top of page

Lời xin lỗi của Biti’s, hay cú lừa ngoạn mục vào lòng tin và niềm tự hào di sản văn hoá dân tộc?


Trong hai ngày 11-12.10 vừa qua, cộng đồng mạng xôn xao về BST giày mới của thương hiệu Biti’s hợp tác cùng NTK VietMax là Biti’s Hunter Street Blooming’ Central vừa được ra mắt vào ngày 10.10.2021 có tên gọi “Cảm hứng tự hào Miền Trung – Hoa trong đá”, tận dụng những câu chuyện, di sản, chất liệu văn hoá - mỹ thuật của miền Trung làm nền tảng thiết kế của sản phẩm.



Ngay sau khi Blooming’ Central được quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, đã có nhiều phản ứng tiêu cực về BST này, từ những ý kiến cho rằng Biti's đang chiếm dụng văn hoá; hoặc rất khiên cưỡng về thiết kế - “Một tổng thể gồng gánh và lai tạp, lạm dụng cái gọi là ‘chất liệu văn hóa’ và chạy theo trào lưu cổ phong bề nổi hơn là nỗ lực xử lý theo chiều sâu…” (L'Officiel Vietnam)...; đến sự lên tiếng của Fanpage Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam chỉ ra sai sót về nguồn gốc hoa văn trên sản phẩm giày trong BST.


Nhầm lẫn giữa hoa văn thổ cẩm Chăm với Tây Nguyên


Theo như Biti’s mô tả, họa tiết hoa văn trên giày được cho là “Là dải gấm, thổ cẩm Tây nguyên đa sắc, ngẫu nhiên hòa phối với thiết kế lớp lang, bóc tách ấn tượng…”. Tuy nhiên, trong bài viết của Fanpage Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam, theo nội dung cuộc trao đổi ngắn với anh Sohaniim dân tộc Chăm – Ninh Thuận (người đồng hành cùng Mạng lưới Tiên Phong trong hoạt động tìm hiểu ý nghĩa họa tiết hoa văn, đồng biên tập quyển sách "Dòng Chảy Sắc Màu" về hoa văn thổ cẩm các dân tộc), thì “đây là hoa văn của dân tộc Chăm, với tên gọi là hoa văn chân chó ‘akai asau’, trong quá trình tìm hiểu chúng tôi được biết đây là hoa văn được lấy từ hình cây chân chó, là loại thảo mộc dùng rễ và hạt để làm dược liệu, và cũng có người lý giải đó là hình ảnh của chân chó”.


Đáp lại ý kiến phản bác trên, Biti’s trả lời rằng: “Về nguồn gốc của hoa văn vải thổ cẩm, Biti’s Hunter thật sự bất ngờ với sự khám phá Thổ cẩm Tây Nguyên mình đang sử dụng có nguồn gốc từ hoạ tiết hoa văn chân chó trong Thổ cẩm người Chăm. Biti’s Hunter ghi nhận sự khám phá này và sẽ chỉnh sửa ngay lập tức trong phần truyền thông để ghi nhận hoa văn Thổ cẩm của dân tộc Chăm. Cảm ơn các bạn trong Mạng lưới Tiên Phong Việt Nam đã chia sẻ thông tin quý báu này, và giúp chúng tôi nhìn thấy sự thiếu sót về chi tiết sản phẩm vải thổ cẩm này.”


Lời thừa nhận này, và “sự bất ngờ” kia từ thương hiệu, cho thấy một thực trạng rõ ràng: sự dễ dãi và cẩu thả trong kinh doanh - kiếm lợi nhuận dựa trên di sản văn hoá của dân tộc, hô hào rằng “nhằm tôn vinh văn hoá Việt”, nhưng lại không hề bỏ công đào sâu nghiên cứu, mà chỉ phô trương bề nổi, tận dụng đến mức lạm dụng, làm sai lệch những giá trị văn hoá truyền thống.


Câu chuyện vẫn chưa dừng ở đây, mà còn dẫn tới một bất ngờ lớn hơn, đặc biệt gây sốc đối với những ai yêu trọng văn hoá truyền thống dân tộc.


Sử dụng gấm Tàu họa tiết triều Thanh để tôn vinh di sản văn hoá cung đình Huế


Ngày 11.10, trên trang facebook của anh La Quốc Bảo có bài vạch trần vụ việc BST của Biti’s dùng gấm Tàu, cụ thể là loại "gấm sợi nylon “hải thuỷ giang nhai 海水江崖” Hàng Châu rất phổ biến trong việc làm đồ lưu niệm giá thấp, và bán nhiều nhất trên Taobao, là thiết kế 'mì ăn liền', dệt máy jacquard với chất lượng trung bình và độ bền thấp, giá thành rất rẻ nhưng độ nhận diện rất cao, chỉ cần nhìn vào đã biết ngay hàng Trung Quốc".


Theo anh La Quốc Bảo phân tích, họa tiết “hải thuỷ giang nhai” Hàng Châu được lấy cảm hứng từ bào phục Mãn Thanh. Hình dáng mây, thủy ba cột thủy (hoa văn sóng nước) lẫn cách phối màu hoàn toàn không có nét nào liên quan đến mỹ thuật cung đình Việt hay triều Nguyễn ở Huế.

