Triển lãm “224 by TRAN THANH THAO” – Cuộc tái sinh của niềm đam mê nhiếp ảnh
Ðánh dấu sự khởi đầu cho hành trình nhiếp ảnh, Trần Thanh Thảo hân hạnh giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên “224 by TRAN THANH THAO”, nơi được xem là ‘mối nhân duyên’ để gặp gỡ chính mình trong một phiên bản khác, mở ra cánh cửa mới bước vào niềm đam mê dành cho nhiếp ảnh.
Tốt nghiệp ÐH Kiến Trúc Khoa Mỹ Thuật Công Nghiệp TP. HCM, Trần Thanh Thảo có hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, thiết kế quảng cáo với vai trò hiện tại là Giám đốc sáng tạo của công ty 2RES Event.
Trần Thanh Thảo chia sẻ: “Nếu ngành thiết kế đồ họa (Graphic Design) cho tôi khám phá một không gian rực rỡ sắc màu, giúp tôi tiếp cận những điều mới mẻ với thế giới bên ngoài thì nhiếp ảnh lại là cuộc đối thoại âm thầm nhưng mãnh liệt với chính mình”.
Diễn ra từ 22 – 27/04/2024 tại không gian của Nina Next Space (180/1 Nguyễn Tất Thành, Quận 4), triển lãm giới thiệu hơn 100 tác phẩm tuyển chọn gồm ảnh màu và đen trắng cùng sự đầu tư về in ấn và tổ chức với mong muốn mang lại sự thưởng lãm chất lượng cho những người yêu nhiếp ảnh.
Với Trần Thanh Thảo, những bức ảnh ấy không mang sự diễn giải, không nhằm giới thiệu một không gian địa lý, không đánh giá, không đúng sai mà chỉ là những nồng nàn cảm xúc, trải nghiệm những vùng đất khác nhau, là cơ duyên gặp gỡ với con người, những câu chuyện buồn vui hay có thể gọi một tên khác là ‘thân phận’. Tất cả cho Trần Thanh Thảo “Cuộc tái sinh” từ sâu thẳm bên trong, khai mở một hành trình để trái tim dẫn lối. Và cứ thế, “với chiếc máy ảnh, tôi được bình yên bên những vẻ đẹp ẩn khuất trong lòng mình”.
Miền cảm xúc
Triển lãm “224 by TRAN THANH THAO” mời người xem thưởng lãm những ‘miền cảm xúc’ ở ba đất nước Mongolia, Kyrgyzstan và Pakistan được thể hiện qua ba chủ đề: Miền tự do, Khoảng bình yên và Bản hùng ca.
‘Miền tự do’ là một cuộc hạnh ngộ của Trần Thanh Thảo ở phía Bắc Mongolia xa xôi. Không gian đời sống đơn sơ của một gia đình chăn tuần lộc và những người nài ngựa giữa miền thảo nguyên bao la được phản ảnh chân thực qua những tác phẩm đen trắng, mang đến những cảm giác mộc mạc trong từng lát cắt “bình dị mà sâu lắng”. Không chỉ thế, không gian ấy cũng tạo ra những “cú va chạm” mạnh trong tâm cảm phiêu du của mỗi người, đan xen bởi vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên, tâm hồn tự do của con người và ẩn bên trong là sự khắt nghiệt của thời tiết. Mọi thứ có lẽ cũng chỉ để dắt ta đi một vòng lớn rồi trở về ‘chạm vào chính mình’.
“Khi nhìn thấy đàn tuần lộc nằm rạp trên ngọn núi trong ánh hoàng hôn, tôi đã nghĩ có lẽ khung cảnh này sẽ chỉ được nhìn thấy một lần và mãi mãi. Những cặp sừng tuyệt đẹp lấp lánh trong nắng chiều bình yên, tôi quyết định buông máy, tiến gần đến chúng, vuốt ve ngắm thật gần, thật lâu … rồi khi ngồi giữa đàn tuần lộc, tôi thấy cuộc đời mình thật hạnh phúc và tự do.”
Và đâu đó “Khoảng bình yên” nơi miền đất Kyrgyzstan được Thảo ghi lại thật lãng mạn, nên thơ, cũng thật gần gũi, ấm áp. Ðó có thể là khung cảnh giữa những đồng cỏ và núi non hùng vĩ, là chiếc cabin màu xanh nằm giữa yên bình, là bếp lửa đơn sơ trong gian phòng nhỏ, hay sau khung cửa sổ với hoa văn và sắc màu sống động là bé gái với nụ cười hồn nhiên. Ðối với tác giả, bên cạnh tác phẩm sẽ luôn còn mãi cảm xúc lắng đọng theo thời gian.
