Hậu streetwear, đâu là định hướng tương lai của địa hạt thời trang phái mạnh? [Kỳ 1]
Cùng với sự thoái trào của streetwear, nền thời trang bắt đầu trở lại với vòng lặp luân hồi để tìm kiếm xu hướng mới từ những điều nguyên sơ, cơ bản nhất. Từ đó hình thành nên hai xu hướng “tuy lạ mà quen” hiện nay: may đo hiện đại (neo-tailoring) và thời trang phi giới tính.
Streetwear đã làm thay đổi cục diện nền thời trang như thế nào?
Giai đoạn từ năm 2016 có thể xem là cuộc cách mạng thời trang đương đại, khi mà cả địa hạt thời trang bất ngờ trước sự lên ngôi mạnh mẽ của xu hướng trang phục streetwear. Ngôi vương của thời trang đường phố ngày càng được củng cố vững chắc thêm nhờ tốc độ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội.
Các thiết kế trang phục vốn đã quá đỗi quen thuộc với các tín đồ thời trang từ trước đến nay như áo hoodie, mũ lưỡi trai, áo thun, giày sneakers… trở thành niềm khao khát của các “hypebeast” nhờ dấu ấn độc quyền từ thương hiệu. Họ sẵn sàng chi trả mức giá rất cao chỉ để sỡ hữu các món đồ có logo thương hiệu to bản hoặc in họa tiết đặc trưng của thương hiệu. Không ngoa khi cho rằng sức hút mãnh liệt của streetwear không chỉ nằm ở tính đa dụng của trang phục mà còn nằm ở mức độ nhận diện thương hiệu cũng như giá trị của sự độc bản. Vì độc quyền thường đi đôi với hiếm hoi nên càng kích thích tâm lý khao khát được sở hữu của các tín đồ hàng hiệu hơn.
Hình hài mới của streetwear hậu thoái trào
Không đứng ngoài sân chơi “béo bở” ấy, những “gã khổng lồ” của làng mốt xa xỉ thế giới cũng đã bắt đầu lấn sân vào đường đua streetwear đầy hứa hẹn. Năm 2017, màn bắt tay giữa một nhà mốt cao cấp Louis Vuitton, dưới sự dẫn dắt của NTK Kim Jones, và thương hiệu thời trang đường phố Supreme đã tạo nên cơn “dư chấn” lớn trong ngành thời trang lúc bấy giờ. Và tất nhiên, tất cả các sản phẩm khi được bày bán đều “cháy hàng” nhanh chóng. Màn hợp tác đỉnh cao đến từ một ngôi nhà thời trang xa xỉ, có tuổi đời 167 tuổi, với một thương hiệu thời trang đường phố bình dân trẻ đã mở ra cánh cửa cơ hội thúc đẩy thế thượng phong của xu hướng thời trang may đo hiện đại (neo-tailoring).
Sau thời đại của Kim Jones, NTK Virgil Abloh mang hoài bão xây dựng đế chế thời trang streetwear hùng mạnh để tiếp tục viết nên câu chuyện thời trang của mình tại nhà mốt Louis Vuitton tên tuổi. Bằng tất cả thế mạnh vốn có về streetwear, anh mang làn gió đổi mới, năng động, trẻ trung hơn vào các thiết kế đã quá đỗi già cỗi của Louis Vuitton để phù hợp với thị hiếu của gen Z. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Giám đốc Nghệ thuật mảng thời trang nam đương nhiệm của Louis Vuitton bất ngờ tuyên bố đã đến lúc “khai tử” định hướng streetwear. Điều khiến giới mộ điệu bất ngờ ở đây là vì lý do gì mà một tín đồ trung thành của streetwear như Virgil Abloh lại thẳng thừng từ bỏ dễ dàng như vậy. Ngay sau đó, các BST của nhà mốt Pháp không còn bóng dáng của streetwear mà thay vào đó là hình hài mới mẻ của streetwear pha trộn với dòng tailoring vô cùng hiện đại.
Không chỉ có Virgil Abloh, tại Dior Men, NTK Kim Jones, tiếp tục mang tinh thần vị lai của neo-tailoring vào các thiết kế dành cho nam giới. Bên cạnh khả năng vận dụng tài tình kỹ thuật may đo dòng thời trang nam giới, NTK người Anh còn mang sắc màu nghệ thuật, vốn được xem là huyết mạch của nền thời trang Pháp từ bao thế kỷ qua, vào các thiết kế trang phục của mình thông qua việc hợp tác với các nghệ sĩ cũng như chấm phá nét điệu đà, sang trọng được kế thừa từ di sản Haute Couture lừng lẫy dành cho nữ giới của nhà mốt. Điển hình nhất là các thiết kế đồ tailoring cách tân với phom dáng mềm mại, sắc sảo, vừa toát lên dấu ấn khác biệt của Kim Jones vừa giữ được tinh thần thời trang vốn có của nhà mốt.
Vài năm trở lại đây, xu hướng neo-tailoring, pha trộn giữa dòng tailoring cổ điển và streetwear thời thượng, đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhà thiết kế trẻ, nhiều thương hiệu thời trang danh tiếng. Trong đó phải kể đến Balenciaga, Givenchy, Burberry, Valentino…