Nghệ thuật đương đại hướng tới điêu khắc mềm và tính mẫn cảm của vật liệu
Khi đứng trước một tác phẩm điêu khắc, phản ứng thường gặp ở người xem là đặt câu hỏi “bức tượng này mô tả gì vậy?” Song bên cạnh đó gấu đề xuất rằng chúng ta cũng nên thử đặt những câu hỏi khác như “tác phẩm này làm bằng gì?”. Bởi thực tế quá trình sáng tác là khi Nghệ sĩ làm việc trực tiếp với vật liệu để làm ra tác phẩm, nên việc lựa chọn vật liệu có một hiệu quả mật thiết với quá trình sáng tạo.
Tác phẩm Accumulation No.1 (1962) của Yayoi Kusama. Bà đã bao phủ chiếc ghế bành bằng những dị vật mềm làm từ vải bông, gợi nên hình ảnh dương vật tua tủa gây cảm giác gai người. Nguồn: MoMA
"Tác phẩm này làm bằng gì?"
Tác phẩm chưa hoàn thiện của Michelangelo, nhân vật đang cố gắng thoát ra khỏi khối đá để thành hình.
Theo nghĩa cổ điển, các tác phẩm điêu khắc được chế tác từ các vật liệu bền chắc, tiêu biểu nhất là đá và kim loại. Điêu khắc đá là quá trình đục đẽo để tạo ra hình dạng cho vật thể. Michelangelo đã đúc kết trong câu nói giàu hình tượng: “Tác phẩm đã tự nó hoàn thiện bên trong khối đá trước khi tôi bắt đầu sáng tác, và việc của tôi chỉ là đục bỏ những chi tiết thừa mà thôi.” Ngược lại, tác phẩm điêu khắc bằng kim loại được sinh ra từ quá trình đúc. Kim loại nóng chảy được đổ vào khuôn và để cho nguội dần để hình thành nên bức tượng. Việc lựa chọn các vật liệu như trên bắt đầu thịnh hành và đạt tới đỉnh cao từ thời Phục Hưng khi con người cố gắng kế thừa tinh thần mỹ học của Hy Lạp - La Mã. Về mặt vật liệu, tính bền vững là biểu thị cho khát vọng tìm kiếm sự vĩnh cửu và siêu việt, bởi tượng thời điểm này thường khai thác những chủ đề “lớn” như tôn giáo, lịch sử, thần thoại Hy-La. Theo dòng truyền thống này thì đục đẽo và đổ khuôn chi phối điêu khắc qua hàng ngàn năm và xác quyết cái gì là một bản nháp (bản đúc mềm như đất sét) và cái gì là một tác phẩm hoàn chỉnh (bằng vật liệu bền chắc).
Một trong những nỗ lực quan trọng trong điêu khắc cổ điển là vượt lên trên bản chất và tính chất của vật liệu. Khi ngắm bức tượng David, những kỹ năng của Michelangelo làm cho chúng ta quên đi bản chất tác phẩm là một khối đá. Đá chuyển thành thịt da, gân guốc, chuyển động, cảm xúc và sự hiện diện cuồn cuộn của David. Hoặc Sammartino đã đánh đố mắt ta khi chuyển đổi tính chất nặng nề của đá thành một tấm voan mỏng manh phủ lên da thịt đang lạnh dần của Chúa. Khả năng vượt thoát khỏi tính chất ban đầu của vật liệu đánh dấu thành công của những bậc thầy tạo tác.
Đá chuyển thành thịt da, gân guốc, chuyển động, cảm xúc và sự hiện diện cuồn cuộn của David.
Sammartino đã đánh đố mắt ta khi chuyển đổi tính chất nặng nề của đá thành một tấm voan mỏng manh phủ lên da thịt đang lạnh dần của Chúa.
Từ giữa thế kỷ 20, các nghệ sĩ hiện đại bắt đầu thay đổi các quy chuẩn của điêu khắc bằng cách sử dụng các vật liệu không quy chuẩn: cao su, vải vóc, giấy, lưới và bất kỳ vật liệu nào khác. Dù chúng ta có thể tìm thấy những tác phẩm có tính chất mềm từ trước năm 1950, ví dụ như bộ ly tách làm bằng lông của Méret Oppenheim vào năm 1936, nhưng những sáng tác của Claes Oldenburg vào thập niên 1950 thường được xem là khởi đầu cho thực hành điêu khắc mềm.
