top of page
Ảnh của tác giả Hoàng Bảo

NTK Trần Hùng: “Thời trang bền vững là đích đến của sự phát triển”


Nhà thiết kế Trần Hùng


Mang thời trang Việt vượt biên giới, Trần Hùng là nhà thiết kế Việt Nam tiên phong tổ chức show diễn tại Hàn Quốc vào tháng 10 năm 2023. Không những thế, các thiết kế của anh được nhiều ngôi sao quốc tế lựa chọn để tỏa sáng trên thảm đỏ thời gian qua. Trong những ngày cuối năm hối hả, NTK Trần Hùng được dịp bày tỏ mong muốn lan tỏa sức mạnh của thời trang bền vững cũng như những giá trị thẩm mỹ điểm tô cho vẻ đẹp thanh lịch của giới mộ điệu.


Tự túc chất liệu bền vững


Chào anh Trần Hùng. Cảm ơn anh đã dành thời gian ngồi lại cùng Tạp chí Navigator Việt Nam để trò chuyện về hành trình chinh phục giới mộ điệu với định hướng bền vững. Trước tiên, là một trong những NTK theo đuổi hướng đi này, anh nhìn nhận thế nào về thời trang bền vững?


Tôi đã theo đuổi thời trang bền vững từ khi thành lập thương hiệu TRAN HUNG vào tháng 12 năm 2016 đến nay. Với tôi, đó là công việc sáng tạo đòi hỏi phải đưa yếu tố môi trường và con người làm trọng tâm. Trong các thiết kế của mình, tôi không sử dụng các chất liệu có liên quan đến hóa thạch. Vì chúng không có tính tuần hoàn, khó tái tạo lại được. Dầu mỏ, than đá cũng là những nguồn chất liệu được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp sản xuất vải. Chúng mất rất nhiều năm để phân hủy. Do đó, tôi chọn chất liệu có tính tuần hoàn nhanh, dễ dàng tái chế, nhất là không ảnh hưởng đến môi trường.


Chẳng hạn, tôi từng phát triển thành công chất liệu nhựa sinh học được làm từ tảo biển. Đây là loài phát triển rất nhanh chóng, không chỉ có vậy, nó còn có tác dụng vô cùng lớn đối với môi trường. Nó hấp thụ khí CO2 và thải ra khí O2, tạo môi trường sống cho biển.


Thời trang bền vững không chỉ nằm ở chất liệu mà còn là quá trình sản xuất và sử dụng hàng thời trang của chúng ta. Quá trình đó phải đảm bảo tạo ra số lượng vừa đủ để tránh tình trạng dư thừa và lãng phí. Ngoài ra, làm thời trang bền vững đồng nghĩa với việc hạn chế sử dụng máy móc. Chúng ta có thể làm thủ công để giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng từ máy móc.



Váy làm từ vải vụn


Lấy một ví dụ, với chiếc đầm làm từ Scoby từng được chị Hương Ly mặc gây bão truyền thông trong nước và quốc tế, anh đã mất bao lâu để nghiên cứu và phát triển thành công những chất liệu này?


Để hoàn thiện chiếc đầm Scoby của Hương Ly, tôi đã mất hơn 1 tháng để nuôi giấm ăn. Trước khi bắt tay vào làm, tôi đã tìm hiểu kỹ đặc tính của nó: điều kiện sinh trưởng, thời gian phát triển và độ dày phù hợp để tạo nên sản phẩm thời trang. Tất nhiên, quá trình thử nghiệm chắc chắn phải trải qua nhiều lần thất bại. Mặc dù giấm ăn đạt tiêu chuẩn về kích thước và độ dày nhưng tôi chưa tìm được cách phù hợp để xử lý bề mặt chúng sao cho phẳng mịn. Suốt 3 tháng miệt mài nghiên cứu, cuối cùng tôi cũng tạo ra được chất liệu Scoby với bề mặt nhẵn mịn giống như da.


Tôi muốn phát triển Scoby vì đây là chất liệu có thể thay thế da động vật. Quá trình tạo ra chúng không làm ảnh hưởng đến môi trường và tiết kiệm nhiên liệu. Để sản xuất một chiếc áo cotton phải tốn 1.000 – 1.500 lít nước, trong khi nuôi Scoby chỉ mất khoảng 100 lít nước thôi.


Đầm scoby gây bão truyền thông trong nước và quốc tế


Ở BST Thu Đông 2022, anh đã nghiên cứu chất liệu làm từ nhựa sinh học (rau câu giòn). Quá trình thực hiện có phức tạp như nuôi giấm ăn không?


Nhựa sinh học được làm nhanh hơn. Để có thành phẩm, tôi phải nấu tảo biển. Tôi dùng bột tảo đỏ chứ không dùng lá tảo, sau đó trộn thêm các chất có nguồn gốc từ thiên nhiên như agar, glycerin,... vào nữa. Hơn hết, kết quả nấu tảo biển có thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ. Nếu cho nhiều agar quá thì sản phẩm đông cứng và giòn, hoặc lượng Glycerin nhiều khiến thành phẩm bị nhớt, dẻo hoặc dính.


