Sơ lược về trang phục casual và formal theo chuẩn dress code (Kỳ 1)
Casual – formal là hai khái niệm cơ bản then chốt liên quan tới mọi vấn đề trong classic menswear. Mặc dù chúng không hề lạ lẫm với cộng đồng ăn mặc cổ điển, nhưng rất cần thiết với những người mới.
Trước tiên, hãy khái quát về định nghĩa của 2 từ formal và casual:
Formal: Trang trọng, lịch sự, nghiêm chỉnh, có tính quy chuẩn.
Casual: Đời thường, giản dị, tự do, thoải mái.
Để giúp các bạn có sự hiểu sâu hơn về 2 khái niệm này, trước tiên, bài viết này tôi sẽ giải thích về dress code. Dress chỉ việc ăn mặc. Code nghĩa là luật lệ, quy tắc. Gộp lại, dress code là những quy tắc về ăn mặc, quy tắc về việc phối hợp và sử dụng quần áo, trang phục và phụ kiện theo đúng “quy chuẩn” và dùng chúng trong đúng hoàn cảnh. Tuy dress code mang tính quy định, nhưng trên thực tế, chính khái niệm và phạm vi của các loại dress code vẫn không thống nhất tùy theo đặc điểm văn hóa, địa lý… các nước khác nhau nên tôi sẽ lựa chọn các dress code phổ biến/kinh điển nhất đê phân tích trong bài.
Khái niệm dress code được dùng để chỉ các quy tắc, hướng dẫn ăn mặc của tập thể, trong một hoàn cảnh nhất định. Những dress code hiện được sử dụng trên thế giới (xếp theo thứ tự formal/trang trọng giảm dần) gồm có:
White tie
Áp dụng cho white tie event (evening dress), độ trang trọng cao nhất, thời nay hầu như chỉ còn hạn chế trong các sự kiện văn hóa truyền thống hoặc hoàng tộc.
Gentleman's Gazette
Morning dress
Độ formal cao nhất trong các dress code mặc ban ngày (trước 6 giờ tối), hiện nay việc sử dụng cũng bị hạn chế gần như white tie (phổ biến hơn một chút ở một số nước Châu Âu).
Instagram: erikmannby
Black tie
Áp dụng cho black tie event (evening dress), thường thấy ở sự kiện thảm đỏ như trao giải Oscar, một số đám cưới, khai trương, kỷ niệm etc tổ chức sau 6 giờ tối (evening), thời nay cũng có thể coi là formal dress code do white tie không còn phổ biến.
Tổng kết lại, ta thấy rằng 3 dress code trên vô cùng khắt khe và nặng tính truyền thống, cho nên trang phục cũng được quy định rất cụ thể (thậm chí hầu hết là các loại trang phục đặc thù, trang phục lịch sự thường thấy không được phép sử dụng).
Instangram: andreasweinas
Business formal – semi-formal
Áp dụng cho môi trường làm việc/giao tiếp chuyên nghiệp, đám cưới truyền thống phương Tây, sự kiện/buổi gặp gỡ/tiệc không mang tính thân mật (ngoài ra đám ma và đám cưới là loại sự kiện đặc biệt có những nguyên tắc ăn mặc riêng). Những yêu cầu bắt buộc khi mặc business suit bao gồm:
Tông màu tối như navy, mid – dark grey, charcoal, black (còn nhiều tranh cãi), dark brown (vẫn chưa được chấp nhận ở nhiều nơi)...
Trơn hoặc họa tiết nhỏ và chìm.
Suit có màu sáng hơn hoặc họa tiết nổi hơn bị xem là kém trang trọng, tuy nhiên vẫn có thể được chấp nhận tùy nơi.
Mặc cùng dress shirt, đeo tie và dress shoes phù hợp (độ formal của tie và giày thì xin phép không nhắc trong bài này vì khá rộng).
Instagram: andreasoul_shin
Business casual – smart casual
Business casual không được coi là formal hơn smart casual, trên thực tế sự tách biệt giữa business casual và smart casual là rất mong manh. Business casual áp dụng cho môi trường làm việc/giao tiếp không trang trọng, vậy nên đây là dress code phù hợp nhất để mặc đi làm hàng ngày đối với phần lớn văn phòng ở Việt Nam. Smart casual có thể hiểu là phù hợp cho đời thường hoặc môi trường làm việc cần trang phục chỉnh tề một chút nhưng không trong văn phòng.
Trang phục cơ bản gồm:
Áo khoác đơn giản
Blazer, sport coat màu trầm/ tối
Quần chino, khaki, dress pants, jeans (đơn giản)
Dress/casual shirt/polos, T- shirt/sweater đơn giản
Cà vạt và một số loại phụ kiện đeo cổ khác
Classic footwear/một số loại sneaker đơn giản
Casual (full casual/ultra-casual)
Đơn giản là tất cả các loại trang phục chúng ta mặc hằng ngày không nằm trong các dress code bên trên. Outfit có bao gồm một hoặc vài item bên trên nhưng không đạt tiêu chuẩn dress code đó thì vẫn là casual, ví dụ casual suit, casual tie đi cùng quần Tây, sơ vin, đeo cà vạt, suit các kiểu thì vẫn có thể hoàn toàn là casual.
Lưu ý, bài viết này không nhằm mục đích thuyết phục các bạn tuân thủ dress code trong các hoàn cảnh không bắt buộc, vì dress code vẫn chỉ được sử dụng khá hạn chế ở Việt Nam. Hi vọng những chia sẻ trong bài viết này sẽ có giá trị tham khảo để các bạn cân nhắc lựa chọn trang phục sao cho phù hợp với hoàn cảnh và sự kiện. Trong Kỳ 2, tôi sẽ giới thiệu với các bạn khái quát về dress up và dress down – hai định hướng ăn mặc nền tảng khi xây dựng một outfit cổ điển.
Xem Kỳ 2
Bài: Dexter Dinh - Style Columnist
Comments