top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Nỗi khao khát thiên nhiên của chúng ta bộc lộ qua phong cách thiết kế ưu sinh học


Thiết kế ưu sinh học (Biophilic Design) lấp đầy một khoảng trống rất lớn trong sự hiểu biết của con người về vai trò của thế giới tự nhiên trong cuộc sống hiện đại. Nó giải thích tại sao sự hiện diện của thế giới tự nhiên trong đời sống hàng ngày là trung tâm của sự tồn tại của chúng ta, và những gì con người cần làm là đưa thiên nhiên vào trong từng không gian sống, để luôn được tận hưởng sự trong lành và yên bình mà mẹ thiên nhiên mang lại.



Song song với sự phát triển của những đô thị, khoảng cách giữa con người và thế giới tự nhiên cũng đang dần bị kéo giãn ra: Những đứa trẻ có thể nhận diện hàng nghìn thương hiệu khác nhau, nhưng lại không biết phân biệt các loại rau hoặc các chủng động vật. Trong khi đó, người lớn cũng ít ai còn dành nhiều thời gian hòa mình với thiên nhiên. Mọi hoạt động thường nhật đều diễn ra trong nhà - nấu ăn, ăn uống, học tập, làm việc, nghỉ ngơi. Mặc dù ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện ra những lợi ích khổng lồ đến từ việc tiếp cận với thiên nhiên như giảm huyết áp, giảm căng thẳng, âu lo và trầm cảm, giúp con người nghỉ ngơi, phát triển nhận thức và đơn giản nhất là cải thiện tâm trạng.


Trước đây, chúng ta thường ít quan tâm đến những nghiên cứu đó. Nhưng bây giờ, khi guồng quay cuộc sống thành thị bị khóa chặt giữa 4 bức tường bởi đại dịch thì ta lại tìm lại được bản năng khao khát thiên nhiên có sẵn trong mỗi con người. Bằng chứng là xu hướng thiết kế ưu sinh học (biophilic design) xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới.



Phần lớn thời gian chúng ta dành ra trong cuộc đời ở trong nhà: ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc,… Ngày nay, các phong cách thiết kế hiện đại cũng thường đi kèm với những lời quảng cáo như ‘gần gũi với thiên nhiên’, ‘thân thiện với môi trường’, nhưng trên thực tế, phần lớn các thiết kế khu vực thành phố và ngoại ô chỉ làm hủy hoại môi trường và mang chúng ta xa dần thiên nhiên. Theo thống kê của tổ chức Eesi, lượng khí thải ra từ các khu dân cư và tòa nhà thương mại chiếm 40% tổng khí carbon Mĩ thải ra môi trường


Vì vậy có thể nói bước đầu tiên để mang thiên nhiên trở về với con người chính là qua các công trình kiến trúc. Thiết kế ưu sinh học (Biophilic design) là nỗ lực nhằm xóa nhòa ranh giới giữa nhà ở và thiên nhiên. Khởi nguồn từ Biophilia - cụm từ chỉ tình yêu, niềm yêu thích thiên nhiên trong tiếng Hy Lạp cổ, thuyết biophilia cho rằng con người đã sống trong môi trường thiên nhiên trong phần lớn giai đoạn tiến hóa của mình. Chúng ta sống nương tựa vào những dấu hiệu của tự nhiên - ánh sáng, sự thay đổi thời tiết, địa hình sẵn có, thực vật và với các loài động vật khác. Chính vì vậy chúng đều là những yếu tố không thể tách rời với sự sinh tồn của loài người. Stephen R.Kellert, giáo sư sinh thái xã hội tại Đại học Yales cho rằng sự kết nối này đã khắc sâu vào bộ gen, ảnh hưởng đến tâm trạng, tri thức và sức khỏe thể chất của chúng ta.


Nói đơn giản hơn, thế giới tự nhiên luôn biến động thông qua những làn gió mát, những khoảng trời nắng và những bóng mát của cây xanh...Trong nhà thì hơi khác. Không khí tù đọng hơn ở ngoài trời và nhiệt độ thường được kiểm soát qua hệ thống điều hòa không khí. Điều này không thực sự tốt cho sức khỏe con người.


