Huế sắp có không gian dành riêng cho trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số
Lần đầu tiên, Việt Nam có một không gian trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số “nhập vai” mang tên Sốnglab rộng hơn 1.000m2. Điều đặc biệt là dự án này được thực hiện bởi các nghệ sĩ Việt Nam, dự kiến ra mắt vào tháng 5 năm nay. Hòa cùng không khí kỷ niệm 30 năm quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh, Sốnglab là một không gian giải trí và nghệ thuật thế hệ mới, trang bị các thiết bị và công nghệ tối tân, hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.
Triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số “nhập vai” là một trong những loại hình nghệ thuật đương đại có sức hấp dẫn mạnh mẽ trên thế giới. Năm 2020, triển lãm mang tên teamLab Borderless của teamLab – một nhóm nghệ sĩ digital art nổi tiếng của Nhật Bản – đã thu hút đến 2,3 triệu lượt du khách đến thưởng lãm. Người trải nghiệm teamLab Borderless đến từ hơn 160 quốc gia trên thế giới, với gần 30% lượng du khách đến từ Mỹ. Mặc dù tại Tokyo không thiếu các sự kiện văn hóa – nghệ thuật độc đáo, nhưng trải nghiệm nghệ thuật “nhập vai” của teamLab được đánh giá là sự kiện được quan tâm mạnh mẽ nhất, đặc biệt là với nhóm khán giả thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là quốc gia khá nhạy bén khi nhìn thấy được sức hút của nghệ thuật “nhập vai”. Vì vậy, H&B đã phối hợp cùng Exhibition Hub, Fever và Resorts World Sentosa tổ chức triển lãm Van Gogh: The Immersive Experience – trải nghiệm thế giới của Van Gogh qua công nghệ số hóa với màn hình chiếu cỡ đại. Khách tham quan sẽ có dịp khám phá cuộc sống, công việc và những bí mật trong cuộc đời của danh họa này thông qua 300 tác phẩm lớn nhỏ. Trước khi đến Singapore, triển lãm Van Gogh: The Immersive Experience đã thu hút hơn 5 triệu lượt khách trên khắp châu Âu và châu Mỹ trong 5 năm qua.
Và nay, một không gian cố định dành riêng cho trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số nhập vai quy mô lớn (hơn 1.000m2) sắp có mặt tại Huế mang tên Sốnglab. Đây là dự án hợp tác giữa anh Dương Đỗ, người được biết tới nhiều trong vai trò là nhà sáng lập chuỗi không gian làm việc chung - Toong, nghệ sĩ Tùng Monkey cùng hàng chục nhạc sĩ và nghệ sĩ thị giác khác. “Sốnglab khi hoàn thiện sẽ là một nền tảng thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật kỹ thuật số tại Việt Nam, và là điểm đến thu hút khách du lịch đến đất cố đô”, Tùng Monkey cho biết.
Tùng Monkey cùng The Visual 084 với vai trò là giám tuyển nghệ thuật, đã làm việc với các nghệ sĩ thị giác tài năng như: Dustin Ngô, Cường Nguyễn, Julian Tuấn, Viễn Lê, Ngọc Quý, Travis Cohantz… Họ cùng nhau kể những câu chuyện thú vị tại Sốnglab, người thì kể câu chuyện về các dạng sống siêu thực qua chất liệu đồ họa trí tuệ nhân tạo, người thì tạo ra những dòng chảy hình ảnh được tạo bởi những con thuyền, đèn hoa đăng. Người thì cố gắng tái diễn ảo ảnh đã nhìn thấy tại Vịnh Lăng Cô. Người xem sẽ trải nghiệm “nhập vai” một cách sống động qua những công nghệ trình chiếu tối tân đến từ đơn vị cung cấp thiết bị trình chiếu 3D mapping hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, và đã thực hiện các dự án tại sân bay Changi, hay vịnh Marina, Singapore. Đây là sự kết hợp lý thú giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, trong đó “chất” Huế đóng vai trò là nguyên liệu mang tính gợi mở, còn câu chuyện sẽ được “kể” bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.
Anh Dương Đỗ, nhà sáng lập Toong cũng chính là người sáng lập nên thương hiệu Sốngplatform, cho biết:” “Sốnglab được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ - nghệ thuật - giải trí và giáo dục nhằm mang tới cho khách thăm quan những trải nghiệm độc đáo, đồng thời giúp du khách có cái nhìn sinh động hơn về những nét đẹp trong văn hóa đời sống tại Huế”. Không gian này nằm trong khu phức hợp sáng tạo mang tên Sốngplatform, có quy mô gần 9.000m2, dự kiến hoàn thiện và ra mắt vào tháng 5 năm nay. “Tại Sốngplatform, chúng tôi mong muốn “bao bọc” khách hàng của mình trong một phong cách sống, làm việc, tái tạo và giải trí một cách “có ý thức”!”. Dương Đỗ nói. Việc xây dựng không gian dành riêng cho trải nghiệm “nhập vai” tân tiến tại Huế là minh chứng có tiềm năng du lịch của Cố Đô còn rất lớn. Bản sắc địa phương có thể được truyền tải bằng cách thức phù hợp với “ngôn ngữ” thưởng lãm thời thượng của du khách trong và ngoài nước”.
Bài: Navigator Media
Commenti