top of page

“Soi mây tạc lụa - Mộng cố đô”: BST tinh tế lấy cảm hứng từ di sản văn hóa Việt của La Phạm



Biểu tượng hoa văn di sản Việt Nam được chạm khắc tài tình, thắm đượm làm nên hồn cốt cho các di tích, từ Tứ Linh là Long-Ly-Quy-Phượng hoặc Tứ Quý gồm Tùng-Trúc-Cúc-Mai… mực thước về tạo hình và giàu tính đăng đối, biến tấu tài tình từ hoa văn đầu cột, hoa văn trên mái vòm, hoa văn chạm lộng, hay hoa văn trần… biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn, óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Việt Nam từ đời này qua đời khác, kết thành tinh hoa và bản sắc văn hóa Việt Nam qua các triều đại.


Nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh

Dù biến tấu độc đáo qua từng thời kỳ, mỗi biểu tượng hoa văn chạm khắc trên mỗi di tích, ở từng địa phương sẽ biểu đạt đời sống văn hoá khác nhau song đều mang một tinh thần chung là tái hiện một khung cảnh uy nghiêm, trầm mặc; gửi gắm trong đó mong ước cuộc sống phồn vinh, đất nước thái hoà của người Việt cổ; hướng con người đùm bọc, tu nhân tích đức, an lạc, làm điều thiện, tránh cái ác, mang ý nghĩa tâm linh và nhân văn sâu sắc. Điều đó giúp lý giải, hoa văn di tích bên cạnh là chỉ dấu nhận diện về các triều đại trong quá khứ, khơi dậy niềm tự hào về sự tài hoa của người Việt xưa, thì còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho sáng tạo nghệ thuật, khả năng trình diễn, biểu đạt về thẩm mỹ, ứng dụng thời trang… Từ đó, vừa tái sinh vẻ đẹp mang tính biểu tượng của hoa văn di sản qua các loại hình nghệ thuật đương đại vừa góp phần lưu giữ và bảo tồn giá trị nguồn cội độc đáo về văn hoá và lịch sử cho đời sau.


Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc

Fashion Tour đưa Phạm Ngọc Anh x Phạm Tuấn Ngọc đến hành trình tìm về nguồn cội trong sáng tạo nghệ thuật và giao thoa văn hoá Đông Tây

Nhà thiết kế (NTK) Phạm Ngọc Anh – nhà sáng lập thương hiệu thời trang La Phạm, là một trong những NTK tham gia Fashion Tour. Chị đang kết hợp cùng nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc để tạo ra một bộ sưu tập áo dài kết hợp giữa nghệ thuật thị giác và thời trang đầy thú vị.


Sự giao hòa giữa văn hóa Đông – Tây luôn là đề tài hấp dẫn các nghệ sĩ trong hành trình khám phá chủ đề, chất liệu, xu hướng sáng tác mới. Từ điểm chạm khởi nguồn cảm hứng từ hoa văn di sản Việt Nam, sự kết hợp giữa Phạm Ngọc Anh và Phạm Tuấn Ngọc còn bởi lựa chọn thực hành trên chất liệu lụa của Việt Nam. Lụa là chất liệu truyền thống mang biểu tượng của phương Đông, vừa thân thuộc, gần gũi lại vừa quý phái. Ở chiều kích ngược lại, ứng dụng kỹ thuật in thủ công hay kết hợp biểu tượng hoa văn trên lụa mà không phá vỡ tính mỏng nhẹ, óng ánh của lụa lại là thử thách, đòi hỏi sự sáng tạo của người nghệ sĩ.


Hành trình ngược dòng, tìm về biểu tượng nguồn cội là hoa văn di sản để khai phá và chạm đến sự đồng nhất tuyệt đẹp giữa ý niệm và biểu hiện, là hướng đi khác biệt tạo nên những hiệu ứng thị giác ấn tượng trong từng tác phẩm. Trên chất liệu lụa trắng óng ả truyền thống của Việt Nam, biểu tượng hoa văn được tạc bởi nền xanh dương “Prussian Blue” hiếm thấy nhờ kỹ thuật cyanotype, mang tới hiệu ứng thị giác đầy mộng ảo, ẩn hiện, gợi không khí huyền hoặc và kỳ bí phương Đông. Dưới tác động của ánh sáng, và trình diễn, tấm lụa in thủ công hoa văn Việt với kỹ thuật cyanotype kinh điển phương Tây mang đến cảm nhận vẻ đẹp tao nhã, tự do như mây trời và khơi dậy tình yêu giá trị văn hoá cội nguồn.


Cuộc phối ngẫu tiên phong và đột phá của Fashion Tour tại Huế


Theo đuổi hai ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình khác nhau là thời trang và nhiếp ảnh, sự kết hợp giữa NTK Phạm Ngọc Anh và NAG/NSTG Phạm Tuấn Ngọc được dẫn lối bởi niềm cảm hứng sáng tạo từ giá trị văn hoá Việt Nam, đặc biệt là Cố Đô Huế.


