuối cùng đã cho phép các nghệ sĩ thời Trung Cổ khám phá nhiều chủ đề trần tục và phi tôn giáo hơn trong tác phẩm nghệ thuật của họ. Kiến trúc Gothic thể hiện một số tiến bộ mang tính cách mạng về cấu trúc đối với các tòa nhà, được sử dụng để tạo ra các tòa nhà cao hơn và nhẹ hơn.


Tương tự, điêu khắc trong thời đại này mượn các yếu tố từ kiến trúc và chủ yếu được sử dụng để trang trí mặt tiền của các thánh đường và các công trình tôn giáo khác. Nghệ thuật Gothic sau cùng đã chuyển tiếp sang thời kỳ Phục hưng, mở ra một kỷ nguyên mới cho nghệ thuật châu Âu.


Bài: Hiếu Võ - Theo Art in Context

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page