Triển lãm nghệ thuật thêu “Tơ Óng – Màu Cây”: Tôn vinh di sản và sáng tạo đương đại

Vào ngày 12 tháng 2 năm 2025, tại Đình Tú Thị (số 2 Yên Thái, Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội), sẽ diễn ra Lễ dâng hương kỷ niệm 419 năm ngày sinh của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, một sự kiện quan trọng nhằm tri ân và tôn vinh tinh hoa nghề thêu Việt Nam.

Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ dự án nghệ thuật lưu trú “Tơ Óng – Màu Cây: Đường thêu nét nhuộm Xưa – Nay” do nghệ sĩ thêu Phạm Ngọc Trâm thực hiện. Dự án không chỉ tôn vinh di sản mà còn mang đến cách tiếp cận đương đại với nghề thêu truyền thống.
Dấu ấn Tú Thị: Hành trình gìn giữ và sáng tạo
Lễ dâng hương sẽ bắt đầu từ 7:30 sáng với các nghi thức truyền thống, bao gồm trình diễn nhạc cổ truyền, phần phát biểu khai mạc và nghi lễ dâng hương. Ngay sau đó, triển lãm nghệ thuật “Tơ Óng – Màu Cây” sẽ chính thức được giới thiệu, mang đến những góc nhìn mới mẻ về nghề thêu Việt Nam qua bàn tay tài hoa của nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm.

Điểm nhấn của chương trình là báo cáo tổng kết dự án lưu trú sáng tác, nơi nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm sẽ chia sẻ về hành trình sáng tác tại Đình Tú Thị, những trải nghiệm đặc biệt, cùng những dấu ấn đáng nhớ trong suốt thời gian lưu trú. Đặc biệt, tấm thêu “Lưỡng long tranh châu” – thành quả quan trọng của dự án, sẽ chính thức ra mắt công chúng.
Nghệ thuật thêu tay: Kết nối truyền thống và hiện đại
Trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia văn hóa và nghệ thuật, bao gồm TS. Vũ Thị Minh Hương (Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương), sẽ tham gia tọa đàm chuyên đề về nghề thêu Việt Nam. Đây là cơ hội để thảo luận về di sản nghề thêu, cũng như những hướng đi mới nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại.

Chương trình còn bao gồm các workshop thực hành thêu tay, nơi công chúng có thể tiếp cận và trải nghiệm nghệ thuật thêu cổ, cũng như khám phá các kỹ thuật nhuộm tự nhiên, góp phần lan tỏa tình yêu đối với nghề thủ công truyền thống.

Tú Thị – Nơi hội tụ tinh hoa nghề thêu Việt Nam
Nằm giữa lòng phố cổ Hà Nội, Đình Tú Thị vừa là di tích lịch sử cấp quốc gia vừa là trung tâm giao lưu và gìn giữ nghề thêu Việt Nam. Từ một nơi thờ tổ nghề Lê Công Hành, Đình Tú Thị ngày nay đã trở thành không gian sáng tạo, nơi nghệ thuật thêu tay được bảo tồn và tiếp nối qua từng thế hệ.

Sự kiện lần này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình phát huy giá trị di sản, đồng thời khẳng định vai trò của nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại. Qua triển lãm và các hoạt động giao lưu, công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh xảo của nghệ thuật thêu tay, đồng thời cảm nhận được sức sống bền bỉ của di sản văn hóa Việt Nam.

Về nghệ sỹ

Phạm Ngọc Trâm là nghệ sỹ thêu Việt Nam, sinh năm 1984 và tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 2006. Thành lập Meo Meo Atelier từ 2014, Trâm có nhiều năm nghiên cứu và thể nghiệm trong lĩnh vực vật liệu mềm textile arts, đặc biệt là các kỹ thuật thêu và nhuộm cổ. Thực hành nghệ thuật của Trâm bắt nguồn từ niềm say mê với vốn cổ di sản Việt Nam, tình yêu thiên nhiên và cảm hứng với sự tự do.
Bài: Navigator Media
Comments