Nếu Phạm Ngọc Anh định hình dấu ấn riêng trên con đường làm thời trang bền vững, giao thoa Đông Tây khi cách tân uyển chuyển áo dài truyền thông kết hợp với hoa văn thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam thì Phạm Tuấn Ngọc tạo dấu ấn mạnh mẽ khi khai phá thành công kỹ thuật in thủ công trên lụa, mang đến vẻ đẹp thị giác mới cho các biểu tượng hoa văn di sản Việt Nam.


Giữa sự nở rộ các show diễn thời trang và các Bộ sưu tập ngày càng thiếu đi sự mới mẻ trong sự kết hợp, thì “Soi Mây Tạc Lụa – Mộng Cố Đô” trong Chương trình truyền hình thực tế Fashion Tour bao gồm một tác phẩm sắp đặt có kỉ lục về số lượng in cyanotype biểu tượng hoa văn di sản trên lụa của NAG/NSTG Phạm Tuấn Ngọc và bộ sưu tập thời trang sáng tạo bởi NTK Phạm Ngọc Anh lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật in cyanotype của phương Tây các biểu tượng hoa văn di sản Việt Nam trên lụa cho thấy cuộc “phối ngẫu” đột phá và tiên phong cả về loại hình tác phẩm và sự kết hợp, cộng hưởng từ hai nghệ sỹ.


Sự hài hòa và biến hoá giữa các loại hình nghệ thuật trình diễn, biểu tượng văn hoá nguồn cội Việt Nam và kỹ thuật in thủ công phương Tây sẽ mang đến một câu chuyện sáng tạo nghệ thuật độc đáo, thú vị và xứng đáng để thưởng thức.


Thông điệp ReFashion trong suốt hành trình Fashion Tour


Với thông điệp ReFashion, Fashion Tour giới thiệu thời trang bền vững đến công chúng một cách rộng rãi và trực tiếp hơn. Cụ thể bao gồm việc thay đổi cách tư duy, suy nghĩ (ReThinking), phương pháp đầu tư phát triển thương hiệu (ReInventing) để cho ra mắt những thiết kế phù hợp (ReGenerating) trong lĩnh vực thời trang.


Các show diễn mất một quãng thời gian dài cho việc dàn dựng sân khấu, hao phí rất nhiều điện năng. Những poster quảng bá, in tờ rơi, vận chuyển... làm tăng lượng rác thải, cũng như nguồn năng lượng. Tất cả những điều trên đều không cần thiết tại Fashion Tour. Tiêu chuẩn thời trang bền vững là quy chuẩn Fashion Tour chọn các nhà thiết kế thực hiện các bộ sưu tập được xử lý các chất liệu xanh. Fashion Tour chọn hình thức trình diễn Fashion show outdoor là một trong những hoạt động tránh dẫn đến ô nhiễm môi trường một cách trực tiếp nhất.


ReFashion đồng thời cũng là tuyên ngôn cho một cuộc cách mạng (Revolution) của nền thời trang Việt Nam, định hướng phát triển bền vững, lâu dài, thân thiện với môi trường (Recycle). Thông qua Fashion Tour, khán giả sẽ thấy mối liên kết chặt chẽ hơn giữa nhà thiết kế Việt và thời trang bền vững.


Phát triền làng nghề thời trang, trách nhiệm xã hội


Đặc trưng của làng nghề thời trang là vẻ đẹp kỹ thuật thủ công tinh xảo và giàu tính mỹ thuật, văn hóa truyền thống. Sử dụng một sản phẩm thời trang thủ công, sản phẩm làng nghề chính là hành trình trải nghiệm văn hóa, thưởng lãm vòng quay hoàn hảo của thiên nhiên. Fashion Tour cùng các nhà thiết kế và người nổi tiếng lần lượt giới thiệu, thực hiện thời trang thủ công, giúp các làng nghề truyền thống dần hồi sinh mạnh mẽ. Khán giả không chỉ thêm hiểu, yêu văn hóa truyền thống mà còn nâng cao giá trị thẩm mỹ, kiến thức thực tế.


Một phần lợi nhuận từ Chương trình và lợi nhuận từ Bộ sưu tập của Nhà thiết kế dùng cấp vốn cho hộ gia đình, tổ chức tại địa phương đang làm nghề và phát triển thời trang truyền thống.


Sau mỗi show diễn là chương trình thiện nguyện trao học bổng cho những học sinh khó khăn, hiếu học và những nhân tố đam mê - tiềm năng trong ngành giải trí, thời trang.


Chương trình truyền hình thực tế Fashion Tour là chuyến hành trình quảng bá văn hóa, hình ảnh đặt trưng các địa danh Việt Nam bằng câu chuyện thời trang. Bắt đầu phát sóng tối chủ nhật hằng tuần trên VTV3, Fashion TV Châu Á, Vieon và các ứng dụng trực tuyến vào tháng 4/2024.


Bài: Navigator Media

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page