"Kìa non non, nước nước, mây mây", khi hội họa kết hợp với thi ca và ký ức di sản
Galerie Quynh trưng bày triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng Kìa non non, nước nước, mây mây tại một ngôi nhà có kiến trúc thuộc địa toạ lạc tại số 29 – 31 Tôn Thất Thiệp. Tồn tại từ thế kỷ XIX, ngôi nhà này từng là nhà khách của ngôi đền Hindu Sri Thendayuthapani nằm phía đối diện.
Triển lãm này, tiếp nối triển lãm Đối Cảnh của Hà Mạnh Thắng tại phòng tranh vào năm ngoái, mang đến 16 tác phẩm thể nghiệm thể hiện niềm say mê không ngừng của anh với tính vật chất, thời gian và những cuộc tái viếng lịch sử, di sản văn hoá.
Triển lãm mượn ý thơ trong bài Hương Sơn Phong Cảnh Ca của Chu Mạnh Trinh — một danh sĩ thời nhà Nguyễn, miêu tả các sắc thái tuyệt mĩ của thiên nhiên. Cảm xúc này cũng được thể hiện xuyên suốt qua quan sát nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng khi anh khai thác tính đa nghĩa, sự biến đổi lịch sử cách nhìn về hình thức tranh phong cảnh trong nghệ thuật cổ cho tới hiện tại.
Trong một lần đến tham quan Bảo Tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, tác giả bắt gặp chiếc văn bia đá cổ có niên đại từ thời nhà Tuỳ (581 – 618). Bia đá, thông thường đóng vai trò đặc biệt trong việc ghi chép lịch sử, thường được do các danh sĩ có chữ viết đẹp khắc lên. Nó gánh theo sức nặng lịch sử văn hoá — những tính chất mà theo nghệ sĩ, giúp nó “sống sót, trường tồn theo thời gian với số phận của mình.” Hà Mạnh Thắng đã sử dụng phom dáng của chiếc văn bia cổ như một phản ánh về sự trường tồn và yếu tố phi thời gian cho các tác phẩm lần này.
Rừng xanh xa thẳm | Boundless Green Forest
2022
Thay vì đá, “bia” của Thắng giờ đây được làm từ sự kết hợp giữa lụa, vải toan và sự phức hợp trong các vật liệu khác nhau để anh tạo nên tác phẩm. Tác giả nhìn chúng không chỉ là những chất liệu, mà dưới dạng những bề mặt thiên biến vạn hoá, tuỳ theo cách kết hợp các chất liệu được phủ lên trên. Nhờ đặc tính xuyên thấu của lụa, bề mặt sẽ thay đổi dựa trên sự chuyển động của ánh sáng trên bề mặt khi quan sát góc nhìn từ mặt sau. Mỗi tấm khung mica được xử lý mờ đi trên cả hai bề mặt, làm dịu đi nhiều sự hiện diện của lụa và đặc tính trong xuyên sáng của nó. Cách xử lý đó, theo sử gia nghệ thuật Nora Taylor quan sát, đã ‘hoá lụa thành đá’, làm người ta phải nhìn nhận lại bản chất kép của chất liệu này:
Làm thế nào lụa có thể vừa trong suốt vừa mờ ảo? Vừa nhẹ như lông vũ, vừa trông nặng như đá? Bản chất kép của vũ trụ được bộc lộ như hai thế đối lập âm và dương. Tương đồng với Cung Thạch, tranh của Thắng mang đến cho chúng ta một cách khác để chiêm ngưỡng thế giới ở dạng vi mô.
Từng tấm bia của Hà Mạnh Thắng gợi lên phong cảnh lấy cảm hứng từ những tứ thơ kinh điển thời Đường, thời Tống ở Trung Quốc, và thời Nguyễn ở Việt Nam cho tới nhà thơ giai đoạn cận đại là Tản Đà mà anh yêu thích. Hình ảnh trong thi ca cổ có tính ước lệ, thời gian và không gian đồng hiện với thời gian của người đọc. Các ý thơ trường tồn với sự xói mòn của thời gian. Với Thắng, chúng là những yếu tố được tồn tại như một dạng vật chất phi thời gian.
