top of page

Kết nối tình người qua sợi vải xanh với workshop “Gieo Nắng” của EWA


Đại sứ Hương Ly cùng những vị khách tham dự buổi workshop


Ngày 28 và 29 tháng 10 vừa qua, workshop “Gieo nắng” thuộc chiến dịch “Se gai - Sẻ gánh” của dự án Empower Women Asia hợp tác cùng thương hiệu thời trang bền vững Hemp Oi và thương hiệu áo dài La Phạm đã diễn ra và mở cửa tự do tại Lầu 1, 182 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2. Chiến dịch với tầm nhìn tôn vinh nét đẹp truyền thống văn hóa dệt vải của đồng bào dân tộc vùng cao song song với nhiệm vụ nâng cao nhận thức về chất liệu vải bền vững gai dầu gắn liền với đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con dân tộc H’Mông.


Sự kiện được tổ chức bởi Empower Women Asia, dự án trực thuộc tổ chức Keep It Beautiful Vietnam với sứ mệnh hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại các làng dệt ở Việt Nam nâng cao mức sống, đảm bảo thu nhập qua việc nâng cao kỹ năng, kiến thức và sự cạnh tranh trong việc sản xuất các sản phẩm dệt may bền vững.


Đặc biệt, chiến dịch là sự hợp tác giữa Empower Women Asia cùng thương hiệu thời trang bền vững Hemp Oi và thương hiệu áo dài La Phạm. Trước đó, thương hiệu thời trang La Phạm cùng Empower Women Asia đã hợp tác trong chương trình gây quỹ mùa giáng sinh qua việc tạo ra các sản phẩm trang trí từ thổ cẩm, cả hai cũng đã hợp tác trong việc đưa bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các chất liệu dân gian của Việt Nam vươn tầm thế giới trong chương trình thời trang bền vững lớn nhất tại Thụy Sĩ - UN-DRESS. Chiến dịch “Se gai - Sẻ gánh” đánh dấu sự tái kết hợp từ các bên Empower Women Asia, La Pham và Hemp Oi.


Sự kiện “Gieo Nắng” được tổ chức với mục đích giới thiệu tới người tham dự những thông tin về chất liệu vải gai dầu - loại vải được làm từ sợi thực vật tự nhiên được đánh giá cao trong tính chất bền vững và đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong ngành sản xuất may mặc. Đồng thời, workshop còn tập trung vào việc cung cấp những kiến thức về truyền thống văn hóa dệt vải của chị em dân tộc H’Mông.


Trải nghiệm thực hành dệt vải bằng khung cửi truyền thông người H’Mông cùng nghệ nhân


Tham gia workshop, các vị khách được tự tay thực hành sử dụng khung cửi truyền thống để dệt vải cùng với sự giúp đỡ của nghệ nhân Sầm Thị Tình. Điều nhiều người trải nghiệm cảm nhận được chính là những tiếng cười, sự háo hức khi bắt tay thực hành những bước đầu tiên trên khung cửi.


Ngoài ra, workshop còn đem lại một không gian nghệ thuật ấm áp nơi mọi người có thể thỏa sức sáng tạo trong việc thêu may họa tiết trang trí để cùng hoàn thiện bức tranh mang tính biểu tượng của chiến dịch được làm từ chất liệu gai dầu của họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà, đồng thời cùng nhau trò chuyện thưởng thức tiệc trà. Các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn trong workshop giúp người tham gia có thêm hiểu biết về chất liệu bền vững sợi gai dầu cùng truyền thống dệt vải của dân tộc H’Mông.


Bức tranh cô gái người H’Mông se sợi gai dầu của họa sĩ Nguyễn Ngọc Hà


“Chị cảm thấy workshop có hoạt động rất thiết thực trong việc được trực tiếp trải nghiệm trên vải gai dầu. Khi mình dệt, mình sẽ hiểu được công đoạn này tốn công và vất vả như thế nào để tạo ra được thước vải như vậy. Còn về hoạt động thêu, chị cũng như mọi người sẽ hiểu được vải gai dầu có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, mang một vẻ đẹp hiện đại...”, chia sẻ từ chị Phương - khách tham dự workshop.


Với số lượng khách tham gia trong một buổi workshop, cùng nhiều hoạt động tương tác mới lạ và hấp dẫn, sự kiện “Gieo Nắng” đã đảm bảo sự chất lượng trong việc lan tỏa các giá trị của văn hóa dệt vải, giúp các vị khách có được những thông tin, kĩ năng tổng quan và đa chiều nhất về truyền thống dệt may của bà con dân tộc miền núi cũng như về sợi vải gai dầu.


“Ngày hôm nay là một trong những lần đầu tiên Ly được trực tiếp làm những sản phẩm thêu tay trên chính vải gai dầu này vì bản thân Ly cũng là người làm trong ngành thời trang, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có cơ hội được tự tay làm ra những sản phẩm thế này.


Ngoài việc gây quỹ cho chiến dịch "Se Gai - Sẻ Gánh", đây cũng là hoạt động thiết thực giúp mọi người nhận ra những giá trị bền vững mà thời trang đã và đang mang lại cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày", Á hậu Hương Ly - khách mời kiêm đại sứ Empower Women Asia phát biểu trong sự kiện.


Được biết, toàn bộ số tiền có được từ chuỗi workshop, các nhà tài trợ, các đối tác và các hoạt động khác thuộc chiến dịch “Se gai - Sẻ Gánh” đều sẽ được quyên góp vào quỹ nhằm xây dựng Hợp Tác Xã dệt vải gai dầu tại thôn Sán Séo Tỷ, tỉnh Hà Giang.


Hoạt động trải nghiệm thêu tay họa tiết trang trí trên miếng vải sợi gai dầu


Sự kiện workshop “Gieo Nắng” đã diễn ra ghi nhận sự góp mặt của những nhân vật nổi bật như Á hậu Hương Ly, Chị Hiền - chủ thương hiệu thời trang Hity Fashion,... đã thành công thu hút sự chú ý từ đông đảo khách tham dự, mở màn rực rỡ cho chuỗi các hoạt động kế tiếp của chiến dịch “Se gai - Sẻ gánh”.


“Những gì liên quan đến truyền thống hiện nay đang bị ít dần và được thay thế bởi những chất liệu dệt may công nghiệp, quy trình sản xuất cũng đều được thực hiện bằng máy móc. Một buổi workshop thủ công là điều mình hiếm thấy, mình cứ nghĩ hoạt động này thường dành cho các cô chú trung niên nhưng thật ra lại vô cùng thú vị với GenZ tụi mình. Bên cạnh đó, khi được tự tay thêu trên vải sợi gai, một chất liệu dân tộc còn mới lạ đối với mình, đã đem lại cho mình trải nghiệm rất tốt. Mình cũng cảm nhận được rằng buổi workshop đã lan tỏa được thông điệp ý nghĩa nên mình quyết định tham gia thêm ngày thứ 2 để được trải nghiệm lần nữa.”


Có thể thấy, tiềm năng phát triển của sản phẩm thủ công dân tộc là rất lớn khi nhận được sự quan tâm của giới trẻ hiện nay. Đây chính là điều mà EWA hướng tới thông qua chiến dịch “Se Gai - Sẻ Gánh” lần này. Workshop “Gieo nắng” tại thành phố mang tên Bác đã diễn ra thành công tốt đẹp, là "phát súng" đầu tiên cho loạt hoạt động thiện nguyện vô cùng hấp dẫn trong tương lai của dự án EWA và chiến dịch “Se gai - Sẻ gánh”.


Bài: Navigator Media

ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page