Đặc biệt ở những nơi làm việc, nơi con người thường xuyên trong trạng thái căng thẳng thì thiết kế ưu sinh học như một nguồn năng lượng giúp họ 'thở' trong lúc làm. Một nhân viên dành trung bình 8 – 9 giờ mỗi ngày để ngồi trong văn phòng, điều này tác động tiêu cực tới cơ thể, bao gồm: giảm tỷ lệ trao đổi chất, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim, tăng nguy cơ trầm cảm, đau lưng và cổ. Chính vì thế, Các kiến trúc sư đã áp dụng “biophilic design” tại nơi làm việc giúp tăng năng suất làm việc và tính sáng tạo, nhân viên đi làm năng nổ hơn. Nói cách khác, văn phòng càng không cảm thấy hay trông giống như một văn phòng, kết quả công việc càng tốt.


Thiết kế ưu sinh học: Kiến trúc của sự sống?

Tuy nhiên, thiết kế ưu sinh học không chỉ đơn thuần là mua thêm vài chậu cây trong nhà hay đặt một chiếc cửa sổ lớn hơn. Nó nhằm mục đích thiết kế cấu trúc ngôi nhà sao cho hòa hợp với điều kiện thiên nhiên tại nơi xây dựng, đồng thời không tách biệt yếu tố thiên nhiên trong nhà - thay vào đó, nó coi những vật thể hữu cơ và không gian bên trong như một thể thống nhất. Các công trình mới có thể được tạo ra những vật liệu thu hoạch tại địa phương nhằm kết hợp các yếu tố địa lý vào công trình, từ đó tăng cường sự gắn bó văn hóa giữa tòa nhà với địa điểm xây dựng. Các kiến trúc sư còn có thể tận dụng nguồn ánh sáng và lỗ thông gió tự nhiên thông qua các vật liệu phản chiếu, giếng trời và sân trước, để luôn mang lại cảm giác tương tác với thiên nhiên cho những người làm việc và sinh sống bên trong.



Tiến trình thiết kế một công trình Biophilic được thực hiện với sự đo lường và kiểm chứng trên nhiều khía cạnh của môi trường thiết kế, chẳng hạn như giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, nước và vật liệu. Xây dựng theo cách này giúp đưa thiên nhiên vào không gian sinh sống và làm việc của chúng ta, biến nó thành một tòa nhà ‘sống’ thay đổi theo từng giai đoạn trong ngày. Nó làm giảm mức tiêu thụ năng lượng cũng như nuôi dưỡng một sự tò mò và lòng đồng cảm sâu sắc với thiên nhiên. Các công trình ưu sinh học thách thức ý niệm rằng thiên nhiên chỉ là ‘nạn nhân’ của sự tham lam từ con người. Thay vào đó, nó như một lời kêu gọi đừng coi thiên nhiên như một vấn đề cần giải quyết, mà hãy cố gắng hiểu thấu ý nghĩa và giá trị của thiên nhiên về mặt lâu dài, và thay đổi cách chúng ta tương tác với môi trường xung quanh nhằm tạo ra một hành tinh tươi đẹp hơn sau này.


Có lẽ sự kết nối sâu sắc cảm xúc của chúng ta với thế giới tự nhiên là quan trọng nhất đối với tương lai môi trường sống của chúng ta. Thiết kế Biophilic - kiến trúc của cuộc sống, lấp đầy một khoảng trống rất lớn trong sự hiểu biết của con người về vai trò của thế giới tự nhiên trong cuộc sống hiện đại. Nó giải thích tại sao sự hiện diện của thế giới tự nhiên trong đời sống hàng ngày là trung tâm của sự tồn tại của chúng ta và những gì con người cần làm là đưa thiên nhiên vào trong từng không gian sống, để luôn được tận hưởng sự trong lành và yên bình mà mẹ thiên nhiên mang lại.


Đặc trưng của Thiết kế ưu sinh học

Các thiết kế theo phong cách Biophilic được chia thành 2 loại:

- Nature in the Space: Kết hợp các yếu tố tự nhiên trong thiết kế.

- Natural Analogues: Tái tạo hình dạng, mẫu, màu sắc và kết cấu tự nhiên.


Nature in the space: Kết hợp các yếu tố tự nhiên trong thiết kế


Kết nối với thiên nhiên qua tầm nhìn

Khi nhắc đến việc tăng cường kết nối tự nhiên thì việc có tầm nhìn hướng ra thiên nhiên là một yếu tố không thể không nhắc tới. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc nhìn ngắm thiên nhiên sẽ giảm mức độ căng thẳng, cải thiện sự tập trung và tăng cường cảm giác hạnh phúc của con người. Để xóa nhòa sự ngăn cách của những bức tường, các kiến trúc sư thường áp dụng những phương pháp sau vào các thiết kế của mình:


  • Sử dụng cửa sổ lớn hoặc cửa sổ toàn chiều cao, cao từ sàn đến trần để tối ưu hóa tầm nhìn

  • Thêm các lỗ hổng có chủ đích, tạo thêm những view nhìn mới mẻ, giúp lấy thêm ánh sáng và lưu thông không khí

  • Khai thác tối đa các không gian như logia, ban công, sân vườn.

