top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Hồ sơ Pandora gây chấn động với 11,9 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính toàn cầu


Chiếc hộp Pandora trong thần thoại Hy Lạp là tên chiếc hộp kì bí, khi mở ra thì những điều bất hạnh được cất giấu trong chiếc hộp đó đã tràn ngập khắp thế gian. Với ý nghĩa là một chiếc hộp chứa đựng những bí mật đen tối, xấu xa, người ta đã đặt cho vụ rò rỉ dữ liệu tài chính lớn nhất thế giới, vừa được công bố vào đêm qua theo giờ Việt Nam (ngày 3/10/2021) là "Hồ sơ Pandora".


"Hồ sơ Pandora" đã tiết lộ 11,9 triệu tài liệu, với 2,94 terabyte dữ liệu, của 14 công ty dịch vụ tài chính trên khắp thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), hồ sơ này gồm lượng lớn các dữ liệu, tài liệu, ảnh, emails hay âm thanh, video. Nó cũng đã tiết lộ những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tỷ phú và những người nổi tiếng tại các "thiên đường thuế" như Quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Cộng hòa Síp, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Singapore, hay cả Mỹ. Theo ông Gerard Ryle, Giám đốc Hiệp hội nhà báo điều tra quốc tế nhận định “Hồ sơ Pandora” đã lần đầu tiên đã chỉ ra rằng nước Mỹ thực ra cũng chính là một thiên đường thuế. "Hồ sơ Pandora" đã thu thập thông tin về hơn 27 nghìn công ty.



Trong “Hồ sơ Pandora”, vấn đề tài chính bị che giấu của khoảng 35 lãnh đạo và cựu lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới, hơn 300 quan chức nhà nước và 100 tỷ phú thế giới đã được phanh phui. Trong danh sách được tiết lộ có nữ ca sĩ Shakira người Colombia, siêu mẫu người Đức Claudia Schiffer và huyền thoại cricket Ấn Độ Sachin Tendulkar. Các chính trị gia, nhà lãnh đạo thế giới như Vua Jordan Abdullah II bin Al-Hussein, vợ chồng cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và vợ Cherie Blair, hay Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, Thủ tướng Czech Andrej Babis, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã được nhắc tới trong Hồ sơ Pandora. Ngoài ra, trong giới kinh doanh, những cái tên có trong hồ sơ này có thể kể đến 2 tài phiệt là Erman Ilicak và Robert T. Brockman, cựu CEO của công ty sản xuất phần mềm Reynolds & Reynolds.


Hồ sơ này còn chỉ ra rằng các nhân vật trong đó còn sở hữu các tòa cao ốc văn phòng, lâu đài với trị giá lên đến hơn 500 triệu USD. Máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Banksy cũng nằm trong số tài sản của những nhân vật này. Theo "Hồ sơ Pandora", những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống "thiên đường thuế" ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác. Tờ Người bảo vệ của Anh nhấn mạnh, dữ liệu của Pandora tiết lộ hoạt động ngầm của thế giới tài chính, giúp nhìn rõ các hoạt động bí mật của nền kinh tế ngoại biên toàn cầu - đã và đang giúp nhiều người giàu nhất thế giới che giấu tài sản và trong một số trường hợp phải đóng ít hoặc không phải đóng thuế.



“Hồ sơ Pandora” có lượng dữ liệu lớn hơn nhiều so với các vụ việc trước như “Hồ sơ Panama” hay “Hồ sơ Paradise”. “Hồ sơ Panama” được công bố vào tháng 4/2016. Hồ sơ này gồm 11,5 triệu tài liệu, hoặc 2,6 terabyte dữ liệu. Nó được một nguồn tin giấu tên cung cấp cho một tờ báo Đức. Tờ báo này sau khi nhận được tài liệu đã chia sẻ với Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế. 1 năm rưỡi sau đó, tháng 11/2017, “Hồ sơ Paradise” được công bố. Nó gồm 13,4 triệu tài liệu, tức là 1.4 terabytes dữ liệu. Các tài liệu phanh phui các câu chuyện về những tài khoản giữ tiền của những tập đoàn lớn, những người nổi tiếng, giàu có nhất thế giới tại nước ngoài - nơi mà hầu hết Chính phủ các nước không thể "can thiệp."


Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) không tiết lộ nguồn tin cung cấp những tài liệu này. Trong khi đó, họ đã chia sẻ quyền truy cập các dữ liệu bị rò rỉ này với một số đối tác truyền thông bao gồm Guardian, BBC Panorama, Le Monde hay Washington Post. Hơn 600 nhà báo đã tham gia phân tích các tệp dữ liệu này trong một cuộc điều tra quy mô toàn cầu.


Để phân tích lượng dữ liệu khổng lồ trên, cũng như giúp các phóng viên khám phá mối liên hệ giữa mọi người và công ty giữa các nhà cung cấp, ICIJ đã phải sử dụng nhiều phương thức. Đối với các tệp PDF hoặc tài liệu, ICIJ đã sử dụng các ngôn ngữ lập trình như Python để tự động hóa việc trích xuất và cấu trúc dữ liệu nhiều nhất có thể. Trong những tệp dữ liệu phức tạp hơn, ICIJ đã sử dụng học máy (machine learning) và các công cụ khác, bao gồm phần mềm Fonduer và Scikit-learning. ICIJ cũng phải sử dụng các nền tảng đồ họa (Neo4J và Linkurious) để tạo hình ảnh trực quan và làm cho chúng có thể tìm kiếm được.


Hà Nguyễn tổng hợp

Comentários


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page