top of page

Lịch sử độc đáo và tính thẩm mỹ tinh tế của tranh mộc bản Nhật

Tranh mộc bản và trường phái ukiyo-e (phù thế) của Nhật là hai khái niệm gắn liền với nhau, tạo nên biểu tượng nghệ thuật Nhật Bản thời Edo. Với vẻ đẹp đặc trưng của mình, tranh mộc bản không chỉ để lại lượng di sản khổng lồ mang đẳng cấp thế giới mà còn ảnh hưởng đến nghệ thuật phương Tây.


Phương pháp in mộc bản dù không còn phù hợp với xã hội hiện đại nhưng chúng vẫn mang một nét đẹp đặc trưng và gắn liền với nghệ thuật Nhật Bản truyền thống, đặc biệt là ukiyo-e, hay trường phái phù thế. Ukiyo-e mang nghĩa là ‘những bức tranh của thế giới hư ảo’, có chủ đề xoay quanh đời sống sinh hoạt của con người đương thời cũng như những câu chuyện, sự vật, phong cảnh mà họ “tai nghe mắt thấy”.


Lịch sử hình thành

'Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa,' Katsushika Hokusai, 1829-1833


Xuất hiện lần đầu vào thời Hán tại Trung Quốc (206 TCN - 220 SCN), kỹ thuật in mộc bản chưa thật sự trở nên phổ thông tại Nhật Bản cho tới thời Edo, kéo dài từ 1603 đến 1868. Ban đầu, kỹ thuật này được sử dụng để tái tạo các cuộn giấy chữ truyền thống một cách tiết kiệm. Không lâu sau đó, nó được sử dụng như một công cụ sản xuất hàng loạt văn tự và tranh.


Mặc dù sau này phương pháp in mộc bản cũng được thay thế bằng cách phương pháp in văn tự rời, nó vẫn là một công cụ yêu thích và nổi tiếng của các nghệ sĩ Nhật Bản suốt hàng thập kỉ - đặc biệt là những người theo trường phái ukiyo-e. Các bậc thầy tại Nhật Bản như Andō Hiroshige, Katsushika Hokusai và Kitagawa Utamaro đã nâng tầm kĩ thuật này lên tầm nghệ thuật với những di sản của họ, thứ được xếp ở đẳng cấp thế giới ngày nay.


Kĩ thuật

Tương tự như phương pháp khắc gỗ phương Tây, phiên bản của Nhật bao gồm 2 phần: chạm khắc nổi và in màu.


Để tạo ra tranh mộc bản theo phong cách truyền thống Nhật Bản, đầu tiên người nghệ sĩ cần phải vẽ bố cục chính lên washi, một loại giấy mỏng nhưng rất bền. Sau đó họ dán tờ washi lên một khối gỗ và bắt đầu chạm khắc theo các chi tiết trong hình.


Sau khi đã khắc hình lên khối gỗ, người nghệ sĩ tô màu lên nó. Tiếp theo, họ đặt một tờ giấy lên trên, và sử dụng một công cụ phẳng có tên là baren để in màu lên tờ giấy. Để in nhiều màu khác nhau, người nghệ sĩ cần phải lặp lại toàn bộ quá trình, bao gồm chế tạo bản gỗ và in màu lên tranh.


Phong cách hội họa

'Vườn mơ ở Kameido,' Andō Hiroshige, 1857


Mặc dù quá trình này nghe qua có vẻ đơn giản và có phần thô ráp, nó lại có khả năng tạo ra những gam màu rực rỡ và phức tạp như một bản vẽ tranh bằng tay vậy. Màu đỏ tươi, xanh dương, xanh lá và đen sẫm là những gam màu được sử dụng nhiều nhất đối với kĩ thuật này, như trong bức ‘Vườn mơ ở Kameido’ của họa sĩ Hiroshige.


Theo như Viện Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan, những gam màu ấn tượng này lần đầu được sử dụng vào cuối những năm 1700s, khi những nghệ sĩ tìm ra những công cụ và chất liệu mới để cải tiến kĩ thuật này. “Giấy làm từ vỏ cây dâu tằm được ưu chuộng bởi nó khá bền và có thể chịu được lực ma sát với các bản gỗ, đồng thời có khả năng thẩm thấu mực và chất nhuộm một cách hiệu quả. Với tranh khắc gỗ, người nghệ sĩ có thể tái sử dụng bản khắc gỗ để tạo ra hàng nghìn bức tranh giống nhau cho tới khi những nét khắc trên đó đã hao mòn."


