top of page

Nghệ sĩ Chinh Ba: Kịch phi lý và những cuộc rượt đuổi vượt ranh giới

Trong một phim trường hộp đen (black box theater), khán giả được quyền tự do lựa chọn điểm nhìn, góc nhìn, tự do đi lại, di chuyển và sân khấu có thể là bất cứ vị trí nào trong không gian.



Trong tháng 8 này, thông tin về một show diễn của nghệ sĩ Chinh Ba theo thể loại Kịch phi lý - lấy chất liệu từ Truyện Kiều của Nguyễn Du và vở kịch Furtive Love (tạm dịch: Mối tình vụng trộm) của Brian E Turner đang thu hút sự chú ý của những người yêu nghệ thuật tại Sài Gòn – TP HCM. Vở kịch sắp đặt những phi lý của những mẫu hội thoại vô nghĩa, những mối quan hệ (tưởng như) vô nghĩa của dục vọng, của bản dạng giới, của tình yêu, quyền lực/bạo lực và sự vô lý của những cuộc rượt đuổi thành một concept giàu tính nghệ thuật. Sau đêm diễn thành công vào tháng 5.2022 tại nơi hình thành vở kịch, Hội An, vở kịch phi lý của đạo diễn/biên kịch Chinh Ba - “Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn” – sẽ bắt đầu tour lưu diễn tại Sài Gòn trong 3 ngày 11, 12, 13/8/2023 cùng với các buổi trò chuyện với công chúng và một buổi 𝗼𝗽𝗲𝗻 𝗿𝗲𝗵𝗲𝗮𝗿𝘀𝗮𝗹 (tập kịch cùng nghệ sĩ) để khán giả có thể tham gia vào quá trình tập luyện vở kịch vào ngày 8/8 và 12/8/2023.



Vở kịch khai thác các yếu tố tâm lí từ hài hước, ngốc nghếch, thô kệch, hung hãn, khát khao... của các diễn viên thông qua một quá trình sáng tạo theo các đoạn mã (code/luật chơi) do đạo diễn đưa ra. Ba diễn viên, cũng là đồng sáng tạo của vở kịch gửi đến trải nghiệm thật của họ, thông qua những câu chữ và chuyển động trừu tượng. Họ va đập nhau, va đập với không gian, va đập với khán giả. Để giúp độc giả hiểu hơn về vở kịch và hành trình sáng tạo của các diễn viên tham gia vở kịch, Navigator đã trò chuyện cùng đạo diễn/ biên kịch Chinh Ba về quá trình làm nên tác phẩm này.


Từ đâu mà anh bắt đầu ý tưởng thực hiện vở kịch phi lý này? Trong quá trình sáng tạo đó, anh đã xây dựng nhân vật và làm việc với các diễn viên như thế nào?



Chinh Ba: Nó khá tình cờ khi lần đầu tiên nói chuyện với 1 người bạn là một dịch giả, nghiên cứu văn hoá tự do về việc hợp tác làm một vở kịch phi lí của Albert Camus năm 2020. Covid làm gián đoạn những hình thành ban đầu đó. Đầu năm 2022, lại lần nữa tình cờ 3 nghệ sĩ của tôi có mặt tại Hội An, và muốn làm một trình diễn nào đó. Tôi bắt đầu làm việc với họ. Trong 3 tháng, tôi chỉ tạo ra các đoạn code/hay là luật chơi về vận động và hội thoại dựa vào tính thân mật của cả ba. Họ có thời gian bên nhau thật sự, từ sáng đến tối, làm việc với cơ thể, hội thoại, và thân mật. Các cuộc hội thoại dần bộc lộ những bản năng, bản tính rõ ràng, và khi các cuộc hội thoại đó đạt đến điểm chất lượng, tôi giữ lại và cho họ lặp lại ở các tần suất, cường độ, nhịp độ khác nhau. Họ trở thành họ, và trở thành các nhân vật phi lí. Tôi phát triển nó từ đó.


