Vũ kịch Kẹp Hạt Dẻ - 'truyền thống' Giáng sinh trở lại nhân kỷ niệm 30 năm HBSO
Những điệu nhảy uyển chuyển, những bộ trang phục lộng lẫy, cùng với âm nhạc du dương tạo nên một không khí huyền ảo, lãng mạn. Năm nay, Vũ kịch Kẹp hạt dẻ trở lại từ ngày 8-10/12/2023 tại Nhà hát Thành Phố Hồ Chí Minh, hứa hẹn đem đến cho khán giả những trải nghiệm đáng nhớ.
Như một biểu tượng truyền thống không thể thiếu trong dịp giáng sinh hằng năm, Vũ kịch Kẹp hạt dẻ mang đến cho mọi người cảm giác ấm áp, gần gũi và thân thuộc. Mỗi dịp Giáng sinh, các rạp hát trên khắp thế giới đều trình diễn vở ballet này, thu hút hàng ngàn khán giả đến xem.
Vũ kịch Kẹp hạt dẻ được viết dựa trên truyện cổ tích Kẹp Hạt Dẻ và Vua Chuột (The Nutcracker and the Mouse King) của nhà văn E.T.A. Hoffman. Câu chuyện của Hoffman đen tối hơn những gì khán giả xem trong Vũ kịch Kẹp Hạt Dẻ, được dựa trên cuộc xâm chiếm của Napoleon và thật sự không phù hợp với trẻ em.
Đoàn ballet Vương quốc Anh biểu diễn Vũ kịch Kẹp hạt dẻ: Vở ballet không được biểu diễn ở Anh cho đến năm 1934 | Ảnh: Getty Image
Vũ kịch Kẹp hạt dẻ được viết bởi nhà soạn nhạc người Nga Tchaikovsky. Đáng buồn thay, ông qua đời ngay sau khi tác phẩm được công diễn lần đầu tại Nga năm 1892. Buổi diễn đã không được đón nhận và Tchaikovsky nghĩ rằng đây là một trong những tác phẩm tệ nhất của ông và rằng Người Đẹp Ngủ Trong Rừng (The Sleeping Beauty) bỏ xa Kẹp Hạt Dẻ. Ông đã không bao giờ biết được tác phẩm này của mình sau này trở thành "truyền thống" mỗi mùa Giáng Sinh của các nhà hát lớn nhỏ khắp thế giới.
Nhạc cụ "celesta" được Tchaikovsky giới thiệu lần đầu khi công diễn Vũ kịch KẸP HẠT DẺ. Celesta tạo nên tiếng giọt nước trong phần diễn của Sugar Plum Fairy. Tchaikovsky đã bị âm thanh của nó mê hoặc khi ông nghe nó lần đầu ở Paris. Ông đã quyết định bí mật vận chuyển một chiếc về St Petersburg và gây ngạc nhiên cho khán giả cũng như những nhà soạn nhạc đồng nghiệp. Sự xuất hiện của celesta đã tạo nên hiệu ứng tinh tế, màu sắc kỳ lạ Vũ kịch KẸP HẠT DẺ có vẻ đẹp đặc trưng không thể cưỡng lại được.
Mặt sau của Celesta đã được tháo nắp lưng | Ảnh: Schiedmayer Celesta GmbH
Celesta là một nhạc cụ gõ được điều khiển bằng bàn phím, giống như một cây đàn piano đứng (bốn hoặc năm quãng tám), nhưng với các phím nhỏ hơn và thùng đàn nhỏ hơn nhiều, hoặc như một chiếc hộp nhạc gỗ lớn (ba quãng tám). Các phím kết nối với các búa đập vào một tập hợp các tấm hoặc thanh kim loại (thường là thép) được treo trên các bộ phận cộng hưởng gỗ.
Celesta đã được sáng chế vào năm 1886 bởi Auguste Mustel, một người Paris. Tchaikovsky tình cờ phát hiện ra nhạc cụ này khi ông đến Paris. Trong một lá thư gửi cho nhà xuất bản, Tchaikovsky viết: “Tôi đã phát hiện ra một nhạc cụ mới ở Paris, một thứ gì đó kết hợp giữa một cây đàn piano và một cây đàn glockenspiel, với một âm thanh đẹp như thiên đường".
Bên trong một chiếc Celesta | Ảnh của Schiedmayer Celesta GmbH
Tchaikovsky yêu cầu nhà xuất bản mua một cây celesta cho vở ballet mới của ông, đồng thời yêu cầu giữ bí mật hoàn toàn. Ông viết: "Hãy gửi trực tiếp đến Petersburg nhưng đừng cho bất cứ ai ở đó được biết về nó. Tôi sợ Rimsky-Korsakov và Glazounov có thể nghe về nó và sử dụng hiệu ứng mới trước tôi. Tôi hy vọng nhạc cụ sẽ tạo ra một cảm giác tuyệt vời cho vở diễn".
Kế hoạch bí mật vận chuyển nhạc cụ đã thành công. Một năm sau, tại buổi công diễn đầu tiên của Vũ kịch Kẹp Hạt Dẻ ở Saint Petersburg, bản nhạc Sugar Plum fairy xuất hiện trên sân khấu và âm thanh ma thuật của celesta đã vang lên khắp dàn nhạc.
Pyotr Ilyich Tchaikovsky - Nhà soạn nhạc người Nga thời kỳ Lãng mạn | Ảnh: Mirror
Tchaikovsky gây bất ngờ cho toàn bộ khán phòng bởi chưa từng có ai nghe thấy âm thanh bí ẩn này trước đây và cũng không ai biết âm thanh đang được tạo ra như thế nào.
Vũ kịch Kẹp hạt dẻ được công diễn lần đầu tại Nga vào ngày 18 tháng 12 năm 1892, tại Nhà hát Mariinsky, St. Petersburg với khán phòng chật kín người nhưng lại không nhận được sự ủng hộ từ khán giả. 52 năm sau, tác phẩm được công diễn tại Hoa Kỳ với phần biểu diễn của Đoàn Vũ kịch San Francisco. Tuy nhiên đến khoảng năm 1960, tác phẩm này mới trở thành biểu tượng không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh khắp đất nước và sau đó nữa là khắp thế giới.
Bài: Navigator Media
Comments