Claude Monet - hoạ sĩ bậc thầy nước Pháp và chất thơ vô tận nơi vườn hoa cổ tích
Claude Monet sinh 14/01/1840 và mất 05/12/1926, ông là hoạ sĩ bậc thầy của nước Pháp, là một trong những nhà tiên phong đã sáng lập trường phái Ấn tượng. Chính trường phái này đã khiến các hoạ sĩ phải dần quan tâm đến mối quan hệ giữa cảm xúc riêng tư của chính họ với cảnh sắc thiên nhiên.
Impression, soleil levant (Ấn tượng mặt trời mọc)
Khi đi sâu vào việc phân tích thuật ngữ trường phái ấn tượng (impressionism) ta sẽ nhận ra ngay là nó bắt đầu từ bức tranh Impression, soleil levant (Ấn tượng mặt trời mọc) của Monet. Bức tranh vẽ mặt trời này lần đầu được trưng bày lần đầu năm 1847 trong triển lãm độc lập của Monet và lập tức tạo nên làn sóng tranh luận đa chiều. Trong đó các quan điểm chủ yếu là tán dương kỹ thuật của Monet, nhất là trong việc ông sử dụng màu để truyền tải các sắc độ biến đổi đa dạng và tinh tế của thiên nhiên. Lối tư duy tươi mới này của trường Ấn tượng mang tính cách mạng so với cách vẽ Cổ điển. Bởi vào cuối thời kỳ Cổ điển, hoạ sĩ thường chỉ dựng lại các bức tranh theo chủ đề được điển phạm hoá từ giới hàn lâm.
Và trước thành công của bức tranh năm 1847, rất nhiều người trong giới phê bình, lẫn giới mộ điệu lĩnh vực hội họa đã cố công tìm ra lý do giúp vị hoạ sĩ này có thể bắt được “thần" của thiên nhiên. Và đáp án đã được chính Monet gián tiếp chia sẻ khi người ta khám phá ra trang viên xinh xắn và diễm lệ của ông tại Giverny. Chính tại khu vườn này vào năm 1899, Monet đã hoạ lên những bức tranh hoa súng nổi tiếng đầu tiên.
Chúng tôi nghĩ rằng việc khám phá khu vườn đầy các loài hoa của ông sẽ là chuyến du hành giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tài năng và công sức của người nghệ sĩ này.
Monet đã nói: “Quanh đời tôi lúc nào cũng có hoa, luôn luôn có hoa ở cùng tôi". Chính câu nói này đã tiết lộ hoa và vẻ đẹp của thiên nhiên chính là nhựa sống và hy vọng cuộc đời, cũng như cảm hứng sáng tạo cho Monet. Do đó ta không có gì phải ngạc nhiên khi khu vườn của ông quả thực đẹp không khác gì những cảnh sắc của thế giới cổ tích.
Nhiều nguồn tài liệu đã khẳng định rằng ngay khi còn sống Monet đã dành gần như toàn bộ thời gian của ông cho khu vườn trong trang viên tại Giverny. Khu vườn luôn rực rỡ trong ánh sáng của mặt trời, lóng lánh mặt nước thơ mộng, và trên cả là những bông hoa tuyệt đẹp như hoa hồng, oải hương, tulip, hoa súng và cả những loài hoa hiếm lạ khác.
Mà quả thật nếu Monet không dành cả đời sống bên hoa thì thật khó để ta có thể tưởng tượng làm cách nào ông có thể theo dõi, có thể hoạ lại sống động những sắc thái trong lành đến thế của hoa.
Nhưng tại sao Monet lại chọn những sinh linh nhỏ bé như hoa làm chủ để sáng tác? Trong khi thế kỷ 17 đến 18 vẫn là thời kỳ mà con người còn ưa thích những chủ đề lớn lao về tôn giáo, chiến tranh, người anh hùng và họ không mấy thích thú với đề tài phong cảnh. Lời đáp cho việc lựa chọn này có lẽ vì chất thơ đầy bi kịch trong cuộc đời Monet.
Người hoạ sĩ có tầng lớp quý tộc này đã từng vượt qua bao rào cản cấp bậc xã hội để yêu nàng Camille Doncieux vốn có xuất thân thấp hơn ông.
Camille Doncieux and her son
Song tiếc thay dẫu về sau Moent và nàng Camille có may mắn trở thành vợ chồng, thì cuối cùng nàng cũng ra đi khi còn rất trẻ. Để rồi sự thương tiếc khôn nguôi với người yêu đã khiến Monet dùng hết cuộc đời mình nhằm tán dương vẻ đẹp mong manh của nàng, để so sánh nàng với nhan sắc bầu trời thiên thanh hay những bông hoa đẹp nhất.
Giờ đây sau bao “bãi bể nương dâu", có lẽ tất cả những gì chúng ta có thể làm là cùng nhau ngắm nhìn những tấm ảnh và cả những bức tranh của Monet để có thể hiểu được thêm phần nào vẻ đẹp tinh khiết nơi tình yêu cuộc sống của ông.
Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist
Kommentare