“Cơn mưa lạnh bạt ngàn cuối xuân dường như cũng ấm dần bên bếp lửa, một bữa ăn chiều giản đơn cùng gia đình người địa phương, dù có chút bất đồng ngôn ngữ nhưng chúng tôi vẫn tràn ngập tiếng cười”.
Cuối cùng, “Bản hùng ca” Pakistan, nơi Thảo đã tự hỏi: “Vì sao vùng đất khắc nghiệt này lại cho tôi một nguồn năng lượng kỳ lạ: mãnh liệt, tràn đầy sức sống nhưng lại vô cùng mộng mơ.” Và những tác phẩm của cô chính là câu trả lời tràn đầy sự quyến rũ cho bất kỳ ai chạm ánh mắt đầu tiên đến không gian nơi đây. Một “Bản hùng ca” đích thực phô diễn hết thảy vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, với dòng sông ánh lên sắc lạ thường, với cơn bão cát dữ dội nhưng nhìn xa xa tựa như sương khói, với những rặng núi tuyết, với rừng cây lá chuyển mùa, hay đơn giản với đá, với hoa, với ánh mặt trời trong những khoảnh khắt lấp lánh đầy mê hoặc.
Và dĩ nhiên, “Bản hùng ca” ấy sẽ không thể hoàn mỹ nếu thiếu đi chân dung đầy duyên dáng với ánh mắt sâu thẳm, ấn tượng của con người ở miền đất này. Có thể nói, “224 by TRAN THANH THAO” là câu chuyện về hành trình cảm xúc, là bước ngoặc cho quyết định dấn thân tận cùng với nhiếp ảnh. Không hàm chứa tuyên ngôn nghệ thuật, “224 by TRAN THANH THAO” thuần túy là một triển lãm giới thiệu Trần Thanh Thảo qua ngôn ngữ nhiếp ảnh.
Nhiều hoạt động kết nối và chia sẻ đến những người yêu nhiếp ảnh
Trong khuôn khổ của triển lãm “224 by TRAN THANH THAO”, sẽ diễn ra các hoạt động đặc biệt giúp người yêu nhiếp ảnh kết nối, giao lưu với các nhiếp ảnh gia nổi tiếng cũng như có cơ hội học hỏi và nâng cao kỹ năng chụp ảnh cùng các chuyên gia trong ngành.
Vào ngày 23 tháng 4, Workshop “Why Leica” sẽ là cuộc gặp gỡ với Tổng Giám Ðốc của Leica Việt Nam, ông Nguyễn Gia Phong với những chia sẻ thú vị và hữu ích cho những ai yêu thích và quan tâm đến các dòng máy ảnh thương hiệu này.
Trong khi đó, workshop “Tầm quan trọng của vùng tối trong nhiếp ảnh chân dung” vào ngày 25 tháng 4, sẽ được Louis Wu (Vũ Mạnh Tuấn) - đại sứ thương hiệu cho dòng máy Leica M tại Việt Nam hướng dẫn.
Ðặc biệt, vào ngày 27/4, Talkshow “Khai thác các đề tài nhiếp ảnh khi đến những vùng đất mới” với sự góp mặt của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Dương Minh Long, Hoàng Thế Nhiệm, Nguyễn Thanh Tùng và Hoàng Lê Giang, sẽ mang đến những góc nhìn mới mẻ, gợi mở những đề tài hấp dẫn, tiếp thêm năng lượng cho những ai yêu thích và muốn theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh.
Thông tin triển lãm:
224byTranThanhThao
Thời gian: 22/04/2024 đến 27/04/2024
Địa điểm: Nina Next
Space, 180/1 Nguyen Tat Thanh, Ward 13, Dist. 4, HCMC
Đơn vị tổ chức triển lãm
Công ty TNHH ĐỘ PHÂN GIẢI CAO tên thương hiệu - 2RES được thành lập vào năm 2007, là một công ty Việt Nam chuyên cung cấp các dịch vụ trong việc phát triển sáng tạo và quản lý dự án sự kiện. 2RES có hơn mười sáu năm kinh nghiệm trong ngành tổ chức sự kiện, làm việc với cả hai môi trường địa phương và quốc tế.
Bài: Navigator Media
Comentários