top of page
Ảnh của tác giảVương An Nguyên

Phan Thảo Nguyên - nghệ sĩ Việt có triển lãm tại bảo tàng Tate St Ives Anh Quốc


Năm 2022, Tate St Ives sẽ tổ chức triển lãm có quy mô lớn nhất của Phan Thảo Nguyên tại Anh Quốc, đây được xem như một trong những dấu mốc lớn trong việc khẳng định dấu vết của nghệ thuật Việt Nam trên thế giới. Phan Thảo Nguyên đã vượt qua rất nhiều cái tên lớn khác trong khu vực Đông Nam Á, lẫn Châu Á để được Tate lựa chọn để trình diễn các tác phẩm giàu tính biểu đạt về thiên nhiên của chị.



Hiện nay, Phan Thảo Nguyên đẫ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng quốc tế nhờ những tác phẩm nghệ thuật đa tầng, giàu chất thơ và khả năng dồi dào trong việc khám phá các chủ đề về lịch sử và sinh thái mà quê hương Việt Nam của chị đang đối mặt; đồng thời chị cũng đề cập đến những ý tưởng phổ quát về truyền thống, ý thức hệ, nghi lễ và thực trạng biến đổi môi trường.


Biểu hiện nghệ thuật của chị là phương pháp kể chuyện lồng ghép những trang sử chính thống lẫn phi chính thống, các tác phẩm của chị thách thức cái mà chị gọi là chứng mất trí chính trị. Triển lãm này sẽ tuyển chọn các video, tranh và điêu khắc chị thực hiện trong năm năm vừa qua, bên cạnh tác phẩm mới lần đầu tiên được triển lãm, bao gồm First Rain, Brise Soleil 202, một phim đa kênh mới và một chuỗi tranh vẽ đi kèm.


First Rain, Brise-Soleil (Video still)

Những tác phẩm đầy mê hoặc của Thảo Nguyên trong triển lãm này đều mang tính chất đan cài thần thoại và truyện dân gian với những vấn đề cấp thiết xoay quanh tình trạng công nghiệp hóa, an ninh lương thực và môi trường.


Becoming Alluvium (video still) 2019

Mối đe dọa từ việc phá hoại và tiêu thụ quá mức các nguồn tài nguyên của Trái Đất là chủ đề trở đi trở lại trong thực hành của chị. Các dự án gần đây của chị đã mở rộng đề tài hướng về ‘vẻ đẹp và mất mát’ của sông Mekong, dòng sông chảy từ Tây Tạng, Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào và Campuchia trước khi đổ ra biển ở Việt Nam. Tác phẩm ảnh động mới nhất First Rain, Brise Soleil 2021 tiếp tục khám phá sông Mekong, trình bày một phương thức sinh sống mới rút ra từ tri thức bản địa và sự trân trọng dành cho hệ sinh thái.


First Rain, Brise Soleil (video still) 2021–ongoing

Triển lãm cũng bao gồm Becoming Alluvium, video năm 2019 của Phan, hé lộ câu chuyện về sự phá hủy, luân hồi và tái sinh không chỉ của dòng Mekong, mà còn tính cấp thiết phải sống trong sự tôn trọng và nhận thức về thế giới hữu hình lẫn vô hình. Sáng tác bằng video, hình động và hình ảnh tìm thấy, tác phẩm khám phá những thay đổi về môi trường và xã hội gây ra do mở rộng canh tác, nuôi thủy sản, xây dựng đập nước và buôn lậu cổ vật thời hậu thuộc địa.


Voyages de Rhodes (installation view) 2014-2017

Video sẽ được trưng bày cùng với tác phẩm Perpetual Brightness (2019–vẫn tiếp diễn), sử dụng kỹ thuật lụa và sơn mài truyền thống Việt Nam. Cộng tác với Truong Cong Tung, tác phẩm kể những câu chuyện tưởng tượng về Mekong cùng những cư dân con người và phi nhân của nó.


The Rise 2017

Điểm qua tác phẩm Mute Grain 2019, phim ba kênh diễn giải lại nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, diễn ra khi quân Nhật chiếm đóng Đông Dương thuộc Pháp 91940-45) và gây ra cái chết của 2 triệu người. Tác phẩm xoay quanh một cô gái tên Tám, cô trở thành một hồn ma vất vưởng không thể siêu sinh, và anh Ba của cô mòn mỏi đi tìm em gái. Ba và Tám tượng trưng cho hai tháng đói kém nhất trong Âm lịch khi nông dân phải vay nợ và làm nghề phụ để kiếm sống.


The Flower 2017


Mute Grain đan dệt lịch sử truyền miệng với những yếu tố từ truyện dân gian Việt Nam và văn chương của Yasunari Kawabata để phản ánh những vấn đề thuộc địa, nông nghiệp và an ninh lương thực. Triển lãm cũng trưng bày Dream of March and August (2018–vẫn tiếp diễn), chuỗi tranh vẽ trên lụa mở rộng từ câu chuyện của hai anh em trong Mute Grain.


Chân dung của Tám, Dream of March and August, 2020.

Ba trên chiếc Honda Dream, Dream of March and August, 2020

Các phòng trưng bày của Tate St Ives sẽ chìm trong bóng tối, sắp đặt bằng dây đay chia tách khu vực video arts với tác phẩm tĩnh.


Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, quân Nhật đã bắt nông dân Việt trồng cây đay để làm quân trang thay vì trồng gạo, và dẫn đến nạn đói khủng khiếp năm 1945. Tác phẩm sắp đặt hữu cơ, tương tác No Jute Cloth for the Bones 2019 liên hệ đến những đổ vỡ ở trong lịch sử và ở hiện tại từ ký ức tập thể của Việt Nam.


Phan Thảo Nguyên được giám tuyển bởi Anne Barlow, Giám đốc Tate St Ives, và Giles Jackson, Trợ lý Giám tuyển.


Dựa theo gấu thiên thể


Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist

コメント


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg