“Mộng Viễn Đông" - vẻ đẹp Đông Dương lãng mạn qua lăng kính của nghệ sỹ Pháp
“Mộng Viễn Đông | The Faraway East: of Dreams and Pursuits” – nhìn lại cội nguồn của nghệ thuật hiện đại Việt Nam thông qua hoài bão chung của các nghệ sĩ Pháp từng du hành và giảng dạy ở Đông Dương, là triển lãm quy mô lớn lần thứ hai do Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam, vừa diễn ra thành công tại Park Hyatt Saigon từ ngày 14 đến 17 tháng 8 năm 2023.
“Nhân kỷ niệm 50 năm hoạt động ở châu Á của Sotheby’s, chúng tôi tiếp tục mang đến một trong những triển lãm nghệ thuật Đông Dương quy mô lớn nhất Việt Nam, với hơn 50 tác phẩm chưa từng ra mắt công chúng Việt Nam của các giáo sư Trường Mỹ thuật Đông Dương (EBAI) và họa sỹ du hành từ Pháp” – Nathan Drahi, Giám đốc Điều hành Sotheby’s châu Á, chia sẻ.
Nối tiếp thành công của “Hồn Xưa Bến Lạ | Timeless Souls: Beyond the Voyage” vào tháng 7 năm ngoái – triển lãm đầu tiên Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam, tôn vinh nghệ thuật của các họa sỹ bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, một sự kiện trưng bày nghệ thuật hiện đại quy mô lớn với hàng ngàn khách tham dự; trong lần trở lại Việt Nam vào tháng 8 năm nay, Sotheby’s chào đón khách thưởng lãm cùng khám phá xứ Đông Dương một thời, qua câu chuyện và lăng kính nghệ thuật của những nghệ sỹ người Pháp từng đi qua hoặc ở lại với vùng đất và con người nơi đây.
Theo Giáo sư Nghệ thuật John Seed chia sẻ trong bài viết “Mộng: Những giấc mơ chung của một kỷ nguyên đáng nhớ”: “Sự hiện diện của các nghệ sỹ châu Âu ở thuộc địa Đông Dương đã dẫn đến một sự trao đổi văn hóa giữa những phong cách và hình thức giao thoa đáng chú ý. Nhiều nghệ sỹ đến thăm Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 đã làm tươi mới nghệ thuật của mình khi tiếp xúc với phong cảnh xanh tươi và nền văn hóa địa phương sôi động. Các nghệ sỹ Đông Dương theo học với các giảng viên người Pháp đã được tiếp xúc với phong cách và phương pháp châu Âu – cả truyền thống và hiện đại – mà họ đã nhanh chóng tiếp thu và biến thành của riêng mình”.
Nghệ thuật hiện đại Việt Nam có nguồn gốc từ giai đoạn sơ khai này khi tranh sơn dầu được giới thiệu bởi các giảng viên người Pháp của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cũng trong thời kỳ này, sơn mài, từ lâu được sử dụng trong việc chế tác các đồ vật và kiến trúc Việt Nam, đã được các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương đón nhận như một chất liệu mỹ thuật. Tranh lụa được nhìn nhận như một thể loại quan trọng, liên hợp các nguyên tắc bố cục phương Tây với sự uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp châu Á. Đó là thời kỳ của những ước mơ và hoài bão chung, để lại một di sản nghệ thuật lãng mạn, thể hiện tình cảm và mối tương duyên nghệ thuật được phát triển giữa các nghệ sỹ Pháp và nghệ sỹ Việt thời Đông Dương.
Triển lãm “Mộng Viễn Đông” đã thu hút sự chú ý của những tên tuổi hàng đầu đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, như đạo diễn Trần Anh Hùng và diễn viên điện ảnh Trần Nữ Yên Khê, Giám đốc Sáng tạo Dzũng Yoko, Giám đốc Sáng tạo Hà Đỗ, Hoa Hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân, nhà sản xuất âm nhạc Touliver, rapper kiêm nhà sản xuất âm nhạc Rhymastic, nhà thiết kế thời trang Lý Quí Khánh, người mẫu Quang Đại, v.v. và gần 4.000 khách tham quan, bao gồm cộng đồng yêu thích hội họa, lịch sử, những người nước ngoài sống tại TP.HCM.
Thông qua “Mộng Viễn Đông”, khi thưởng lãm tác phẩm của các nghệ sỹ Pháp từng du hành và giảng dạy tại Việt Nam, ta có thể nhận thấy tình cảm chân thành của họ đối với con người và nơi chốn mà họ đã vẽ. Đó là thời kỳ của niềm hy vọng và sự cảm mến, được thể hiện giữa các nền văn hóa bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Bài: Navigator Media
Comments