top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế trên thị trường nông sản thế giới



Xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm nay đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, điển hình nhất là việc giá gạo xuất khẩu lập kỷ lục, nâng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt trong 10 tháng đầu năm lên gần 4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm 2023 cũng đạt đến 3,45 tỷ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2022, tiến gần đến mục tiêu kỷ lục 5 tỷ USD.


Và để có một cái nhìn khái quát hơn về triển vọng của nông sản Việt trong thời gian tới, hãy cùng Navigator gặp gỡ Lê Ngọc Nguyên, người sáng lập nên thương hiệu rau quả sạch Cansy’s Garden và nghe những chia sẻ của chị về triển vọng phát triển của ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam.


Chào chị! Đầu tiên, để bắt đầu buổi phỏng vấn, chị hãy mô tả sơ bộ về mô hình hoạt động của Á Long và Cansy’s Garden để độc giả có được cái nhìn khái quát về hai công ty nhé.

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Á Long được thành lập từ năm 2012. Mô hình hoạt động của chúng tôi khác với các công ty thông thường ở chỗ: khi các công ty con hoạt động tại những lĩnh vực riêng biệt đã phát triển đủ mạnh, chúng tôi sẽ tách chúng ra thành một công ty riêng biệt, như trường hợp của Health Care Center là một ví dụ điển hình.


Tuy nhiên, hiện tại thì Cansy’s Garden vẫn đang là đơn vị trực thuộc Á Long. Cách thức hoạt động của công ty cũng sẽ có sự khác biệt nhất định so với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành nông nghiệp thường sẽ chỉ lựa chọn hoạt động một trong hai mảng sản xuất hoặc thương mại. Hoạt động của Cansy’s Garden hướng đến việc phối hợp cả hai: chúng tôi hợp tác cùng người nông dân, định hướng loại cây trồng phù hợp với vùng đất của họ, tư vấn kỹ thuật và đứng ra lo liệu thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu. Sau khi thu về, chúng tôi sẽ cho đóng gói bao bì với tem nhãn của công ty hoặc từ thương hiệu của khách hàng. Và đến thời điểm hiện tại, công ty cũng đã có hệ thống nông trại cho riêng mình, trải dài trên địa bàn nhiều tỉnh thành khác nhau.



Về lĩnh vực nông nghiệp, theo tôi được biết thì giống vải không hạt tại Thanh Hóa đã “gây sốt” trong tháng 6 vừa qua được xuất khẩu thành công đến Nhật Bản và Vương quốc Anh. Vậy thì chị, người đã cùng Cansy’s Garden tham gia trực tiếp vào câu chuyện trên, đánh giá thế nào về sự thành công này đối với lĩnh vực xuất khẩu rau quả nước ta?

Để bàn về tác động của vải không hạt đối với nền xuất khẩu nông sản Việt, tôi nghĩ chúng ta cần một góc nhìn toàn cảnh và mang tính chuyên môn hơn về ngành nông nghiệp.


Trước hết, ta cần phải hiểu một trong những điểm mạnh của Việt Nam. Đầu tiên là việc sở hữu một nền sản xuất nông nghiệp lâu đời và vẫn tiếp tục phát triển ở thời điểm hiện tại. Điều này sẽ mang lại lợi thế đáng kể về mặt kinh nghiệm.


Tiếp đến, việc nằm trong vùng nhiệt đới cũng đem đến cho nước ta một ưu đãi lớn, khi đây là điều kiện khí hậu lý tưởng của rất nhiều chủng loại trái cây, rau củ khác nhau, với số lượng phong phú hơn hẳn tại các nước thuộc khu vực hàn đới hay ôn đới.


Và cuối cùng, kỹ thuật nông nghiệp tại Việt Nam có thể nói là đã khá phát triển, đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, khi mà trung bình chỉ cần 2 đến 4 năm là chúng ta đã có thể trồng thành công một giống mới. Trước cả vải không hạt, Việt Nam đã ghi nhận trồng thành công nhiều giống cây lạ khác như dưa lưới, vú sữa hoàng kim,…


Do đói, tôi cho rằng việc trồng và xuất khẩu vải không hạt chủ yếu mang ý nghĩa như một lời tái khẳng định năng lực của nền nông nghiệp Việt Nam.



Vậy chị có nhận định gì về triển vọng phát triển trong tương lai của lĩnh vực xuất khẩu rau quả Việt Nam hay không?

Như đã chia sẻ từ trước, Việt Nam có hai lợi thế nổi bật về bề dày phát triển nền nông nghiệp và khí hậu tự nhiên, mang đến sự phong phú cho chủng loại cây trồng. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn tồn tại một số hạn chế, mà nổi bật nhất là sự thiếu đồng bộ trong kỹ thuật trồng trọt giữa các vùng miền, giữa những hộ sản xuất quy mô nhỏ và doanh nghiệp mang định hướng bài bản. Dù vậy, ngành nông nghiệp lại có đặc tính là cung cấp các sản phẩm thuộc hàng thiết yếu đối với đời sống, từ đó duy trì được sự ổn định cao về nguồn cầu.


Thế nên, một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như nước ta sẽ tiếp tục duy trì được vị thế trên trường quốc tế, hay thậm chí còn nâng cao hơn trong bối cảnh bất ổn địa-chính trị toàn cầu như thời gian gần đây. Đơn cử như chỉ tính riêng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta năm nay đạt đến hơn 1,63 tỷ USD. Hay sự kiện Ấn Độ và một số quốc gia khác hạn chế xuất khẩu gạo cũng đã đẩy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên cao kỷ lục.



