Marguerite Duras, Người Tình & thứ acid xói mòn những thành trì
[Phiếm đàm cuối tuần]
Đọc Marguerite Duras, tôi bỗng phát hiện ra một con người khác của mình. Một con người bản thể và những ước vọng sâu kín đối với một thế giới mà ở đó, Văn chương và Tình yêu là hai mặt không thể tách rời...

Xin được chia sẻ nội dung đoạn phỏng vấn về nhà văn Marguerite Duras và tác phẩm Người Tình (L'amant) mà người viết trả lời bà Laure Adler (một chuyện gia về Marguerite Duras) trong chương trình France Culture (Radio France) cách đây đã lâu - mùa hè 2009.
- Tôi đọc Marguerite Duras lần đầu từ 1991- 1992, xem phim cuối 1993, lần thứ hai: 1997 khi tham gia hiệu đính bản dịch Nỗi Đau (La Douleur) của Đoàn Cầm Thi.
- "Gặp” Marguerite Duras lúc tôi 18 tuổi, nghĩa là gần 20 năm trước, lớn hơn cô gái da trắng trong câu chuyện của của bà vài tuổi, nhưng thua cô nhiều về những trải nghiệm tình ái. Là người viết, tôi bị thuyết phục trước lối viết nhiều hình ảnh, trực giác, ẩn ức… của Người Tình, nó hoàn toàn khác hẳn những tác phẩm nệ thực, nặng tính thông tấn và rệu rã hậu “Đổi Mới” của văn học Việt Nam thời đó.

Nhà văn Pháp Marguerite Duras (1914-1996)
- Chối bỏ sự chính xác để tạo dựng một đám mây mơ hồ bí ẩn, cái nhìn, sự trải nghiệm, những lý giải sâu, khác và khoáng đạt về tính dục của một người phụ nữ sinh ra trên mảnh đất của mình, thuộc thế hệ bà của mình làm tôi xúc động đến mức gần như bị hút chặt vào nó trong cả năm trời. Mặc dù lúc đó tôi đã có ý thức độc lập của một nhà văn, nhưng thú thật rằng đọc M.Duras, tôi bỗng phát hiện ra một con người khác của mình. Một con người bản thể và những ước vọng sâu kín đối với một thế giới mà ở đó, Văn chương và Tình yêu là hai mặt không thể tách rời, một thế giới bí ẩn mà ta chỉ nhận dạng được nó khi khoác chiếc áo tàng hình với thế giới thực huyên náo và giáo điều, để bước vào, tri nhận ra được sự thì thầm, va đập giữa những con chữ, những con chữ len lỏi đan kết giữa những trạng thái cảm giác: giữa ý thức và tiềm thức, giữa hiện thực và hư vô, tôi và tha nhân, giữa sex và nỗi cô đơn, giữa đàn ông - đàn bà, giữa Đông và Tây… Tất nhiên sau này tôi “gặp” nhiều trải nghiệm khác, nhưng với một thiếu nữ 18 tuổi như tôi lúc đó thì M.Duras là một cú huých quan trọng. Bà đã giúp tôi kiên định với việc tạo ra một thế giới, mặc dù thời đại của tôi, thế giới của tôi hoàn toàn khác với thế giới của bà ấy.

- Ở vào độ tuổi của bà tôi, M.Duras được biết đến tại miền Nam từ những thập niên 50 - 60 - 70 bởi thế hệ độc giả trí thức biết tiếng Pháp, khi mà chủ nghĩa hiện sinh chiếm lĩnh đời sống văn hóa đô thị Sài Gòn. Miền Bắc biết bà khá muộn, có lẽ vào thập niên 90 qua Người Tình (bản dịch của Trịnh Xuân Hoành). Nhiều lúc tôi tự hỏi vì sao M.Duras không được biết đến và yêu thích nhiều ở Việt Nam? Phải chăng bà không đủ đậm đặc để chinh phục độc giả nam tính và duy lý luôn khao khát cọ xát với các tư tưởng mới, cũng không phải là những đột phá về cấu trúc như các tiểu thuyết gia hậu hiện đại để khiến giới nhà nghề choáng ngợp, không đủ hóm hỉnh (kiểu Milan Kundera) để giễu nhại" làm "đã ngứa" cho những nạn nhân câm nín của cuộc chiến tranh lạnh.

Diễn viên Jane March và Lương Gia Huy trong phim Người Tình
Lằn ranh mong manh giữa tự truyện và hư cấu, giữa thực tại và hư vô, giữa ý thức và tiềm thức của bà lại không đủ dễ hiểu với đại chúng, có cảm giác M.Duras chỉ được đón nhận bởi một thiểu số phụ nữ duy cảm và có tư tưởng phóng khoáng, đặc biệt là các thiếu nữ mới lớn muốn dứt tung chiếc áo giáo điều nhưng chỉ dám “nổi loạn trong tư tưởng” và qua thân thể nhân vật chính như tôi. Đàn ông Việt Nam, những người nhận được tất cả những đặc quyền của ý thức hệ Khổng - Nho chắc chắn không thích. M.Duras không đem đến những tư tưởng triết học vĩ mô, nhưng một cách tinh tế, lại là một thứ acid xói mòn những thành trì - một thứ khuôn đúc mà nam giới dày công hàng bao thế kỷ để tạo ra hình mẫu người phụ nữ mà họ muốn.
- 2008, 15 năm sau khi bộ phim được trình chiếu, cuốn Người Tình được tái bản ở Việt Nam, đó là một sự muộn màng. Như đã nói ở trên, sự xuất hiện đứt quãng này không đủ nhắc nhớ hình ảnh M.Duras như một tác giả quan trọng của văn học Pháp thế kỷ 20 mà những người yêu quý bà từng mong muốn.
Người Tình (tiếng Pháp: L'Amant) là tiểu thuyết tự truyện của nữ nhà văn Marguerite Duras, do nhà xuất bản Les Éditions de Minuit ấn hành năm 1984; đã được dịch ra 43 thứ tiếng với khoảng 2,4 triệu bản in; đoạt giải Goncourt năm 1984; tác phẩm được chuyển thể thành bộ phim cùng tên vào năm 1992.
Bài: Nhà thơ Phạm Tường Vân - Culture Columnist
Comments