top of page

Cái nhìn khái quát về nền mỹ thuật và văn học châu Âu thời Trung Cổ (P.1)


Thời kỳ Trung Cổ trong nền nghệ thuật châu Âu bao quát một phạm vi rộng lớn trong cả thời gian và không gian, với hơn 1000 năm phát triển. Kể từ khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ (khoảng 476-480) cho đến đầu thế kỷ XIV, thời kỳ Trung Cổ là một giai đoạn có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với nền văn hóa nghệ thuật phương Tây. Với khoảng thời gian tồn tại lâu dài, nhiều sáng kiến và tác phẩm độc đáo đã được tạo ra, và ảnh hưởng của phong trào Nghệ thuật Trung Cổ thậm chí lan đến cả Tây Á và Bắc Phi.


Ảnh: Art in Context

Nghệ thuật Trung Cổ là gì?


Bắt nguồn từ Bắc Âu sau khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ, Nghệ thuật Trung Cổ bao gồm một số phong trào và thời kỳ nghệ thuật lớn nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật. Chịu ảnh hưởng từ di sản nghệ thuật của thời kỳ La Mã trước đó và các phong tục trong cộng đồng Thiên chúa giáo thuở sơ khai, nền nghệ thuật thời Trung cổ đã tồn tại như một sự pha trộn giữa nhiều giá trị di sản đặc biệt.


Do sự rộng lớn của thời kỳ Nghệ thuật Trung Cổ, phong trào nói chung có thể được chia thành một số giai đoạn mang phong cách riêng biệt. Những giai đoạn nghệ thuật này thường được gọi là thời kỳ Sơ kỳ Cơ đốc giáo, thời kỳ Nghệ thuật Byzantine, thời kỳ Nghệ thuật Romanesque và thời kỳ Nghệ thuật Gothic. Ngoài những phong cách khác nhau tương ứng với từng giai đoạn trên, mỗi khu vực ở châu Âu còn thể hiện một phong cách nghệ thuật riêng biệt, có nghĩa là một số tác phẩm Nghệ thuật Trung Cổ mang nhiều nét khác biệt rõ rệt dù được ra đời trong cùng một khoảng thời gian.


Họa tiết trên trần nhà thờ Oude Kerk, Amsterdam. Ảnh: Hans A. Rosbach/Wkimedia Commons

Nghệ thuật Trung Cổ bao gồm nhiều hình thức thể hiện khác nhau, chẳng hạn như điêu khắc, tranh minh họa trong Kinh Thánh, kính màu, thảm trang trí, tranh khảm và đồ kim loại. Các tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bằng cách sử dụng các phong cách này thường có tỷ lệ "sống sót" cao hơn một số loại hình khác như tranh tường ngoài trời. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, các tác phẩm thường thiên về trang trí khi sử dụng các thủ pháp như tạo hình kim loại, chạm khắc ngà, tráng men và thêu. Chúng thường được cho là có giá trị hơn các bức tranh và tượng điêu khắc truyền thống.


Các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong thời Trung Cổ trở nên nổi tiếng nhờ việc sử dụng các vật liệu quý hiếm và đắt đỏ, điều này đã trở thành một nét đặc trưng của thời đại này. Kỷ nguyên Nghệ thuật Trung Cổ cuối cùng đã kết thúc với sự xuất hiện của phong trào Phục hưng, giai đoạn chứng kiến ​​sự phục hồi của các kỹ năng và giá trị gắn liền với nền nghệ thuật cổ điển vốn đã bị xem nhẹ trong suốt nhiều thế kỷ.


Đặc trưng của nền nghệ thuật châu Âu Trung Cổ


Nghệ thuật Trung Cổ ở Bắc Âu phát triển từ di sản thẩm mỹ do Đế chế La Mã để lại. Sau khi sụp đổ vào năm 476 sau Công nguyên, giai đoạn tiếp sau đó dẫn đến sự xuất hiện của Nghệ thuật Trung Cổ, đã được coi là thời kỳ định hình cho nền nghệ thuật của cả lục địa. Kéo dài cho đến giai đoạn đầu của thời kỳ Phục hưng vào thế kỷ 14, Nghệ thuật Trung Cổ bao gồm nhiều hình thức truyền tải đa dạng. Do đó, lịch sử của Nghệ thuật Trung Cổ được cho là rất rộng lớn khi phong trào kéo dài nhiều thế kỷ và bao gồm nhiều thể loại.


Nổi bật ở các khu vực khác nhau tại châu Âu, cũng như Trung Đông và Bắc Phi, một số tác phẩm nghệ thuật có giá trị nhất thế giới ngày nay đã được tạo ra trong giai đoạn nay. Những tác phẩm nghệ thuật này chủ yếu được trưng bày trong các nhà thờ, thánh đường, kinh thánh và nơi thờ cúng thiêng liêng khác. Một số chất liệu quý, điển hình như vàng lá trong các cuốn sách về tôn giáo, rất phổ biến trong thời Trung Cổ, vì phong trào này bị ảnh hưởng rất nhiều bởi giai đoạn đầu của nghệ thuật Cơ đốc giáo và nền văn hóa của những tộc người German.