Nghệ thuật thiết kế phẳng

'Những người phụ nữ trong nhà tắm,' Torii Kiyonaga, 1780


Đối với tranh giấy thông thường, người họa sĩ thường cố gắng đạt được sự chân thực tối đa. Tuy nhiên, những nghệ nhân trong nghệ thuật mộc bản thường ít quan tâm đến chiều sâu hay tỉ lệ kích cỡ tranh. Thay vào đó, họ sử dụng kỹ thuật thiết kế đồ họa cùng với những hình khối mạnh mẽ và nét vẽ dứt khoát.


Phong cách này thể hiện rõ trong tác phẩm ‘Bathhouse Women’ của họa sĩ Kiyonaga khi ta có thể thấy rõ sự tập trung vào những gam màu nổi bât, chủ đề trong tranh và những hình dạng kết cấu thay vì thể hiện độ chân thật.


Đường nét sắc sảo

'Kanbara,' Andō Hiroshige, 1833-1834


Xét về bản chất quy trình in ấn, đặc biệt với những bản in đơn sắc, việc khắc họa các đường nền một cách rõ nét là thiết yếu bởi nó sẽ mang lại tính thẩm mỹ cho tác phẩm. Đường viền đen tinh xảo xuất hiện trong bức tranh mang nét tương phản với những mảng màu nước được pha chế từ những nguyên liệu sẵn có của tự nhiên, tạo hiệu ứng minh họa và nhấn mạnh nghệ thuật thiết kế phẳng của tác phẩm.


Bảo tàng nghệ thuật châu Á San Francisco giải thích: "Mực nhuộm sử dụng trong tranh cho tới cuối thế kỷ 19 được chiết xuất từ thực vật và các nguồn khoáng chất. Người họa sĩ sử dụng loại màu này họa lên những mảng lớn có viền với những nét vẽ màu đen. Kể cả khi tác giả sử dụng kỹ thuật vẽ bóng của phương Tây, thành phẩm cuối cùng đều là hình ảnh phẳng, một trong những đặc điểm nổi bật của dòng Tranh khắc gỗ Nhật".


Những chủ đề phổ biến


1. Phụ nữ

'Ba mỹ nhân nổi tiếng,' Kitagawa Utamaro, 1793


Cũng như nghệ thuật phương Tây, một chủ đề lặp đi lặp lại ở các tác phẩm Nhật Bản là vẻ đẹp của những người phụ nữ. Trong tranh mộc bản, phụ nữ Nhật Bản - từ geisha, hoàng tộc cho đến thường dân - được khắc họa với biểu cảm khắc kỷ, quần áo trau chuốt và hành động tinh tế, thùy mị.


Utamaro là một nghệ nhân nổi tiếng với những tác phẩm khắc họa chân dung người phụ nữ, được đặt tên là bijin ōkubi-e. Ông thường vẽ cận cảnh khuôn mặt và phần thân trên của phụ nữ, nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên của họ.


2. Nội thất

'Kisaragi,' Isoda Koryūsai, 1772 - 1773


Một chủ đề phổ thông khác với các họa sĩ phái Phù thế là cảnh nội thất trong nhà. Chủ đề này là sự kết hợp giữa sự tối giản trong kiến trúc nhà cửa Nhật Bản và mục tiêu khắc họa đời sống của người dân. Những bức họa theo chủ đề này thường bao gồm cả hình người đang làm các công việc thường ngày như tắm rửa, chăm sóc con trẻ hay uống trà, và được vẽ từ một góc nhìn bao quát.


3. Thiên nhiên

'Đỉnh Chōkai,' Andō Hiroshige, 1860


Tương tự như các thợ in người Trung Hoa thời đó, các nghệ nhân Nhật Bản cũng khai thác vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên trong các tác phẩm của họ. Khi nhắc tới cảnh đẹp tự nhiên của Nhật, không thể không nói đến địa hình núi đồi vĩ đại nơi đây, một trong những niềm tự hào của người dân địa phương. Tác phẩm Mount Chōkai là một bức tranh kinh điển khắc họa chủ đề này của họa sĩ Hiroshige, một bậc thầy Phù thế chủ đề thiên nhiên.


Di sản

'Chân dung Pere Tanguy,' Vincent van Gogh, 1887-1888


Ngày nay, kĩ thuật in mộc bản gần như gắn liền với nghệ thuật Nhật Bản thời Edo. Không chỉ ở châu Á, các tác phẩm này còn ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật phương Tây thế kỉ 19. Vào cuối những năm 1800, một số nghệ sĩ trường phái Hậu Ấn tượng như Vincent Van Gogh đã áp dụng kĩ thuật thiết kế phẳng vào tác phẩm của mình.


Bài: PD từ fashionnet.vn

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page