top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Michael Jordan - Từ huyền thoại bóng rổ đến tỷ phú hàng đầu Hoa Kỳ



Kể từ khi Michael Jordan bước lên sân đấu NBA lần đầu tiên vào năm 1984, việc kiếm được một khoản lương lớn không phải là một chuyện có thể xảy ra thường xuyên. Trong 15 mùa giải NBA của mình, ông đã kiếm được 94 triệu đô la và là cầu thủ được trả lương cao nhất giải đấu vào năm 1997 và 1998. Nhưng chỉ ở ngoài sân đấu, Jordan mới thể hiện hết sự khác biệt giữa ông và mọi vận động viên khác trên hành tinh, với tổng thu nhập khoảng 2,4 tỷ đô la (trước thuế) trong hợp đồng giữa ông với các thương hiệu như McDonald’s, Gatorade, Hanes và tất nhiên là Nike, nơi mà tờ séc tiền bản quyền hàng năm gần đây nhất có trị giá khoảng 260 triệu USD.


Tuy nhiên, Jordan đã ghi điểm lớn nhất vào tháng 8 khi bán phần lớn cổ phần của mình trong đội bóng Charlotte Hornets với mức định giá đáng kinh ngạc – 3 tỷ USD. Đây là thỏa thuận nhượng quyền thương mại có giá trị cao thứ hai trong lịch sử NBA và gần gấp 17 lần giá trị ban đầu của nó khi Jordan trở thành chủ sở hữu chính vào năm 2010.


Điều đó tách biệt vị thế của ông trong giới vận động viên. Với tài sản ròng ước tính khoảng 3 tỷ USD, Jordan đã lọt vào danh sách Forbes 400, đánh dấu lần đầu tiên một vận động viên chuyên nghiệp được liệt vào hàng ngũ những cá nhân giàu có nhất nước Mỹ.


Viễn cảnh một vận động viên chuyên nghiệp trở thành tỷ phú vẫn rất bất thường; chỉ có ba cá nhân đã từng làm điều đó. Jordan là người đầu tiên đạt được cột mốc đó vào năm 2014, theo sau đó là LeBron James và Tiger Woods. Với mức thu nhập từ việc thi đấu tăng vọt cùng các cơ hội kiếm tiền từ hoạt động bên lề khác, chắc chắn sẽ có nhiều vận động viên khác theo sau, bằng chứng là 7 vận động viên, theo thống kê của Forbes, đã kiếm được 1 tỷ USD trong suốt sự nghiệp của mình.


Tuy nhiên, việc tham gia câu lạc bộ ba dấu phẩy đòi hỏi phải có một cơn bão hoàn hảo mang đến những hoàn cảnh thuận lợi. Hay như Mark Cuban, tỷ phú sở hữu đội Dallas Mavericks, nói, “[vận động viên] cần phải thực sự may mắn.” Nhưng điều đó dường như khó xảy ra với Jordan, người đã thành công ngay khi bước chân vào NBA.



Khi đôi Air Jordan đầu tiên được ra mắt vào cuối mùa giải tân binh của ông ấy vào năm 1985, Nike được cho là đã kỳ vọng thu về 3 triệu USD. Hai tháng sau, thương hiệu này đạt doanh thu 70 triệu USD và 100 triệu USD vào cuối năm, theo một nghiên cứu năm 2023 của Đại học Temple. Jordan ban đầu đã ký hợp đồng trong 5 năm, kiếm được 500.000 USD mỗi năm cộng với tiền bản quyền. Trong báo cáo thường niên mới nhất của mình, Nike báo cáo doanh thu bán buôn hàng năm của Thương hiệu Jordan là 6,6 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm trước.


Nike không phải là công ty duy nhất cố gắng tận dụng tài năng và sức thu hút của Jordan. Marc Ganis, chủ tịch công ty tư vấn Sportscorp, cho biết: “Ông ấy đã là một thương hiệu ngay từ trước khi mọi người thảo luận về việc thương hiệu hóa con người. Michael Jordan không quảng cáo cho Gatorade, mà là chính Gatorade nói, ‘Hãy uống Gatorade để giống Michael hơn.’”


