top of page

Vụ kiện chống độc quyền: Apple mất 113 tỷ USD, lung lay vị thế thống trị


Các nhà đầu tư đang lo ngại về nguy cơ Apple bị phạt và mất dần sự thống trị thị trường khi các cơ quan chức năng ở cả hai bờ Đại Tây Dương để mắt đến công ty này. Tại Mỹ, Bộ Tư pháp cùng 16 tổng chưởng lý các bang đang kiện nhà sản xuất iPhone vi phạm luật chống độc quyền. Còn ở châu Âu, công ty này được cho là đang đối mặt với các cuộc điều tra về việc liệu họ có tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của khu vực hay không.


Bị "sờ gáy", Apple mất 113 tỷ USD


Cổ phiếu của Apple đã giảm 4,1% vào thứ Năm (21/3), xóa sổ khoảng 113 tỷ USD giá trị thị trường và khiến mức lỗ từ đầu năm đến nay tăng lên 11%. Từng là công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới với giá trị thị trường hơn 3 nghìn tỷ USD, Apple hiện đang có mức tăng trưởng kém hơn cả Nasdaq 100 và S&P 500 trong năm 2024.


Đây không phải là lần đầu tiên Apple bị các cơ quan quản lý “sờ gáy”. Công ty này và các đối thủ đã nhiều năm đối mặt với cáo buộc tự làm giàu bằng cách chèn ép các bên cạnh tranh. Tuy nhiên, khi sản phẩm của Apple ngày càng được ưa chuộng và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày trên toàn thế giới, các cơ quan chức năng cũng trở nên “hiếu chiến” hơn và cảnh giác với quyền lực của công ty.


Vụ kiện ở Mỹ được đệ trình lên tòa án liên bang New Jersey hôm thứ Năm (21/3) đã cáo buộc Apple ngăn chặn các đối thủ truy cập vào các tính năng phần cứng và phần mềm trên các thiết bị phổ biến của hãng. Các cuộc điều tra tiềm năng ở châu Âu, cũng nhắm vào một số đối thủ của Apple, sẽ tập trung vào các khoản phí, điều khoản và điều kiện mới của công ty đối với các nhà phát triển ứng dụng trên App Store.



Apple bị tố cáo "lạm quyền": Ngăn chặn đối thủ, bóp nghẹt sáng tạo?


"Sẽ đến một thời điểm mà cơn mưa vụ kiện và sự giám sát đi kèm trở thành gánh nặng thực sự đối với cách thức hoạt động của các công ty này. Ngay cả khi họ thắng kiện, xét về mặt nào đó, thì họ cũng đã thua", Bill Kovacic - giáo sư chống độc quyền tại Trường Luật Đại học George Washington nhận định.


Apple đã phản ứng trước vụ kiện ở Mỹ bằng cách gọi đó là "sai về thực tế và luật pháp." Hãng cảnh báo rằng hành động này sẽ “thiết lập một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu hơn vào quá trình thiết kế công nghệ phục vụ người dân” và cam kết sẽ “kiên quyết chống lại”. Apple hiện chưa đưa ra phản hồi nào về các cuộc điều tra tiềm năng ở châu Âu.


Vụ kiện ở Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực phân phối ứng dụng trên iPhone để ngăn cản các cải tiến cho phép người tiêu dùng chuyển đổi điện thoại dễ dàng hơn. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, công ty đã từ chối hỗ trợ các ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, hạn chế ví kỹ thuật số của bên thứ ba và đồng hồ thông minh không phải của Apple, đồng thời chặn các dịch vụ phát trực tuyến trò chơi trên nền tảng đám mây.


Giang Nguyễn (Theo Bloomberg)

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page