Vương quốc Anh chính thức tham gia quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương
Mới đây, Anh thông báo đã đạt được thỏa thuận tham gia quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương và gọi đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất kể từ Brexit. Quốc gia này sẽ trở thành thành viên mới và là nước đầu tiên ở châu Âu tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) kể từ khi hiệp định này có hiệu lực vào năm 2018.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố động thái này vào đầu ngày thứ Sáu (31/3), ông ca ngợi đây là sự kiện có thể giúp tăng trưởng kinh tế trong nước thêm 1,8 tỷ bảng Anh (tương đương 2,2 tỷ USD) trong thời gian dài. “Khu vực này nơi sinh sống của hơn 500 triệu người và sẽ chiếm 15% GDP toàn cầu sau khi Vương quốc Anh tham gia,” Sunak cho biết.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do gồm 11 thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam; được kế thừa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sau khi Hoa Kỳ rút lui dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2017.
Thỏa thuận của Vương quốc Anh đã được đưa ra gần hai năm sau khi nước này bắt đầu đàm phán để tham gia hiệp ước. Với tư cách là một thành viên trong hiệp định, hơn 99% hàng xuất khẩu của Vương quốc Anh sẽ đủ điều kiện được miễn thuế để vận chuyển sang 11 quốc gia đó. Trong đó bao gồm cả các mặt hàng xuất khẩu chính, chẳng hạn như pho mát, ô tô, sô cô la, máy móc, rượu gin và rượu whisky.

Trong một năm tính đến tháng 9 năm 2022, Vương quốc Anh đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 60,5 tỷ bảng Anh (75 tỷ USD) sang các nước CPTPP. Chẳng hạn, những người chăn nuôi bò sữa đã gửi các sản phẩm trị giá 23,9 triệu bảng Anh (29,6 triệu đô la) như pho mát và bơ đến Canada, Chile, Nhật Bản và Mexico vào năm ngoái và các quốc gia đều “được hưởng lợi nhờ mức thuế thấp hơn”.
Ngoài ra, thỏa thuận này còn một mục đích khác là dỡ bỏ rào cản cho các doanh nghiệp Anh, những doanh nghiệp này sẽ không còn phải thành lập văn phòng địa phương tại các quốc gia thành viên của hiệp ước để cung cấp dịch vụ. Theo văn phòng của Sunak, dịch vụ chiếm một phần lớn, 43% trong tổng thương mại của Vương quốc Anh với các thành viên CPTPP vào năm ngoái.
Trong tuyên bố của chính phủ, một số doanh nghiệp đã bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận này, bao gồm ngân hàng toàn cầu Standard Chartered và nhà sản xuất rượu mạnh Pernod Ricard. Anishka Jelicich, giám đốc quan hệ công chúng của Pernod Ricard tại Vương quốc Anh cho biết: “Tham gia hiệp ước là một cơ hội lớn cho việc kinh doanh rượu whisky Scotch của chúng tôi.”
“5 trong số 20 thị trường xuất khẩu hàng đầu của chúng tôi đều là thành viên CPTPP. Chúng tôi kỳ vọng được cắt giảm thuế quan và có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn với một số nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới. Từ đó có thể tăng gấp đôi doanh số bán hàng ở một vài thị trường để tăng xuất khẩu và đảm bảo việc làm cũng như đầu tư vào Vương quốc Anh.” – ông Anishka Jelicich bày tỏ trong bài phát biểu của mình.
Bài: Thanh Trúc – Theo CNN
Comments