Bìa sách Coronation Evangeliar, một phần của Imperial Regalia of the Holy Roman Empire (HRE), tác phẩm của người thợ kim hoàn tên Hans von Reutlingen. Ảnh: Andreas Praefcke/Wikimedia Commons

Còn được gọi là thời kỳ Phong kiến, thời Trung Cổ ở châu Âu chứng kiến sự thống trị của chế độ phong kiến khi nó hầu như là chuẩn mực trong nền chính trị và xã hội của châu lục này. Trong giai đoạn này, các gia đình quý tộc nắm quyền kiểm soát và cai trị trên mọi lãnh thổ. Xã hội được cấu thành từ những thành phần tinh hoa này và giai cấp nông dân, những người buộc phải phục tùng và canh tác trên đất đai của họ.


Do đó, cuộc sống hàng ngày của hai nhóm xã hội này rất khác nhau, vì tầng lớp thượng lưu được hưởng sự giàu có, quyền lực và địa vị tôn quý, trong khi tầng lớp thấp hơn phải phục vụ cho họ. Và dường như sợi dây duy nhất có thể liên kết họ lại với nhau là tôn giáo. Đây là lý do tại sao nhiều tác phẩm nghệ thuật ở đầu thời Trung cổ thường được tạo ra bởi giới linh mục và tu sĩ, khi tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống thường nhật trong giai đoạn này.


Các tác phẩm như vậy đã được tạo ra như một phương thức chính để truyền đạt nội dung của Kinh Thánh đến mọi người, do tình trạng mù chữ ngày càng gia tăng trong khoảng thời gian này. Điều này dẫn đến sự cần thiết của nghệ thuật để thể hiện những câu chuyện và biểu tượng phức tạp theo cách mà tất cả tầng lớp xã hội đều có thể tiếp cận được. Do đó, các tác phẩm thuộc phong trào Nghệ thuật Trung Cổ trở nên cách điệu hơn, mất đi nét tự nhiên, tả thực cổ điển gắn liền với thời kỳ Hy Lạp-La Mã.


Apocalypse Tapestry, tranh thảm thể hiện câu chuyện về Khải huyền. Tác phẩm được thực hiện bởi Louis I, Công tước xứ Anjou (Pháp) trong khoảng từ năm 1375 đến năm 1382. Ảnh: Dennis Jarvis/Wikimedia Commons

Cũng vì trình độ học vấn chung còn tương đối thấp, tài liệu chủ yếu được tạo ra để phục vụ cho các giáo sĩ, những người đã sao chép lại các cuốn sách có kèm minh họa để giao tiếp dễ dàng hơn với quần chúng. Và bản thân những bản thảo này đã trở thành một loại hình nghệ thuật riêng biệt. Những câu chuyện mang màu sắc Thiên Chúa giáo rất được ưa chuộng, và trọng tâm của việc sáng tác dịch chuyển từ những hình ảnh đậm tính tả thực sang khả năng diễn đạt những câu chuyện phức tạp. Điều này cũng ảnh hưởng đến toàn bộ phong cách thể hiện, bắt đầu nghiêng về việc đưa các hình tượng trừu tượng vào phần lớn nền nghệ thuật đầu thời Trung cổ.


Các nghệ sĩ thời Trung Cổ cũng có thể đồng thời là những thợ mộc, thợ điêu khắc, thợ xây hay thợ rèn tài ba khi áp dụng các họa tiết trang trí vào sản phẩm của họ. Những tác phẩm trong thời kỳ này đã ảnh hưởng đến các nghệ nhân của các ngành nghệ thuật ít được biết đến hơn hiện nay, chẳng hạn như rèn kim loại, chế tác ổ khóa, đóng giày và dệt may, những người đã mô phỏng phong cách Trung cổ trong các đồ vật mà họ sản xuất.


Reliquary Plaque of an Evangelist - Tấm phù điêu mô tả cảnh một nhà truyền giáo đang ngồi trong một thánh đường. Tác phẩm này là một phần trong dự án tân trang Đền thờ Saint Amandus vào thế kỷ XIII. Ảnh: Walters Art Museum

Sở dĩ thời kỳ Nghệ thuật Trung Cổ trở nên quan trọng là vì nó không thuần túy mang tính thẩm mỹ, mà nó còn tồn tại như một biểu tượng thể hiện địa vị, bản sắc, học vấn và văn hóa của một người. Do đó, những thay đổi lớn về xã hội, văn hóa và nghệ thuật xảy ra ở châu Âu khi thời kỳ Trung Cổ phát triển đã tiếp tục định hình rõ hơn các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong thời gian đó. Mặc dù phong trào không bắt đầu cũng như không kết thúc vào thời điểm cụ thể, nhưng sự kết thúc của Nghệ thuật Trung Cổ được cho là báo hiệu bởi những thay đổi trong phong cách thể hiện đi kèm với sự khởi đầu của thời kỳ Phục hưng.


Với ý nghĩa lịch sử lớn lao khi đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ, thời kỳ Trung Cổ tiếp tục là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng đối với các nhà phê bình nghệ thuật, người thực hành nghệ thuật và nhà sưu tập. Những thành tựu của các nghệ sĩ trong phong trào đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các thể loại nghệ thuật phương Tây hiện đại nối tiếp nó.


Như vậy, chúng ta có thể nói rằng Nghệ thuật Trung Cổ đã tồn tại như một trong những phong trào nghệ thuật quan trọng nhất trong lịch sử.


Bài: Hiếu Võ - Theo Art In Context

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page