Kết nối với thiên nhiên thông qua các giác quan khác.


Không chỉ thông qua thị giác, chúng ta có thể kết nối với thiên nhiên thông qua các giác quan khác: thính giác, xúc giác, khứu giác. Hiện nay ở Việt Nam, các spa làm đẹp đang áp dụng rất tốt hình thức này vào không gian của mình. Họ lựa chọn những hương thơm tinh dầu tự nhiên đặc trưng và bật những bản nhạc nền nhẹ nhàng của tự nhiên như: âm thanh của suối chảy, rừng núi, sóng vỗ,... Từ đó giúp khách hàng thư giãn tối đa khi sử dụng dịch vụ của họ. Đây là những cách khá đơn giản và bạn hoàn toàn có thể áp dụng cho ngôi nhà của mình.


Bên cạnh đó các kết cấu phong phú và dễ chịu của tự nhiên cũng mang lại trải nghiệm xúc giác sâu sắc cho con người. Chúng ta gần như rất quen thuộc với việc ốp gỗ, ốp đá tự nhiên trên các diện tường, trần và sàn nhà. Và thực tế cho thấy rằng, một ngôi nhà có sự xuất hiện của các loại vật liệu này mang đến một trải nghiệm không gian hoàn toàn khác biệt.


Một cách đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn đó là sử dụng cây cối để trang trí nhà cửa. Những chậu cây xanh hay những lọ hoa màu sắc sẽ giúp ngôi nhà tràn ngập sức sống và hương vị của tự nhiên, khiến con người thư thái hơn rất nhiều.


Natural Analogues: Khai thác hình khối từ tự nhiên


Gợi nhắc các kết cấu, chi tiết trong phong cách Biophilic


Việc gợi nhắc thiên nhiên qua các chi tiết trong thiết kế kiến trúc nội thất không phải là điều quá mới mẻ. Điều này có thể thấy thông qua việc, các chi tiết, họa tiết của thiên nhiên được sử dụng nhiều trong việc trang trí nhà cửa. Ví dụ như giấy dán tường, họa tiết chạm trổ, thảm trải sàn... Tuy nhiên với phong cách Biophilic thì điều này được thể hiện một cách rõ ràng hơn. Đơn cử như việc tạo dựng một kết cấu kiến trúc bắt nguồn từ một hình khối trong tự nhiên. Ví dụ như chiếc cầu thang được tạo hình xoắn ốc theo kết cấu của vỏ ốc anh vũ phía trên.


Kết nối không gian nhà ở trực tiếp với môi trường tự nhiên bản địa

Nocenco Cafe (Hình: Archdaily)


Như đã đề cập ở trên, Biophilic đặc biệt đề cao các yếu tố tự nhiên bản địa. Hình thức này tận dụng trực tiếp môi trường tự nhiên bản địa để làm một phần của ngôi nhà. Điều này được thể hiện rất rõ qua “kiệt tác Fallingwater của Frank Lloyd Wright”- một kiến trúc sư người Mỹ xuất chúng. Fallingwater là một ngôi nhà kết hợp hoàn hảo với môi trường xung quanh. Thác nước chảy dưới gầm ngôi nhà là hoàn toàn tự nhiên nhưng nó được kết hợp trong thiết kế tốt đến mức nhìn như thác nước bắt nguồn từ chính ngôi nhà!


Các khu đô thị ngày càng lớn hơn - thiên nhiên ngày càng có ít không gian hơn; cuộc sống của con người ngày càng bó hẹp trong không gian bị ngăn cách bởi những khối sắt đá và bê tông. Biophilic như một làn gió mát thổi vào tâm hồn mang đến những xúc cảm mạnh mẽ cho con người. Biophilic design nhìn vào thiên nhiên một cách toàn diện, từ quy hoạch không gian đến lựa chọn vật liệu. Nó tái tạo các yếu tố thiên nhiên trong không gian của ngôi nhà, mang lại lợi ích cho sức khỏe của con người.