Kịch phi lí, hay kịch, hay sân khấu không phải là mục đích thực hành ban đầu dành cho 3 nghệ sĩ. Quá trình thực hành nghệ thuật cùng nhau giữa tôi và họ, giữa họ với nhau dẫn đến kịch phi lí. Sau khi ra mắt ở Hội An, tôi có nói với vài người bạn yêu kịch, và làm việc với sân khấu miền nam, họ nói, đây có thể là một vị nên có thêm cho sân khấu kịch Sài Gòn, thế là tôi Nam tiến.


Vì sao vở kịch lại có một cái tên dài như vậy?


Chinh Ba: Tôi đặt cái tên này sau khi vở kịch gần như đã hình thành. Các cuộc hội thoại vô lý, hình ảnh vô lý, phi logic, phi cấu trúc, lặp lại như cách họ cứ ra biển, gọi món, lăn, với sóng, với cát, với gió, với họ… Mọi thứ có lý/có thực đặt để gần nhau một cách vô lý. Nhưng cái vô lý đó có thực. Đó là sự thật. Tất cả chúng ta hằng ngày đã luôn sống trong sự phi lý, trò chuyện một cách phi lý, hoạt động phi lý đan xen nhau… Và ta sống trong nó.


Khán giả có thể thấy âm nhạc, múa, video sắp đặt và kịch,... đều xuất hiện trong tác phẩm này. Việc kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như vậy sẽ yêu cầu diễn viên làm việc với nhiều chất liệu và kĩ thuật khác nhau, chưa kể, không gian diễn là một phim trường cũng rất “khác lạ” vì không có sân khấu hay nhà hát nào, anh không chỉ thách thức diễn viên mà còn thách thức những giới hạn thưởng thức của khán giả?Anh có thể chia sẻ thêm về ý tưởng của anh?



Chinh Ba: Bản thân tôi thực hành đa thể loại (multi-discipline), các nghệ sĩ của tôi hầu như cũng vậy. Vở diễn sẽ có kịch ứng tác, có sắp đặt video, sắp đặt thị giác, múa, nghệ thuật âm thanh, và dĩ nhiên có kịch. Về âm thanh và âm nhạc, công việc chính thuộc về nghệ sĩ âm thanh Patrick Nethercott từ Ireland. Về sắp đặt video, ngoài phần sắp đặt video do tôi thực hiện ở Hội An, lần này có sự tham gia của Bert Ackley và Vinatapes với vai trò VJ. Các video sẽ được ứng tác ngay tại chỗ, giữa diễn viên, khán giả và VJ. Về sắp đặt thị giác, đó sẽ là một không gian trừu tượng của những khối lego sóng, cát và cỏ lăn. Tại thời điểm này, khi các diễn viên vẫn chưa làm việc với không gian diễn, sẽ khó có thể nói là điều gì sẽ xảy ra, có thể còn rất nhiều điều bất ngờ nữa.


Tôi chọn phim trường vì tôi muốn vở kịch thoát khỏi cấu trúc sân khấu truyền thống, nơi mà khán giả và nghệ sĩ bị tách rời nhau. Trong một phim trường hộp đen (black box theater) như vậy, mọi thứ có thể được diễn ra. Khán giả được quyền tự do lựa chọn điểm nhìn, góc nhìn, tự do đi lại, di chuyển. Khán giả cũng có thể trở thành một thành tố của vở kịch. Ngoài ra, với không gian tự do như vậy, sân khấu có thể là bất cứ vị trí nào trong không gian.


Đọc thông tin trên poster, khán giả có thể thấy vở diễn sẽ là sự hợp tác giữa TheaFter, CAB Hoian, HAT ARTS, trong đó anh đang quản lý 2 dự án nghệ thuật chính. Anh có thể chia sẻ cho khán giả biết là vì sao lại cần có nhiều tổ chức nghệ thuật giam gia để làm nên vở diễn lần này đến như vậy?


