top of page

Vẻ đẹp nữ tính trong lịch sử nghệ thuật phương Tây và 5 mẫu hình đặc sắc nhất


“Cái đẹp, theo cách nào đó, thật nhàm chán. Ngay cả khi khái niệm của nó thay đổi qua các thời đại… một sự vật đẹp luôn phải tuân theo những quy tắc nhất định… Cái đẹp thì hữu hạn, cái xấu thì vô hạn, như Thượng đế vậy.” (Beauty is, in some way, boring. Even if its concept changes through the ages… a beautiful object must always follow certain rules… Beauty is finite, ugliness is infinite like God.) - Umberto Eco


Trong hơn 15.000 năm, con người đã thể hiện quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ thông qua nghệ thuật. Kể từ những hình người được mô tả ở hang động Chauvet-Pont d'Arc, hình ảnh người phụ nữ đã phát triển đáng kể qua các thời đại và nền văn hóa khác nhau, phản ánh đời sống xã hội cũng như những kỳ vọng về văn hóa trong suốt lịch sử. Mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và hình ảnh người phụ nữ phần lớn liên quan đến thực tế là hầu hết các tác phẩm nghệ thuật đều do nam giới thực hiện. Chúng ta sẽ lần lượt xem xét những mẫu hình lý tưởng về vẻ đẹp nữ tính đã thay đổi như thế nào và chúng phản ánh điều gì.


Tượng Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti (thế kỷ 14 trước Công nguyên) và chân dung tự họa của Tamara de Łempicka (1898-1980)


1. Vẻ đẹp lý tưởng của phụ nữ xưa: Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti


Bức tượng bán thân bằng đá sa thạch tô màu nổi tiếng của Nefertiti (1370-1330 BC), hiện lưu giữ ở Bảo tàng Neues tại Berlin, là một trong những tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng nhất thế giới. Bức tượng đã đi vào lịch sử như một dấu ấn lớn về lý tưởng sắc đẹp của phụ nữ với đôi lông mày cong thanh lịch, chiếc cổ dài, khuôn mặt cân đối hoàn hảo và đôi mắt hình quả hạnh. Mặc dù Nefertiti xuất hiện trước tiên trong danh sách của chúng ta, nhưng hiện thân của lý tưởng sắc đẹp Ai Cập cổ đại này lại có vẻ phù hợp với các tiêu chuẩn sắc đẹp hiện đại của phương Tây - từ bỏ vòng một, bụng và hông lớn ở những pho tượng phồn thực thời cổ đại để có một thân hình mảnh mai nhưng khỏe mạnh.


Điều thú vị là tất cả các miêu tả về Nefertiti đều cho thấy bà không có tóc, với khuôn mặt được trang điểm kỹ làm nổi bật đôi môi và đôi mắt to. Bức tượng bán thân của Nefertiti thu hút khán giả bằng vẻ đẹp khắc khổ và ánh mắt u sầu nhưng mạnh mẽ. Một trong những giá trị trung tâm của nền văn minh Ai Cập cổ đại là “ma’at” - khái niệm về sự hài hòa và cân bằng trong mọi khía cạnh của đời sống.


Ở Ai Cập cổ đại, đàn ông được coi là chủ gia đình, nhưng ngay trong chế độ phụ hệ, phụ nữ vẫn có quyền lực và sự độc lập đáng kể. Quyền của phụ nữ phụ thuộc vào tầng lớp xã hội chứ không phải giới tính, ngoài ra, phụ nữ cũng được quản lý tài sản riêng. Sự tôn trọng xã hội kết hợp với biểu tượng về người nữ ở thế giới bên kia đã ảnh hưởng trực tiếp đến cách họ được thể hiện trong nghệ thuật.