Thiết kế ưu sinh học tại Việt Nam

Thắng House (Ảnh: MIA Design Studio)


Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển vô cùng mạnh mẽ từ những năm 1990 cho đến nay, nhưng các công trình kiến trúc lại có xu hướng chối bỏ những ‘mảng xanh’ để tập trung vào công năng, sự hiệu quả. “Những năm vừa qua, tôi thấy rất nhiều dự án tại Việt Nam dường như chỉ cố gắng trở nên to lớn hơn các công trình khác. “, Nguyễn Hoàng Mạnh, CEO và kiến trúc sư chủ trì của MIA Design Studio chia sẻ với tờ Independent. “Họ không thấy được giá trị trong việc duy trì sự hòa hợp giữa công trình và môi trường sống bản địa; không hề có sự tương tác với thiên nhiên.”


MIA Design Studio là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu phong trào thiết kế kiến trúc ưu sinh học tại Việt Nam. Các công trình của họ đã đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong và ngoài nước, trong đó đáng chú ý có thể kể đến Naman Retreat Pure Spa, Sky House, Wyndham Garden Phú Quốc…


Naman Retreat Pure Spa (Hình: MIA Design Studio)


Trong khi đó, ngay giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh, nép bóng tòa khách sạn Hilton Saigon khổng lồ là công trình The Myst Đồng Khởi thiết kế bởi kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp thuộc a21studio, một doanh nghiệp kiến trúc địa phương chuyên về kiến trúc biophilic. Không như những tòa nhà cao tầng xung quanh, các mảng xanh như đang trào ra khỏi mặt tiền The Myst Đồng Khởi để tạo nên một điểm nhấn ấn tượng, dễ chịu giữa khu vực tập trung dày đặc nhà cao tầng nhất nhì thành phố.


The Myst Đồng Khởi


Tác phẩm này cũng khơi gợi lên phong cách của Võ Trọng Nghĩa, có thể nói là kiến trúc sư ưu sinh học nổi tiếng nhất Việt Nam. Tại Đà Nẵng, anh đã xây dựng khách sạn Chicland Hotel với ban công mặt tiền tràn ngập các loài thực vật nhiệt đời, trong đó có những cây hoa giấy nở tím rực vào mùa khô. Ở Ninh Bình, một tỉnh phía Bắc nổi tiếng với núi đá vôi và sông ngòi, anh đã thiết kế nhà hàng Vedana Hotel từ tre để có thể đón gió mà không cần phải lắp đặt thêm máy điều hòa. Theo Nghĩa, phong các kiến trúc ưu sinh học không chỉ dừng lại ở tính thẩm mỹ: “Cây xanh và các vật liệu tự nhiên giúp làm mát các tòa nhà, giảm lượng năng lượng tiêu hao và thậm chí có thể ngăn ngừa lũ lụt nếu được thực hiện ở quy mô đủ lớn.


Khách sạn Chicland giành chiến thắng hạng mục "Nghỉ dưỡng" giải thưởng Architecture Masterprize 2020 (AMP)


Khi đề cập đến việc xây dựng bền vững, nhà kiến trúc sư chia sẻ góc nhìn của Thomas Heatherwick, nhà thiết kế ưu sinh học nổi tiếng nhất tại Anh: các công trình có sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên sẽ gợi lên cảm xúc mạnh mẽ và khó bị phá hủy hay thay thế hơn. “Tôi muốn các tác phẩm của mình không chỉ tồn tại lâu hơn tôi mà còn cả những đứa con tôi,” Nghĩa chia sẻ, ông cũng khẳng định rằng chỉ khi nào công trình trường tồn với thời gian thì mới có thể được coi là bền vững.


Thiên nhiên không nhất thiết phải là một khái niệm xa cách với chúng ta. Nó không phải một thứ linh thiêng, bất khả xâm phạm; và càng không phải một thứ để khai thác, chiếm đoạt. Thực chất, thiên nhiên không cần được cứu khỏi bàn tay con người, mà chính chúng ta mới là người cần phải học cách sống hòa hợp với nó. Như nhà văn Henry David Thoreau đã nói: “Tôi tin rằng thiên nhiên có một sức hút vô hình, thứ sẽ dẫn chúng ta đi đúng hướng một khi ta sẵn sàng buông bỏ mọi sự phòng bị trong vô thức.”


Bài: Theo fashionnet.vn



Comments


ad1_2.jpg