Nhưng ngay sau lần nghỉ hưu thứ hai tại NBA vào năm 1998, Jordan bắt đầu rời xa cuộc sống của một vận động viên bóng rổ nổi tiếng. Theo ESPN, ông đã đấu thầu không thành công để mua Hornets (sau này trở thành New Orleans Pelicans) và Milwaukee Bucks. Jordan cuối cùng đã gia nhập một nhóm sở hữu do Leonsis lãnh đạo, mua lại Washington Capitals của NHL và 44% cổ phần của Washington Wizards, đồng thời ông đảm nhận vai trò chủ tịch điều hành dưới quyền chủ sở hữu đa số, Abe Pollin.


“Ông ấy như một miếng bọt biển vậy,” Leonsis nói, nhớ lại Jordan rất tò mò và đặt rất nhiều câu hỏi. Từ việc bán tài trợ đến quảng cáo, Leonsis đã truyền đạt những gì ông biết về kinh doanh thể thao. “Cuối cùng, ông ấy đã tỏ ra đúng đắn hơn tôi, khi cho rằng một đội bóng tuyệt vời và những cầu thủ ngôi sao sẽ khiến việc bán vé và thu hút tài trợ dễ dàng hơn.”


Việc Jordan trở lại sân đấu sau hai mùa giải đồng nghĩa với việc ông phải thoái vốn cổ phần sở hữu và khi giải nghệ lần thứ ba và cũng là lần cuối cùng vào năm 2003, ông đã không đợi quá lâu để mua một đội khác. Jordan mua cổ phần thiểu số của Charlotte Bobcats vào năm 2006 và bốn năm sau, Jordan trở thành chủ sở hữu đa số mang xuất thân cầu thủ đầu tiên của NBA trong một thỏa thuận chủ yếu được tài trợ bằng nợ, định giá nhượng quyền thương mại ở mức 175 triệu USD, giảm đáng kể so với 300 triệu USD ban đầu.


Bất chấp bản tính ưa cạnh tranh của ông, thành công trên sân bóng không bao giờ đến với Hornets (đội đã bỏ biệt danh Bobcats vào năm 2014). Họ đã để thua ở vòng đầu tiên của vòng loại trực tiếp NBA ba lần trong 13 năm qua. Điều đó không ngăn cản Jordan thúc đẩy làn sóng nhượng quyền thương mại thể thao được đẩy lên cao một cách nhanh chóng. Năm 2019, ông đã bán 20% cổ phần cho người sáng lập Melvin Capital, Gabe Plotkin và người sáng lập D1 Capital, Partners Daniel Sundheim với mức định giá 1,5 tỷ USD. Cuối cùng, đội bóng đã được bán với giá gấp đôi khi Jordan nhượng lại quyền kiểm soát phần lớn cho Plotkin và một người sáng lập quỹ phòng hộ khác, Rick Schnall, hai tháng trước. Trong lịch sử NBA, chỉ có Phoenix Suns được bán với giá cao hơn khi Giám đốc điều hành Mat Ishbia của United Wholesale Mortgage mua nhượng quyền thương mại với mức định giá 4 tỷ USD vào đầu năm nay.


Jordan giữ lại một cổ phần nhỏ trong Hornets, điều sẽ giúp ông kết nối với bóng rổ trong khi tìm kiếm dự án kinh doanh tiếp theo của mình. Trong những năm qua, Jordan đã lấn sân sang các lĩnh vực kinh doanh khác, bao gồm đại lý ô tô, nhà hàng, nhãn hiệu rượu tequila cao cấp và gần đây hơn là đầu tư cổ phiếu. Ông ấy đã mua vào CLEAR, Mythical Games, Dapper Labs, cũng như DraftKings và Sportradar – cả hai đều thông qua Leonsis.


Đối với thử thách tiếp theo của Jordan, Leonsis kỳ vọng NASCAR sẽ chiếm một vị trí lớn hơn trong hoạt động kinh doanh của ông. Năm 2020, Jordan đồng sáng lập đội Cup Series 23XI Racing với tay đua Denny Hamlin của Joe Gibbs Racing. “Tôi dám chắc rằng nó cuối cùng sẽ đem lại một kết quả tuyệt vời.” Leonsis nói. “Và điều đó đến từ khả năng cạnh tranh và mong muốn giành chiến thắng của ông ấy.”


Bài: Hiếu Võ – Theo Forbes

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page