Mọi người thường nói thời trang bền vững là “thuần chay”. Thế nhưng, chúng ta không thể nào làm thời trang mà không phụ thuộc vào dụng cụ và máy móc được. Nếu bây giờ bỏ hẳn những chất liệu ảnh hưởng tới môi trường như nhựa, nylon, polyester thì chúng ta không thể làm được. Chắc chắn chúng ta ít nhiều vẫn dùng chúng trong quá trình xử lý chất liệu. Dù vậy, chúng ta nên ưu tiên chọn những thứ có thể tái sử dụng lại được.


Váy từ rau câu giòn (2 váy xanh) và từ rác thải hữu cơ


Nhà mốt Iris van Herpen là một trong những thương hiệu Haute Couture chọn hợp tác với các kiến trúc sư và nhà khoa học để nghiên cứu chất liệu thời trang bền vững. Con đường tìm kiếm nguồn chất liệu bền vững mới của anh có sự đồng hành của cộng sự hay nguồn tham chiếu nào không?


Thực ra, tôi không hợp tác cùng cộng sự nào để phát triển vật liệu bền vững cả. Tôi cùng đội ngũ thiết kế của mình nghiên cứu mọi thứ trên mạng. Từ những bài báo đề cập đến chất liệu từ thiên nhiên mới, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu cách làm chất liệu đó như thế nào. Ở trên thế giới, nhất là những nước tiên tiến, có nhiều người tập trung nghiên cứu và sản xuất ra chất liệu vải thân thiện với môi trường. Các nhà thiết kế định hướng đến sự bền vững thường tìm đến họ để có nguồn vải chất lượng. Trong khi đó, tôi có thể đảm đương hai vai trò này, vừa nghiên cứu cách sản xuất vải từ thiên nhiên vừa sáng tạo thời trang.


Anh có đặt ra tham vọng gì cho thương hiệu của mình trong thời gian tới không?


Ai cũng có tham vọng của riêng mình cả, nhưng ở hiện tại, tôi vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi thời trang bền vững, làm cho nó được biết đến nhiều hơn. Hơn hết, tôi muốn xóa bỏ những quan điểm bảo thủ về thời trang bền vững, giúp mọi người hiểu lợi ích cũng như tính ứng dụng của nó trong đời sống hằng ngày. Vì tôi luôn quan niệm rằng thời trang bền vững là đích đến cuối cùng của sự phát triển.


Cảm hứng thời trang từ lễ phục cưới

Được biết, từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành BST thứ 10 & 11 chỉ vỏn vẹn 3 tháng, anh quản lý thời gian như thế nào để ra mắt cùng lúc hai dòng sản phẩm menswear và womenswear gấp gáp như vậy?


BST thứ 10 và 11 có tổng số trang phục lần lượt là 20 và 27 bộ. Nếu chỉ làm những bộ đơn giản thì thời gian hoàn thiện nhanh hơn. Vì quá trình xử lý thủ công tỉ mỉ nên tôi phải tính toán kỹ từng bước thực hiện để không bị gián đoạn giữa chừng. Ngoài ra, BST không phải lúc nào cũng mới toanh. Những phom dáng cũ, kỹ thuật mang dấu ấn nhận diện riêng… tất cả những thế mạnh đã làm nên tên tuổi Trần Hùng trên bản đồ thời trang bền vững đều được làm mới qua mỗi BST.


Những thiết kế lấy cảm hứng từ lễ phục cưới


Các thiết kế của anh hướng đến tinh thần thời trang bền vững. Trong hai BST này, chất liệu bền vững nào nổi bật được ứng dụng? Kỹ thuật làm nên chất liệu đó có gì đặc biệt?


Đó là nhung, tơ tằm và lụa organza. Đây là những chất liệu đến từ làng nghề truyền thống của Việt Nam - Bảo Lộc Silk. Ngoài việc đem đến các thiết kế thân thiện với môi trường, tôi cũng muốn quảng bá các sản phẩm chất lượng từ các làng nghề truyền thống Việt Nam đến giới mộ điệu trong và ngoài nước.


Tại sao anh lại lấy cảm hứng từ hôn lễ để truyền tải thông điệp về bình đẳng giới mà không phải từ nguồn cảm hứng nào khác?


Trước khi ra mắt hai BST này, tôi từng làm vài bộ trang phục cưới. Cứ thế đến một ngày, tôi nghĩ đến ý định làm riêng một BST liên quan đến chủ đề cưới… nhưng không phải đồ cưới. BST thứ 10 và 11 được lấy cảm hứng từ lễ phục cưới nhưng mang tính ứng dụng cao. Đồng thời, hai BST này còn nhấn mạnh vào yếu tố phi giới tính. Tuy nhiên, tôi không muốn hoán đổi tiêu chuẩn ăn mặc của người Á Đông một cách đột ngột - nam mặc đồ nữ hoặc ngược lại. Thay vào đó, tôi chọn cách tạo điểm nhấn phi giới tính bằng các chi tiết. Chẳng hạn, đầm nữ có cổ áo sơ mi và thắt cà vạt; áo khoác nam bằng lụa tulle silk 100% được thêu hoa nổi gợi nhớ đến chiếc khăn voan trên đầu cô dâu. Đó là cách tôi thể hiện tinh thần phi giới tính một cách tinh tế trên trang phục của mình.


NTL Trần Hùng truyền tải thông điệp bình đẳng giới qua những thiết kế của mình


Cảm ơn những chia sẻ của anh!


Bài: Hoàng Bảo - Fashion Columnist

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg