top of page

Pháp bắt tay Brazil đầu tư 1 tỷ euro cho rừng Amazon, bảo vệ "lá phổi xanh" hành tinh


Ngày 26/3, Brazil và Pháp đã công bố chương trình đầu tư nhằm bảo vệ rừng mưa nhiệt đới Amazon trải dài trên lãnh thổ Brazil và Guiana thuộc Pháp. Chương trình sẽ huy động 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) từ nguồn vốn công và tư nhân trong vòng 4 năm tới.


Thông báo được đưa ra trong chuyến thăm kéo dài ba ngày của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới quốc gia Nam Mỹ. Ông đặt chân tới Belem hôm thứ Ba, gần cửa sông Amazon và được Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva chào đón. "Hội tụ tại Belem, trái tim của Amazon, chúng tôi, Brazil và Pháp, các quốc gia thuộc khu vực Amazon, đã quyết định hợp lực thúc đẩy một lộ trình quốc tế bảo vệ các khu rừng nhiệt đới", hai nhà lãnh đạo khẳng định trong tuyên bố chung.


Cam kết chung nhằm chấm dứt nạn phá rừng Amazon vào năm 2030, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng ấm lên toàn cầu, được đưa ra hai năm trước khi Brazil đăng cai các cuộc đàm phán khí hậu COP30 tại Belen vào năm 2025.



"Các Tổng thống bày tỏ cam kết bảo tồn, phục hồi và quản lý bền vững các khu rừng nhiệt đới trên thế giới, đồng thời nhất trí xây dựng một chương trình nghị sự đầy tham vọng. Trong đó bao gồm... phát triển các công cụ tài chính sáng tạo, cơ chế thị trường và thực hiện thanh toán cho các dịch vụ môi trường", tuyên bố cho biết.


Tại sự kiện gặp gỡ các thủ lĩnh cộng đồng bản địa, Tổng thống Macron vinh danh thủ lĩnh thổ dân kiêm nhà vận động môi trường Raoni Metuktire của tộc người Kayapo. Ông Raoni được trao Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh - danh hiệu cao quý nhất của Pháp – nhằm ghi nhận cuộc đấu tranh bảo vệ rừng mưa nhiệt đới và quyền của người bản địa.


Thủ lĩnh Raoni, người trở thành hình mẫu tham chiếu toàn cầu sau chiến dịch môi trường cùng với nhạc sĩ Sting trong những năm 1980, đã trao cho Tổng thống Macron các tài liệu tố cáo tác động môi trường của một tuyến đường sắt do những người trồng đậu nành hậu thuẫn. Ông khẳng định dự án này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bản địa, những người chưa được tham vấn một cách đầy đủ.



Thủ lĩnh Raoni cũng đề nghị Tổng thống Lula không phê duyệt việc xây dựng tuyến đường sắt dài 1.000 km được gọi là Ferrograo. Dự án này dự kiến sẽ giúp doanh nghiệp nông nghiệp giảm chi phí vận chuyển ngũ cốc từ bang trồng trọt Mato Grosso đến các cảng sông Amazon, từ đó hướng tới thị trường quốc tế.


Dù từng có nhiều bất đồng về vấn đề môi trường, quan hệ giữa Pháp và Brazil đã được cải thiện đáng kể so với thời điểm căng thẳng vào năm 2019. Khi đó, Tổng thống Macron dẫn đầu làn sóng phản đối quốc tế về tình trạng cháy rừng Amazon dưới thời Tổng thống Jair Bolsonaro. Ông Bolsonaro cáo buộc Tổng thống Macron cùng các nước G7 đối xử với Brazil như "một thuộc địa".


"Sau bốn năm bị lu mờ và quan hệ chính trị giữa hai nước gần như đóng băng dưới thời Tổng thống Bolsonaro, chúng tôi đang trong quá trình nối lại quan hệ song phương và quan hệ đối tác chiến lược với Brazil", một cố vấn của Tổng thống Pháp cho biết hôm thứ Sáu.


Giang Nguyễn (Theo Reuters)

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page