Bộ ly tách làm bằng lông của Méret Oppenheim (1936). Nguồn: MoMA
Floor Burger (bánh burger trên sàn) của Claes Oldenburg (1962). Nguồn: MoMA
Thay vì chỉ giới hạn vào đục đẽo và đúc khuôn, giờ đây các nghệ sĩ có thể sử dụng vô số cách thức tạo tác khác nhau: dán, may, đan bện, lắp ráp… và tạo ra những chiều hướng sáng tác mang tính đột phá. Vật liệu không còn được dùng chỉ để tạo ra ảo giác về da thịt mà chính bản thân vật liệu cũng trở thành một chủ thể trong tác phẩm: tại sao nghệ sĩ dùng vật liệu này và nó giúp đạt được hiệu quả gì? Điêu khắc mềm về vật liệu đã giúp nghệ thuật “điêu khắc" tìm thấy những khả năng mới để biểu lộ ý niệm của nghệ sĩ. Y niệm không còn chỉ nằm trong hình thái của tượng mà giờ đây còn hiển hiện trên bề mặt vật liệu đa dạng từ giấy, vải… đến chính quá trình hư hao của chúng.
Yayoi Kusama là nghệ sĩ điêu khắc mềm nổi bật, thậm chí nhiều sử gia nghệ thuật còn tranh luận rằng chính Yayoi chứ không phải Oldenburg mới là người khởi xướng nên kỹ thuật này. Bà đã dùng vải và bông để làm ra những dị vật phủ đầy những hình dạng xù xì trông như dương vật. Đồ vật bị phủ đầy dương vật mềm và trạng thái ban đầu của nó bị che lấp mất. Về sau, hành động làm khuất lấp các vật thể này được bà lặp lại bằng nhiều hình thức khác nhau, như một sự tự tẩy xóa và khám phá quá trình đánh mất danh tính của chính mình.
Yayoi Kusama đã dùng vải và bông để làm ra những dị vật phủ đầy những hình dạng xù xì trông như dương vật.
Louise Bourgeois. The Destruction of the Father. 1974. Ảnh: Rafael Lobato
Louise Bourgeois hòa trộn thạch cao và cao su để tạo ra một sắp đặt ngột ngạt về mối quan hệ giữa bà và người cha. Những hình dáng xù xì được tô thêm phần căng thẳng bằng ánh đèn đỏ, không gian như bị dồn nén lại. Quan sát kỹ hơn thì ta nhận ra khung cảnh của một bàn ăn gia đình, nơi người cha độc đoán bị phân mảnh ra và những đứa con xông vào cấu xé.
Tác phẩm Những thánh nữ của kỳ vọng của nghệ sĩ Lê Hiền Minh, 2021. Hình ảnh do nghệ sĩ cung cấp.
Bản thân tính mềm của vật liệu cũng dẫn đến những câu hỏi quan trọng đối với thưởng lãm tác phẩm. Lê Hiền Minh đã sử dụng vật liệu phù du như giấy và nang tre trong những tác phẩm điêu khắc của chị. Giấy dó là một chất liệu thủ công truyền thống của Việt Nam, khi dùng để làm tượng thánh mẫu thì gợi cho người ta những suy xét về tính truyền thống và vai trò của phụ nữ. Bản thân giấy không bền chắc mà dễ dàng biến dạng, cũng như chính truyền thống, quan niệm và điểm nhìn. Trong những tác phẩm này, vật liệu không chỉ đơn thuần là thứ làm nên tác phẩm mà còn là thứ tạo nghĩa cho tác phẩm và đặt ra đối thoại ở phía người xem. Điêu khắc mềm suy cho cùng không phải là sự chống lại hay kết thúc của các lựa chọn trong điêu khắc cổ điển, mà nó là sự mở rộng thêm khả năng tự do và lựa chọn những chiều hướng sáng tạo mới.
Bài viết có trao đổi cùng Hiếu Y
Bài: Vương An Nguyên - Arts columnist