Chinh Ba: CAB là không gian nghệ thuật do tôi sáng lập tại Hội An nhằm kết nối và trao đổi các hoạt động nghệ thuật sáng tạo giữa Hội An và các thành phố khác. TheaFter lại là một dự án sân khấu bất định của CAB như một phản đề cho sự bất lực trước việc thuê mướn và quản lý không gian vật lý của CAB. TheaFter kêu gọi các nghệ sĩ thực hành sân khấu và trình diễn đến làm việc và trả lời cho những chất vấn về tương lai của sân khấu. TheaFter không có sân khấu, không có nhà tổ chức. Nên chúng tôi làm việc với HAT ARTS, là nhà tổ chức nghệ thuật để tổ chức cho chuyến lưu diễn lần này. Tôi cũng muốn nói thêm về sự tách rời hai mô hình hoạt động khác nhau, một bên là đơn vị sáng tạo, và một bên là đơn vị tổ chức. Tôi cũng hy vọng có nhiều hơn các đơn vị tổ chức như HAT ARTS, những người sẵn sàng làm việc để đưa các sáng tạo nghệ thuật đến công chúng, giúp cho người làm sáng tạo tách ra khỏi mối quan tâm cơm áo gạo tiền, các hoạt động truyền thông và hành chính.


Thời điểm hiện tại theo anh có phải là thời điểm tốt để bắt đầu một tour lưu diễn với nhiều sự kiện liên tiếp trong một tuần không? Và kế hoạch của anh sau khi tour lưu diễn kết thúc là gì?


Chinh Ba: Với tôi, thời điểm nào cũng sẽ gặp phải những khó khăn thử thách. Không cái này cũng là cái kia. Nên tôi sẽ nhìn vào mặt thuận lợi. Các diễn viên hiện tại có con đang trong dịp nghỉ hè nên cũng có nhiều thời gian hơn. Và dịp này cũng không quá nhiều hoạt động sân khấu, cũng như các sự kiện nghệ thuật. Nên vở kịch cũng dễ dàng được sản xuất hơn. Ban đầu, nhóm tổ chức mong muốn đi tour toàn quốc cho vở. Nhưng tình hình tài chính không cho phép nên sẽ dời việc đi tour các điểm khác vào cuối năm. Ngoài ra, TheaFter luôn kêu gọi các nghệ sĩ đến thực hành sân khấu và tìm các câu trả lời cho câu hỏi tương lai của sân khấu.


Anh có chia sẻ mô hình thử nghiệm sân khấu bất định trong TheaFter, dự án ấy trong tương lai, anh mong muốn sẽ phát triển điều gì? Có những mô hình nghệ thuật khác cũng đang thử nghiệm điều tương tự không?



Chinh Ba: Tôi cũng chưa thể nói TheaFter sẽ là gì. Nó phụ thuộc vào nghệ sĩ đến với TheaFter sẽ chất vấn gì, và trả lời cho những chất vấn đó như thế nào qua các dự án. Dự án kịch của tôi là dự án đầu tiên. Cùng năm đó, một nghệ sĩ trình diễn khác đã làm một dự án sân khấu thể nghiệm NHA THEATER, họ làm việc với không gian là một xưởng may, với các đối tượng có trong đó, với chính họ. Nó trừu tượng và đầy tiềm năng. Và chúng tôi vẫn tiếp tục kêu gọi các nghệ sĩ khác đến làm việc để làm đầy các thực hành bất định đó.


Khán giả ở Hội An đã đón nhận hình thức kịch phi lý thế nào? Anh có lạc quan về mức độ đón nhận của khán giả ở Sài Gòn sắp tới không?


Chinh Ba: Điều thú vị là năm ngoái khi diễn ở Hội An, dù vở này nói tiếng Việt với nhiều chi tiết văn hoá Việt cài cắm trong đó, khán giả nước ngoài, đặc biệt khán giả Pháp đến xem khá nhiều. Họ đã đón nhận nồng nhiệt. Dĩ nhiên, khán giả Việt cũng vậy. May mắn là khán giả ở Hội An rất chịu đón nhận những hình thức nghệ thuật khác biệt ở Việt Nam. Tôi hy vọng khán giả Sài Gòn sẽ đón nhận hơn thế.


Cảm ơn anh đã chia sẻ! Navigator chúc những đêm diễn của anh sẽ thành công tại Sài Gòn!



Thực hiện phỏng vấn: Thiên Ca


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page