Giày Biti's, mã màu vải gấm mà Biti's sử dụng và hình các sản phẩm sử dụng loại gấm tương tự được bán trên taobao, theo bài viết của anh La Quốc Bảo


Biti’s ngay sau đó đã đưa ra phản hồi xin lỗi trong cùng thông cáo với vụ việc thổ cẩm Chăm, nêu lý do rằng “chưa tìm được nhà cung cấp có vải dệt phù hợp”. Lời xin lỗi của Bitis thoạt nghe có vẻ thành khẩn, mang tinh thần cầu thị cao, rất dễ khiến một bộ phận công chúng “mủi lòng".


Tuy nhiên, với cá nhân người viết, sự việc trên chính xác là một cú lừa ngoạn mục vào niềm tin và lòng tự hào về di sản văn hoá dân tộc của công chúng. Gấm Tàu nguồn taobao họa tiết “hải thuỷ giang nhai” lấy cảm hứng từ bào phục triều Thanh mà lại được đánh tráo khái niệm, dùng thay cho gấm Việt để "làm nên đôi giày lấy cảm hứng tự hào từ Miền Trung, là tâm huyết đầu tư sức sáng tạo & tìm tòi đa dạng vật liệu của nghệ sĩ Việt Max và Biti’s Hunter" (trích bài viết quảng cáo của Biti's), nhằm tôn vinh di sản văn hoá cung đình Huế thì xin thưa là không thể bỏ qua nổi, mà ngược lại, cần phải mạnh mẽ lên án.


Tình trạng "xâm lăng văn hoá" do chính người Việt tạo nên


Vì sao phải lên án? Bởi những sự vụ như vậy có thể tạo thành một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm trong việc truyền bá văn hoá dân tộc sai lệch đến giới trẻ, làm ngộ nhận và khiến di sản Việt bị đồng hoá với văn hoá Trung Quốc hay các nước khác, góp phần gây ra tình trạng "xâm lăng văn hoá" do chính người Việt tạo nên, như bạn La Quốc Bảo đã phân tích và chơi chữ rất hay: “Tự hào về miền Trung: hoa trong đá” hay “Tự hào về miền Trung Hoa trong đá”? Là một người Việt, là một người gốc Huế, bản thân tôi thấy bị xúc phạm, cực kỳ phẫn nộ bởi sự hoán đổi "gan dạ", phản lại truyền thống dân tộc và phản khoa học này!


Với một doanh nghiệp lớn sở hữu dây chuyền sản xuất đồ sộ như Biti’s, thì kế hoạch từ phòng thu mua nguyên vật liệu phải được ban lãnh đạo công ty xét duyệt kỹ lưỡng không chỉ một lần. Vậy rốt lại chọn gấm Tàu vì gì? Có phải do chi phí quá rẻ của loại gấm bán đầy trên taobao, chứ tuyệt không phải vì chưa tìm được nguồn vải phù hợp? Bằng chứng là sau khi bị tố cáo thì Biti’s ngay lập tức tìm ra nguồn vải Việt thay thế, như trong thông cáo của họ cho biết.

Chiến dịch quảng bá BST Biti’s Hunter Street Blooming’ Central


Qua đó, có thể thấy được kiểu kinh doanh chụp giựt, vì chạy theo lợi nhuận mà lạm dụng, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên di sản văn hoá Việt nhằm kiếm lợi, chứ không mảy may nghĩ đến việc tôn vinh, truyền bá hay bảo tồn. Tình trạng doanh nghiệp truyền thông quảng bá sản phẩm "hồn Việt", "made in Vietnam" hoành tráng nhưng thực chất lại vay mượn giả cầy, “lập lờ đánh lận con đen” để kinh doanh thu lợi không hề hiếm, mà luôn là vấn nạn lớn ở nước ta, có thể liên hệ lại vụ án khăn lụa Khải Silk hàng Tàu mác Việt làm dẫn chứng “kinh điển”.


Có thể thông cảm, bỏ qua cho sự nhầm lẫn giữa thổ cẩm Chăm và Tây Nguyên, âu cũng do “dốt” và ẩu mà ra, chứ không phải cố ý. Tuy nhiên, ở vụ việc gấm Tàu, nếu không có người vạch trần, thì Biti’s vẫn sẽ nghiễm nhiên kinh doanh BST giày "cảm hứng miền Trung", lại được tung hô nhờ biết “tôn vinh, truyền bá văn hoá dân tộc”, trong khi thực chất sản phẩm được làm một phần bằng gấm Tàu thể hiện hoạ tiết văn hoá triều Thanh mà họ đương nhiên biết rõ nguồn gốc. Không chỉ chà đạp lên văn hoá Việt, họ còn chà đạp lên lòng tin vào thương hiệu, cũng như niềm tự hào về di sản văn hoá dân tộc của công chúng.


Một doanh nghiệp lớn luôn cần cái tầm & cái tâm trong kinh doanh, chứ không chỉ cần có đội ngũ truyền thông giỏi và phương án xử lý khủng hoảng tốt. Lời xin lỗi lập lờ đánh lận con đen, rặt hoa ngôn xảo ngữ ấy, ai bênh được chứ tôi thì xin lỗi, không thể chấp nhận, dù vốn rất quý thương hiệu “Nâng niu bàn chân Việt” lừng lẫy một thời !


Bài: Hiếu Lê

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page