"Nhìn vào lãnh đạo, có thể biết được phần nào văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp đó!"
"Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, mà còn là tài sản quốc gia. Quốc gia có nhiều thương hiệu uy tín thì thương hiệu quốc gia cũng được nâng tầm uy tín", Ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Searefico, chia sẻ.
Ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Searefico
Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam vừa qua đã công bố Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. Đây là bộ chuẩn mực đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện, các bộ, ngành tham gia và là cơ sở để xét công nhận "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam".
Việc công nhận và tôn vinh góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước; từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Searefico (Mã: SRF), đồng tác giả Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam, đã chia sẻ về vai trò văn hoá kinh doanh trong bối cảnh hiện tại.
Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam có 19 tiêu chí cụ thể và 51 chỉ số đánh giá, đo lường. Theo ông, tiêu chí nào là quan trọng nhất trong quá trình doanh nghiệp xây dựng văn hoá kinh doanh?
Ông Lê Tấn Phước: Đó là nhóm tiêu chí Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững. Mọi quyết sách của công ty không thể thực thi được nếu lãnh đạo không thông qua. Do đó, những tiêu chí khác có đạt được hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào ý chí của lãnh đạo có muốn hay không. Lãnh đạo không chỉ nói mà cần tạo hành lang và cơ chế để nhân viên cùng hiểu, ủng hộ và thực hiện các ý chí đó.
Bây giờ người lao động có nhiều cơ hội và lựa chọn việc làm hơn trước. Bên cạnh các chế độ phúc lợi thì một trong những điều kiện để họ cân nhắc gắn bó hay từ bỏ công việc là những giá trị mà người lãnh đạo doanh nghiệp đại diện. Họ cảm thấy an tâm, tin tưởng thì họ mới gắn bó và phấn đấu cùng mình được. Nhìn vào lãnh đạo doanh nghiệp, có thể biết được phần nào văn hoá kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Bộ tiêu chí này giúp ích gì cộng đồng DN Việt Nam nói chung và cho Searefico nói riêng?
Ông Lê Tấn Phước: Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam được xây dựng trên cơ sở đối chiếu giữa đặc thù điều kiện, môi trường kinh doanh tại Việt Nam với các quy chuẩn của thế giới, trên tinh thần kế thừa, khai thác vận dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Mỗi một chứng chỉ kinh doanh phục vụ cho một mục đích khác nhau của DN. Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam ra đời nhằm tạo chuẩn mực cho các doanh nghiệp có tư cách pháp nhân tại VN, doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, làm nền tảng, sức bật cho các DN Việt có thể hòa nhập tốt trên thị trường quốc tế.
Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp, mà còn là tài sản quốc gia. Quốc gia có nhiều thương hiệu uy tín thì thương hiệu quốc gia cũng được nâng tầm uy tín. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và hình thành văn hóa trong kinh doanh, tạo nên những thương hiệu Việt Nam mang tầm quốc tế.
Riêng đối với Searefico, sau hơn 40 năm hình thành và phát triển, Searefico luôn linh hoạt thích nghi với tình hình thực tế. Nhiều thay đổi xảy ra trong bối cảnh đại dịch kéo dài đặt ra yêu cầu thích ứng nhanh và linh hoạt. Dự án tái tạo tổ chức "Searefico Reinvention Project" (SRP) ra đời tháng 6/2021 vừa qua tập trung đơn giản hoá quy trình xử lý công việc, trao thêm quyền cho mỗi cá nhân người lao động để đẩy tiến độ công việc đi nhanh hơn, hiệu quả hơn, không bị gián đoạn do giãn cách. Dựa trên Bộ tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam, Searefico có thể nhìn nhận, đánh giá lại và hệ thống bài bản hơn các tiêu chí hoạt động dựa trên giá trị cốt lõi của mình.
Với mỗi doanh nghiệp, làm sao để xây dựng văn hoá kinh doanh hiệu quả thưa ông?
