Shell áp dụng Web3 và Blockchain như thế nào để phát triển năng lượng bền vững?
Shell được đánh giá là một trong những tập đoàn năng lượng lớn nhất trên thế giới. Mặc dù nhiều người trong chúng ta có thể nhớ tới công ty này như là nơi cung cấp dầu và khí đốt, nhưng Shell đã bắt đầu một chương trình nghị sự chuyển đổi năng lượng đầy tham vọng với nỗ lực chuyển đổi từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh.
Điều này bao gồm việc phải chinh phục được mục tiêu chạm mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn, cũng như mục tiêu trước mắt hơn là giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính phạm vi 1 và 2 vào cuối thập kỷ này.
Để làm được điều này, Shell đang tận dụng một số xu hướng công nghệ mới hứa hẹn sẽ là một cuộc cách mạng trong nhiều ngành khác ngoài lĩnh vực chính của công ty. Chúng bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), Web3 và Blockchain.
Blockchain được hầu hết mọi người biết đến như là công nghệ nền tảng cho các loại tiền ảo như Bitcoin. Cách đơn giản nhất để diễn giải blockchain thì về cơ bản nó là một định dạng cơ sở dữ liệu. Blockchains có hai tính năng chính khiến chúng tách biệt với các cơ sở dữ liệu khác.
Thứ nhất, thay vì được đặt tập trung trên một máy tính hoặc máy chủ cụ thể, chúng được phân phối quản lý bởi nhiều nhánh nhỏ. Điều này có nghĩa là chúng được trải rộng trên nhiều máy tính, do đó không có một người nào trực tiếp kiểm soát tổng thể và tất cả các thay đổi phải được xác nhận bằng sự đồng thuận.
Thứ hai, chúng được mã hóa, có nghĩa là chúng có khả năng chống giả mạo hiệu quả và chỉ những người có thẩm quyền mới có thể thêm hoặc chỉnh sửa dữ liệu mà chúng chứa đựng.
Hai tính năng này kết hợp với nhau làm cho blockchain trở nên lý tưởng cho các ứng dụng dữ liệu khi chúng cần được thêm vào, kiểm tra và xác thực bởi nhiều bên và bảo mật là thứ được đưa lên hàng đầu.
Một minh chứng điển hình về tính năng bảo mật tuyệt vời của blockchain là bản thân mạng lưới Bitcoin có thể xử lý lên đến 270 triệu giao dịch mỗi ngày, trị giá (tính đến thời điểm viết bài) khoảng 400 tỷ đô la và vẫn an toàn trong suốt 13 năm tồn tại cho đến nay.
Những tính năng này làm cho blockchain trở thành một công nghệ thu hút các tổ chức toàn cầu, nơi cần các giải pháp công nghệ siêu an toàn, có khả năng mở rộng để thúc đẩy thế hệ ứng dụng mới liên quan đến việc thu thập và chia sẻ dữ liệu có giá trị. Bản chất “đa nghi” giúp chúng cải thiện quy trình hiện tại sử dụng trong toàn ngành, giúp tái tạo chuỗi giá trị năng lượng thông qua mã hóa để tạo sự minh bạch và truy xuất nguồn gốc, đồng thời tạo thị trường và mô hình kinh doanh mới với DEFI / DAO’s / NFT’s, v.v.
Gần đây, Dan Jeavons- Phó Chủ tịch Khoa học Tính toán và Đổi mới Kỹ thuật số của Shell cùng với trưởng nhóm blockchain, Sabine Brink, đã thảo luận về một số dự án trong hội thảo trên web. Brink nói: “Giao điểm giữa kỹ thuật số và năng lượng là một trong những điểm thú vị nhất. Hãy nhìn cách chúng tôi sử dụng công nghệ web3 và blockchain để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Chúng tôi đang trên một chặng đường với đầy động cơ thúc đẩy tiến về phía trước.”
Sự tâm huyết này là nguồn động lực khiến bà dành 5 năm để khảo sát mọi lĩnh vực kinh doanh liên quan, nơi công nghệ blockchain và Web3 có thể được triển khai để cùng hướng tới các mục tiêu bền vững và nguồn năng lượng xanh. Một số dự án đã khởi nguồn từ đó và những dự án hứa hẹn hơn thế hiện đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm sản xuất, nơi người ta hy vọng khả năng thúc đẩy sự thay đổi toàn cầu sẽ được hiện thực hóa. Điều đặc biệt là cách mà công ty năng lượng khổng lồ này dùng blockchain để theo dõi và xác minh nguồn gốc năng lượng được tạo ra từ các nguồn tái tạo. Khi thế giới đề cao nhu cầu cấp thiết trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng bền vững, những lợi ích khổng lồ bao gồm khuyến khích về tài chính lẫn lòng trung thành của khách hàng đã xuất hiện, góp phần thúc đẩy các tổ chức hướng đến sự thay đổi.
