top of page

Pieter Bruegel the Elde và quan điểm mỹ học về "những hậu trường lịch sử"

Pieter Bruegel the Elder (1525-1569) là một hoạ sĩ nổi tiếng với việc vẽ nên sự sinh động của đời sống thời Phục Hưng. Nói theo cách đó tức là tán dương những gam màu, chuyển động của ánh sáng trong tranh ông luôn đầy ắp màu lễ hội, sinh động hành vi, hài hước diễu nhại mọi thứ thường nhật từ nhậu nhẹt đến sinh hoạt tình dục và nhà thổ...


Chân dung của Pieter Bruegel the Elder


Những cảnh vẽ của ông vốn chỉ là các đối tượng thường được cho vào hậu cảnh kém quan trọng nằm ngoài rìa các bức tranh Phục Hưng. Trong khi đó chủ thể tranh thời kỳ này luôn là các câu chuyện thánh tích, sự kiện sử thi như Jesus bị đóng đinh, Icarus tan vỡ đôi cánh, tháp Babel sụp đổ...


Tuy nhiên Bruegel lại đưa các đối tượng hậu cảnh này ra làm đối tượng chính choáng ngợp, thậm chí che lấp các nhân vật và sự kiện sử thi trong tranh ông.

Vậy sự ngược ngạo này có ý nghĩa gì?


Pieter Brueghel the Elder, Children’s Games. Năm 1560. Tranh sơn dầu trên gỗ. Nguồn: Creative Commons

Việc Bruegel đưa các sinh hoạt thường nhật mang khuynh hướng truỵ lạc lên làm chủ thể gợi cho người xem nghĩ đến... sự ngược ngạo, phi lý và lạnh nhạt thường thấy của con người trước các vấn đề khó chịu của đời sống. Con người thường tự mình làm quen với những điều bất thường đến mức một ngày nọ chúng ta sẽ bình thường hóa các bi kịch đã xảy ra, đến mức ta không còn suy nghĩ và cảm nhận về bi kịch được nữa. Con người thờ ơ với bi kịch như việc Anh hùng chết đi, văn minh tan vỡ, con người tê liệt để cuối cùng các giá trị trần trụi được đảo hoán trở thành những vai chính và các giá trị chính mà xã hội theo đuổi.



Icarus rơi nhưng không một ai bận tâm, nhịp sống vẫn diễn ra. Cha con Icarus đã tạo ra hai đôi cánh để bay thoát khỏi mê cung mà họ xây nên để giam cầm quái vật Minothour. Tuy nhiên vì tham vọng chứng tỏ lý tưởng bản thân, anh đã cãi lời cha mà vươn tới Mặt Trời nên đôi cánh tan chảy làm anh rơi xuống biển

Còn Anh hùng sử thi và lý tưởng của họ dần mờ nhạt vào đường chân trời, để cuối cùng không một con người nào trong xã hội trong các bức tranh của Bruegel còn nhận thức được về nỗi đau, hay hiện hữu thực sự của những khả năng có thể giúp họ thay đổi sự tầm thường của đời sống... Không một ai thấy toàn cảnh sự kiện diễn ra trừ chúng ta-người xem tranh. Người Xem là kẻ duy nhất thấy toàn cảnh, tuy nhiên ta cũng là một kẻ lạnh nhạt ở bên ngoài sự kiện trong tranh, kẻ thuộc về thời đại rất xa sau đó, kẻ thuộc về thời đại xa lạ với các Anh hùng và là những kẻ bất lực để thay đổi bất kỳ điều gì trong các sự kiện xa xôi này.


Một sự kiện Kinh Thánh quan trọng đang diễn ra: Chúa Jesus đuổi những con buôn ra khỏi đền thờ. Ấy vậy mà mọi thứ vẫn diễn ra như không có gì hệ trọng và Đức Chúa tuy ở trung tâm nhưng trở nên lọt thỏm giữa sự thờ ơ của con người.



Đời sống rất lạnh nhạt, đôi khi không chịu được nỗi đau nên người ta tê liệt. Không chịu được viễn cảnh bi tráng của thế giới nên người ta nhắm tịt mắt. Pieter Bruegel the Elder biểu đạt một cảnh quan kính cẩn trước cái chết của Con Người, những con người chết không gì hơn là chết cho sự vươn lên của họ dù sự vươn lên đó đẹp đẽ như Jesus, cao ngạo bồng bột như Icarus hay ngạo mạn như tháp Babel. Ông gửi một cái gật đầu với tất cả lễ hội trần thế như các vấn đề nghịch lý song đã thành đương nhiên của thời đại, rằng loài người vẫn tiếp tục biểu đạt công việc và trật tự thường nhật... mặc kệ những Anh hùng - những kẻ bị loại khỏi sự thường nhật.



Cảnh Chúa Jesus cõng thánh giá lên Đồi Sọ được đặt ở trung tâm bức tranh. Ở cận cảnh, Đức Mẹ ngồi than khóc con mình. Nhưng tất cả những đau khổ vĩ đại ấy lọt thỏm giữa thế gian đầy bận rộn. Mặc cho lịch sử diễn ra, mọi người vẫn chú tâm vào lo lắng thường ngày.

Bruegel thôi thúc các hệ thống lý luận Cơ Đốc giáo phải tự suy nghĩ lại về chính các giấc mơ, các lý lẽ mà họ rao giảng ngay trong thời điểm ông sống. Bởi tranh của ông diễn tả một cái nhìn toàn cảnh khác về sự cứu chuộc của Jesus. Ở tranh ông con người không kính cẩn Jesus, không có ánh sáng thiên đàng nào chiếu xuống Jesus, chỉ có sự lạnh nhạt của con người che lấp thập tự. Cảnh trí trụy lạc, vui chơi thờ ơ khi Jesus bị đóng đinh gợi nhắc về cách con người cảm nhận nỗi đau, rằng khi thảm họa xảy ra thì con người thường tự đóng băng nhận thức và kiềm nén nỗi đau. Để nhiều năm sau hay nhiều thời đại qua đi thì nỗi đau bị kiềm nén sẽ chuyển hoá thành ám ảnh xin thứ lỗi, xin cứu chuộc. Thực sự phần lớn chúng ta thường không thấy được nỗi đau trong cảnh tượng lịch sử, cho đến khi nó qua đi và chúng ta trở thành "Người xem tranh" với cái nhìn toàn bộ sự kiện xong cam chịu không thể thay đổi bất kỳ điều gì.


Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page