Tượng chân dung Nefertiti (thế kỷ 14 trước Công nguyên)


2. Aphrodite


Những cuộc phiêu lưu của Aphrodite, hay Venus, là một chủ đề phổ biến trong nghệ thuật Hy Lạp và La Mã. Những câu chuyện được mô tả một cách sinh động xoay quanh vẻ đẹp huyền thoại và sự tham gia của cô vào các vấn đề tình yêu. Vẻ đẹp của Aphrodite và sức mạnh mà vẻ đẹp ấy nắm giữ được thể hiện qua cách nền văn hoá phương Tây nhìn nhận về màu da của người phụ nữ được thần thánh hóa. Hình ảnh nhân vật này cho thấy cô có nước da xanh xao, với mái tóc sáng màu và hình dáng gợi ý một người phụ nữ không được rèn luyện thể dục thể thao, với bộ ngực lớn hơn, đùi và bụng nổi bật hơn. Đã qua cái thời của những bức tượng bán thân rám nắng và những thân hình cơ bắp, biểu hiện nghệ thuật chung của hai giới.


Phụ nữ thuộc tầng lớp thấp hơn có rất ít lựa chọn ngoài việc làm lụng dưới ánh nắng mặt trời, vì thế, làn da rám nắng không được coi là đẹp. Những dấu ấn về vẻ đẹp lý tưởng Hy-La được hoạ sĩ Sandro Botticelli ghi lại một cách hoàn hảo trong tác phẩm “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (The birth of Venus), 1483-85. Bức tượng Venus Milo là phiên bản nổi tiếng nhất của Aphrodite, gợi ý hình ảnh lý tưởng hóa tại thời điểm nó được tạo ra khoảng năm 150 trước Công nguyên. Nó cũng cho thấy sự kế tục về khái niệm vẻ đẹp phụ nữ ở thế kỷ 19 khi tác phẩm điêu khắc này được phát hiện trên đảo Milos. Thân hình đồng hồ cát với tỷ lệ eo/hông của Venus Milo cũng là nguyên nhân khiến thời trang áo nịt ngực bó sát trở nên phổ biến, đưa hình dáng của Venus lên thành chuẩn mực.


Bức tranh “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (The birth of Venus), Sandro Botticelli, 1483-85


3. Helen thành Troy


Theo thần thoại Hy Lạp, nàng Helen của thành Troy được xem là người phụ nữ đẹp nhất thế giới thời đó, với mái tóc dài màu vàng (màu nâu nhạt pha chút đỏ theo bản dịch tiếng Hy Lạp cổ), đôi mắt xanh và thân hình gợi cảm, như trong bức tranh của Evelyn de Morgan “Helen of Troy”, 1898.


Nhân vật Helen được tôn vinh vì vẻ đẹp, nhưng việc cô không có khả năng kiểm soát cuộc sống của mình đã biến cô thành vật phẩm cho các chương trình nghị sự của đám đàn ông. Trong mắt đàn ông, cô không được đối xử bình đẳng, cũng không có quyền tự quyết số phận của mình. Vẻ đẹp của cô chỉ là giải thưởng mà đám đàn ông tranh giành.


Bức tranh “Helen of Troy”, 1898, Evelyn de Morgan (1855-1919)


4. Mona Lisa


Vào thời kỳ mà vẻ đẹp gắn liền với đức hạnh của phụ nữ, việc thiếu vẻ đẹp thẩm mỹ đồng nghĩa với việc thiếu đức hạnh là mối đe dọa tiềm tàng đối với cả hai giới. Mối liên hệ nguy hiểm này đã dẫn đến ý tưởng coi vẻ đẹp như một thứ chuẩn mực mà phụ nữ phải đạt được nhằm thể hiện đức hạnh bẩm sinh. Đồng thời cũng dẫn đến nghịch lý: người không có đức hạnh bị coi là kém hấp dẫn, trong khi bất kỳ người phụ nữ nào dùng sắc đẹp để gài bẫy đàn ông đều bị coi là biểu tượng của sự xấu xa.