Các tác phẩm nằm trong loạt Đối Ảnh, mang dáng vóc của điêu khắc và hàm chứa ý nghĩa như một hiện vật lịch sử.
Khi đặt trên những chiếc bàn gỗ mô phỏng theo kiểu bàn truyền thống thời nhà Nguyễn, chúng biến không gian căn nhà cổ đường Tôn Thất Thiệp thành nơi đối thoại của di sản và nghệ thuật.
Kìa non non, nước nước, mây mây nằm trong loạt tác phẩm Vòng tròn Thời gian (2016 — đang tiếp diễn) của anh, thể hiện sự gắn bó của Thắng trong việc khám phá sự trường tồn và tính phi thời gian trong nghệ thuật. Đó là nơi một tác phẩm có khả năng phản chiếu quá khứ, khơi gợi tâm trí và tiềm thức hoặc những ký ức đã tan biến.
VỀ NGHỆ SĨ HÀ MẠNH THẮNG
Phạm vi thực hành nghệ thuật rộng rãi của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng bắt đầu từ nghiên cứu về lịch sử văn hoá và xã hội Việt Nam, tới những quan sát trầm ngâm về sự tồn tại, hành trình qua sự biểu tượng và tâm linh, rồi trở về sự tận cùng của cái rỗng không: nơi khởi điểm của thiên nhiên và vật thể. Trong các tác phẩm về trước, những màu sắc sáng tươi và yếu tố nghệ thuật đại chúng (pop-art) sống cùng trên tấm toan để phản ánh những thái độ thay đổi trong xã hội Việt Nam ngày nay, nhưng cũng để cảnh báo về sự hỗn loạn của chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa tư bản. Tính thơ ca trong nét vẽ của anh, ảnh hưởng bởi nhạc jazz và thơ văn Á Đông, được chuyển tiếp sang những tác phẩm về sau, chiêm nghiệm sự dịch chuyển của thời gian. Tuy palette màu của anh ngày càng trầm lặng, trong và ngoài bức hoạ có một sự trao đổi năng lượng gần như chạm được, gợi lên ý niệm về sự vô thường.
Dù Hà Mạnh Thắng tiếp cận hội hoạ với sự chuẩn xác và phương pháp chặt chẽ – người nghệ sĩ tỉ mỉ lên kế hoạch hình thành tác phẩm trước khi sơn chạm lên toan – những nét vẽ của anh vẫn đủ không gian để gợi lên những trải nghiệm giác quan ngoài thị giác. Những bức họa, được vẽ với nét impasto nặng nề, gần như biến đổi chất liệu sơn thành vật liệu hữu cơ như bùn, đất, gỗ, đá. Bên dưới tường thuật của sơn dầu là những xúc cảm cố hữu, sự liên kết với tâm linh gợi tới những nghệ sĩ phong cách Dansaekhwa thịnh hành vào thập niên 1970 ở Hàn Quốc. Khi người xem nhìn vào kết cấu của tác phẩm, họ được vận chuyển tới một thời điểm nhất định: vào giữa trưa hè, dưới mưa xuân, hay chờ qua đi một đêm mùa đông.