Tuy nhiên, quá trình này thường không rõ ràng – khách hàng hoặc tổ chức đối tác khó có thể thực sự chắc chắn mức độ sạch chính xác của một nguồn năng lượng cụ thể. Jeavons và Brink giải thích rằng Shell đã phát triển một hệ thống dựa trên nền tảng blockchain để có thể làm sáng tỏ các nguồn web phức tạp. Phương pháp của Shell liên quan đến việc tạo các chứng chỉ chi tiết cao trong thời gian thực tại nguồn nơi năng lượng được tạo ra: các tấm pin mặt trời trên sa mạc hoặc các trại gió ở đại dương, đại diện cho năng lượng xanh được tạo ra sau mỗi 30 phút, đồng bộ với hệ thống chứng chỉ thuộc tính năng lượng. Mọi điểm trong hành trình của electron được tạo ra đến điểm tiêu thụ đều được theo dõi và ghi lại trên một blockchain.
Jeavons nói: “Điều này được xem là một trong những giải pháp giúp blockchain tạo ra sự minh bạch và đảm bảo rằng không có việc đếm các electron hai lần trong cùng một hệ thống – đặc điểm khiến nó có thể trở thành người thay đổi cuộc chơi.” .
Một dự án khác vừa bước sang giai đoạn thử nghiệm là một liên doanh đầy tham vọng giữa Shell, Accenture và Amex nhằm tăng tính khả dụng trong việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Brink nói, “Đối với tôi, đây là một trong những dự án thú vị nhất mà chúng tôi thực hiện. Tôi rất tự hào về đội ngũ này. Dự án lần này là một trong những giải pháp blockchain công khai đầu tiên, tạo sự tin cậy và minh bạch trong việc khử cacbon trong lĩnh vực hàng không. Nhờ các tính năng kỹ thuật vốn có của nó, blockchain cung cấp khả năng xác minh và bảo mật cho các thuộc tính môi trường của SAF.”
Sản phẩm mang tên Avelia – một trong những hệ thống xác nhận quyền sở hữu và thống kê dựa trên công nghệ blockchain, nó sẽ cung cấp khoảng một triệu gallon nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và các lợi ích môi trường liên quan cho các doanh nghiệp đang tìm cách giảm lượng khí thải. Brink nói: “Dù vậy, thật sự rất khó để có thể khử được cacbon trong lĩnh vực hàng không. Việc phi hạt nhân hóa lĩnh vực hàng không không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Ngày nay chúng ta không có chiếc máy bay cỡ lớn nào có thể chạy bằng nhiên liệu xanh vòng quanh thế giới cả. Nhiên liệu hàng không bền vững thực sự là một giải pháp mà chúng ta có thể sử dụng với cơ sở hạ tầng hiện có. Với Avelia, chúng tôi hy vọng sẽ chứng minh được việc theo dõi dữ liệu SAF trên quy mô lớn có thể tiến hành một cách đáng tin cậy, qua đó thể hiện cho những nhà nắm quyền rằng các tập đoàn và hãng hàng không sử dụng SAF cũng được xem là một hình thức giảm phát thải. Đổi lại, điều này giúp gia tăng nhu cầu, mở rộng quy mô cơ cấu sản xuất mà SAF cần để giảm lượng khí thải trong ngành hàng không.”
Các dự án chuyển đổi kỹ thuật số và blockchain khác hiện đang được đánh giá hoặc trong trạng thái thử nghiệm tại Shell, có liên hệ tới “hộ chiếu sinh trắc học”, dùng theo dõi vòng đời của các bộ phận, thiết bị và máy móc công nghiệp tại các nhà máy năng lượng do công ty và các đối tác vận hành. Tất nhiên, sự chuyển đổi theo hướng công nghệ hóa này phải được thúc đẩy từ gốc rễ, thế nên, Shell đã nỗ lực triển khai một nền tảng dữ liệu tích hợp 2,9 nghìn tỷ dãy thông tin được thu thập từ tất cả các lĩnh vực kinh doanh của công ty bao gồm các cảm biến IoT được cài đặt trên các nhà máy, trại năng lượng mặt trời và gió.
Jeavons nói, “Điều khiến nhóm tôi tự hào là tiềm năng đạt được trên quy mô lớn. Chúng tôi đang triển khai bộ đôi kỹ thuật số: trí tuệ nhân tạo kết hợp với khả năng truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi tin rằng có thể đưa ra thị trường một loạt các giải pháp khử cacbon- điều chúng tôi chắc chắn có thể chung tay với khách hàng, giúp đẩy nhanh quá trình khử cacbon của riêng mỗi cá nhân. Hiện tại mọi thứ mới chỉ mới bắt đầu.”
Bài: Việt Hương – forbes.com
Comments