top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Ngành ngân hàng tại hoa Ky đang tiếp tục rơi vào trạng thái mong manh

Sau một vài ngày căng thẳng kể từ khi số phận của First Republic được quyết định, nhà phân tích ngân hàng kỳ cựu Christopher McGratty đã có những nhận định nhằm ổn định tình hình.



Vào đầu ngày thứ Ba (2/5), hơn 24 giờ sau khi các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ giao quyền tiếp quản phần lớn tài sản của First Republic cho JPMorgan Chase, McGratty đã đến gặp một khách hàng ở Manhattan. Tuy nhiên, vài phút sau khi bắt đầu giao dịch thông thường, cổ phiếu của các ngân hàng khu vực mà ông phụ trách theo dõi cho KBW bắt đầu lao dốc.


McGratty nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Tôi kiểu như, ‘Chà, hôm nay sẽ là một ngày tuyệt vời để đưa mọi thứ trở lại đúng quỹ đạo’. Và rồi tất cả những gì tôi nhận được khi ngồi vào bàn làm việc là 40 email và 10 thư thoại, cùng một màn hình ngập tràn trong sắc đỏ.”



Đợt bán tháo mạnh của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng bắt nguồn từ sự phá sản hồi tháng 3 của Silicon Valley Bank (SVB) tiếp tục diễn ra, đúng vào thời điểm mà các nhà phân tích và nhà đầu tư Phố Wall mất cảnh giác. Và hướng giải quyết của chính phủ đối với First Republic được cho là để dập tắt những lo ngại về tình trạng của hệ thống ngân hàng Mỹ, chứ không phải khơi dậy chúng.


Cổ phiếu của PacWest đã giảm 28% xuống mức thấp kỷ lục vào thứ Ba, trong khi Western Alliance mất 15% – trong bối cảnh thiếu tin tức mới. Và các chuyên gia ngân hàng đang tìm hiểu lý do tại sao điều này lại xảy ra.


Những lo ngại về tiền gửi không được bảo hiểm, lo lắng về bất động sản thương mại và các quy định sắp tới đều là những nguyên nhân khả thi.


Một số khác chỉ ra áp lực từ những người bán khống. Đó là những gì Peter Orszag, Giám đốc tư vấn tài chính tại Lazard người đại diện cho First Republic trong nỗ lực giải cứu, nói với CNBC hôm thứ Ba.


McGratty, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngân hàng Hoa Kỳ tại KBW, người đã theo dõi ngành này gần 20 năm cho biết: “Mọi người đang tìm kiếm câu trả lời và hiện chưa có ai đưa ra được một câu trả lời đủ tốt.”.


Tháng ba điên cuồng


Với tình trạng cổ phiếu giảm sâu vừa qua, PacWest được dự đoán rất có thể trở thành ‘quân domino’ tiếp theo sụp đổ trong ngành ngân hàng


PacWest và Western Alliance gần đây đã công bố kết quả kinh doanh của quý đầu tiên và số liệu cập nhật đến giữa tháng 4, điều ban đầu đã làm dịu đi những lo ngại của nhà đầu tư về dòng tiền gửi ra. Nhưng McGratty cho rằng đến bây giờ thì các nhận định đang mang nặng tính cảm xúc hơn là kiểu đánh giá tình trạng hoạt động thường thấy.


McGratty cho biết: “Thị trường đang sốt vó trước nguy cơ về một ‘quân domino tiếp theo’ sẽ sụp đổ theo sau SVB, Signature và First Republic.”


“Chúng ta đang ở trong tình huống giống như tháng Ba, khi mà mọi người giao dịch cổ phiếu bằng nỗi sợ hãi và lo ngại chứ không phải thông qua những quy tắc cơ bản,” ông nói thêm.


Điều này không làm cho mối nguy hiểm đối với các ngân hàng tầm trung biến mất. Theo các nhà phân tích bao gồm McGratty và John Pancari của Evercore ISI, áp lực đối với cổ phiếu ngân hàng có thể khiến cơn bão ‘rút tiền’ bùng phát một lần nữa.


Pancari cho biết: “Mặc dù chúng tôi tin tưởng vào mức thanh khoản và vốn tại các ngân hàng sau quý 1, nhưng chúng tôi không thể bỏ qua rủi ro rằng áp lực thị trường đối với định giá cổ phiếu ngành ngân hàng có thể trở thành lời tiên tri ứng nghiệm.”


Cổ phiếu của PacWest và Western Alliance đã phục hồi phần nào. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW cũng tăng.

Mong manh hơn


Các sự kiện của tháng 3 cho thấy các ngân hàng có thể sụp đổ nhanh hơn dự kiến của bất kỳ ai.


Các ứng dụng ngân hàng kỹ thuật số và nỗi sợ hãi do truyền thông gây ra đã thúc đẩy cơn bão ‘rút tiền gửi’ tại các ngân hàng bao gồm SVB, nơi khách hàng đã cố gắng rút hơn 140 tỷ đô la tiền gửi chỉ trong hai ngày.


Đó là lý do tại sao McGratty, người nói rằng ông vẫn còn những vết sẹo từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nói rằng tình trạng hỗn loạn hiện nay đáng sợ hơn giai đoạn 15 năm trước trong ít nhất một khía cạnh quan trọng.


Ông nói, các khoản nợ xấu vốn là nguyên nhân gốc rễ của các cuộc khủng hoảng trước đây phải mất đến hàng tháng để khiến một ngân hàng sụp đổ.


Nhưng việc rút tiền gửi “có thể giết chết bất kỳ ngân hàng nào chỉ sau 36 giờ, giống như những gì đã xảy ra tại SVB. Điều đó chỉ cho ta thấy mọi thứ có thể trở nên mong manh đến nhường nào.”


Bài: Hiếu Võ – Theo CNBC

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page