Hà Mạnh Thắng đã xuất hiện bên cạnh những nghệ sĩ nổi tiếng khác như Gerhard Richter, Marlene Dumas và Peter Doig trong nhiều ấn phẩm quốc tế, bao gồm ‘Painting Now’ (Thames and Hudson, 2015) và ‘Painting Today’ (Phaidon, 2009). Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2004, Hà Mạnh Thắng đã tham gia nhiều triển lãm nổi bật trong khu vực và trên quốc tế, gồm có BEYOND, Affinity Art, Geneva, Thuỵ Sĩ; Light and Colours: Art of Vietnam, Singapore & Malaysia, ION Art Gallery, Orchard Turn, Singapore; Passage of Time, Affinity Art, Hồng Kông; I Bienal del Sur: Pueblos en Resistencia, Museo de Bellas Artes, Caracas, Venezuela; Fading Dreams – Disintegrating Realities, Thavibu Gallery, Bangkok, Thái Lan; Instruments of Meditation: Works of Art from the Zoltán Bodnár Collection, Reök Palace, Budapest, Hungary; Ha Manh Thang and Le Qui Thong in the Bodnár Collection, NextArt Galéria, Budapest, Hungary; Connect: Kunstzene Vietnam, ifa Galleries, Berlin and Stuttgart, Đức; Post Doi Moi: Vietnamese Art After 1990, Singapore Art Museum, Singapore; và The rain and the small stream, được trình bày bởi chương trình Ernst & Young Asean Art Outreach, Singapore.
Hà Mạnh Thắng đang sống và làm việc ở Hà Nội.
VỀ GALERIE QUYNH
Được nhìn nhận như phòng tranh nghệ thuật đương đại hàng đầu Việt Nam, Galerie Quỳnh đã giúp thúc đẩy các thực hành nghệ thuật đương đại tại Việt Nam trong suốt gần hai thập kỷ, được biết đến ở tầm quốc tế qua các chương trình triển lãm chất lượng và các dự án giáo dục. Song song với việc hợp tác chặt chẽ với một nhóm chọn lọc những nghệ sĩ ưu tú, từ các nghệ sĩ đã thành danh, hay đang trong giai đoạn chín muồi trong sự nghiệp, hay cả những nghệ sĩ trẻ mới nổi, phòng tranh còn trưng bày các tác phẩm của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên khắp thế giới. Với mục đích khuyến khích cho sự phát triển cơ sở hạ tầng và giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam, phòng tranh hợp tác với các nghệ sĩ, nhà giám tuyển, các không gian, địa điểm trong nước và quốc tế, để tổ chức các buổi trò chuyện, thuyết trình cũng như phát hành nhiều ấn phẩm bằng cả hai ngôn ngữ Việt, Anh. Tháng 5 năm 2014, phòng tranh thành lập Sao La, khởi đầu là một tổ chức chuyên về giáo dục nghệ thuật phi lợi nhuận dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ Tùng Mai và Nguyễn Kim Tố Lan. Sao La hiện tại đã phát triển thành một tập thể nghệ sĩ độc lập, điều phối bởi Tố Lan và nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt (Đà Lạt). Mùa hè năm 2020, với sự tài trợ từ Viện Goethe, phòng tranh đã khởi động chương trình phi lợi nhuận mang tên CáRô, một sáng kiến giáo dục cung cấp chương trình giáo dục nghệ thuật cho những học sinh từ 13 - 18 tuổi dành sự quan tâm sâu sắc đến nghệ thuật.
Vào tháng 12 năm 2017, Galerie Quynh đã chuyển đến phường Đa Kao, quận 1. Trải rộng hơn bốn tầng lầu với tổng diện tích 600m², phòng tranh đã có thể tổ chức những chương trình nhiều tham vọng hơn để nắm giữ một vai trò quan trọng trong cộng đồng văn hoá Việt Nam. www.galeriequynh.com
THÔNG TIN VỀ BUỔI TRIỂN LÃM:
Nghệ sĩ: Hà Mạnh Thắng
Tên triển lãm: Kìa non non, nước nước, mây mây
Thời gian triển lãm: 21 tháng 12, 2022 đến 4 tháng 2, 2023
Địa điểm: 29-31 Tôn Thất Thiệp, Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Liên hệ: Linh Lê / linh@galeriequynh.com
Giờ mở cửa: 10:00 – 19:00, Thứ ba – Thứ bảy.
Bài: Navigator Media
Commentaires