Ông Lê Tấn Phước: Trước khi nói đến cách làm, chúng ta cần phải xác định được mục tiêu và định nghĩa như thế nào là hiệu quả ứng với điều kiện thực tế tại doanh nghiệp mình. Văn hoá là một khái niệm rất rộng cho nên các lãnh đạo doanh nghiệp cần tìm cách cắt nghĩa sao cho đơn giản, dễ hiểu và dễ thực thi thì mới đưa vào công việc và cuộc sống tốt được. Tầm nhìn và mục tiêu của lãnh đạo khác với nhân viên. Cho nên nếu trong quá trình thông tin và lan tỏa mà bị hiểu sai lệch thì sẽ dẫn tới làm không đúng. Một ý tưởng hay mà không có khả năng thực thi thì cũng thành vô nghĩa.
Là người đồng biên soạn và cũng là một lãnh đạo doanh nghiệp, ông có kỳ vọng gì về văn hoá kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Lê Tấn Phước: Nếu xem DN là cá bơi trong hồ thì văn hoá kinh doanh chính là nước. Nước hồ mà không sạch thì cá không thể khoẻ được, cho dù có chữa trị nhiều lần đi nữa. Việc làm sạch nước hồ không thể thực hiện bằng cách thay ngay một nguồn nước mới được, nhiều con cá có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị sốc. Chúng ta cần thay dần dần bằng cách dẫn nước sạch vào đồng thời với tháo bớt phần nước ô nhiễm ra.
Cách làm tương tự được áp dụng cho văn hoá kinh doanh tại Việt Nam. Đây là việc làm đòi hỏi sự kiên trì và từng bước chứ không thể vội vàng. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi tiếp tục lắng nghe, ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp để hoàn thiện bộ tiêu chí hơn cho sát với tình hình thực tế. Trong giai đoạn giãn cách kéo dài này, các doanh nghiệp có thể tận dụng để rà soát lại bộ máy vận hành của mình và đưa ra các quyết sách điều chỉnh dần dần. Điều quan trọng trước mắt là doanh nghiệp cần khoẻ để bước qua giai đoạn khó khăn này.
Nếu dùng hai từ ngắn gọn để miêu tả văn hoá kinh doanh của Searefico thì đó sẽ là gì, thưa ông?
Ông Lê Tấn Phước: Đó là Chính trực và Tử tế!
Chính trực và Tử tế là kim chỉ nam của Searefico không chỉ trong xây dựng văn hoá nội bộ mà còn phải tạo dựng được văn hoá giữa các DN với nhau, trong cách ứng xử với nhà thầu, nhà cung cấp, từng người lao động... Lấy một ví dụ cho dễ hiểu, một số đơn vị có thể trả mức lương cao hơn nhiều để thu hút nhân tài từ Searefico, nhưng 3 tháng sau khi họ đã lấy hết thông tin cần lấy thì họ cho nghỉ, cũng có chủ đầu tư yêu cầu nhân viên phải tìm cách hoặc phạt thật nặng nhà thầu/nhà cung cấp để đổi lại họ được chia một phần số tiền thưởng đó.
Chúng tôi không chọn cách làm này bởi về lâu về dài, chúng tôi có thể không giữ được nhân viên lẫn các đối tác của mình. Trong kinh doanh, chữ Tín rất quan trọng. Chính văn hoá đó là sức đề kháng giữ cho DN chúng tôi khoẻ mạnh cả trong lúc bình thường và khi biến động vì đại dịch như hiện tại.
Xin cảm ơn ông!
Profile: Ông Lê Tấn Phước hiện đang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT SEAREFICO Corp đồng thời là cổ đông sáng lập của SEAREFICO. Đặt khát vọng làm ra sản phẩm “Made in Việt Nam” hàng đầu thế giới, Ông cùng Ban Điều hành đặt quyết tâm đưa SEAREFICO trở thành Thương hiệu Quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Các chức vụ lãnh đạo Ông đang nắm giữ tại tổ chức khác: Chủ tịch HĐQT CTCP Arico, Thành viên HĐQT CTCP Xây lắp Huế, Thành viên HĐQT CTCP Greenpan. Ngoài ra, Ông Phước còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam (VNABC), Phó Chủ nhiệm CLB Doanh nhân vàng YBA và Trưởng ban Năng lực thành viên CLB Lãnh đạo Đắc Nhân Tâm.
Bài: Trọng Trần
Comments