Bức tranh “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci, 1503-1506, là một ví dụ thú vị về tiêu chuẩn vẻ đẹp của phụ nữ, một hình dáng thực ra không quá xinh đẹp, cũng không quá nữ tính nhưng hấp dẫn với vẻ ngoài giản dị, khiêm nhường. Bất kể thế nào, Mona Lisa vẫn là người phụ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật.


Mona Lisa về cơ bản là một tác phẩm thể hiện kỹ năng của hoạ sĩ - một bức vẽ mà khán giả đánh giá cao không phải bản thân hình ảnh người mẫu mà là tài năng đáng kinh ngạc của Leonardo da Vinci. Khuôn mặt và dáng người của cô là biểu tượng của sức khỏe và địa vị. Đường chân tóc được vuốt thẳng về phía sau làm nổi bật vầng trán rộng cũng rất thời trang. Đó là một khuôn mặt kiểu Madonna, với cảm giác ấm áp của người mẹ, nhưng lại có một vẻ cao kỳ và thách thức trong ánh mắt và nụ cười nổi tiếng, khóe miệng hơi nhếch lên là nguồn gốc của sự tò mò vô hạn. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét nụ cười Mona Lisa với giả thuyết về mong muốn của Leonardo Da Vinci là đưa ra một tuyên ngôn về nữ quyền.


Trong khi những chi tiết về vẻ đẹp phụ nữ thể hiện trong bức tranh là chuẩn mực của thời kỳ ấy thì ở thời hiện đại, khuôn mặt giản dị và không trang điểm của cô không còn là tiêu chuẩn được đề cao.


Bức tranh “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci, 1503-1506


5. Vẻ đẹp nữ tính trong nghệ thuật hiện đại: Chân dung tự họa của Tamara de Lempicka


Bước sang thế kỷ 20, tiến trình giải phóng phụ nữ khiến ngày càng có nhiều tác phẩm nghệ thuật tập trung vào hình tượng người phụ nữ, và cũng có thêm nhiều nghệ sĩ nữ xuất hiện. Họ đòi hỏi sự tôn trọng và chú ý từ khán giả toàn cầu theo cách chưa từng có trước đây.


Bức tranh mang tính biểu tượng của Tamara de Łempicka “Chân dung tự họa trong chiếc Bugatti màu xanh lá cây”, 1925, thể hiện những tiêu chuẩn về cái đẹp đã thay đổi. Bức tranh được tạp chí Die Dame đặt hàng làm ảnh bìa cho số báo tôn vinh công cuộc giải phóng phụ nữ. Chủ đề của bức tranh không chỉ là hình ảnh người phư nữ với một chiếc xe hơi sang trọng mà còn là một tuyên ngôn nữ quyền tự tin và táo bạo hiếm thấy trong nghệ thuật đại chúng. Đôi mắt cô có màu xanh lam quyến rũ với ánh nhìn nghiêm nghị, hoàn toàn không có vẻ thụ động hay chịu đựng. Cái nhìn trực tiếp vào người xem là cái nhìn vào tương lai một cách kiên định.


Khung cảnh của bức tranh gợi lên sự thịnh vượng và quyền lực, mặc dù bản thân hoạ sĩ không thực sự sở hữu một chiếc xe Bugatti như thế. Tamara có đôi mắt to, đôi môi gợi cảm, dáng vóc và trang phục thanh lịch. Nhưng có lẽ lần đầu tiên trong nghệ thuật phương Tây, tiêu chuẩn sắc đẹp này không nhằm mục đích áp đặt hay kiểm soát người khác mà nhằm mục đích tôn vinh vẻ đẹp bẩm sinh của người phụ nữ trong cuộc chiến chống lại những khuôn mẫu lỗi thời.


Tamara de Łempicka - “Chân dung tự họa trong chiếc Bugatti màu xanh lá cây”, 1925


Bài: Nhà thơ - nhà nghiên cứu Phan Đan, theo https://www.thecollector.com

Σχόλια


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page