Hoạ sĩ Jean Dubuffet thể hiện “nghệ thuật nguyên sơ” qua các tác phẩm đẹp khác biệt
- Nhà thơ Phan Đan
- 18 thg 7, 2024
- 4 phút đọc
Jean Dubuffet (1901-1985) là một trong những nghệ sĩ châu Âu nổi tiếng nhất thời hậu Thế chiến II, người có trí tưởng tượng không giới hạn. Tác phẩm của Dubuffet là thái độ nổi loạn đối với những quan niệm phổ biến về “văn hóa cao” và cái đẹp truyền thống. Dubuffet có một sự nghiệp nghệ thuật sung mãn, cả ở châu Âu và Hoa Kỳ, tác phẩm được trưng bày tại rất nhiều triển lãm.
Jean Dubuffet sinh ở Le Havre, chuyển đến Paris năm 1918 để học hội họa tại Académie Julian. Sáu tháng sau, ông rời bỏ Académie để tự học. Năm 1942, Dubuffet quyết định cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Ông thường chọn những chủ đề từ cuộc sống đời thường, với những màu sắc mạnh mẽ, gợi nhớ đến bảng màu của trường phái dã thú, cũng như của các họa sĩ Brucke (nhóm nghệ sĩ biểu hiện Đức). Triển lãm solo đầu tiên của ông diễn ra vào tháng 10 năm 1944, tại Galerie Rene Drouin ở Paris.
Dubuffet từ bỏ phương pháp truyền thống là dùng cọ vẽ sơn dầu lên canvas, mà dùng một loại hồ dán tạo ra các dấu vết vật lý như vết xước, sử dụng sơn dầu dày trộn với cát, sỏi, mảnh thủy tinh, dây, rơm, thạch cao... để bề mặt bức tranh có kết cấu khác thường. Ông cũng tạo ảo giác về phối cảnh bằng cách chồng các vật thể lên nhau trên mặt phẳng hình ảnh. Kỹ thuật trộn và vẽ impasto được thể hiện rõ nhất trong loạt tác phẩm trưng bày tại triển lãm lớn thứ hai năm 1946 tại Galérie René Drouin. Từ năm 1962, ông đã cho ra đời một loạt tác phẩm giới hạn trong các màu đỏ, trắng, đen và xanh. Ngoài ra, ông còn làm điêu khắc và âm nhạc thể nghiệm. Dubuffet qua đời ở Paris năm 1985.
Tác phẩm Khu chung cư Paris, 1946
Việc sử dụng chất liệu thô và sự mỉa mai trong nhiều tác phẩm của Dubuffet đã gây ra phản ứng dữ dội từ các nhà phê bình, những người cáo buộc Dubuffet là “vô chính phủ” và “rác rưởi”. Tuy nhiên, Dubuffet đạt được thành công nhanh chóng trên thị trường nghệ thuật Mỹ, do tác phẩm của ông được đưa vào gallery của Pierre Matisse bên cạnh Picasso, Braque và Rouault. Ông là một trong hai nghệ sĩ trẻ được vinh danh theo cách này. Sự liên kết của Dubuffet với Trường phái Paris đã mang lại cho ông một phương cách độc đáo để tiếp cận khán giả Mỹ, mặc dù ông đã tách mình ra khỏi hầu hết các lý tưởng của trường phái và chống lại “truyền thống hội họa lớn”. Việc ông được đón nhận ở Mỹ có liên hệ chặt chẽ với mong muốn của giới nghệ thuật New York trong việc tạo ra môi trường tiên phong của riêng mình. Nhà phê bình nổi tiếng Clement Greenberg đã chú ý đến tác phẩm của ông và phát biểu tại triển lãm New York năm 1951: “Dubuffet dường như là họa sĩ độc đáo nhất xuất thân từ Trường phái Paris kể từ Miro...”.
Bon Espoir (Hi vọng an lành), 1955
Ông còn được biết đến với việc thành lập phong trào nghệ thuật “Art Brut”. Mặc dù là một họa sĩ được đào tạo bài bản, Dubuffet đề cao “bản năng, đam mê, bạo lực, điên rồ” cũng như sự gần gũi với thiên nhiên: “Hãy nhìn những gì nằm dưới chân bạn!”, “…một vết nứt trên mặt đất, một viên sỏi lấp lánh, một vạt cỏ… đều xứng đáng để bạn ngưỡng mộ.” Những giá trị như vậy được thể hiện trong cái mà Dubuffet gọi là “nghệ thuật nguyên sơ” (art brut) hay “nghệ thuật thô” (raw art), một loại hình thẩm mỹ lấy cảm hứng từ tính tự phát được tạo ra bên ngoài truyền thống phương Tây. Từ năm 1947 đến năm 1949, Dubuffet đã thực hiện ba chuyến đi tới Algeria và bị mê hoặc bởi cuộc sống của các bộ lạc bản địa. Tính vô thường của lối sống du mục đã thu hút Dubuffet và trở thành một khía cạnh của “nghệ thuật nguyên sơ”. Bộ sưu tập “nghệ thuật nguyên sơ” của ông thường được gọi là “bảo tàng không có tường”, vì nó vượt qua ranh giới quốc gia và sắc tộc, đồng thời phá vỡ rào cản giữa các nền văn hóa.
Tác phẩm Fête villageoise, 1976
Trong triển lãm hồi tưởng quy mô lớn đầu tiên ở Thụy Sĩ, Fondation Beyeler giới thiệu hơn 100 tác phẩm của Jean Dubuffet. Ngày nay, ảnh hưởng của Dubuffet vẫn có thể được thấy trong nghệ thuật đương đại và nghệ thuật đường phố, như trong các tác phẩm của David Hockney, Jean-Michel Basquiat và Keith Haring.
Bức tranh “Miền nội địa [với súng trường Espadon], đầu người Inca và chiếc ghế bành nhỏ ở bên phải” (Site domestique [au fusil espadon] avec tête d'Inca et petit fauteuil à droite), 1966, chất liệu vinyl trên canvas, kích thước 125 x 200cm, của Jean Dubuffet (1901-1985).
Bài: Nhà thơ - nhà nghiên cứu Phan Đan - Theo www.moma.org & www.pacegallery.com
Comentários