top of page

Triển lãm “Khúc ca thiên nhiên”, vẻ đẹp hoang dại của viễn tưởng hoang sơ


Vừa qua, tại Hakio Let’s Art, 38 Trần Cao Vân, phường 6, quận 3, TP.HCM đã diễn ra triển lãm “khúc ca thiên nhiên" của họa sĩ Nguyễn Dương với gần 40 bức tranh trừu tượng. Thế giới lần này mà vị hoạ sĩ đã có hơn 20 năm trong nghề này mang lại sẽ là những vùng trời biển xoáy cuộn những viễn tưởng hoang sơ trong bão tố, sự đan cài của cỏ cây, vô tận những hoang mạc trải dài…



Họa sĩ Nguyễn Dương chia sẻ con đường sáng tạo của anh đến triển lãm này như sau: "Anh thường kết hợp giữa biểu hiện và trừu tượng (abstract expressionism) và gần đây chất trừu tượng trữ tình (lyrical abstraction) được anh khai thác để mang đến cảm xúc mới tại TP.HCM”. Vẻ đẹp trừu tượng là sự siêu việt ý niệm rạo rực qua hình dáng, kỹ thuật biểu hiện mà nghệ sĩ nắm lấy được trong cơn lũ sáng tạo, đó là một cách thức khác để biểu lộ những ý vị riêng tư.




Với anh thì biển đã được vẽ trong những gì kỳ bí hơn cảnh tượng mà mắt thấy bên ngoài. Ngôn ngữ hình ảnh của anh là sự theo đuổi kết nối đa dạng màu sắc, sự vận chuyển cọ để tái tạo cuộn trào và gãy đổ của thăm thẳm biển trời.



Họa sĩ Nguyễn Dương thường chia sẻ rằng anh gắn bó rất gần từ tận trong tâm tưởng về cố hương là những bãi biển trải dài tại quê nhà Tĩnh Gia (Thanh Hoá). Và anh theo đuổi những xung lực anh chạm chán khi theo sát ngôn ngữ vận chuyển của tự nhiên, của biển.



Họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng nhận xét: “Khi tất cả các phương tiện, các cảm giác được hợp nhất để đi sâu hơn, người nghệ sĩ có thể đạt được tính không đối với mọi hiện tượng. Sáng tạo lúc này không có mục đích duy nhất, nó không chỉ tạo ra sự yên bình mà thậm chí là im lặng đến rợn mình. Trong vũ trụ này, hỗn loạn đồng thời với trật tự, hiện thực đồng thời với phi lý, không có gì tốt-xấu, hoặc đúng-sai để phải giải thích nhiều ở đây, chỉ có cảm giác hiện hữu đa chiều mà người xem cần nhìn thấy. Sâu sắc hơn, trên và trong chính họ".




Hành trình mang gần 40 tác phẩm khổ lớn từ Hà Nội đến với công chúng TP.HCM không hề dễ dàng. Song vị hoạ sĩ này chia sẻ rằng: quan niệm tư duy thẩm mỹ và thực hành nghệ thuật là quan trọng nhất, các yếu tố còn lại như thị trường nghệ thuật Việt đang vận động ra sao, tranh sẽ được sưu tập bởi ai và giá bán như thế nào đều được xếp hạng thứ yếu. “Đặt hết tâm huyết trí não vào sáng tạo nghệ thuật, đó là việc nghệ sĩ cần làm và làm tốt nhất trong khả năng của mình”


Bài: Vương An Nguyên- Art Columnist


Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page