Tôi xin được phép đặt câu hỏi mang tính cá nhân một chút. Liệu có động lực đặc biệt nào thôi thúc chị dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp hay không? Và những khó khăn trong giai đoạn phát triển ban đầu là gì?

Để mà nói thì lý do dẫn tôi đến với nông nghiệp có hơi hài hước một chút. Thời điểm bé thứ hai nhà tôi được khoảng 2 tuổi, tức khoảng năm 2016 rộ lên rất nhiều thông tin về các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn bị phanh phui. Vì vậy có thể nói động lực lớn nhất để tôi mở rộng hoạt động sang nông nghiệp trước hết là để đem lại nguồn rau quả an toàn cho con mình.


Và đây cũng chính là lý do mà với sản phẩm từ Cansy’s Garden, tôi luôn muốn chất lượng phải là yếu tố được ưu tiên hàng đầu chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào mục đích thương mại. Điều này vô hình chung lại giới hạn hoạt động của chúng tôi tại khu vực miền nam, từ Ninh Thuận đổ vào, tức khu vực có những nông trại mà chúng tôi có thể trực tiếp kiểm soát được quy trình kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng. Ví dụ như xoài cát Hòa Lộc do Cansy’s Garden cung cấp sẽ chỉ được trồng tại Đồng Tháp và Tiền Giang. Hay như bơ bút, ban đầu chúng tôi nhập hàng từ cả 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Nhưng sau một thời gian kiểm nghiệm và nhận thấy chất lượng bơ từ Đắk Nông cao hơn thì công ty đã chuyển hướng chỉ tập trung nhập hàng và phát triển quy trình kỹ thuật tại Đắk Nông.


Còn về khó khăn trong giai đoạn đầu thành lập Cansy’s Garden, tôi nghĩ chúng đến từ mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Dù ban đầu chủ yếu hoạt động trong mảng phân phối, nhưng chúng tôi vẫn đặc biệt lưu tâm đến vấn đề kiểm soát chất lượng để mang đến tay người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất. Và điều đó kéo theo hàng loạt khó khăn trong toàn bộ các công đoạn: từ quy trình trồng, thu hoạch, bảo quản, kiểm định hàm lượng các chất,…



Còn đối với Á Long, bên cạnh các lĩnh vực mà công ty đang hoạt động hiện nay như: xây dựng, nông sản và F&B, y tế chị có còn dự định mở rộng sang lĩnh vực nào khác trong thời gian tới?

Hiện tại thì khối lượng công việc của tôi đang khá lớn, chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp đã trình bày ở trên thì mọi người cũng có thể thấy được rất nhiều thứ cần phải làm, hay như tại Health Care Center bên mảng y tế cũng vậy.


Tuy nhiên, nếu được hỏi về một lĩnh vực mới để dấn thân, tôi nghĩ đó sẽ là giáo dục. Như đã thấy, Á Long có cách thức hoạt động tương đối khác biệt so với nhiều doanh nghiệp khác trong cùng ngành nghề, dẫn đến các tiêu chí đòi hỏi ở nhân sự cũng sẽ có sự khác đi. Do đó tôi muốn hướng đến giáo dục để đào tạo nên nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của công ty, ngoài ra cũng hỗ trợ cho học viên về mặt kiến thức và đưa ra định hướng tốt hơn để phát triển trong ngành nghề mà họ tham gia.



Với tư cách là người đi trước và đã gặt hái được những thành tựu đáng kể, chị có lời nào muốn gửi gắm đến những bạn trẻ đang ấp ủ hay mới bắt đầu bước đi trên con đường khởi nghiệp?

Từ kinh nghiệm của bản thân tôi, trước khi hướng đến mục tiêu thành lập doanh nghiệp riêng, các bạn trẻ nên đi làm thuê cho các doanh nghiệp khác trước, và nếu được, thì các bạn nên thử sức mình trong nhiều vị trí khác nhau. Đây là một quá trình dài, nhưng lại không nên bỏ qua vì giai đoạn này sẽ đem lại cho ta những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết. Chúng ta phải hiểu rằng không như nhân viên thông thường sẽ chỉ tập trung vào chuyên môn, người làm chủ cần có khả năng bao quát mọi hoạt động trong công ty để điều phối công việc một cách hiệu quả.


Và kể cả khi đã thành lập công ty riêng, bạn vẫn cần phải duy trì thái độ học tập tích cực. Như cá nhân tôi cũng luôn tự học hỏi trong mọi lĩnh vực mình tham gia vào, từ ngành xây dựng, y tế đến nông nghiệp. Có như vậy, bạn mới có thể đạt được cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về lĩnh vực đó nhằm cho ra những sản phẩm đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng cũng như quản lý công việc tốt hơn.


Ngoài ra, còn một đức tính quan trọng nữa là lòng kiên trì, chấp nhận thất bại. Không phải ai cũng có thể thành công ngay trong lần thử đầu tiên, bạn sẽ phải trải qua những lần vấp ngã, thất bại trên hành trình của mình. Tuy nhiên, với lòng kiên trì, bạn hoàn toàn có thể biến những thất bại đó thành bài học quý giá và trở nên vững vàng hơn để đạt được thành tựu bản thân mong muốn.


Rất cảm ơn vì những chia sẻ của chị, Navigator chúc chị cùng Á Long tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong các dự án sắp tới!

Bài: Navigator Media

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page